Thứ tư, ngày 04 tháng 12 năm 2024
00:15 (GMT +7)

Thái Nguyên có một lớp sư phạm như thế

Vào những năm cuối của thập kỷ 60, thế kỷ trước, tỉnh Bắc Thái (gồm 2 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn) thiếu giáo viên trầm trọng. Vì vậy, tỉnh đã có những lớp đào tạo sư phạm cấp tốc. Ngoài lớp “Sư phạm Gốc Mít” (cái tên gọi vui vui trong dân gian) cho giáo viên cấp 1, chỉ tập huấn khoảng mươi ngày, tỉnh Bắc Thái còn mở 2 khóa học cấp tốc nữa gọi là lớp Sư phạm 10 + 1 (tức là bậc trung cấp, học 1 năm sau tốt nghiệp phổ thông) tại trường Trung cấp Sư phạm Bắc Thái để ra dạy các trường cấp 2. Địa điểm tại xã Phúc Trìu, huyện Đồng Hỷ.

Chúng tôi là những giáo sinh của khóa 1 (1968 - 1969) của nhà trường. Lớp học ngày ấy, ngoài một số ít anh chị là giáo viên cấp 1 đi học nâng bậc, còn lại là học sinh phổ thông. Hầu hết các giáo sinh của khóa học này đều là những người không thi đỗ hoặc có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thậm chí có người gia đình thuộc thành phần địa chủ nên không đủ điều kiện đi học đại học... Rất đúng nghĩa với câu cửa miệng đương thời ngày ấy: “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”.

Tác giả (áo dài tím) cùng các bạn lớp Sư phạm 10 +1. Ảnh: Đ.T

Vào cuối năm 1968, chúng tôi từ các huyện Bạch Thông, Chợ Đồn, Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Bình, Phổ Yên… lếch thếch đến tập trung tại trường. Cả lớp hơn bốn chục giáo sinh, chỉ dăm ba người có vẻ chững chạc, còn lại trông ngơ ngác như chim lạc rừng, quần áo thì xoàng xĩnh, cũ kỹ.

Năm ấy, Trường Trung cấp Sư phạm Bắc Thái mới thành lập, trông còn như một bãi đất hoang, lác đác vài dãy nhà tranh sơ sài. Các lớp giáo sinh 7 + 3 phải lao động xây dựng trường sở, chỉ lớp 10 + 1 của chúng tôi được ưu tiên vào học ngay.

Lớp được chia làm 2 ban: Ban Xã hội và Ban Tự nhiên. Trường chưa có ký túc xá, nhưng rất may là được cơ quan Kho Lương thực Phúc Trìu cho mượn 2 kho gạo cũ đang bỏ trống. Thế là 2 kho gạo trở thành 2 nhà tập thể, một nam, một nữ đối diện nhau. Giường là những tấm gỗ xù xì chưa bào hoặc tre nứa đập dập trải xuống nền xi măng, phủ chiếu lên nằm.

Chương trình học cũng rất chắp vá, có lẽ chưa có sự chuẩn bị chu đáo. Ngoài những ngày học chung về chính trị, giáo học pháp… mỗi ban lại có những buổi học riêng. Tôi không rõ Ban Tự nhiên học những gì. Còn Ban Xã hội chúng tôi thì chủ yếu học về ngôn ngữ như từ vựng, ngữ âm, ngữ pháp và tu từ học, là những thứ cần thiết cho việc giảng dạy môn văn cấp 2. Nhưng cũng hết sức sơ sài, cưỡi ngựa xem hoa.

Giáo viên của lớp chủ yếu là những giáo viên thỉnh giảng được mời từ Đại học Sư phạm Việt Bắc, Ty Giáo dục, Phòng Giáo dục, thậm chí là các giáo viên giỏi từ các trường Cấp 2. Hiệu trưởng là thày Lương Vĩnh Khang, một nhà giáo điềm đạm, lịch thiệp. Những thày trực tiếp lên lớp là bác Nguyễn Ngọc Nhường (Trưởng Ty Giáo dục), thày Hoàng Hữu Bội, thày Lộc (Đại học Sư phạm Việt Bắc), cô Hương (giáo viên của Trường), thày Hướng (Phòng Giáo dục huyện Đồng Hỷ). Dự kiến của Ban Giám hiệu là các thày sẽ lên lớp trong 3 tháng rồi gửi giáo sinh tới các trường cấp 2 để thực tập. Vì vậy, tuy gọi là 10 + 1 nhưng thời gian thực của cả khóa học chỉ khoảng 6, 7 tháng là cùng.

Những năm tháng đó, nhìn chung các trường đại học, trung học đã rất gian nan, thiếu thốn, nhưng lớp 10 + 1 cấp tốc của chúng tôi còn khó khăn gấp bội. Ăn thì chủ yếu gạo kho lồng bồng đã hết nhựa độn sắn, khoai, hạt bo bo. Đôi khi có bữa bột mỳ luộc thì cứng quèo ném xuống đất lăn tít như bánh xe. Tôi còn nhớ cái lần có một bạn trong lớp lén khắc lên cây mai cạnh bếp ăn một bài thơ, dựa trên bài ca dao cổ: “Từ nay tôi cạch đến già. Tôi chẳng đến bếp của bà nữa đâu. Bánh thì vừa mọt vừa sâu/ Vừa bé hạt gạo vừa đau đồng tiền”. Thế là cả lớp bị thày hiệu trưởng gọi lên cho “một bài học” nhớ đời về đạo đức xã hội chủ nghĩa. Thực ra đó cũng chỉ là một trò nghịch ngợm, vui vẻ để xả tréc thôi chứ cũng chẳng phải bực bội, oán trách gì.

Ngày 24/3/1969 chúng tôi được nhà trường cử đi thực tập ở các trường Cấp 2 xung quanh thành phố Thái Nguyên như: Cao Ngạn, Gang Thép, Hoàng Văn Thụ, Nha Trang… trong sự lo lắng thắt lòng của thày Hiệu trưởng Lương Vĩnh Khang. Không lo sao được trước một lớp học có vẻ hơi thiếu chính quy, lại không được trang bị đầy đủ kiến thức sư phạm. Vậy mà chúng tôi đã ra đi trong một niềm hào hứng vô hạn.

Theo quy định chung của các trường sư phạm thì thời gian thực tập chỉ trong vòng hơn một tháng, nhưng các giáo sinh của cái lớp cấp tốc ấy của chúng tôi thực tập kéo dài tới hơn 3 tháng. Nghe nói, chính vì những khó khăn về cơ sở vật chất lúc bấy giờ nên nhà trường mới phải “gửi” giáo sinh cho các nhà trường phổ thông một thời hạn lâu như vậy, như một kiểu nhất cử lưỡng tiện. Nhưng kỳ lạ thay, chính sự “cắm sâu, bền rễ” ấy mà chúng tôi đã học hỏi được các giáo viên trong trường rất nhiều. Chỉ sau một tháng làm quen với công việc, nhiều giáo sinh đã có thể đứng lớp như một giáo viên thực thụ, được các em học sinh quý mến. Nói một cách khác, hơn 3 tháng thực tập ở các trường phổ thông đã khiến chúng tôi thành nghề và yêu nghề. Khi kết thúc đợt thực tập, quá nửa giáo sinh trong lớp được xếp loại A. Điều quan trọng hơn là hồi ấy trường đã nhận được không ít lời ca ngợi từ các trường cấp 2 về đoàn giáo sinh thực tập. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in không khí cảm động và trang trọng của buổi tổng kết đợt thực tập năm ấy; vẫn chưa quên ánh mắt trìu mến và tự hào của thày hiệu trưởng khi nhìn xuống các giáo sinh trong lớp.

Ngày 10/9/1969, chúng tôi nhận quyết định điều động đi khắp các huyện, thị trong tỉnh. Cũng từ đấy, chúng tôi chia tay nhau. Chiến tranh, khoảng cách địa lý, hoàn cảnh cá nhân… khiến rất nhiều năm sau đó, chỉ trừ vài trường hợp cá biệt, còn lại hầu như các bạn trong lớp đều “bặt vô âm tín”.

Tính đến hôm nay, đã hơn 53 năm xa cách. Bạn bè mỗi người một phương, không hiểu cái lớp cấp tốc ấy có làm nên “trò trống” gì trong sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà!

Sau một thời gian tìm hiểu trên Facebook, dõi tìm khắp nơi và tập hợp, ngày 24/9/2022 vừa qua lớp Sư phạm 10 +1 của chúng tôi đã tổ chức được một cuộc gặp mặt đầy ấn tượng tại thành phố Phổ Yên, ngay tại nhà của giáo sinh Ngô Thượng Thái. Thực ra, Ngô Thượng Thái đã từng là một hiệu trưởng lâu năm của một trường PTCS, nhưng chúng tôi vẫn thích gọi anh với cái danh hiệu “giáo sinh” xưa cũ như thế.

Mừng mừng tủi tủi. Gặp nhau, qua những câu chuyện về nhau mới biết, chỉ trừ một đôi trường hợp bất khả kháng, còn lại hầu hết hơn bốn mươi giáo sinh xưa đều đã đi trọn con đường dạy học của mình. Không một ai bỏ dạy, tất cả đều bám trường, bám lớp, kể cả trong những thời gian khó khăn gian khổ nhất. Nhiều người của lớp sư phạm ngày ấy đã trở thành giáo viên dạy giỏi các cấp như Đào Bạch Dương, Bùi Ngọc, Ngọc Lâm…. Có một số còn trở thành các cán bộ quản lý giỏi như Ngô Thượng Thái, Nguyễn Đình Phương, Đào Ngọc Khá... Có những người là cán bộ chuyên môn của Phòng Giáo dục và Đào tạo như Ngô Thị Khánh, Hoàng Dung... Cũng không thể quên nhắc tới những bạn đã khoác áo lính và anh dũng hi sinh trên chiến trường như Dương Văn Mạc, Nguyễn Văn Lượng…

Cả lớp có 2 bạn tuy sau đó bỏ nghề, nhưng không phải vì không yêu nghề mà bước sang một lĩnh vực khác trên con đường sự nghiệp của mình. Đó là Dương Huy Tưởng - chủ một công ty mộc- mỹ nghệ rất nổi tiếng ở Phương Độ, Phú Bình. Tự hào nhất lớp tôi có nhà văn Hồ Thủy Giang (tên thật là Đào Việt Hải). Sau mười năm dạy học tại huyện Đại Từ, anh được điều chuyển về Ban Vận động thành lập Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Thái. Hiện anh là một cây viết “lực lưỡng” của tỉnh Thái Nguyên đã đạt trên 20 giải thưởng quốc gia, sáng tác mấy chục tác phẩm đủ các thể loại từ truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản phim, lý luận văn học... Tác phẩm của anh trở thành đề tài nghiên cứu của 4 - 5 luận văn thạc sĩ, nhiều tác phẩm được tuyển chọn vào sách giáo khoa. Anh còn từng là lãnh đạo của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh nhà, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam. Anh thành công đến mức nhiều người quên anh từng là nhà giáo, mà lại là nhà giáo xuất phát từ cái lớp sư phạm cấp tốc 10 + 1 ngày ấy.

Chúng tôi rất tự hào về những bạn bè của lớp đã vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, vững vàng đi lên trong sự nghiệp cũng như cuộc sống. Đến nay, tất cả đã nghỉ hưu và đều ở độ tuổi xưa nay hiếm. Vâng! Thái Nguyên đã từng có một lớp học như thế. Họ là những cánh chim đầu đàn của trường Trung cấp Sư phạm Bắc Thái xưa, tiền thân của Trường Cao đẳng Thái Nguyên hôm nay.

Hoàng Thị Nguyệt

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Một cánh chim bằng

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Mái trường của tôi

Tôi và Thái Nguyên 2 tuần trước

Dọc miền kí ức

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Vẳng tiếng chuông chùa

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Xóm Đồi yêu dấu

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Vó Ngựa, mảnh đất tôi yêu

Xem tin nổi bật 6 tháng trước