Thơ và lời bình
Hẹn hò ngày Tết
Thành lệ hẹn hò ngày Tết
Bạn bè biền biệt quanh năm
Vẫn nhớ nếp làng thơm lắm
Rượu làng đùng đục sủi tăm.
Con gái làng mình má đỏ
Ủ men như bỏ bùa mê
Nên bọn mình xa vẫn nhớ
Năm năm tết đến tìm về.
Mở nút ngái mùi lá chuối
Mỗi giáp một chén nâng lên
Thằng chết, chia nhau uống hộ
Như là nó vẫn ngồi bên.
Đỏ mặt ngỡ ngàng, líu lưỡi
Bóng ai thuở ấy hững hờ
Để một kiếp trai trôi dạt
Trọn đời đất khách bơ vơ.
Hình như mắt người rớm lệ
Giấu chồng nhìn trộm như say
Môi hồng một thời thắm lại
“Ba đồng một mớ trầu cay”.
Tết này có về làng cũ?
Lại thêm một đứa vắng rồi
Lành lạnh da cam luồn lách
Chui vào xương thịt bạn tôi.
Rượu làng vẫn nồng men lá
Mắt ai xuân đến vẫn ngời
Rượu bạn dành cho đầy mãi
Cũng đành lỗi với nhau thôi.
Hà Đức Toàn
Lời bình của Hồ Thủy Giang:
Một cuộc rượu của những người đã luống tuổi. Một cuộc rượu không có tiếng va chạm của cốc chén, không tiếng mời mọc, chúc tụng xô bồ. Uống mà như không uống. Chỉ để tưởng nhớ. Tựa vào rượu để tưởng nhớ.
Cả cuộc rượu chỉ có một lần được diễn tả theo thế động: “Mỗi chén một giáp nâng lên”. Còn lại đều trong thế tĩnh và trầm: “Con gái làng mình má đỏ", "ngái mùi lá chuối", "líu lưỡi", "mắt người rớm lệ", "giấu chồng nhìn trộm"... Không ồn ào, ầm ĩ vì những người trong cuộc lâu lâu mới gặp nhau một lần mà lại trong cảnh người còn, kẻ mất, người nay mà tình xưa với bao nuối tiếc ngậm ngùi. Vui sao được, khi uống rượu trong nỗi đau:
Thằng chết, chia nhau uống hộ
Như là nó vẫn ngồi bên.
Không đau đớn sao được khi mỗi chén nâng lên vẫn còn thấm đẫm dư hoạ của chiến tranh:
Tết này có về làng cũ
Lại thêm một đứa vắng rồi
Lành lạnh da cam luồn lách
Chui vào xương thịt bạn tôi.
Có cảm giác, mỗi câu thơ giống như một giọt rượu buồn rỏ xuống tâm hồn bè bạn.
Trong các cuộc rượu, chưa lần nào Hà Đức Toàn không uống hết mình, không say quên chết. Vậy mà trong bài thơ uống rượu này anh không làm sao say được. Vâng! Vì vậy nên anh phải giả say:
Đỏ mặt ngỡ ngàng líu lưỡi
Bóng ai thuở ấy hững hờ
Và hẳn là ai đó cũng giả say:
Hình như mắt người rớm lệ
Giấu chồng nhìn trộm như say
Rằng say mà còn nhận ra mình "đỏ mặt, líu lưỡi”, còn biết “mắt người rớm lệ” và “giấu chồng nhìn trộm” thì đích thị là giả say rồi. Nhưng suy cho cùng thì trong một cuộc rượu như thế, ai nỡ uống say.
Thực ra cuộc rượu chỉ là cái cớ để nhà thơ hoài nhớ, trò chuyện về nhân tình, nhân sinh. Bài thơ phảng phất buồn nhưng ung dung tự tại. Hầu như khổ thơ nào cũng ngấm vị đắng cay. Đắng cay đến tận cùng của những đắng cay, nhưng lại không hề bi luỵ. Dễ hiểu thôi, vì những người quanh bàn rượu đều là những người đã từng lăn lộn, bôn ba, trải nghiệm, đã từng hiến dâng gần trọn đời cho cuộc sống. Họ không uống rượu mà chỉ nhờ rượu để thắp sáng những giấc mơ tri âm tri kỉ, những kí ức mờ xa, những cõi tình đã mất.
Trộm nghĩ, đời này còn có được những cuộc rượu như trong "Hẹn hò ngày Tết" thì ắt mùa xuân sẽ ấm dần lên.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...