Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
17:46 (GMT +7)

Vỉa hè – bộ mặt cảnh quan đô thị

VNTN - Ở bất kỳ thành phố nào, không gian vỉa hè cũng luôn được coi là một phần bộ mặt cảnh quan đô thị, là nơi thể hiện rõ trật tự đô thị và trình độ văn minh phát triển của một thành phố.

Bên cạnh chức năng chính là không gian đi bộ, vỉa hè còn là không gian của cây xanh, thảm cỏ, là nơi lắp đặt các thiết bị đường phố như đèn chiếu sáng, thùng rác… Không gian ấy là một phần nơi chốn sinh hoạt đô thị, hoạt động kinh tế, và trong điều kiện thành phố cũng không tránh khỏi chức năng là nơi… đậu xe máy. Riêng đối với những hoạt động kinh tế nhỏ trên vỉa hè, hình thức này cung cấp được cho người dân các sản phẩm (thức ăn, nước uống, sách báo, vé số…), dịch vụ (đánh giày, vá xe…) một cách tiện lợi, giá rẻ. Bản thân người bán buôn ở vỉa hè cũng tự giải quyết việc làm cho chính họ và thêm một vài người phụ việc nữa. Ở khía cạnh nào đó, hoạt động kinh tế vỉa hè cũng góp phần giải quyết một phần những vấn đề của nền kinh tế mà chính quyền có thể khó giải quyết được.

Nhưng làm thế nào để định hướng những chức năng và hoạt động của vỉa hè theo đúng hướng, đúng khu vực, tạo được một trật tự vỉa hè vừa đa dạng những hoạt động đô thị, thể hiện đặc trưng của các khu vực đô thị, vừa phù hợp với sự phát triển và văn minh đô thị?

Trong thời gian qua, thành phố Thái Nguyên đã thực hiện việc nâng cấp hệ thống giao thông đô thị trong đó yếu tố vỉa hè được đặt làm trọng tâm. Tuy nhiên dường như việc nâng cấp đó chủ yếu tập trung vào các giải pháp kỹ thuật chứ không chú trọng vào vấn đề thẩm mỹ, cảnh quan đô thị. Vẫn còn rất thiếu các đồ án thiết kế đô thị, cảnh quan tuyến phố... Để có thể tìm được một trật tự đô thị ở không gian vỉa hè, rõ ràng cần có những giải pháp cụ thể từ việc bố trí sử dụng hợp lý vỉa hè. Là một phần của cơ thể đô thị, nên việc “chữa trị”, “phục hồi chức năng” cho vỉa hè ắt hẳn phải gắn liền với việc duy trì, xây dựng một cơ thể đô thị khỏe mạnh; cân bằng hài hòa giữa đời sống thực tế và mục tiêu phát triển đô thị.

 

Không gian vỉa hè đẹp vẫn là mong ước của những người làm quy hoạch - kiến trúc Thái Nguyên

Nên chăng, cần có quy hoạch phân loại các khu vực vỉa hè trong đô thị: có khu vực vỉa hè tuyệt đối không cho phép buôn bán lấn chiếm; ưu tiên hoàn toàn cho bộ hành và cây xanh, cảnh quan; có khu vực vỉa hè cho phép bố trí hoạt động kinh tế nhỏ (như quầy sách báo, điểm vá xe, nơi bán hàng rong…), đậu xe máy và có thể cả ô tô (trường hợp vỉa hè lớn) với quy định và hướng dẫn rõ ràng về tổ chức mặt bằng, không gian và cả quy chế về kinh tế, tài chính (thuế, phí sử dụng vỉa hè…). Đối với những tuyến phố đặc biệt như phố đi bộ, “kinh tế vỉa hè” lại có thể cần được khuyến khích một cách có quy hoạch, có kiểm soát, xem đó như là hỗ trợ cho cư dân thành thị mưu sinh, giúp xây dựng bản sắc tuyến phố, tạo bộ mặt sinh động cho đô thị, thậm chí còn trở thành một “đặc sản” cho du lịch. Đối với các dãy nhà phố hiện hữu dọc theo các trục đường, trước mắt có thể tiến hành chỉnh trang mặt tiền cho đồng bộ về đường nét và màu sắc; với các dãy phố có vỉa hè nhỏ hoặc không có vỉa hè, có thể mở một hành lang đi bộ nằm ngay mặt tiền tại tầng trệt của các dãy phố này (phần không gian kiến trúc trên tầng chủ nhà vẫn sử dụng) đồng thời với cải tạo mặt đứng.

Tuy nhiên, việc phát triển các loại hình và quy mô “kinh tế vỉa hè” cần được quy hoạch cụ thể, căn cứ trên đặc trưng tuyến phố và nhu cầu đô thị. Chẳng hạn như có thể quy định những vị trí có thể cho phép có quầy sách báo, chỗ bơm vá xe, quầy thức ăn nhẹ như xe bánh mì, xôi…, phạm vi của những hoạt động này gắn với khu vực đậu xe, chờ xe..., và luôn đảm bảo sự liên tục, thông suốt của luồng bộ hành.

Với thực trạng của đô thị thành phố Thái Nguyên, chúng ta có thể áp dụng một số giải pháp trước mắt.

Một là về vỉa hè ưu tiên bộ hành, cảnh quan. Các loại vỉa hè này chủ yếu ở khu vực hành chính, cơ quan văn phòng…, thường chạy dọc theo tường, rào các khu đất lớn. Những hành vi buôn bán, lấn chiếm vỉa hè cần nghiêm cấm và xử phạt triệt để. Mặt khác cần nghiên cứu tổ chức các mảng xanh thay cho một phần gạch lát để góp phần cải thiện mỹ quan đô thị, gia tăng bề mặt thấm nước mưa, đồng thời đóng vai trò cách li luồng bộ hành với giao thông dưới lòng đường (hạn chế tình trạng xe máy leo lên lề và người đi bộ băng qua đường không đúng vị trí). Giải pháp này có thể áp dụng cho một số tuyến đường như: Đường Nha Trang, đường Nguyễn Du, đường Quyết Tiến, đường Đội Cấn, đường Hùng Vương... Ở một số đoạn vỉa hè có chiều rộng lớn, còn có thể nghiên cứu cắt vào một phần (xen giữa các vị trí cây xanh) để bố trí chỗ đậu ô tô có thu phí, góp phần giải quyết nhu cầu đậu xe của người dân một cách có trật tự, hạn chế tình trạng đậu xe dưới lòng đường gây mất diện tích mặt đường, xung đột lưu thông các phương tiện.

Thứ nữa là vỉa hè cho phép sử dụng các hoạt động khác ở mức độ có kiểm soát. Đối với các khu phố thương mại - dịch vụ như đường Hoàng Văn Thụ, Lương Ngọc Quyến..., trong điều kiện hiện nay thì nhu cầu sử dụng vỉa hè cho một phần hoạt động kinh tế và chỗ đậu xe (chủ yếu là xe máy) là thực tế không thể tránh khỏi. Cần có những giải pháp kết hợp đồng bộ cho cả vỉa hè và các dãy phố cửa hàng. Việc lập lại trật tự đối với tình trạng xe máy tùy tiện đi lên vỉa hè ở bất cứ chỗ nào là rất cần thiết. Trước đây, vỉa hè bó vỉa từ dạng thiết kế vuông - thẳng đứng, nay được chuyển sang kiểu vát xéo như một cách “hợp thức hóa” tình trạng người dân tự làm các kiểu ram dốc (bằng sắt, gạch, bê tông…) để cho xe lên lề. Vì thế cần nghiên cứu theo hướng không gian vỉa hè là không gian công cộng, được chia sẻ sử dụng chung trên đoạn phố, kể cả đối với nơi đậu xe và lối lên xuống xe máy. Từ đó, có quy hoạch cụ thể từng khu vực đậu xe máy dùng chung cho một đoạn phố, tương ứng với một số điểm lên xuống xe máy nhất định. Phần đậu xe máy có thể nghiên cứu ở những đoạn giữa các cây xanh lớn, để dành phần vỉa hè liên tục bên trong cho luồng bộ hành, tiếp cận với các cửa hàng; phần vỉa hè không cho phép lên xuống bố trí dải xanh hẹp và bó vỉa thẳng đứng để cách li, ngăn cách xe và người tiếp cận tùy tiện với đường giao thông. Có thể thêm một dãy đậu xe máy sát ngay mặt tiền các khu vực cửa hàng có vỉa hè lớn. Đối với một số khu vực có vỉa hè lớn nhưng nhu cầu đi bộ không nhiều, lòng đường hạn chế và có nhu cầu đậu ô tô, có thể cắt một phần vỉa hè để bố trí hàng đậu ô tô (và xe máy).

Thành phố Thái Nguyên đang hướng đến một thành phố phát triển bền vững, hiện đại, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch, dịch vụ của tỉnh Thái Nguyên và vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, và là một cực phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội. Việc tổ chức không gian vỉa hè là đúng đắn, tuy nhiên bên cạnh đó cần có những giải pháp cụ thể, những cuộc thi về các “tiểu đồ án” thiết kế cảnh quan đô thị..., nhằm xây dựng bộ mặt đô thị thành phố Thái Nguyên xứng tầm và bền vững.

KTS. Nguyễn Trọng Hà

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy