Thơ Hoàng Việt Hằng
Hạn sống
Rớt bão mà cây đổ trong công viên
có một người đàn bà không còn đi bộ nhìn cây đổ
chồng bà mới về thăm nhà chiều qua
lại vừa cho tiền, bà đi chữa bệnh.
bà mỉm cười làn môi cũng lệch
chỉ không hay
hạn sống của mình
chỉ tính trên từng đốt ngón tay
tin này
chỉ chồng bà biết.
tin chồng bà trở về nhà
làm bà mừng rối rít
bà không còn nhẩm tính ngón tay
tháng Mười này hoa sữa đầu mùa thơm gắt.
sẽ chấm dứt hầu tòa câu chuyện hôn nhân
sẽ không lo lau nhà, không lo rửa bát
trên giường nằm, bà như cây vừa đổ
rối rít khoe anh ấy trở về
rớt bão ở ngoài khơi
rớt bão xuống đời người
rớt bão…
Mạ ở Gio Linh
Mỗi ngày thường bóc lịch
cho đến chiều cuối năm
ngồi rang vài cân tấm
vẫy xe về nghĩa trang.
mạ lầm rầm khấn kiến
chở hạt tấm ra xa
những mộ vô danh ấy
chở xa thêm kiến à?
ra nghĩa trang trò chuyện
Vô Danh cha và con
đến cả tên con nữa
không rõ nằm đây chưa?
thế nên nhớ Tất niên
sợ Vô Danh nhỡ bữa
má rang hạt tấm vỡ
may ra kiến dễ tha
đem đến từng ngôi mộ
các con ăn tạm nha.
lâu rồi mạ không khóc
trò chuyện với con mình
Vô Danh cùng nghe cả
cả Đường 9 cũng nghe.
tí nữa mạ gọi xe
cả rừng dương gió vẫy
tóc bạc chan vai gầy
một đèn một bóng ấy
khuất dần sau bờ cây…
*Ở Gio Linh - Quảng Trị có những bà mạ không quên sự hy sinh của bao người lính vô
danh đã ngã xuống vì độc lập của dân tộc.
Vé sang sông một lượt
Vẫn còn một bến sông Cầu
ngóng thuyền đợi bóng người lâu chưa về
chỉ vì một mảnh hồn quê
hũ sành cao tấp bên hè đợi đông
tôi mua một vé sang sông
để chìm vào cảnh rêu phong cổng làng
cây đa rễ vẫn cũ càng
mái đình cong có cây bàng lá xanh
chữ bong cả chữ gốm sành
chữ bong đi một vinh danh gia truyền
trong trưa bến lấp đầy thuyền
nhẩn nha chở gốm khắp triền sông xưa
bây giờ làng cổ chiều mưa
Thổ Hà trong giấc mơ xưa đã tàn
gốm men vẫn óng mơ màng
xếp thành phên giậu tơ vàng mà ru
chợ quê tháng chạp. sương mù
hỏi người mua gốm có chờ lâu không
người bán gốm đã sang sông
vé đi một lượt mà không thấy về …
(*) Làng Thổ Hà đã để mai một nghề gốm lâu đời.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...