Vấn đề là thành kiến
Nữ nhà văn Mỹ Kate Chopin sinh năm 1850 tại bang Missouri, Mỹ và mất năm 1904 cũng ở đó. Bà là nhà văn, nhà nữ quyền. Bằng văn chương, bà miêu tả sự bất bình đẳng giới, bênh vực cho phụ nữ, đòi bình đẳng giới và đòi giải phóng họ. Tác phẩm lớn nhất của bà là cuốn tiểu thuyết The Awakening (Tỉnh thức) (1899), cùng hàng loạt các truyện ngắn khác. Tác phẩm của bà có lúc bị lãng quên nhưng đến nửa đầu thế kỷ XX, chúng được đọc lại, được đánh giá cao, được dịch ra hàng chục thứ tiếng trên thế giới. Chopin được cho là nhà văn quan trọng trong văn học Mỹ hiện đại.
Bà Carambeau muốn được hiểu rõ là bà sẽ không bị bực dọc về tiệc sinh nhật của Gustave. Người ta kéo chiếc xích đu lớn từ phía sau phòng nhỏ ra cho bà. Bà ngồi trông ra vườn, nơi có bọn trẻ đang đùa chơi. Chỗ bà ngồi đối diện với bờ cỏ của con sông Mississippi đang chảy dạt dào.
Căn nhà của bà là một căn nhà kiểu Tây Ban Nha cổ. Nó thấp nhưng rộng, có một phòng nhỏ dài bao quanh và nằm ở phía dưới khu người Pháp ở New Orleans. Căn nhà nằm trên một khu đất bằng phẳng, có cây cối, hoa lá bán nhiệt đới bao phủ. Hàng rào cao, với các cọc sắt nhọn đáng sợ của ngôi nhà ngăn không cho người qua đường tò mò nhìn vào.
Cô con gái góa phụ Cécile Ladonde của bà sống với bà. Tiệc sinh nhật hàng năm của cậu con trai bé nhỏ của cô là Gustave là một nỗi bực bội cho cô. Cô cố chấp, và điều đó làm cho chính cô, người quen biết và mẹ cô kinh ngạc.
Bà Carambeau là người có nhiều thành kiến, nhiều đến nỗi người ta khó mà gọi tên ra hết. Bà ghét chó, mèo, người chơi đàn thùng, đày tớ da trắng và tiếng ồn của trẻ con. Bà khinh người Mỹ, người Đức và tất cả những ai có tín ngưỡng khác với bà. Bất cứ thứ gì mà Pháp không có, theo bà, là không nên tồn tại.
Đã 10 năm, bà không nói chuyện với con trai Henri của bà vì anh đã cưới một cô gái Mỹ ở đường Prytania. Bà không cho phép đem trà xanh vào nhà bà, bà không thích những ai không thể hoặc không muốn uống nước pha bông nguyệt quế.
Tuy nhiên, bọn trẻ khá được thoải mái và những người chơi đàn thùng cũng được như vậy. Trong góc phòng của mình, bà già về hưu có thể nghe được tiếng cười, tiếng la thét và tiếng nhạc, dù bà không thích mấy. Bà đong đưa ghế xích đu và ậm ừ hát bài Partant pour la Syrie (Ra đi vì Syrie).
Bà có dáng người mảnh mai. Tóc bà trắng và bà để hai lọn tóc xõa xuống hai thái dương. Da bà sáng, đôi mắt xanh và lạnh lùng.
Bỗng bà nghe có tiếng bước chân đi lại gần để quấy rối bà. Không chỉ là tiếng bước chân mà còn có tiếng la thét. Đó là âm thanh của hai đứa bé, đứa trước đứa sau, bước tới góc phòng nơi bà đang ngồi.
Đứa bé đi trước là một cô bé dễ thương, ào vào lòng bà, lấy hai tay quàng cổ bà. Đứa bé còn lại chạm nhẹ vào bà và nghịch ngợm bỏ chạy.
Đứa bé ngồi quặn quẹo trong lòng bà, như là bản năng mà không nói “Cảm ơn” hay “Xin bà cho phép”. Nhưng cô bé đã không hỏi như vậy. Bà ngồi run rẩy, lập cập như một con chim đang sợ hãi.
Bà rất giận. Bà đẩy cô bé ra và mắng cô nặng lời vì đã tự tiện và mất lịch sự. Cô bé không hiểu tiếng Pháp, do đó không bực bội vì lời mắng, vẫn ngồi trong lòng bà. Cô tựa cái má ửng hồng vào chiếc áo vải len xốp nhẹ của bà.
Má cô bé rất hồng và thanh. Hai tay bé cũng vậy. Cô thở nhanh và lạ thường. Bà Carambeau không còn quan tâm tới sự bực dọc của mình nữa.
Dù là người có nhiều thành kiến nhưng bà là một y tá có nghề, am hiểu tất cả các vấn đề liên quan tới sức khỏe. Bà tự hào về điều này và không bao giờ bỏ qua các cơ hội để thực hành nó. Bà cư xử với một người chơi đàn thùng dịu dàng nếu anh ta là người tàn tật.
Tâm trạng bà biến đổi nhanh chóng. Bà chỉnh tay và lòng mình để chúng trở thành nơi nghỉ ngơi an lành. Bà đong đưa đứa bé. Bà lấy chiếc quạt lá cọ quạt nhẹ cho nó và hát bài Ra đi vì Syrie bằng giọng nhỏ nhẹ.
Cô bé nằm im và nói bi bô câu gì đó bà không hiểu. Mắt cô bé lim dim và cô nhanh chóng ngủ trong lòng bà.
Khi cô bé đã ngủ, bà Carambeau ẵm nó dậy và bước nhanh vào căn phòng có cửa trông ra phòng dài. Căn phòng rộng, thoáng đãng, nền trải thảm và có các vật dụng bằng gỗ gụ. Bà vẫn ẵm đứa bé trong tay và kéo chuông. Sau đó, bà đứng chờ, tay đòng đưa đứa bé. Một phụ nữ da đen già đi tới. Tai bà đeo vòng, đầu quấn khăn.
“Louis, dọn giường”, bà ra lệnh. “Đặt một cái gối nhỏ, mềm xuống dưới cái gối dài. Đây là đứa bé tội nghiệp. Chúa dẫn nó vào tay tôi”. Bà nhẹ nhàng đặt đứa bé xuống.
“Hà, người Mỹ! Họ có xứng đáng để có con không? Họ đã lơ là con cái!”, bà nói sau khi bà Louise trệu trạo nói gì đó bằng thổ ngữ mà người không quen nghe sẽ chẳng hiểu.
“Chị Louise, chị nhìn này. Nó bị sốt”, bà nhận xét. “Nó đã kiệt sức. Chị cởi áo lót nó ra khi tôi nhấc nó lên. Hà, cha mẹ nó là người ra sao? Họ ngu xuẩn, không biết là nó bị sốt nên cho nó ăn mặc như con khỉ để đi nhảy theo nhạc của trống thùng”.
“Chị Louise, làm ơn cởi giày nó ra! Họ cho nó mang đôi giày như giày của sĩ quan kỵ binh”. Bà yêu cầu phải nhẹ tay khi chăm sóc đứa bé. “Giờ chị đến gặp Cécile và nói nó đưa cho tôi một cái áo ngủ nhẹ, mỏng và mềm là loại mà thằng Gustave dùng hai mùa hè trước”.
Khi người phụ nữ da đen đã đi, bà pha một bình nước hoa cam và pha vào đó thuốc an thần để lau chùi cho đứa bé bị bệnh.
Cô Lalonde tự tay cầm chiếc áo ngủ nhẹ, cũ kỹ. Cô là người phụ nữ nhỏ bé, tròn trịa, xinh đẹp, tóc vàng, có phong cách hay phản đối và yếu đuối. Cô có phần đau khổ trước cách cư xử của mẹ cô.
“Nhưng mẹ ơi! Ba mẹ nó sẽ cho xe ngựa tới đón nó. Thật không chịu nổi! Ô em bé ơi!”.
Khi nói với mẹ mình, cô phải thận trọng vì lời nói của cô ít nhất phải làm cho bà ngạc nhiên hoặc ít ra là thuyết phục được bà ấy. Cô Lalonde không có khả năng ăn nói sao cho mẹ mình hoặc là ngạc nhiên hoặc là bị thuyết phục.
“Ừ, ở đây đứa bé sẽ được an toàn”, bà cụ nói, tay với ra lấy chiếc áo trên đôi tay run run của con gái mình.
“Nhưng mẹ ơi! Con biết nói sao khi người ta đến?”.
“Đó là việc của con!”, bà dửng dưng nói. “Điều mẹ quan tâm là đứa bé bị bệnh đã chạy đến với mẹ. Mẹ biết nghĩa vụ của mẹ lúc đó là gì, Cécile à!”.
Đúng như cô Lalonde dự đoán, xe ngựa đã tới, với người đánh xe là một người Anh và một cô hầu gái Ailen má đỏ ngồi bên cạnh. Bà cụ không muốn cho cô hầu nhìn thấy đứa bé. Bà có thành kiến là giọng Ailen sẽ làm đứa bé bệnh nặng thêm. Cô Lalonde đưa cho cô hầu gái một lá thư. Lá thư này hẳn làm hài lòng cha mẹ đứa bé, nói là nó đang được bà Carambeau chăm sóc cẩn thận. Cô bé là một đứa bé ngọt ngào, tử tế, tình cảm. Dù cô bé khóc quấy đòi mẹ nhưng nói chung cô bé ngoan ngoãn trong vòng tay bà Carambeau. Cơn sốt không nặng lắm và sau hai ngày, cô bé có thể về với ba mẹ nó.
Bà cụ dù có nhiều năm chăm sóc người bệnh nhưng chưa bao giờ gặp một cô bé Mỹ khó chịu như thế này. Nhưng sau khi cô bé về nhà với cha mẹ, bà chẳng thấy có gì khó chịu, ngoại trừ sự hiện hữu kém may mắn trên đời của cô bé và việc cô bé không biết tiếng Pháp mà lỗi không phải của nó.
Nhưng cánh tay âu yếm, thân thể mềm mại, giọng nói, đôi mắt và đôi môi ấm nồng của cô bé khi nó hôn bà cùng niềm tin của nó rằng, bà không khác mẹ nó đã chạm vào trái tim và vào đáy của sự thành kiến của bà.
Bà thường bước dọc theo phòng dài, nhìn ra con sông rộng, oai vệ. Thi thoảng bà dạo trong khu vườn yên ắng, như một khu rừng nhiệt đới. Khi đó, một hạt giống đã nảy nở trong linh hồn bà. Chính cô bé vô tư đã gieo nó.
Hạt giống này thoạt tiên nảy mầm Nghi ngờ. Bà ngắt nó đi vài ba lần. Nhưng nó lại mọc lên sự Bất tín và sự Không hài lòng. Sau đó, từ trong tim của hạt giống và giữa các mầm Nghi ngờ, Sự thật ra hoa. Hoa rất đẹp, nở ngay vào sáng Giáng sinh.
Khi bà Carambeau và con gái đang chuẩn bị lên xe ngựa đến nhà thờ sáng Giáng sinh hôm đó, bà cụ dừng lại, ra lệnh cho người đánh xe là anh Françoise. Anh Françoise đã nhiều năm đánh xe chở họ đến nhà thờ Pháp vào mỗi Chủ nhật. Anh không nhớ là đã bao nhiêu năm nhưng anh bắt đầu làm điều đó khi anh mới vào nghề và khi cô Lalonde còn là một cô bé.
Anh ngạc nhiên khi nghe bà cụ nói, “Françoise, hôm nay anh chở tụi tôi đến một nhà thờ Mỹ”.
“Dạ vâng ạ!”, anh đánh xe da đen lắp bắp, ngỡ là mình nghe nhầm.
“Tôi nói là anh chở tụi tôi đến một nhà thờ Mỹ, nhà thờ nào cũng được”, bà cụ khoát tay nói thêm, “Tôi nghĩ chúng giống nhau”, và bà gọi con gái lên xe.
Cô Lalonde ngạc nhiên và giận dỗi thấy rõ. Mẹ cô đã tước mất quyền được trao đổi và làm như thể cô dám bàn cãi.
Trong sự ngạc nhiên, Françoise đánh xe đến nhà thờ St Patrick trên đường Camp. Cô Lalonde như con cá ra khỏi nước khi cô đi vào nhà thờ. Trong khi đó, bà Carambeau trông như thể bà đã đi lễ nhà thờ này cả đời rồi. Bà ngồi điềm tĩnh trong suốt buổi lễ, lắng nghe bài giảng dài bằng tiếng Anh mà bà không hiểu.
Khi buổi lễ misa kết thúc, họ trở lại chiếc xe ngựa. Bà Carambeau quay sang anh đánh xe như trước lúc khởi hành.
“Françoise”, bà lạnh lùng nói. “Chở chúng tôi đến khu phố của con trai Henri Carambeau của tôi. Cô Cécile sẽ chỉ đường cho anh!”, bà nói và sắc lẻm liếc con gái, làm chị phải chớp mắt.
Vâng, con gái bà và anh Françoise biết đường đi. Họ đi đến đại lộ St Charles, nằm khá xa. Khu phố xa lạ với bà vì bà chưa từng đến khu phố Mỹ này kể từ khi nó thành hình và phát triển.
Buổi sáng thật thanh tịnh, hoa hồng nở rộ. Chúng không giấu mình sau các cọc nhọn hàng rào. Bà cụ không để ý tới chúng và hàng phố xinh đẹp nằm hai bên đại lộ. Bà đưa lọ muối ngửi vào lỗ mũi, làm như thể bà đang đi qua một khu phố vô vị nhất của vùng New Orleans.
Ngôi nhà của anh Henri đẹp và hiện đại, nằm cách xa con đường. Có một bãi cỏ được chăm sóc cẩn thận bao quanh ngôi nhà. Các quý bà xuống xe, giật chuông và đứng trên vỉa hè chờ cái cổng sắt được mở ra.
Một cô hầu da trắng ra chào đón họ. Bà cụ dường như không quan tâm. Bà đưa cho cô ta một tấm danh thiếp một cách lịch lãm và cùng con gái đi vào nhà.
Không thấy có dấu hiệu của sự yếu đuối, ngay khi con trai của bà là anh Henri đến ôm bà, khóc và gục đầu vào bà, như một người vùng Creole đầy nhiệt tâm. Anh cao to, đẹp trai, vẻ mặt chân thành, mắt nâu như mắt cha anh còn miệng thì mím chặt như miệng mẹ anh.
Cô Lalonde đi đến, với gương mặt hạnh phúc, tươi tắn. Chị bồng đứa con gái nhỏ trên tay. Cô bé là “một em bé Mỹ” mà bà Carambeau đã chăm sóc một tháng trước và không hề nghĩ nó là cháu mình!
“Cơn sốt đã qua! Thật là một tai nạn!”, cô Lalonde chậc lưỡi.
“Cécile! Đó không phải là tai nạn. Đó là ý Chúa!”, bà Carambeau khẳng định và không ai phủ nhận.
Họ đi xe ngựa cùng nhau đến ăn mừng Giáng sinh trong ngôi nhà cổ ven sông. Bà Carambeau ôm đứa bé trong lòng; anh Henri ngồi đối diện với bà, bên cạnh bà là con dâu.
Anh Henri ngồi ở cuối xe và không nói năng gì. Anh mừng vui đến mức không nói được. Anh đang nghĩ về ngôi nhà nơi anh sinh ra, sau 10 năm cách xa.
Anh sẽ được lắng nghe nước sông vỗ bờ bằng những âm thanh anh không quên. Anh sẽ được ngồi dưới cái bóng ngọt ngào và tĩnh lặng của ngôi nhà, được lang thang trong khu vườn hoang đầy cỏ cây, tịch mịch, nơi anh đã chơi những trò tinh nghịch và mơ những giấc mơ thơ ấu. Anh sẽ được nghe mẹ gọi, “Nhóc ơi!”, như trước khi anh phải ra đi vì quyết định chọn vợ để sống cùng. Không! Anh không nói nên lời!
Nhưng vợ anh luôn đùa cợt, bằng tiếng Pháp là thứ tiếng bà cụ phải căng tai để nghe.
“Con xin lỗi, ma mère (Mẹ)”, cô nói, “vì con gái con không nói được tiếng Pháp. Đó không phải lỗi của con, con chắc vậy”. Chị đỏ mặt và ngập ngừng một lát. “Đó... Đó là vì anh Henri không cho phép cháu nói!”.
“Không sao đâu con!”, bà cụ trả lời và kéo đứa bé sát vào lòng mình. “Bà nội nó sẽ dạy nó tiếng Pháp, còn nó thì sẽ hướng dẫn bà nó học tiếng Anh. Con thấy đó, mẹ không có thành kiến. Mẹ không giống con trai mẹ. Henri là thằng bé bướng bỉnh. Có trời mới biết sao nó như vậy”.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...