Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
11:36 (GMT +7)

Tầm nhìn trong quy hoạch phát triển đô thị

KTS. Nguyễn Văn Cường

Người ta hay nói đến tầm nhìn. Tầm nhìn về phát triển kinh tế xã hội; tầm nhìn trong phát triển đô thị; tầm nhìn về cải cách giáo dục đào tạo... Trong phạm vi bài viết này, xin được đề cập vài suy nghĩ về tầm nhìn quy hoạch phát triển đô thị.

Thông thường, một đồ án quy hoạch chung được lập ra luôn gắn với nhiệm vụ giải quyết về mục tiêu phát triển cho một đô thị. Mỗi đô thị lại có một tính chất khác nhau, được tính toán cho một giai đoạn phát triển có thời gian là 5 năm, 10 năm, 15 năm, thậm chí 50 năm tùy theo loại đồ án; khi tính toán phát triển dài hạn trong đồ án quy hoạch chung người ta gọi là tầm nhìn. Như vậy, tầm nhìn quy hoạch thực chất là tầm nhìn phát triển của một khu quy hoạch, của một đô thị. Tầm nhìn mang tính chất dự báo, khi có tầm nhìn tốt, đô thị được quy hoạch sẽ có sự phát triển tốt, tạo ra sức sống của đô thị hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm. Thực tế đã minh chứng về tầm nhìn khi vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long - Hà Nội; Khi Chúa Nguyễn Hoàng chọn Phú Xuân - Huế làm điểm dừng chân... Có một điều, tầm nhìn quy hoạch đô thị hiện đại luôn xuất phát từ quyết sách của nhà lãnh đạo hoặc chính quyền đô thị và gắn với KTS cùng với nhà tư vấn tên tuổi, được cụ thể hóa bằng sức mạnh tổng hợp: từ chính quyền, từ các chuyên gia, các nhà tư vấn đến cộng đồng xã hội. Có thể ví dụ: Thủ đô Brasilia (một trong những di sản quy hoạch duy nhất của kiến trúc hiện đại thế kỷ XX được UNESCO vinh danh, gắn với tên tuổi Tổng thống Brazin Kubitschek; Đặc khu kinh tế Thâm Quyến gắn với tên tuổi Đặng Tiểu Bình; các đô thị phát triển trong nước quy hoạch mở rộng thành phố mới Đà Nẵng lấy sông Hàn làm trung tâm; quy hoạch thành phố mới Bình Dương; quy hoạch thành phố mới Lào Cai, lập ý tưởng quy hoạch vùng tỉnh Bắc Ninh đến 2050, đô thị Phú Mỹ Hưng... đều xuất phát điểm từ lãnh đạo chính quyền đô thị, còn vô vàn ví dụ nữa mà ta đã thấy trên thực tế. Hiệu ứng của quy hoạch tốt, của tầm nhìn tốt đôi khi có tác động đến sự phát triển kinh tế xã hội của khu vực lập quy hoạch ngay sau khi triển khai quy hoạch, điều đó được thể hiện ở sự thu hút đầu tư, ở sức hút phát triển của vùng quy hoạch, của thu nhập, của đời sống xã hội...

Khu đô thị Hồ Xương Rồng T.P Thái Nguyên (Ảnh: Phạm Thành Trung)

Tầm nhìn cho quy hoạch đô thị cần dựa vào các điều kiện của vùng đất quy hoạch đó về tự nhiên, kinh tế, chính trị... và cả về văn hóa, truyền thống lịch sử, đồng thời phải có được tư duy đi trước, đón nhận được sự phát triển, gắn kết được với sự phát triển của toàn khu vực, đôi khi gắn kết với cả sự phát triển của hệ thống đô thị của cả một quốc gia, một vùng. Để xác định tầm nhìn có đúng không thật khó và cần có được sự kiểm chứng trong một giai đoạn lịch sử.

Cụ thể hóa vấn đề tầm nhìn chính là đánh giá điều kiện tự nhiên, hiện trạng về văn hóa xã hội, truyền thống lịch sử... Dự báo được sự phát triển của đô thị về phát triển dân số, về sự phát triển của các phương tiện giao thông, về nếp sống của cư dân đô thị trong tương lai, đón đầu được xu thế quy hoạch đô thị hiện đại, khơi dậy được động lực phát triển đô thị, xác định tính chất đô thị đặt ra đầu bài. Lập ra đồ án quy hoạch có chất lượng cao, tầm nhìn tốt là trách nhiệm các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, các chuyên gia, nhà tư vấn… Tìm ra cho mỗi đô thị một tầm nhìn phát triển bền vững. Đồ án quy hoạch có tầm nhìn tốt phải giải quyết được các yếu tố thách thức đối với phát triển đô thị, ví dụ: vị trí, khoảng cách phù hợp nhất của những mảng cây xanh, mặt nước trong đô thị, sự phát triển của phương tiện giao thông cá nhân đặc biệt là ô tô, xe máy; ảnh hưởng của ô nhiễm sản xuất công nghiệp; hiệu ứng của giải pháp nhà chia lô... Những thách thức này có thể thấy ngay và cũng có thể tác động tiêu cực trong tương lai.

Brasilia là thủ đô được xây mới đầu tiên trên thế giới trong thế kỷ 20. Năm 1987, tức là 27 năm sau khi khánh thành, Brasilia được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.

Liên hệ với thực tiễn xây dựng, phát triển đô thị ở TP. Thái Nguyên, vẫn còn những ý kiến “than phiền” kiểu như “thiếu công viên”, “thoát nước kém”,… song đây chỉ là những vấn đề cụ thể. Đối chiếu với những nội dung trên, ta có thể thấy TP. Thái Nguyên liệu đã có tầm nhìn trong quy hoạch xây dựng hay chưa?.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy