Thứ ba, ngày 17 tháng 09 năm 2024
02:31 (GMT +7)

Phát triển du lịch tại thành phố Thái Nguyên: Bài 2 - Những kho tàng cần được “khai phá”

Thái Nguyên, với vị trí chiến lược nằm ở trung tâm vùng Đông Bắc, không chỉ nổi bật với những di tích lịch sử và văn hóa phong phú, mà còn sở hữu một kho tàng thiên nhiên đa dạng và hấp dẫn. Dù hiện tại, thành phố đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc thu hút và giữ chân du khách, nhưng không thể phủ nhận rằng TP. Thái Nguyên vẫn ẩn chứa những tiềm năng du lịch vô cùng quý giá.

Phát triển du lịch tại thành phố Thái Nguyên: Bài 2 - Những kho tàng cần được “khai phá”
Di tích lịch sử Quốc gia nơi tưởng niệm 60 liệt sỹ TNXP, Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái tọa lạc tại phường Gia Sàng, TP. Thái Nguyên  là điểm đến của  du khách từ khắp mọi miền đất nước. Ảnh: Mạnh Hùng

Với sự kết hợp hài hoà giữa thiên nhiên và văn hóa, Thái Nguyên hiện lên như một bức tranh đa sắc. Những đồi chè xanh mướt ở Tân Cương và hồ Núi Cốc thơ mộng là những điểm đến lý tưởng, mang đến những trải nghiệm độc đáo cho du khách. Tuy nhiên, tiềm năng du lịch của thành phố vẫn chưa được khai thác triệt để. Di sản văn hóa phong phú, các làng nghề truyền thống và công trình kiến trúc độc đáo vẫn chưa đủ để lấp đầy khoảng trống trong việc thu hút và níu chân khách du lịch.

Thái Nguyên có lợi thế về vị trí địa lý với khoảng cách gần sân bay quốc tế Nội Bài và hệ thống giao thông hiện đại, bao gồm các tuyến quốc lộ và đường cao tốc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối với du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, lượng khách du lịch đến Thái Nguyên, đặc biệt là khách quốc tế, vẫn là rất ít. Điều này đặt ra câu hỏi, liệu thành phố có thiếu điểm nhấn hấp dẫn đối với du khách quốc tế?

Phát triển du lịch tại thành phố Thái Nguyên: Bài 2 - Những kho tàng cần được “khai phá”
Những dấu ấn mang tên Khu Gang Thép - cái nôi của ngành công nghiệp luyện kim Việt Nam đã là một phần của lịch sử trong sự hình thành và phát triển TP. Thái Nguyên. Ảnh: Hải Bình

Ngược lại với giả thiết này, bà Trần Nữ Ngọc Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Khách sạn Đông Á, người có nhiều năm kinh nghiệm làm việc với các chuyên gia và tổ chức nghiên cứu du lịch quốc tế khẳng định Thái Nguyên có nhiều lợi thế nổi bật trong việc thu hút khách nước ngoài.

Nhận định này được đưa ra là bởi: Trong quá trình tiếp xúc với họ, mỗi khi nói đến Thái Nguyên, các chuyên gia du lịch quốc tế thường bày tỏ sự quan tâm đến các điểm đến như “chiến khu Việt Bắc” và “Cái nôi của ngành công nghiệp luyện kim Việt Nam”, cùng với niềm mong mỏi được thưởng thức chén trà ngon “đệ nhất” ngay tại nơi sản sinh ra nó.

Phát triển du lịch tại thành phố Thái Nguyên: Bài 2 - Những kho tàng cần được “khai phá”
Nhiều du khách quốc tế mong muốn được tìm hiểu về địa danh Khu Gang Thép, nơi nối tiếng với họ qua sách báo. Ảnh: Mạnh Hùng

Họ nói rằng, Thái Nguyên rất nổi tiếng với những điều đó trên sách vở và họ rất muốn được đến "mục sở thị" những điều họ đã được nghe. Điều đó cho thấy, Thái Nguyên chúng ta đã có thương hiệu. Nhiều địa phương khác không có được lợi thế này, họ phải tự tạo ra thương hiệu, trong khi chúng ta có sẵn. Vì thế, bên cạnh việc phát triển các sản phẩm du lịch khác, tôi nghĩ rằng TP. Thái Nguyên cần chú trọng đầu tư vào những sản phẩm đã làm nên thương hiệu của mình. Biết cách khai thác thế mạnh đó, chắc chắn thành phố đón được du khách nước ngoài.

Bên cạnh đó, được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu trong lành và đất đai màu mỡ, Thái Nguyên còn giàu tiềm năng trong phát triển đa dạng các loại hình du lịch. Nổi bật trong số đó là Khu du lịch sinh thái Hồ Núi Cốc, nằm cách trung tâm thành phố 16 km về phía Tây. Với diện tích gần 10ha và hệ sinh thái đa dạng, Hồ Núi Cốc có đầy đủ tiêu chuẩn trở thành một điểm đến nghỉ dưỡng và trải nghiệm tự nhiên hấp dẫn cho du khách.

Phát triển du lịch tại thành phố Thái Nguyên: Bài 2 - Những kho tàng cần được “khai phá”
Ngôi chùa trong hang đá làm nên nét độc đáo riêng của Chùa Hang (phường Chùa Hang, TP. Thái Nguyên), điểm đến du lịch tâm linh của nhiều người, nhất là trong những dịp đầu Xuân

Không chỉ vậy, vùng chè đặc sản Tân Cương với những đồi chè xanh mướt và hương vị chè nổi tiếng cũng là nét độc đáo riêng thuận lợi trong phát triển du lịch cộng đồng của TP. Thái Nguyên. Bên cạnh đó, các di tích lịch sử và thắng cảnh như Chùa Hang, động Linh Sơn càng làm phong phú thêm các lựa chọn du lịch tại thành phố.

Thái Nguyên còn được biết đến là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa lịch sử quý báu. Thành phố hiện có 116 di tích lịch sử, trong đó có 6 di tích cấp quốc gia và 22 di tích cấp tỉnh. Những địa điểm như Cụm di tích Khởi nghĩa Thái Nguyên, Nhà lao Thái Nguyên, Đền thờ Đội Cấn hay Khu Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm lưu niệm các thanh niên xung phong Đại đội 915 đều mang đậm dấu ấn lịch sử của đất nước.

Phát triển du lịch tại thành phố Thái Nguyên: Bài 2 - Những kho tàng cần được “khai phá”
Đền Đội Cấn rợp bóng cây xanh. Ngôi đền  nằm trên đường Phủ Liễn, phường Hoàng Văn Thụ, được nhân dân Thái Nguyên dựng lên thờ Đội Cấn, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên và các nghĩa quân của ông. Ảnh: Hải Bình

Không chỉ nổi bật với các di tích và cảnh quan thiên nhiên, TP. Thái Nguyên còn nổi bật với các lễ hội văn hóa truyền thống. Những lễ hội như Lễ hội Hương sắc Trà xuân tại vùng chè đặc sản Tân Cương, Lễ hội Chùa Hang, hay Lễ hội Chùa Phủ Liễn không chỉ là cơ hội để du khách trải nghiệm văn hóa tâm linh mà còn là dịp để khám phá các trò chơi dân gian và hoạt động nghệ thuật đặc sắc. Đặc biệt, với nhiều di sản văn hóa dân gian đặc sắc như: Hát Then, hát Sọong cô, các trò chơi dân gian, tri thức trồng và chế biến chè …, đã tạo nên bản sắc riêng của thành phố.

Trên địa bàn thành phố có 43 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận. Trong đó có: 40 làng nghề chè truyền thống; 1 làng nghề hoa đào; 1 làng nghề bún bánh; 1 làng nghề sinh vật cảnh.

Trong khi đó, sự đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng du lịch đang mở ra những cơ hội mới cho ngành du lịch thành phố. Giao thông thuận tiện, với các tuyến xe buýt kết nối giữa các điểm du lịch và trung tâm thành phố, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của du khách. Hệ thống bưu chính viễn thông hiện đại, cùng với các cơ sở dịch vụ thương mại, tài chính, ngân hàng ngày càng phát triển, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách du lịch.

Ngoài ra, sự chú trọng vào phát triển cơ sở vật chất phục vụ du lịch cũng không ngừng được cải thiện. Với khoảng 200 cơ sở lưu trú, bao gồm các khách sạn, nhà nghỉ, và homestay. Các cơ sở ăn uống, mua sắm và giải trí đa dạng, từ những nhà hàng cao cấp đến các điểm du lịch cộng đồng mang đến cho du khách nhiều lựa chọn phong phú.

Dù số lượng khách lưu trú chưa cao, nhưng sự gia tăng đều đặn của lượng khách đến Thái Nguyên phản ánh những nỗ lực không ngừng của thành phố. Những sản phẩm du lịch độc đáo như du lịch cộng đồng tại xã Tân Cương với trải nghiệm hái chè, sao chè thủ công và thưởng thức ẩm thực truyền thống đã trở thành điểm nhấn thu hút du khách.

Thái Nguyên cũng đã phần nào đáp ứng nhu cầu tìm kiếm những trải nghiệm nghỉ dưỡng gần gũi với thiên nhiên qua các khu du lịch sinh thái như: Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, Khu sinh thái An Bình, Suối Cốc, Yasmin Farm,… chắc chắn mang đến cảm giác thư thái cho du khách.

Phát triển du lịch tại thành phố Thái Nguyên: Bài 2 - Những kho tàng cần được “khai phá”
Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải được công nhận là một trong 32 làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2022, nơi lưu giữ những giá trị văn hoá của người Tày

Những điểm đến này không chỉ là lựa chọn lý tưởng cho du khách trong nước mà còn hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn cho du khách quốc tế, đặc biệt sau khi Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải được công nhận là một trong 32 làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2022.

Thái Nguyên cũng đang nỗ lực để hình ảnh của thành phố được quảng bá thông qua một loạt sự kiện và hoạt động văn hóa đặc sắc. Năm 2023, thành phố đã tổ chức Không gian Tết “Sắc xuân thành phố Thái Nguyên”, Giải đua xe đạp mở rộng thành phố lần thứ Nhất, Hội thi khiêu vũ thể thao và dân vũ lần thứ Nhất cùng với khai mạc mùa du lịch Thái Nguyên. Những sự kiện này vừa thu hút sự chú ý của đông đảo người dân, vừa tạo cơ hội quảng bá các sản phẩm OCOP đặc trưng và các giá trị văn hóa của thành phố.

Phát triển du lịch tại thành phố Thái Nguyên: Bài 2 - Những kho tàng cần được “khai phá”
“Đêm hội Trung thu xứ Trà” năm 2023 thu hút hàng chục nghìn lượt du khách trong ngoài tỉnh tham gia

Thành phố cũng đang lên kế hoạch để các sự kiện như “Đêm hội Trung thu xứ Trà” và Chương trình nghệ thuật đường phố “Thái Nguyên rạng rỡ tháng Mười” trở thành hoạt động thường niên, ngày càng thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài tỉnh.

Những hoạt động này đang làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch của thành phố. Dù vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong việc phát triển du lịch, nhưng những tiềm năng phong phú và nỗ lực không ngừng của thành phố đang dần biến giấc mơ trở thành một điểm đến hấp dẫn thành hiện thực.

(Còn nữa)

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy