Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
12:29 (GMT +7)

Thơ chọn từ cuộc thi thơ “Nhịp điệu mới”

Lê Vi Thủy

 

Nắng theo chiều thẳng đứng

 

Nắng theo chiều thẳng đứng

Sâu trong mắt em những hình hài kỳ dị

Phản chiếu tấm gương trước mặt

Những cái mặt nạ treo lơ lửng trên đỉnh đầu

Muôn sắc thái

 

Nắng theo chiều thẳng đứng

Nhọn như dao

Sém vàng những đám cỏ

Con ốc sên bò lên ngọn cây bằng cái lưỡi,

                                                                   chậm rãi

Mềm mại và uyển chuyển

Đầy toan tính

Trước sự ngây thơ của lũ gà đang dò từng bước

Dưới gốc cây

 

Nắng theo chiều thẳng đứng

Tiếng nhạc mê hoặc

Lấp lánh thạch nhũ pha lê

Những cuộc mua bán

Trong căn phòng lờ nhờ tối

Mặc những con nắng chao chát, xiêu vẹo.

 

Dòng sông lững lờ trôi

Không còn vô định

Trước tấm gương

Khuôn mặt loang lổ phấn trắng

Ánh lên sự lấp lánh

 

Trên cây đu đủ xanh

Nắng không thẳng đứng.

 

 

Trần Ngọc Mỹ

 

Đúng chỗ ấy

 

Đúng chỗ ấy, vào những ngày tháng trước

Phố ngơ ngác dây chăng

Dịch bệnh phong tỏa ô cửa vắng tanh

Ghế bàn, quán xá chỉ nghe im lặng

 

Đúng chỗ ấy, thời gian từng dằng dặc

Ngõ xóm đưa tin có người đi xa mãi chẳng về

Giọng đứa trẻ ngọng nghịu trong cơn mê

“Ba gọi mẹ về, con nhớ mẹ! ...”

 

Ký ức vang nỗi sợ

Ám ảnh lòng tham gieo

Vết nhơ khoét sâu có dễ giặt mau

Khi rúng động trời cao gió lộng

 

Đúng chỗ ấy, ta ngồi khuyên mình

                                                  xóa ngày đắng

Phố lại xanh lên như chưa từng…

Mặt trời thản nhiên sáng bừng

Mặc đêm qua sương giá

Màn đêm đâu là tất cả.

 

 

Khi thế gian có một người vắng mặt

 

Ngõ phố tiếng kèn váng vất

hoa vàng phủ lối miên man

áo quần sũng buồn hương nhang

khi thế gian có một người vắng mặt

 

sẽ thêm một chỗ ngồi trống

thừa trên bàn bát cơm

đôi đũa thiếu bàn tay cầm lên

chiếc di ảnh lặng im trong ánh nến

 

mọi ra đi thật khác lúc đến

không ai còn muốn ồn ào

 

có phải đó là lúc họ thực sự buông

và tha thứ

cho những tranh chấp, hơn thua, dối lừa…

chúng ta tiếp tục miệt mài, cắm cúi đi dưới

                                                                  cơn mưa

cuộc mưu sinh kiếp người tầm tã

nghĩ gì ngã rẽ về sau?...

 

 

Nguyễn Ngọc Tung

 

Hồn làng

 

Về làng gặp lại nét xưa

Mái đình cổ thụ mái chùa rêu phong

Hỏi cô tát nước gàu sòng

Gàu dai ai tát bên đồng ruộng sâu?

 

Về làng chẳng thấy làng đâu

Nhà tầng, nhà ống đua nhau mở hàng

Bờ tre, dậu cúc tơ vàng

Cối xay cối giã ai mang đâu rồi?

 

Cây rơm cây rạ một thời

Góc vườn vắng bóng trâu ngồi nhai trăng

Cái cào thì nhớ cái chang

Đòn gánh thì nhớ đôi quang sớm chiều.

 

Vó tôm em cất tôm riu

Cái đơm cái đó ai treo đầu nhà

Điếu cày điếu bát nhớ cha

Cơi trầu nhớ mẹ ai mà thấu cho.

 

Ta về lối cũ làng xưa

Bước qua ngưỡng cửa như vừa lớn lên

Chuông chùa chầm chậm ngõ sen    

Rưng rưng khói bếp chẳng quên hồn làng.

 

Nguyễn Duy Chinh

 

Tháng mười

(Tháng mười gạo trắng nước trong)

 

Sau mưa

những tia nắng mỏng đầu tiên sà xuống

                                                         cánh đồng

cánh chuồn chuồn mỏng hơn màu nắng

là là nghiêng dệt thời gian

 

Sao chưa thấy ba đi thăm ruộng?

Sao chưa thấy mẹ đi thăm ruộng?

Giờ này chợ đã vãn

Đồng Quai cái nhìn nheo mắt

Những thửa ruộng chỉ chờ có thế

Đợi nắng về ủ chín mùa sai

 

Đâu đây hương cỏ mật

Hay nắng tỏa hương thơm

Lật bàn tay bắt nắng

Gặp sá cày cũ

Gặp giọt mồ hôi người đổ

Lâu ngày bùn đã lên hương

 

Xa xa đã ríu ran tiếng chim chiền chiện

Tiếng chim đang giục tháng mười

Ồ! “Ngày tháng mười chưa cười đã tối”

Lại tất bật

Vừa gặt, vừa đập, vừa phơi

Đêm đêm đầy ắp tiếng cười

Chong đèn cơm mới

Dưa muối cá kho

Cả nhà đầy đủ…

 

Bữa ni! Con lại về làm giỗ

Cơm mới dâng lên

Cay nơi khóe mắt khấn tìm

Cầu mong ba, mẹ bình yên nơi chín suối

 

Ngoài đê bóng xế

Chừng như gần mãn tháng mười

Đường quê sao vắng tiếng người

Chắc làng xuống đồng đổ ải.

 

Làng Vạn tháng mười năm Kỷ Hợi.

 

 

Vi Thanh Hoàng

 

Vết nhăn đẹp nhất

 

     Vết nhăn đẹp lắm mẹ ơi

Như là nếp gấp của đời truân chuyên

     Chân chim những vết dọc xiên

Thời gian lưu dấu ưu phiền ở đây

 

     Vết nhăn năm tháng thêm dầy

Đắng cay cơ cực nhuộm đầy mắt khô

      Bàn tay ấm áp chai thô

Vết nhăn như ngọc lu mờ thời gian

 

      Vết nhăn hay vết cơ hàn

Phải chăng số kiếp đa đoan khắc vào

     Mẹ ơi thân phận má đào

Mười hai bến nước bến nào đục trong

 

     Vết nhăn vết của vô cùng

Bao la tình mẹ nghìn trùng đại dương

     Con tìm trong cõi vô thường

Vết nhăn đẹp nhất mười phương sen hồng.

 

 Ngô Thúy Hà

 

Tiếng mùa xuân

 

Xuân hỏi Bố bao giờ mua ngày tết

Cây thì thầm thương Bố, cố trổ hoa

Chờ thêm nữa xuân chờ thêm chút nữa

Nhiều năm trôi nhìn theo bóng tết già

 

Con gió thổi hết mùa qua vách đá

Tiếng chim gần hót cạn nhớ thương ai

Mầu lá cọ xoè yêu thương vẫy tết

Ngắt nhành xuân e ấp tóc đen cài

 

Tết ơi tết chạy đâu ngoài khe suối

Cho bạc đầu con nước chảy băn khoăn

Xuân đã nỡ vịn Bố nhiều thêm tuổi

Ngón tay gầy nối sợi gió mùa câm

 

Ai cõng cả mùa xuân lên chợ bán,

Nhành hoa mơ hoa mận trắng đường mòn

Này ai gánh tết đi buôn?

Bố tôi bán củi mà đun cái nghèo!

 

 

Văn Luân

 

Phố lụa là

 

Lụa là thăng hoa kiếp tằm

Bãi bờ phối cảnh nương dâu

Trời tơ nhuộm vàng óng ả

Núi sông nguồn cội bên nhau

 

Phác thảo chất chồng sợi kén

Ám ảnh màu, ước lệ trăng

Trập trùng phố loang sáng tối

Cột đèn ngã ba trầm ngâm

 

Ngói già mơ hồ vết nhăn

Thời gian rêu đâm tường đá

Nón lá truyền thần phiên chợ

Thị giác bồng bềnh thực mơ

 

Phố tâm thức phố hoàng hoa

Thuần sắc bổng trầm thân phận

Mắt cửa nhìn về nơi xa

Ký ức màu chiều tím đẫm

 

Áo phố thướt tha hoài niệm

Lụa là nưng nức hương xưa

Bàn tay đan câu lục bát

Lập xuân vẽ gió sang mùa

                                   

 

Trần Vạn Giã

 

Viết trên đồi cát trắng

 

Những đồi cát trắng mẹ ơi

Mẹ gồng mẹ gánh một đời vì con

Đường Truông dấu cát đã mòn

Những mùa bão cát vẫn còn quanh năm

 

Từ trong ánh mắt xa xăm

Mẹ lo hạt gạo tháng năm tháng mười

Cách ly không một bóng người

Mẹ ngồi vá lại tiếng cười của con

 

Trời khuya trăng khuyết đầu non

Gồng gồng gánh gánh mẹ mòn đôi vai

Nhiều lần mẹ hát: một mai

Một mai ai chớ bỏ ai sao đành*

 

Cha đi vào cuộc chiến tranh

Bặt vô âm tín mẹ thành cô đơn

Đành thôi đã đứt dây đờn

Gió Tu Bông hú từng cơn nhói lòng

 

Những đồi cát trắng mênh mông

Trắng đời thiếu phụ goá chồng nuôi con

Dãi dầu nước nước non non

Gồng gồng gánh gánh nuôi con thành người

 

Những đồi cát trắng tháng mười

Đất nâu sau dịch đã tươi lá cành

Mẹ đi trên cát nắng hanh

Dấu chân để lại đã thành bài thơ.

----

* Ca dao.

 

Đi tìm cây sào tre mẹ phơi áo cánh

 

Không còn

Nếu còn chỉ nằm trong ký ức gãy vụn

Nằm trong câu ca dao: cầu tre lắc lẻo gập ghềnh

                                                                            khó đi

Lắc lẻo

Đan xen vào cây sào tre mẹ phơi áo cánh

Trước hoàng hôn màu mây trắng kéo về

Mưa

Mưa chi ướt áo cây sào tre mẹ phơi áo cánh

Và gió chi

Bay lời Khải Huyền dài theo đường chỉ vá vai

Và vá câu ca dao: mẹ già như chuối bà hương

 

Mang câu ca dao tôi đi tìm âm vọng

Có sức bền của đất vươn vai phục sinh cây lúa mới

Và sự sống đang nẩy mầm

Mọc lên những con đường hoa nói về mùa xuân đi cùng núi sông kỳ vĩ

Dòng chảy nhân sinh đã tái tạo

Chảy về phía bình an

Và tất cả chúng ta đang đồng hành

Ôm những vòng tay hạnh ngộ

Níu bình minh.

 

 

Nông Quang Mạnh

 

Bồng bềnh Cao Bắc

 

Đã đôi lần lên Cao Bắc *

Trót rơi nửa câu thề

Găm vào đá núi

chơi vơi

Điệu páo dung mượt tựa chiếc váy thổ cẩm em phơi **

Sào trúc lượn cong miền nhớ

Kìa đàn chim cọ má nhau bỡ ngỡ

Trên trán nương mây nhảy nhót buông đùa

Bầy trẻ thơ cười nhí nhảnh đánh quay...

Bóp chân mọng căng xà cạp

Ruộng bậc thang địu nước

Tưới lúa xanh lên trời

- Đừng mắc cỡ nữa mà anh ơi!

Giọng cô sơn nữ ngọt như cây mía núi

- Xin anh chớ cúi mặt!

Kẻo tim em nhảy lên lưng ngựa lạc bầy

Có thương lòng mình cùng buộc chỉ cổ tay

Hằn vết lằn chồng vợ

Có ưng bụng cùng đeo vòng bạc lên cổ

Để vía không đi lạc nhà người

- Đừng mắc cỡ nữa mà anh ơi!

Khèn lá mình cùng thổi

Tính tẩu cùng se dây

Níu mặt trời xuống Cao Bắc

Chín mươi chín ngọn núi đá dựng rào

Ba mươi sáu khe thung chắn lối

Anh quên đường về.

 

* Cao Bắc - một cung đèo dốc nối giữa hai tỉnh Bắc Kạn và Cao Bằng

** Páo dung - một điệu hát giao duyên của dân tộc Dao

 

 

Vốc đầy nỗi nhớ

 

Người biết không

Em quờ tay vốc đầy nỗi nhớ

Dấu trong chiếc gối chàm đợi người

Đêm xuân

Nghe gió rít qua mành

Cái lạnh không đủ trườn qua tấm đệm rơm em tết thơm hương cốm nồng nàn

Tiếng chim cu rức:

Quạc

Quạc...

Gù trên trán nương thổn thức

Lòng em nhức nhối ngủ đâu say

Nhòe cay mắt nhớ

Người có hay

Đuốc nứa cháy bập bùng

Thắp lối mòn quanh co xuống chợ

Con vắt sợ co mình lẩn vào kẽ đá nín thinh

Người có đi chợ tình

Thì cất cao điệu "pí" chờ em

Cất cao giọng lượn slương người nhé *

Kệ họ đi chợ tình mải miết theo lời then đắm đuối **

Kệ họ đi lạc theo tiếng khèn say mềm đêm tối

Người chớ đi theo cái liếc mắt gái xinh xứ mây

Người chớ đi theo tiếng cười giòn gái đẹp xứ gió

Em bắt vía người giấu trong chiếc gối chàm

Người biết không

Em buộc bảy nút chỉ hồng

Em thắt chín nút chỉ đỏ

Người chạy đi đâu.

-------------

* Lượn slương - một điệu hát của dân tộc Tày

** Then - điệu hát giao duyên của dân tộc Tày

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Thơ Nguyễn Hưng Hải

Thơ 20 giờ trước

Thơ và lời bình

Thơ 1 tuần trước

Thơ Khuất Bình Nguyên

Thơ 1 tuần trước

Thơ Như Bình

Thơ 1 tuần trước

Thơ Phùng Văn Khai

Thơ 2 tuần trước

Ừ thì

Thơ 3 tuần trước

Mảnh vườn của mẹ

Thơ 3 tuần trước