Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
20:55 (GMT +7)

Thấm, ngấm, dột và thẩm mỹ công trình

VNTN - Kẻ thù của “sáng, xanh, sạch, đẹp” 

Công trình xây dựng khi bị thấm, ngấm, dột và mốc thì không thể đẹp và bền được, nhất là đối với công trình kiến trúc hiện đại. Cái thẩm mỹ của rêu mốc (không tính dột) chỉ tạo thị giác tốt cho công trình kiến trúc nhuốm màu thời gian, tạo nên giá trị thẩm mỹ cho các công trình cũ, công trình cổ. Tuy nhiên trong phạm vi bài này không tiếp cận đến vấn đề rêu mốc và sự góp phần của rêu mốc tạo nên chiều sâu về thời gian, về văn hóa đối với các di sản di tích kiến trúc, mà tập trung vấn đề thấm, ngấm, dột và rêu mốc trong công trình kiến trúc hiện đại, công trình xây dựng mới.

Tiêu chí phát triển và quản lý đối với đô thị và các công trình đô thị của chúng ta là: “Sáng, xanh, sạch, đẹp”. Sáng theo cả 2 nghĩa: Sáng do đèn, sáng sủa sạch sẽ; xanh do cây xanh và hiệu ứng của màu xanh do dùng vật liệu, ví dụ: mái tôn đỏ hay được dùng là do ngày xưa chúng ta chỉ có ngói đỏ, nên màu đỏ được dùng nhiều là do thói quen và cảm tính, cảm giác xanh sẽ có được khi dùng vật  liệu có màu xanh (mái ngói, tôn xanh, tường sơn màu xanh...) khi chưa đủ sáng, xanh thì có thể nói sạch là tiêu chí quan trọng nhất. Đô thị và những công trình trong đô thị khi chưa sáng, xanh chỉ cần sạch thì đã là đô thị - thành phố đẹp rồi.

Rêu mốc, đặc biệt ngấm dột là kẻ thù của sự “sáng, xanh, sạch” và sự “đẹp” của đô thị. Theo thống kê của Hiệp hội tư vấn Hoa Kỳ, tại Mỹ chuyện bị thấm, ngấm hoặc dột có tới 60% công trình trong đô thị; theo số liệu của trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh thống kê trong năm 2016 có tới 85% công trình xây dựng tại thành phố Hồ Chí Minh bị tác động này. Khu vực phía Bắc, trong đó có Thái Nguyên, mặc dù chưa có số liệu thống kê, nhưng qua thực tế trực quan số công trình bị thấm, ngấm, dột phải sửa chữa, xử lý mức độ nhiều ít nhưng có lẽ tới trên 90%. Nhiều công trình xử lý lên đến cả trăm triệu, số phải xử lý từ vài triệu đến vài chục triệu là việc bình thường.

Nhà với vườn trên mái, một xu hướng đưa cuộc sống cư dân đô thị gần với thiên nhiên.

Nguyên nhân câu chuyện thấm, ngấm, dột thì có nhiều. Cơ bản, đầu tiên có lẽ do thời tiết, với tác động khách quan của nóng, ẩm, mưa nhiều, nắng nóng. Thứ nữa là do chất lượng thi công không đúng quy trình kỹ thuật, suất đầu tư thấp, hạn chế việc sử dụng vật liệu có chất lượng, năng lực của nhà thầu, công nhân kỹ thuật tay nghề thấp...

Tuy nhiên, trước hiện tượng ngấm, thấm, dột khi xảy ra tại công trình, chủ nhà thường lúng túng khi lựa chọn giải pháp xử lý. Thường thì họ sẽ lợp luôn mái tôn, tạo nên một phong trào, một hiệu ứng hình ảnh mái chóp. Tuy nhiên giải pháp này cũng không phải là rẻ, và đặc biệt không đạt được thẩm mỹ của đô thị. Khi lợp mái tôn rồi, nhưng còn tường, sê nô, ô văng…, việc ngấm, thấm, dột vẫn có thể xảy ra. Một giải pháp khác, chủ nhà mua vật tư như xi măng, cát, cạy bỏ lớp bảo vệ mái cũ (có thể là gạch lát, có thể là vữa láng...), sau đó láng vữa xi măng và cát, có thể lát gạch lại để bảo vệ mái và để sử dụng sân thượng. Nhưng thường là 1 năm, dài hơn thì có thể là 3 - 5 năm, hiện tượng thấm, ngấm dột lại xảy ra và nhà lại... “xấu”, ảnh hưởng đến công năng sử dụng, ảnh hưởng đến thẩm mỹ công trình và đô thị.

Một trường hợp cũng hay xảy ra, đó là khi bị sự cố, chủ nhà tìm đến nhà thầu hoặc đơn vị tư vấn. Nhưng không phải nhà thầu và nhà tư vấn nào cũng có năng lực và kinh nghiệm trong vấn đề xử lý hiện tượng thấm, ngấm, dột của công trình. Đôi khi chủ nhà gặp đúng nhà tư vấn nhưng lại không có kinh nghiệm, nhà thầu, nhà bán hàng đặt hiệu quả kinh doanh lên đầu, chủ nhà nghe bùi tai thì thực hiện theo phương án mà nhà tư vấn, nhà thầu, nhà bán hàng đề xuất, và như thế thì rất có thể có kết quả không cao về chất lượng.

Một phần do nhận thức của chủ nhà, luôn luôn muốn rẻ, họ đầu tư một ngôi nhà 1 - 2 tỷ đồng, thậm chí là 5 đến 7 tỷ, nhưng để trả thiết kế phí, chi phí cho sản phẩm triệt để chống lại sự “thấm, ngấm, dột” vài chục triệu thì lại so đo, cò kè. Vì vậy, để bảo đảm có lãi và có công ăn việc làm, doanh nghiệp lại không có tầm chiến lược trong kinh doanh, nhà thầu chấp thuận xử lý nhưng dùng vật liệu không chuẩn, bớt công đoạn, bớt khối lượng, dẫn đến sản phẩm không đảm bảo chất lượng và thế là chuyện thấm, ngấm, dột là không tránh khỏi.

Giải pháp nào khả quan?

Qua phân tích ở trên, nhiều người sẽ có nhu cầu, cân nhắc sự lựa chọn giải pháp nào là phù hợp khi ngôi nhà mình bị thấm - ngấm - dột.

Bước đầu tiên, phải xác định nhà mình bị thấm - ngấm - dột do đâu? Truy tìm nguyên nhân nên mời chuyên gia có kinh nghiệm đánh giá. Nếu do nứt, chuyển vị kết cấu, thì chỉ xử lý chống thấm khi kết cấu ổn định, vì khi kết cấu không ổn định thì sau khi xử lý, chuyện thấm, dột vẫn có thể tiếp tục xảy ra. Đừng tin vào người bán hàng giới thiệu vật liệu trương nở theo sự chuyển dịch của kết cấu, vì hiện nay chưa có được vật liệu như thế.

Bước tiếp theo là nên lựa chọn nhà thầu chuyên nghiệp, thi công có uy tín. Tốt nhất là chọn nhà thầu có công trình giới thiệu thực tế đã làm và có ý kiến đánh giá tốt của khách hàng về các biện pháp chống thấm. Nên lựa chọn nhà thầu ở gần để còn bảo hành, bảo trì sản phẩm, không quá lăn tăn về giá cả sau khi khảo sát, lựa chọn sản phẩm và lựa chọn nhà thầu thực hiện. Quá trình thực hiện nên có tư vấn giám sát, ghi nhận (có thể bằng hình ảnh) quá trình thi công, nhằm dễ xử lý nếu khi sử dụng vẫn tiếp tục phát sinh sự cố thấm, dột.

Trên thị trường hiện có nhiều đơn vị thực hiện công việc này, mỗi đơn vị thường đi liền với một sản phẩm nhất định. Ta có thể lựa chọn vật liệu chống thấm Sika với nhiều chủng loại; sơn chống thấm của các hãng KOVA, DULUX, BOOS (trong và ngoài nước). Nhưng không nên quá kỳ vọng vào hàng ngoại vì như đã thống kê, thì hiện tượng thấm, ngấm, dột các công trình ở Mỹ có đến 60%, Singapo đến 53%... Như vậy hiện tượng trên là vấn nạn và việc xử lý là thường xuyên, liên tục. Ở Việt Nam có INTOC là vật liệu giá phù hợp, dễ sử dụng, thậm chí chủ nhà có thể tự thi công dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của nhà tư vấn mà vẫn đảm bảo về độ bền, xử lý tương đối triệt để và đảm bảo về thẩm mỹ công trình.

Vật liệu chống thấm rất quan trọng nhằm đảm bảo an toàn thoát nước,

chống thấm, dột khi ta đưa hệ cây lên mái.

Trong kỹ thuật xây dựng có kỹ thuật riêng tạo giả mốc, dùng để bảo tồn các công trình kiến trúc cũ, kiến trúc cần bảo tồn, kiến trúc di sản…, xử lý đúng thì chúng ta sẽ có được màu thời gian với những đối tượng này. Vấn đề này, xin sẽ được chia sẻ ở một bài viết khác.

Như vậy, việc xử lý vấn nạn thấm, ngấm, dột là việc cần được quan tâm thường xuyên, liên tục để có được những ngôi nhà luôn đẹp, đô thị đáng sống, “sáng - xanh - sạch - đẹp”.

 

KTS. Nguyễn Văn Cường

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy