Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
13:13 (GMT +7)

Thánh đường Duomo di Milano

VNTN - Tọa lạc chính giữa thành phố Milan (Italy), nơi mọi ngả đường tỏa lan, Duomo di Milano, hay Nhà thờ lớn của Milan còn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách và hàng triệu tín đồ Ki tô hữu bởi bao điều kỳ diệu khác. Ví dụ như đây là một thánh đường lớn nhất cả nước, cũng là công trình lớn thứ hai châu Âu và thứ tư thế giới dài tới 158m, rộng 92m, cao 108m và có đến 135 ngọn tháp.

 

Đức Mẹ đỡ Chúa Jesus trên cổng nhà thờ

Thánh đường Milan cũng là một kiến trúc được xây dựng kéo dài nhất, gần sáu thế kỷ, tính từ ngày khởi công vào năm 1386 cho tới ngày chính thức mở cửa khi cánh cổng cuối cùng bằng đồng được lắp ráp vào năm 1965, và thậm chí hiện giờ vẫn có cảm giác chưa xong, ít ra là việc phải đánh bóng lại toàn bộ bề mặt đá - gạch, đồ vật trang trí, thờ tự để chúng sáng trưng như mới, với thời gian tốn nhiều năm ròng. Đến với Duomo di Milano, bạn còn được chiêm ngưỡng những cảnh tượng chỉ thấy trong mơ, có tính chất vô cùng linh thiêng - huyền diệu, như trong nhà thờ là một chiếc đinh câu rút, một trong ba chiếc đinh đã đóng lên thân thể Chúa Jesus và ghim Ngài vào cây thánh giá, hoặc nơi mái thánh đường là những hàng tượng bồng bềnh cho cảm tưởng về các thiên sứ đang ngự trong mây và dõi theo, bảo vệ thánh địa cùng đời sống dân gian…

 

Terrazza

Vốn được kiến thiết để cung tiến Santa Maria Nascente - Đức Mẹ Mary (Madonna), song công trình luôn được nhớ tới là Chánh Tòa Milan vì gắn bó với lịch sử văn hóa lâu đời của thành phố miền Bắc Italy, nơi có phong cách kiến trúc nhà thờ đậm chất Gothic. Các đợt khảo cổ về nền móng của thánh đường đã cho thấy, nó nằm trên một linh tự La Mã đã xuất hiện trước khi có đạo Thiên Chúa hàng thế kỷ, và tới khi có đạo thì tại đây người ta đã dựng lên nhà thờ đầu tiên của Milan, mang tên ngài Santa Tecla vào năm 355, kế tiếp vào một thời gian sau ở bên cạnh có thêm nhà thờ Santa Maria Maggiore, và cả hai đã phụng sự trong suốt một nghìn năm thì đến thế kỷ XIV bị hỏa hoạn và được thay bằng Duomo di Milano, dưới sự bảo trợ của lãnh chúa Gian Galeazzo Visconti. Ngay khi lên cầm quyền, vị vua mới của Milan đã muốn kiến tạo một nhà thờ vượt trên mọi nhà thờ và là một kỳ quan, tuyệt tác thể hiện cho sự vinh quang của Chúa, đỉnh cao trí tuệ. Ông lập tức cho lập một phường thợ, gọi là Fabbrica del Duomo, chỉ xây dựng thánh đường này, huy động hàng nghìn thợ xây và nghệ nhân khắp Italy. Công trình được xây cất theo phong thái Gothic và bằng gạch nung xen lẫn đá hoa cương hồng, lấy từ một mỏ đá riêng ở Candoglia cách đó 100 kilômét, và chở bằng phà qua hồ Miggiore cùng một kênh đào dẫn tới điểm tập kết. Kiến trúc sư mới đầu của thánh đường là ông Simone da Orsenigo, người Italy và cho tới khi hoàn thiện nó đã trải qua ít nhất 78 kiến trúc sư.

Nói chung, nhà thờ mang khá nhiều phong cách song nổi bật nhất vẫn là Gothic, mà tiêu biểu là những tháp nhọn sừng sững, hun hút như tên. Có đến 135 spire, trong đó cao nhất là tháp đèn spire cao 108,5m và trên đỉnh ngự một pho tượng Đức Mẹ Đồng Trinh, dát vàng cao 4,16m, ra đời vào năm 1762 do nghệ sĩ Francesco Croe thiết kế. Theo quy định, tất cả các nhà ở thành phố Milan không được phép xây dựng cao quá spire này, và vì ý nghĩa linh thiêng, nhiều tòa nhà chọc trời ở đây cũng gắn bên cột ăng ten một bản sao của pho tượng. Trên đỉnh của mỗi spire cũng có tượng của những thánh thần saint/angel, người cầm cung nỏ, người cầm thương kiếm, đuốc, sách hay một bảo khí nào đó để đứng canh, hộ vệ cho tòa thánh cùng thành phố. Không chỉ có vậy, trên tường, các máng xối của nhà thờ cũng thấy 135 pho tượng quái thú gargoyle, con là cá, con là rắn, dơi, chim, rồng, thậm chí ngư nhân, người thú nhìn chòng chọc xuống phố, giám sát từng động tĩnh trên đường. Chúng có vẻ hơi dữ dằn, nhưng là những lính canh rất tốt cho sự bình yên của xứ sở, và do nằm khá cao nên đôi khi cũng không được mọi người chú ý lắm, vì ai nấy đều bận rộn để mắt tới những hình ảnh gần gũi, quen thuộc, kế cận với họ. Đó là những tác phẩm điêu khắc con người rất xinh đẹp, xuất hiện hầu như ở mọi chỗ trên mặt tường ngoài nhà thờ, đặc biệt là những cánh cổng vào thánh đường, đặc tả những cảnh tượng trong Kinh Thánh, bao gồm cả Kinh Cựu Ước lẫn Tân Ước, ví dụ như cảnh Chúa tạo dựng thế giới, cảnh Adam - Eva bị đuổi khỏi vườn Địa Đàng, cảnh chăn cừu, văn nghệ thời xưa, cảnh David triệt hạ Goliath, cảnh các vị vua cổ đại, cảnh thiên sứ đến báo tin mừng cho Đức Mẹ, cảnh Thánh Joseph và Mary thành thân, cảnh Chúa Hài đồng sinh trong máng cỏ trong hang Bethlehem, và một phù điêu đẹp nhất bằng đồng, tâm điểm của mọi ánh mắt là cảnh Đức Mẹ đỡ Chúa Jesus khi Ngài tử thương và vừa được hạ xuống từ cây thánh giá… Phù điêu này nằm trên cánh cổng cuối cùng của nhà thờ, trông ra một quảng trường cực rộng - Piazza del Duomo. Có tới năm cánh cổng bằng đồng được đúc từ năm 1896 tới 1965, và cánh cổng trên nằm chính giữa, là cổng lớn nhất, nặng tới 37 tấn, trạm trổ phù điêu kể về cuộc đời Đức Mẹ, song cũng cho biết nhiều điển tích trong Kinh Thánh. Tổng cộng trên mặt ngoài thánh đường có đến 2.245 pho tượng, và bên trong còn có 3.755 pho tượng nữa, đưa đây trở thành nhà thờ chứa nhiều tượng đài nhất thế giới, và khi nối đầu cao tới 5,3 kilômét.

Madonnina

Tuy nhiên, trước khi nhìn thấy hệ thống tượng đài đồ sộ ấy trong thánh đường, bạn sẽ phải sững người trước vẻ đẹp đồ sộ, choáng ngợp của những hàng cột, vòm cung to gấp nghìn lần những pho tượng. Có tới 52 cột đá khổng lồ, cao 24,5m, chạy dài liên tiếp trên hình một cây thánh giá La tinh và tạo thành năm khu, tương ứng với năm thánh cung, trong đó khu trung tâm cao 45m, là chính điện cao thứ nhì trái đất, sau chính điện 48m của nhà thờ Beauvais Pháp, xong hãy còn dang dở từ năm 1600. Với diện tích 11.700m2, trong tòa thánh có thể chứa được từ 35.000 đến 40.000 người. Ngoài những cột kèo lêu đêu, gian tụng niệm ở đây còn có ba ô cửa sổ bằng kính màu, cao nhất thế giới: 20,7m với nhiều tranh ghép kể về kỳ tích. Nhiều ô cửa đã tồn tại từ thế kỷ XV. Trở lại với tượng đài, trong tòa thánh hiện lên một pho tượng cực kỳ nổi bật, ấy là tượng St. Bartholomev, một trong 12 vị thánh tông đồ, học trò của Chúa Jesus. Ngài thường cầm một cuốn sách đi rao giảng khắp nơi và đã cải hóa được vua Polymius của Armenia sang đạo Thiên Chúa, thế nhưng vì hoàng thân em trai đức vua, ngài đã bị bắt và hành hình bằng cách lột da mà tử vì đạo tại Albanopolis - Caucasia. Vào năm 1562, nhà điêu khắc Marco d'Agrate đã dựng lại câu chuyện này và mang tới một kiệt tác, là tổng hòa giữa mỹ thuật, niềm tin tôn giáo và khoa học giải phẫu.

Không chỉ có tượng đặc sắc, chính điện nhà thờ Milan còn lưu giữ một thánh vật vô cùng quý giá và là điểm ngưỡng vọng của muôn người Ki tô hữu. Từ buổi sơ khai, tại đây đã gìn giữ một chiếc đinh trong ba chiếc đinh đóng vào tay chân của Chúa Jesus khi bị treo trên cây thánh giá. Vốn dĩ có bốn chiếc đinh, và hai chiếc đóng vào đôi chân của Chúa, song trước buổi hành hình, một chiếc đinh đã bị một người Gypsy đánh cắp. Chiếc đinh ở thánh đường hiện tại được bảo quản trong một hộp gỗ tuyệt đẹp, đặt phía trên ban thờ, kế cận mái vòm và được đánh dấu bởi một ngọn đèn đỏ lung linh. Hàng năm, đức tổng giám mục Milan sẽ cho phép hạ hộp gỗ xuống và trưng bày chiếc đinh trên ban thờ suốt ba ngày trong một nghi lễ, gọi là Lễ Nivola. Vào thế kỷ XV, trong một lần tham gia hạ thánh vật xuống, nhận thấy việc leo thang gỗ vừa lâu vừa chòng chành, nghệ sĩ Leonardo da Vinci đã nghĩ ra chiếc thang máy, kể từ đó thang máy dưới dạng một chiếc thuyền có dây kéo nâng lên hạ xuống đã được áp dụng trong Lễ Nivola. Cùng với những nghi lễ linh thiêng thờ Chúa, chánh điện cũng là nơi diễn ra nhiều sự kiện trọng đại khác trong tiến trình phát triển của Milan. Nơi này vào năm 313, Sắc lệnh Milan đã được ban bố khắp đế chế La Mã để công nhận đạo Thiên Chúa là tôn giáo chính thống trên toàn quốc. Ngoài là nơi sắc phong và hành dinh của các tổng giám mục, đây cũng là nơi chứng kiến nhiều nghi lễ hoàng gia mà đặc biệt là lễ đăng quang của hoàng đế Napoleon Bonapart vào ngày 20/5/1805 với cương vị vua của Italy. Chính Napoleon trong thời gian trị vì Italy từ năm 1805 tới 1813 đã cho hoàn tất đa số những mặt tiền còn dang dở, chưa trang trí của thánh đường vì thiếu kinh phí, và để tri ân ông, một pho tượng Napoleon đã được đặt trên một spire của nhà thờ, xem ông như một vị thánh bảo hộ.

Do sự tráng lệ, rực rỡ lại ở chính tâm đô thị, nhìn ở đâu cũng thấy Duomo di Milano lồng lộng, và khi đến gần trông cứ như một thành trì với những lâu đài đồ sộ, và ở khắp nơi trên những tường thành, những mái nhà, ngọn tháp là một rừng thánh giá mênh mông, cũng đồng nghĩa với một rừng vòm nhọn - tháp nhọn. Nhìn từ xa, chúng đã lôi cuốn, song nếu cận cảnh thì những đường nét hiện lên càng đẹp đẽ.

Để giúp mọi người có thể thưởng ngoạn chi tiết kiến trúc nhà thờ, cũng như toàn cảnh phố phường trên cao, không như nhiều thánh đường khác, thánh đường Milan có cả những cầu thang rất dài và cao dẫn lên tận mái nhà. Tổng cộng có tới 33 cây cầu bằng đá dích dắc bắc qua hai bên mái, và gồm 919 bậc thang đều đặn để đi từ dưới lên trên, đến một sân chung (mái đá) gọi là terrazza, mà từ đây dễ dàng phóng tầm mắt đi muôn phương, và vào những ngày đẹp trời thấy cả những đỉnh núi Alps phủ đầy băng tuyết. Đứng tại đây cũng cho phép bạn ngắm nhìn các spire và tượng rõ hơn, trong đó có các vị thánh bảo trợ thành phố, các vị thánh tử vì đạo như St. Ambrose, St. Augustine, St. Charles Borromeo, St. Daniel, St. Donnino, St. Justin, St. Marciana… đặc biệt là tượng Madonnina. Pho tượng được trạm bằng đồng, đặc tả Đức Mẹ đang bay lên nhờ sự nâng đỡ của những thiên thần. Lúc đầu, tượng được làm từ đất nung, và phần đầu được đẽo từ một cây hồ đào lớn, nhưng sau đó được thay bằng đồng rát vàng, dùng tới 33 lá đồng lớn, gõ quanh một khuôn gỗ và dát 6.750 lá vàng ròng. Nếu Duomo di Milano là hình ảnh biểu tượng của Milan trước quốc tế, thì Madonnina là trái tim và linh hồn của thành phố xinh tươi.

Ảnh minh họa: Theo Tours Italy.

CHU MẠNH CƯỜNG

 

 

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy