Thứ hai, ngày 06 tháng 05 năm 2024
14:45 (GMT +7)

Thiết kế đô thị – lý luận và thực tiễn: Tầm quan trọng của văn hóa và thiết kế đô thị (Kỳ 2)

Ngôi nhà xây phải có thiết kế. Đô thị xây lại càng phải có thiết kế hơn. Sau người chủ trương là nhà thiết kế kiến trúc. Tham gia vào thiết kế đô thị là sự vận động của thời gian và của xã hội. Đó là những phạm trù sâu và rộng của văn hóa đô thị.

Đô thị Roma - TS sưu tầm


Bản chất rộng của thiết kế đô thị

Nếu quan niệm thiết kế đô thị không chỉ là những đồ án vẽ trên giấy, thì các đô thị Việt trong quá khứ xa xưa đã được tạo dựng theo thiết kế. Theo cách nghĩ đó, nghệ thuật xây dựng đô thị là sản phẩm kết tinh từ thiết kế đô thị.

Hai nguyên tắc cơ bản chi phối thiết kế đô thị Việt truyền thống, đó là:

- Về quy hoạch, sự phân chia rạch ròi lãnh thổ đô thị thành những khu tách biệt theo chức năng và theo cơ cấu xã hội; sự xếp đặt các công trình kiến trúc theo những trình tự cứng nhắc, cũng căn cứ vào chức năng và tôn ti trật tự xã hội.

- Về kiến trúc, sự thể chế hóa các loại hình kiến trúc cơ bản; sự quy cách hóa cao độ quy mô, kích cỡ và kiểu cách kiến trúc của chúng thông qua số gian, cấu trúc và trang trí mái; phân cấp và chuẩn mực hóa các thủ pháp bài trí nội ngoại thất.

Nhờ tuân thủ hai nguyên tắc trên mà Thăng Long và Huế là các đô thị Việt kinh điển, đặc trưng bởi sự thống nhất trên những cái lớn, sự đa dạng trong những cái nhỏ. Chúng là sản phẩm trực tiếp của chế độ phong kiến, đặt tôn ti trật tự làm nền móng cho tòa kiến trúc xã hội ngàn năm. Ở nền kiến trúc Trung Hoa, hai nguyên tắc nêu trên trị vì tuyệt đối, từ Tràng An đến Bắc Bình.

Người châu Âu trong nghệ thuật xây dựng đô thị đặc biệt chú trọng hai yếu tố: trục lộ và sự gắn kết các công trình kiến trúc thành một thể không gian - thẩm mỹ. Cấu trúc điển hình của đô thị châu Âu, từ thời cổ đại, đã bao gồm: trục lộ, ô phố, quảng trường và quần thể kiến trúc. Roma, Paris và Saint - Petersburg là ba ví dụ chói lọi của nghệ thuật xây dựng đô thị Âu châu.

Từ góc độ tổ chức không gian đô thị, ở Roma: giữa những khối kiến trúc dày đặc của các ô phố, hiện hữu những cái sân - khoảng không khép kín tứ phía dành cho sinh hoạt cộng đồng. Từ đó mở ra những con phố, chảy và đột ngột hòa vào những quảng trường rộng lớn, nơi ngự trị cả một quần thể kiến trúc và điêu khắc. Giải quyết sự chuyển hóa không gian như thế, quả là biệt tài của các nhà tạo tác đô thị bậc thầy của Italia.

Tinh hoa của nghệ thuật tổ chức không gian Á Đông là sự chuyển hóa không gian và cảnh quan kiến trúc trên những đường trục. Tinh hoa nghệ thuật tổ chức không gian Âu châu là quần thể kiến trúc.

Từ sự xem xét lịch sử xây dựng đô thị, ta có thể thấy: Bản chất của thiết kế đô thị là sự phân định hợp lý việc sử dụng đất đai, sự sắp đặt đúng chỗ các công trình kiến trúc, sự tạo lập các mối liên kết kiến trúc và không gian giữa chúng, sự tạo lập trật tự đô thị theo nghĩa rộng, dẫn tới sự hình thành môi trường sống của xã hội đô thị và cùng với đó là cảnh quan đô thị.

Đô thị - kiến trúc đô thị và con người, hai thực thể ấy, như nước với đất, song tồn trong thích ứng, điều chỉnh và hoàn thiện lẫn nhau theo thời gian, tạo nên những chốn đô thị - nhất thể, nơi không tách biệt cái nọ ra khỏi cái kia.

Văn hóa phải là nền tảng của thiết kế đô thị hiện nay

Hình hài và thể xác của các đô thị hiện hữu ở ta hầu hết khởi đầu từ thế kỷ XIX, định hình ở thế kỷ XX.

Những đô thị lớn về không gian và về quỹ kiến trúc như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, các đô thị có tích lũy kiến trúc đáng kể như Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ... đều chưa thể hiện đậm nét những nguyên tắc và thủ pháp xây dựng đô thị Á Đông hoặc Âu châu, như đã nêu một phần ở trên. Huế và Đà Lạt là những ngoại trừ.

Thời Pháp thuộc để lại nhiều dấu ấn trên cơ thể các đô thị Việt Nam. Do những hoàn cảnh lịch sử đặc biệt và do sự phát triển thuộc địa ở mức hạn chế, người Pháp chưa thể xây dựng những đô thị hoàn chỉnh, mà chủ yếu ở dạng những khu phố Tây, xây ghép vào phần đô thị bản địa, với sự cải tạo hạn chế thành phần này, hoặc ở dạng những cấu trúc đô thị xây mới, có quy mô không lớn. Thuộc dạng thứ nhất là các khu phố Tây ở Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng và Huế. Thuộc dạng thứ hai là các thành phố Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu.

Ở Hà Nội, trong thiết kế đô thị, người Pháp đã giải quyết thành công sự gắn kết và chuyển hóa giữa khu phố cũ của người Việt với khu phố thuộc địa, với sự xác lập vai trò trung chuyển đặc trưng của hồ Hoàn Kiếm, quy mô và hệ tỷ xích không gian không tách biệt giữa hai phần mới và cũ. Đặc biệt họ đã tạo ra một trục phố, bắt đầu một cách kinh điển từ Nhà hát Lớn và quảng trường lớn, chuyển sang đường Tràng Tiền, Hàng Khay, Tràng Thi, Điện Biên Phủ và kết thúc bởi không gian quảng trường lớn, nơi tọa lạc Phủ Toàn quyền và các thiết chế kiến trúc có trọng lượng khác. Trục phố này tuy không thẳng, không đủ rộng và chưa định hình về phương diện tổng thể kiến trúc, song đã thực hiện xuất sắc vai trò gắn kết các không gian đô thị, khác biệt về hình thái với nhau.

Về phương diện tạo lập những quần thể kiến trúc đô thị, thì quả là một thiếu thốn, hạn chế nên đến bây giờ chúng ta chỉ có thể thấy ở một số đô thị phát triển về sau như Đà Nẵng, phần nào là Huế khi các nhà quy hoạch đã cố gắng sử dụng chất liệu tạo không gian từ tự nhiên là sông Hàn, sông Hương, và chất liệu nhân tạo như cầu Rồng, cầu Tràng Tiền hay di sản vật thể kinh thành Huế mở ra các không gian bến thuyền, vườn hoa, quảng trường kết nối giữa các quần thể kiến trúc. Mỗi lần đến Huế ta có thể cảm nhận được mùi thời gian, mùi gốm, mùi thi văn ở đô thị này, vì thế mà Huế được định hướng là đô thị di sản - tầm nhìn phát triển đô thị của chính quyền hiện nay.

Quy hoạch đô thị thường chỉ chi phối bình diện ngang, ít chi phối không gian ba chiều, lại càng không có ý nghĩa trong việc định đoạt diện mạo và chất lượng thẩm mỹ kiến trúc đô thị, càng không tạo cảm nhận vật liệu tạo hình.

Người thực thi thiết kế đô thị là một kiến trúc sư trưởng và một nhà quản lý kiến trúc đô thị - cả hai đều thiếu vắng ở đô thị nước ta. Thiếu uy lực của một bàn tay nhà quản lý, thiếu cá tính của một kiến trúc sư - nhạc trưởng, chỉ huy dàn nhạc kiến trúc đô thị. Cơ chế tổ chức tưởng như hoàn hảo không thể thay thế cho những người cầm trịch.

Những sự thiếu vắng ấy càng nhận ra, khi ngay ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, chúng ta có thể nhận ra một tòa nhà hoặc vài ngôi nhà đẹp, song chúng ta không thể tìm ra một dãy nhà đẹp, một tổng thể kiến trúc đẹp, một panorama đô thị ôn hòa.

Một vài ngôi nhà đẹp trên một phố không làm cho nó đẹp lên là bao nhiêu. Cả trăm ngôi nhà đẹp ở một thành phố không làm cho nó đẹp lên là bao nhiêu. Phố và thành phố chỉ đẹp thực sự, khi nó có được cái đẹp tổng thể. Cái đẹp tổng thể chỉ có thể có khi nó được trù liệu, được thiết kế.

Trong công cuộc cải tạo và xây dựng đô thị ở ta trong thập niên qua, thiết kế quy hoạch đã được thực hiện và có tác dụng trong việc xác định các định hướng phát triển của từng đô thị, trong việc phân định chức năng các khu đất, đặc biệt là các khu trung tâm. Tuy vậy, vai trò của thiết kế đô thị trong quy hoạch đô thị nói chung mờ nhạt, hiệu quả về tổ chức không gian, về tạo dựng diện mạo và thẩm mỹ kiến trúc đô thị hết sức hạn chế.

Thành phố Thái Nguyên và thành phố Việt Trì, xây dựng mới cách nay vài chục năm, là những ví dụ điển hình lặp lại hoàn toàn mô hình phố - đường cổ truyền: chúng được triển khai dọc hai bên quốc lộ, kéo dài hàng chục cây số. Những chuỗi nhà to và nhỏ, cao và thấp, được đánh tới số vài nghìn. Điểm nhấn, điểm nút, quảng trường, khoảng trống - đều không. Lẻ tẻ những ngôi nhà nào đó có vẻ được thiết kế, song đô thị thì không.

Một đường phố khu vực trung tâm Đà Lạt cách đây chừng 50 năm về trước mang nét đẹp cổ điển, đồng bộ về kiến trúc. Ảnh: Sandy1618 - TS sưu tầm

Yêu cầu thiết kế đô thị

Thiết kế đô thị “từ đầu” cần phải đặt ra và giải quyết hai bài toán, ngoài quy hoạch theo cách hiểu thông thường, đó là kiến tạo những cơ thể đô thị được trù liệu để tiến tới hoàn chỉnh về mọi phương diện, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến sự hiện hữu của mọi thành phần cấu thành nó.

Các công trình kiến trúc phải được sắp đặt trong trật tự không chỉ riêng về mặt bình đồ, mà chúng phải được gắn kết và phối hợp về mặt không gian, hình khối và diện mạo. Thiết kế đô thị “can thiệp” có đối tượng là kiến trúc không gian của đô thị hoặc toàn đô thị hiện hữu. Nội dung chủ yếu của thiết kế đô thị trong trường hợp này là cải tạo, hoàn thiện và phát triển tiếp nối.

Ba cấu thành cơ bản của thiết kế đô thị

Thiết kế đô thị liên quan tới ba cấu thành cơ bản: Công năng, trật tự, thẩm mỹ.

- Công năng là xuất phát điểm, là nguyên cớ, là cái cần đáp ứng để đảm bảo cho sự vận hành.

- Trật tự là tổ chức, là sắp đặt, là sự giải quyết cân bằng các mối quan hệ trong điều tiết, đảm bảo cho tính bền vững.

- Thẩm mỹ là sự hài hòa giữa công năng và trật tự, sự hài hòa giữa vi mô và vĩ mô, giữa kiến trúc và môi trường, giữa hai cái nói trên với con người và xã hội, là sự kiến tạo môi trường nhân văn của đô thị.

Đối với các đô thị đã tồn tại trong lịch sử, kiến trúc sư thiết kế đô thị bắt buộc phải tính đến ba thì: dĩ vãng, hiện tại và tương lai. Từ đó thiết kế đô thị phải đạt được những yêu cầu sau:

- Kiến tạo những cơ thể đô thị được trù liệu để tiến tới hoàn chỉnh về mọi phương diện, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến sự hiện hữu của mọi thành phần cấu thành nó, như đối với các khu ở cần có các trục lộ, phố - cửa hàng, các thể loại kiến trúc, các không gian công cộng và dịch vụ, các quảng trường, vườn hoa và diện tích cây xanh hồ nước, các điểm nhấn đô thị, các phối cảnh và cảnh quan kiến trúc...

- Các công trình kiến trúc phải được sắp đặt trong trật tự không chỉ riêng về mặt bình đồ, mà chúng ta phải được gắn kết và phối hợp về mặt không gian, hình khối và diện mạo.

- Mỗi đô thị chỉ thực sự đẹp và hoàn chỉnh khi công trình kiến trúc lớn phải được đặt và thiết kế trong quần thể, khi các công trình kiến trúc thứ yếu khác phải được xây cất trong trật tự, lấy sự thống nhất về cơ bản để tạo nên vẻ đẹp từ trật tự thẩm mỹ đô thị.

Việc bổ sung vào không gian kiến trúc có sẵn các công trình mới không bắt buộc là chúng phải đồng dạng với kiến trúc cũ, mà có thể ở dạng ngôn ngữ trung lập hoặc ôn hòa, thậm chí tương phản. Đưa giải pháp thiết kế kiến trúc tương phản vào một cơ thể đã hình thành thường dẫn đến nguy cơ làm tan vỡ nó, song ở một số ít trường hợp, các kiến trúc sư tài năng đã thành công.

Ở Thái Nguyên nói riêng, và ở Việt Nam nói chung, thiết kế đô thị hiện nay chủ yếu là dưới dạng “can thiệp” nhằm giải quyết bức thiết yêu cầu cải tạo đô thị mà ở đó đòi hỏi phải giải quyết đồng bộ các công việc từ quản lý đô thị, kinh tế đô thị, đất đai cùng với việc thực thi hiệu quả tối đa của thiết kế đô thị.

Tuyến phố Tràng Tiền - Hà Nội

Kết hợp hài hoà giữa lý luận và thực tiễn quy hoạch và quản lý đô thị trong thiết kế đô thị

Giờ đây chúng ta nói nhiều về thiết kế đô thị. Sự phát triển thiếu điều tiết chẳng những thách thức thế hệ chúng ta, mà còn có nguy cơ trở thành di sản nặng nề cho con cháu. Thực tiễn quy hoạch và quản lý đô thị hôm nay đòi hỏi tạo lập hai cơ sở mang tính nền tảng cho thiết kế đô thị:

- Nắm vững và hiểu rõ tình trạng của các đô thị từ các phương diện quỹ kiến trúc, đặc điểm tổ chức không gian và hình thái học đô thị, chất lượng kiến trúc thẩm mỹ... đồng thời đưa ra từ đó những giải pháp phù hợp cho thiết kế đô thị, vận dụng vào quy hoạch các đô thị mới và cải tạo các đô thị cũ.

- Làm chủ tri thức và khai thác tối đa các bài học rút ra từ nghệ thuật xây dựng đô thị kinh điển và hiện đại. Nếu kiến trúc công trình và công nghệ xây dựng đã tiến rất xa, thì nghệ thuật tổ chức không gian đô thị cho đến nay vẫn có thể kế thừa hầu hết các thủ pháp đã được nâng thành nghệ thuật từ các thời trước. Chẳng hạn, các thủ pháp về tổ chức và phân định không gian, tổ hợp các quần thể, chuyển hóa không gian, tạo lập phối cảnh và panorama, điểm nhấn và đường bao, nhịp điệu và sự lặp lại... Dĩ nhiên, cần kết hợp các tri thức của nghệ thuật quy hoạch kinh điển với các thành tựu của quy hoạch đô thị hiện đại.

Lúc này các nhà quy hoạch đô thị hầu như bị hút vào các dự án quy hoạch chung và quy hoạch điều chỉnh. Dễ hiểu, công cuộc đô thị hóa đang tăng tốc nằm ngoài sự tưởng tưởng của chúng ta về tương lai cách đây vài thập kỷ. Song xây dựng đô thị mà thiếu thiết kế đô thị đặt trên những nền tảng văn hóa, thì chẳng bao giờ chúng ta tiến tới được những chốn đô thị ngăn nắp, tiện lợi, dễ sống và đẹp trong sự hòa đồng.

KTS. Lê Cao Hải

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy