Thơ và lời bình: Sao em nói dối anh?
Sao em nói dối anh?
Sao em nói dối anh đến vậy?
Nói dối anh nai xuống đồng cày ruộng
Nói dối anh dúi xuống nước đào hang
Nói dối anh cua bò lên cầu thang
Nói dối anh đêm em nằm mơ thấy
Anh cùng Quan lang đến hát đón em về làm vợ
Biết là em nói dối anh thậm tệ
Nhưng anh không ghét
Biết là em nói dối anh như kẻ ngốc
Nhưng anh không trách
Bởi anh biết trong lời nói dối của em
Là để tìm con đường vào trái tim anh.
(Dương Khâu Luông)
Trong một bài thơ tình nổi tiếng của nước ngoài, cô gái cũng nói dối chàng trai:
Em bảo anh đi đi
Sao anh không dừng lại
Em bảo anh đừng đợi
Sao anh vội về ngay?
Chàng trai trong bài thơ ấy ngốc thật,để cô gái đành nói thật nói thẳng, kẻo hậu quả không hay có thể xảy ra:
Lời nói thoảng gió bay
Đôi mắt buồn đẫm lệ
Sao mà anh ngốc thế
Không nhìn vào mắt em?
Thì ra có lời nói dối độc ác và cũng có lời nói dối tốt lành, muốn đem lại hạnh phúc cho người khác và cho mình. Cô gái miền núi mạnh bạo mà tinh tế trong thơ Dương Khâu Luông cũng nói dối. Mà nói dối tới bốn lần. Ba lần đầu cô nói dối rất phi lí để gây chú ý cho chàng trai. Ba lần nói dối ấy như đòn bẩy, như ba tiếng hát chói tai dạo đầu để đi tới tiếng hát ngọt ngào sau cùng. Đó là những việc phi lí không thể xảy ra:
Nai xuống đồng cày ruộng.
Dúi xuống nước đào hang.
Cua bò lên cầu thang.
Với ba hình ảnh thân thuộc với đời sống của đồng bào vùng cao, xuất hiện nhằm gây chú ý của chàng trai, cô gái đi đến lời nói dối thứ tư về một hình ảnh hợp quy luật đời sống, không hề phi lí nếu chúng mình có lòng với nhau:
Đêm em nằm mơ thấy
Anh cùng Quan Lang đến hát đón em về làm vợ.
Bạo dạn mà không thô thiển.Tinh tế mà vẫn bộc lộ rõ tình ý. Nếu anh có lòng thì đón nhận. Nếu anh không có lòng thì đây chỉ là những lời nói dối nhằm đùa vui mà thôi. Cô gái miền núi ấy mới thông minh và sâu sắc làm sao?!
Chàng trai trong bài thơ này không ngốc. Anh hiểu rõ những gì mà người con gái muốn gửi gắm trong những lời nói dối đáng yêu của mình. Nhưng anh ta cũng khôn ngoan khi vừa THẮT vừa MỞ lúc trả lời. THẮT khi khéo léo làm như bực bội, qua việc sử dụng những tính từ, danh từ, động từ mang sắc thái biểu cảm không vui vẻ, không mừng rỡ:
Biết là em nói dối anh thậm tệ... Không ghét...
Biết là em nói dối anh như kẻ ngốc... Không trách...
Rồi sau khi THẮT để chúng ta hồi hộp chờ đợi xem anh ta ứng xử với cô gái đáng yêu kia ra sao,chàng trai bất ngờ MỞ:
Biết lời nói dối của em
Là để tìm con đường vào trái tim anh.
Nhưng tình huống MỞ ấy lại đóng khép rất nhanh, với những câu hỏi chưa có lời giải đáp ở phía người đọc.
Chàng trai tiếp tục làm chúng ta tò mò. Vậy cuối cùng anh có yêu cô gái kia không? Biết bao giả thiết sẽ xuất hiện. Ở đây ta nhận ra tài năng của nhà thơ: Để một kết thúc mở cho bạn đọc đồng sáng tạo cùng tác giả. Chỉ có như vậy bài thơ mới như con sóng biển, chạm bàn tay ta rồi mà còn ngân vang, lan tỏa xa xôi hơn nữa.
Đây là một bài thơ hay, cô đọng hàm xúc và có độ dư ba của Dương Khâu Luông. Hình thức bài thơ mang phong cách văn hóa miền núi nói chung, đậm bản sắc văn hóa Tày nói riêng, nhưng trong giá trị nội dung của nó, tính dân tộc đã hòa quyện nhuần nhuyễn với tính nhân loại - những phẩm chất nhân văn cao đẹp có tính phổ quát của loài người.
Nguyễn Đức Hạnh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...