Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
21:00 (GMT +7)

Quy hoạch xây dựng kiến tạo sự hấp dẫn của đô thị

VNTN -Đô thị “sống tốt” níu giữ cư dân đến ở và sinh sống, thu hút những nhà đầu tư, tạo ấn tượng đẹp với du khách, nếu thực sự hấp dẫn, nó sẽ khiến người ta quay trở lại nhiều lần. Thực tiễn cho thấy, vấn đề “tầm nhìn”, vấn đề “chất lượng” trong các đồ án chúng ta lập đô thị đẹp, đô thị hấp dẫn, đô thị sống tốt…, là chuyện cần xem xét.


Câu chuyện của quy hoạch xây dựng

Nhiều ví dụ cho ta thấy, trên thế giới hiện có nhiều đô thị “sống tốt” như: Québec, Vancouver (Canada) London, Birmingham (Anh), Paris (Pháp)... ở Việt Nam cũng có nhiều đô thị hấp dẫn như: Thành phố Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng, TP Vũng Tàu...; nó thu hút thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội, tạo sự gia tăng cơ học về dân số cho những đô thị ấy, và có thể khẳng định đây là những đô thị “sống tốt”.

Đô thị “sống tốt” phải có sự hấp dẫn của hai yếu tố quan trọng là: phần “cứng” (có vị trí địa lý, có quy hoạch xây dựng tốt, có sự ưu đãi của thiên nhiên...; phần “mềm” (đó là nếp sống, văn hóa, văn minh đô thị, thể chế quản lý đô thị, môi trường xã hội đô thị, cơ hội phát triển...)

Một góc trung tâm thành phố Thái Nguyên           Ảnh: Trần Hải Hưng

Trong sự hấp dẫn của phần “cứng” có vai trò vô cùng quan trọng của quy hoạch xây dựng và xây dựng phát triển đô thị, trong đó quy hoạch xây dựng phải đi trước một bước. Với các tiêu chí trên, dưới góc nhìn “sống tốt” để đánh giá thực tiễn việc quy hoạch xây dựng đối với đô thị thành phố Thái Nguyên. Một đô thị đang phát triển, được khởi đầu bằng đầu tư xây dựng khu công nghiệp Gang thép bắt đầu vào năm 1959, đến năm 1962 Thái Nguyên được công nhận là thành phố, đến 1996 được đô thị loại III trực thuộc tỉnh, lên đô thị loại II vào năm 2002 và là đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào năm 2010. Thành phố Thái Nguyên có lợi thế về vị trí địa lý cùng với lợi thế về cảnh quan, về quỹ đất, sự thu hút nhân lực..., đã tạo cho mình một vị thế trung tâm cấp vùng. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng sự phát triển của đô thị thành phố chưa hiện đại, chưa bản sắc, chưa xứng tầm, phải chăng là lỗi của quy hoạch xây dựng? Thành lập từ năm 1962, nhưng đến năm 1996 lần đầu tiên quy hoạch chung thành phố mới được lập. Đến năm 2005, đồ án quy hoạch được lập điều chỉnh, định hướng phát triển tới 2020. Do yêu cầu thực tế khách quan, năm 2013 đồ án điều chỉnh lần 2 được lập và phê duyệt vào tháng 12/2016. Các đồ án ấy đã làm cơ sở cho đô thị thành phố Thái Nguyên có được bộ mặt như hôm nay. Nó cũng là động lực thu hút đầu tư phát triển, thu hút tăng cơ học dân số đô thị, từ chỗ chỉ có khoảng 5 vạn người vào thời kỳ đầu, đến nay thành phố đã có khoảng 35 vạn dân và dự báo tăng lên đến 60 vạn vào năm 2030, dân cư thành phố phát triển chủ yếu là dân nhập cư, chất lượng dân số và mức sống đô thị của cư dân đô thị thành phố Thái Nguyên ở mức tương đối cao so với khu vực.

Vai trò của quy hoạch xây dựng phải đi trước một bước, làm tiền đề cho sự phát triển. Đến năm 1996 thành phố mới có đồ án quy hoạch chung để quản lý và xây dựng. Tuy có nhiều lý do, nhưng sau 34 năm từ ngày thành lập việc này mới được thực hiện thì quả là chậm so với yêu cầu thực tế. Ở đây không tiếp cận vấn đề chất lượng của các đồ án quy hoạch. Nhưng nhìn nhận dưới con mắt khách quan, không gian đô thị thành phố Thái Nguyên hiện hữu ít có lời khen đánh giá là thành phố đẹp, thành phố đáng nhớ, mặc dù xây dựng thành phố Thái Nguyên phát triển nhanh, chúng ta đã có quỹ đô thị, quỹ xây dựng không phải là nhỏ. Việc lập lại, phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Thái Nguyên là cần thiết để đảm bảo sự phù hợp yêu cầu thực tiễn và đáp ứng tiêu chí phát triển. Thực tiễn cho thấy, ở đây vấn đề “tầm nhìn”, vấn đề chất lượng trong các đồ án chúng ta lập là vấn đề cần xem xét. Đô thị thành phố Thái Nguyên đang được hình thành trên cơ sở các đồ án được duyệt, nhưng thành phố quả là thiếu các trục giao thông chính của đô thị. Trục xuyên suốt Bắc - Nam là đường Dương Tự Minh - Bắc Kạn - Cách Mạng Tháng Tám chỉ khiêm tốn ở mặt cắt tối thiểu 27m30m (theo quy chuẩn có thể rộng đến 80m). Trục đường Lương Ngọc Quyến - đường Thống Nhất tương tự như vậy, chỉ có 27m. Đoạn rộng nhất của giao thông đô thị thành phố là đường Đội Cấn cũng chỉ rộng 66m, dài 750m. Sắp tới cầu Bến Tượng khi hoàn thành chưa dự báo việc kết nối giao thông giữa Trung tâm vào cầu sẽ như thế nào? Xung đột về giao thông giữa nút vào cầu và đường Bến Tượng rất dễ xảy ra. Trục ngang chính của thành phố là đường Hoàng Văn Thụ hiện rộng 41m (theo quy chuẩn nó có thể rộng từ 70m đến 80m), ở 2 đầu lại thắt lại là đường Quang Trung hiện rộng 27m, đường Bến Oánh 22,5m (theo quy chuẩn thì mặt cắt của trục này tối thiểu là 30m, tối đa phải đạt được là 80m). Trục mới là đường Việt Bắc mới được đầu tư, là một con đường đẹp, ta mơ ước từ lâu, nhưng đáng lẽ phải là 46m, giờ chỉ là 22,5m với vỉa hè giáp đường tàu khô cứng chỉ có 4m, không cây xanh. Đi trên đường Hoàng Văn Thụ, không khó gì thấy một loạt họng giao thông để chờ nhưng không được kết nối với đâu cả. Đây chính là hiện tượng chúng ta thiếu đường nội thị, hiệu ứng phường rỗng bụng, “làng” trong phố là hệ lụy tất yếu mà việc khai thác quỹ đất lại không hiệu quả. Với tất cả lý do trên, việc tắc đường, xung đột giao thông của thành phố cũng là chuyện đương nhiên phải xảy ra, mặc dù dân số đô thị thành phố Thái Nguyên chưa thực sự là đông.

Thành phố Thái Nguyên hôm nay

Kiến tạo sự hấp dẫn như thế nào?

Thành phố đang phát triển về phía Đông, dòng sông Cầu sẽ là chủ thể của đô thị. Đồ án quy hoạch 2016 đã được điều chỉnh so với các đồ án trước, hy vọng chúng ta sẽ có được đô thị hiện đại, bản sắc, có được thành phố nhìn ra sông. Hai cái công viên mỗi cái rộng 100ha bên phía đông quy hoạch trước đã có được điều chỉnh và chưa thực sự là trọng tâm của đồ án. Thành phố Thái Nguyên vốn được nhìn nhận là thiếu cây xanh đô thị, cây chưa có bản sắc, đặc biệt là chưa có công viên. Thành phố không có công viên là thành phố thiếu sức sống và nó sẽ thiếu độ hấp dẫn, thu hút để phát triển. Thành phố Thái Nguyên có một đặc điểm nữa là đường vòng tránh, đường cao tốc xuyên qua giữa thành phố về mặt hình học. Sự kết nối Đông - Tây giữa hai nửa thành phố chỉ có thể bằng cầu vượt, cầu chui. Chúng ta làm đường Bắc Sơn kết nối lên Núi Cốc, chắc chắn ta phải làm nút giao với đường cao tốc, vì nút giao Thịnh Đán chỉ có 4 làn xe và toàn tuyến chỉ có 14 cống chui rộng 3,75m. Chưa kể là đường cao tốc chiếm mất quỹ đất đô thị khoảng 200ha và kinh phí không nhỏ khi làm đường gom mà hiệu quả không cao về mặt phát triển không gian đô thị. Đành rằng tuân thủ quy hoạch giao thông quốc gia, nhưng sao ta không dự báo “tầm nhìn” tránh về phía Đông hoặc phía Tây có thể đến năm 2035 hoặc xa hơn, vừa có cơ hội phát triển cho cả đô thị và cho những khu vực có đường tránh đi qua. Hiện đường tránh của ta lại đi qua giữa nhà. Thành phố Thái Nguyên phát triển bắt đầu từ công nghiệp nặng, ta có được khu công nghiệp Gang thép Thái Nguyên, nhà máy Cán thép Gia Sàng, Nhà máy điện Cao Ngạn, Mỏ than Khánh Hòa... Có được sự phát triển, nhưng về quy hoạch thì có vấn đề. Trước mặt có khu Gang thép, sau lưng có nhà máy điện, giữa đô thị có Cán thép Gia Sàng. Đã có những giai đoạn bụi công nghiệp phủ lên không gian ở và không khí trong đô thị (mặc dù chưa có số liệu đo). Việc này, có lẽ cũng phải đặt ra một “tầm nhìn” trong quy hoạch xây dựng phát triển thành phố. Việc di dời là một việc tất yếu trong tương lai đối với đô thị thành phố Thái Nguyên mà các nước công nghiệp phát triển đều phải trải qua. Vấn đề tái sinh khu đất thải mỏ than Khánh Hòa, vấn đề giao thông tĩnh trong đô thị (bãi đỗ xe), vấn đề vỉa hè đô thị, điểm cây xanh, mặt nước trong đô thị... cũng chưa bao giờ được đặt ra để nghiên cứu thấu đáo và giải quyết triệt để bài toán này. Vấn đề yếu tố phần “cứng”, phần “mềm” liên quan đến quy hoạch xây dựng thành phố Thái Nguyên là vấn đề lớn, mang tính chất bao trùm, xuyên suốt, dài hạn. Trong giới hạn ta chỉ “tiếp cận”, xới nên vài ý, làm rõ hơn trách nhiệm của quy hoạch xây dựng cùng những người quản lý, những người làm nghề và cộng đồng.

“Phát triển thành phố Thái Nguyên bền vững, hiện đại, xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch, dịch vụ của tỉnh Thái Nguyên và vùng trung du miền núi Bắc Bộ, để Thái Nguyên thành vùng kinh tế trọng điểm Bắc thủ đô Hà Nội và trong tứ giác tăng trưởng kinh tế ở phía Bắc”. Nội dung này luôn được nêu trong các nghị quyết và trong quyết định của các đồ án quy hoạch được duyệt. Chúng ta có chủ trương đúng là điểm tựa, vấn còn lại là chuyên môn sâu về quy hoạch xây dựng, việc tham mưu đúng, quyết sách phù hợp... luôn cần, để chúng ta có một đô thị thu hút, đô thị “sống tốt”, tạo động lực để đô thị thành phố Thái Nguyên phát triển bền vững.

Kts. Nguyễn Văn Cường

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy