Trang thơ nhân ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 (2023)
Trương Quang Thứ
Thương lắm Hà Tiên
Với em trai: Liệt sỹ Trương Quang Sinh
Đơn vị: D4, E270, F341.
Anh tìm em ở Hà Tiên
Chốt xưa Thạch Động cỏ lên ngút ngàn
Con đường dẫn đến cửa hang
Khu du lịch mở nhà hàng đua chen.
Người xe tấp nập như nêm
Biển trời đẹp tựa cảnh tiên phiêu bồng
Sắt se một thuở cháy lòng
Nơi đâu em chắn bão giông quân thù?
Lệ nhòe ướt đẫm trang thư
Thương cha mẹ mỏi mòn chờ đăm đăm
Dám đâu kể chuyện gian truân
Bốn bề lửa đạn đảo quần bủa vây.
Các em chốt giữ đất này
Hy sinh như giấc ngủ say nhẹ nhàng
Bao du khách đến tham quan
Biết đâu máu đổ tóc tang một thời...
Chiến tranh qua đã lâu rồi
Máu xương em hóa đất trời Hà Tiên
Bồi hồi anh bước thật êm
Giật mình thương sợi cỏ mềm buốt đau!...
Hoài Khánh
Chiều nghĩa trang Vĩnh Linh
Gió lùa từng đợt vào tim
Thông xanh đội vạn mũi kim lên đầu
Cồn Tiên đâu, Dốc Miếu đâu
Ngổn ngang cát trắng bạc nhàu hoàng hôn?
Thịt xương vùi mặn bãi cồn
Máu loang đỏ tận Trường Sơn, Sài Gòn...
Mắt lòa lặn lội tìm con
Chai sần rờ rẫm nét mòn bia hoa
Cánh cò bay lả bay la
À ơi ! Con vịn tay cha cùng về...
Đỗ Ngọc Tuấn
Tháng Bảy trong như một tấm gương
Chúng tôi hẹn nhau
Ngày tháng Bảy
Những người thương binh già lâu lắm rồi không
còn gài huy hiệu
Chiếc nạng gỗ mòn
Bốn thằng bảy cái chân
Những vòng tay ôm không còn được chặt
Cái tình ùa về
Cái nhớ ùa về
Bao nhiêu cái thương không còn tròn giọng ngọt một màu xanh
Mấy mươi năm qua giữ tròn lời hẹn
Người quê gần quê xa
Bao nhiêu cái tên bao nhiêu giọng nói giờ bấm
không đủ một bàn tay
Xôn xao chìm xuống xót xa phút lặng người
Câu chuyện chốc bùng lên như chớp bom
B52 tọa độ
Những cơn đói rừng những ngày thắng trận
Nơi chỗ bạn nằm nơi cái chết chia nhau
Mơ về ngọn lửa ấm lũy tre làng
Buổi sáng tháng Bảy như một tấm gương soi
Miền đông hay miền tây chiến trường đi từ
miền mười bảy
Ngày về mắt đuôi chim mơ chỉ một đường cày màu nâu đất bạn nằm mầu chát máu mồ hôi
Chiến tranh đi qua như làn gió những thương binh
già dáng đứng vẫn trẻ trung
Tháng Bảy trong như một tấm gương
Có vạn màu xanh hôm nay cùng cánh rừng bom xé
Chúng tôi lại hẹn nhau…
Thi Trà
Trầm tích
Anh đã thành trầm tích dưới đáy sông
Rong rêu cùng phù sa đắp thành nấm mộ
Nước dòng sông in hình Thành Cổ
Sóng dạt dào khúc hát tráng ca!
Anh đã thành bất tử quê ta
Dòng sông lại xanh như cỏ non Thành cổ.
Máu các anh xuôi dòng hòa vào bể
Xương cốt thành trầm tích dưới đáy sông!
Ai đi qua Thạch Hãn nhớ không?
Chỗ nào các anh bơi vượt tuyến?
Mỗi sải tay là một lần nguy hiểm
Vẫn sẵn sàng ẩn bóng vào đêm.
Tám mốt ngày ai nhớ ai quên?
Những đồng đội ai còn ai mất?
Bao chiến sĩ trở thành trầm tích?
Thành bảo tàng lịch sử dưới lòng sông!
Phan Văn Chương
Nghĩa trang Trường Sơn
Những ngôi mộ hình chiếc ba lô
gia tài Tổ quốc máu xương người lính
mười nghìn bình hương
Trường Sơn lửa đổ
rợp rợp quân đoàn
cuộc thánh chiến tử sinh trùng trùng
phần mộ
cát bụi anh hùng
dũng sĩ về đất
bao vỉa quặng tinh thần
muôn đời sau khai quật
triệu triệu ngôi sao băng hà nền trời thế kỉ
chưa tới số tận cùng
vạn cành cây tựa nòng súng biên cương
vẫn gác lên mặt trời bộc phá
những bó hương không đủ mỗi phần mộ
một cây
nỗi đau sót lại
giữa đồng đội
tôi người lạc ngũ.
Nguyễn Ngọc Hưng
Mênh mang Tháng Bảy
Cây mới hoa vẫn màu hoa cũ
Tiếng ve không thiếu cũng không thừa
Có gì rưng rưng trong mắt nắng
Tháng Bảy này nhớ tháng Bảy xưa...
Tháng Bảy này
Vẫn sớm vẫn trưa
Vẫn cây mít cây cau cây dừa đong đưa
nhịp võng
Đâu tiếng mẹ tiếng bà khe khẽ ru
chuồn chuồn cánh mỏng
Bầy cò trắng bay bay
Chớp trắng cuối chân trời.
Rát cổ “ơi”
Tháng Bảy chẳng vọng lời
Con chim khách im re đậu cành tre
cụt ngọn
Bầy đội mũ đỏm dáng trốn đâu không khoe giọng mê li cho người rơi cả nón
Mấy chàng chích lửa chích than hóa than
bòn lửa bọn
Lặng lẽ lan tím liếm hồng
Phượng vĩ
Đốt
Bằng lăng.
Ngày vẫn nắng
Đêm vẫn trăng
Cam đỏ vàng xanh lập lòe mấy lẻ loi
đom đóm
Cò cưa kí cưa giọng giun dế ru ri
bỗng lên tần thắc thỏm
Đất nước gầy cỏ nghĩa trang cũng ốm
Muôn vạn đề bia
Tháng Bảy có ai về?
Doãn Long
Viết ở cao điểm 468
Cao điểm 468
Xương máu các anh hòa vào làm một
Bát hương chung nghi ngút khói thơm
Các anh nằm đây, trên mảnh đất này
“Lò vôi thế kỉ” nung nấu chí kiên cường
Mấy mươi năm cùng ngày giỗ trận.
Các anh nằm đâu, chênh vênh tọa độ
Mỗi tấc gang có đồng đội liền kề
Chiều Vị Xuyên mặt trời như ráng đỏ
Dòng người thăm, lặng lẽ đốt hương trầm
Họ đi nhẹ, không sợ đau lòng đất
Bước thật êm, khéo chạm chỗ anh nằm.
Chiều biên cương thầm thì trong tiếng gọi
Về thôi các anh...
Non nước đã thanh bình
"Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử"
Vẹn nguyên dáng núi, hình sông.
Nguyễn Minh Sơn
Mẹ
Kính tặng các Bà Mẹ VNAH
Mẹ thường may áo mới cho con
Nhưng mẹ quanh năm áo vá
Những ngày ham vui con đi cùng bạn bè
Vắng con một ngày mẹ đã lo đã nhớ
Các anh con đi đánh giặc không về
Bàn tay mẹ đã mấy lần nhận bằng liệt sỹ
Con lớn lên con lại đi xa
Chỉ còn mình mẹ ở nhà vẫn quanh năm áo vá
Ngày con đi
Mẹ lại ngồi nhai trầu
Miếng trầu đã mấy lần mẹ toan bỏ cơi
nhờ người đi dạm ngõ
Phập phồng mẹ ước có con dâu!
Nước bã trầu từ muôn đời đã đỏ
Đến muôn đời vẫn đỏ thế, khác gì đâu!
Mà sao mẹ nhòa ánh mắt!?
Chúng con đi khắp nẻo miền đất nước
Đến miền quê nào cũng gặp
Những bà mẹ lam lũ tảo tần
Suốt một đời chăm chút cho con
Chăm chút cho niềm hy vọng
Mong manh trong chiến tranh
Tiếng súng chiến tranh đã tắt lâu rồi
nhưng tiếng súng trong tim mẹ mãi còn nhức nhối
Bây giờ đương giữa mùa đông
Gió bấc thổi vẹt chân đê cỏ rối
Biết chiều chiều mẹ vẫn ngóng trông
Đêm đêm đàn con rủ nhau về
Lặng lẽ, âm thầm trong nếp nhà của mẹ
Hong khô từng manh áo vá
Trong lặng thầm… hương khói… đêm đêm…
Đinh Tiến Hải
Đảo Hòn Dấu
Sáng nay
bất tận tiếng chim
ríu rít hoan ca trong khu rừng nguyên sinh
Ở nơi này
khuất sau gương mặt thời gian
hằng đêm tôi mơ thấy
bóng người xưa giong buồm ra khơi
và những tia sáng phản chiếu lên mặt nước
triệu triệu vì sao tinh tú vụt qua
Ở nơi này
bàn chân nào ông cha từng lặn lội
nẻo đường nào phủ trắng sương mai
Hòn Dấu
chứng tích thời gian
nơi sóng biển đẩy thuyền
nơi mắt ngọc soi đường cho những con tàu không số buông neo
Hòn Dấu
đỉnh tháp đèn treo ô cửa mở
người đi xa vạn dặm chưa về
con sóng trắng vỗ vào ghềnh đá
hoa đại già thơm trong gió khuya.
Đinh Hạ
Bàn thờ treo chiếc bình tông
Bàn thờ treo chiếc bình tông
Mấy mươi năm đã tuổi ông tuổi bà
Bình tông thay bóng người xa
Từ thân xác gửi rừng già Trường Sơn
Dẫu cho chờn nắp, quai sờn
Vẫn nghe oanh liệt đạn bom một thời
Ngỡ đâu đây tiếng nói cười
Chia nhau ngụm nước lưng đồi nắng hanh
Ngày đi chẳng tiếc tuổi xanh
Ngày về nước mắt chảy quanh bàn thờ
Gia tài đời lính đơn sơ
Thiêng liêng kỷ vật, ngẩn ngơ phận người
Chiến tranh khép lại lâu rồi
Ai còn mê mải hát lời hành quân
Có hay quê đã vào xuân
Lối xưa nhớ nẻo về thăm gia đình…
Nhìn bình tông, tưởng dáng hình
Khói hương thay những tâm tình người ơi… !
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...