Phát triển các đô thị Thái Nguyên – cơ hội và thách thức
VNTN - Phát triển đô thị là một trong những nội dung quan trọng trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng đô thị. Để đô thị phát triển cần phải có một quy hoạch phù hợp với từng giai đoạn. Đồ án quy hoạch phải có tính khả thi, đảm bảo đô thị phát triển theo chiều hướng tích cực, phù hợp với đặc điểm riêng và phát huy được những thành tố bên trong nó.
Những tiềm năng, thế mạnh
Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Thái Nguyên có 9 đơn vị hành chính cấp huyện và 13 đô thị, đó là: 1 đô thị loại I (TP Thái Nguyên), 1 đô thị loại III (TP Sông Công); 01 đô thị loại IV (thị xã Phổ Yên), các đô thị còn lại đều là đô thị loại V. Các đô thị trong tỉnh đều đã được lập quy hoạch chung để quản lý (trừ thị trấn Giang Tiên đang thực hiện). Một số đô thị đang được tiến hành điều chỉnh quy hoạch chung nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Quy hoạch phân khu đang dần được lấp đầy.
Tại các đô thị, những dự án phát triển đã và đang được triển khai đồng bộ, tạo hiệu ứng tích cực vào bộ mặt kiến trúc đô thị như: Dự án Khu liên hợp Trung tâm hội chợ xúc tiến thương mại ngành xây dựng kết hợp khu ở cao cấp Picenza Plaza Thái Nguyên; Khu đô thị Hồ Xương Rồng TP Thái Nguyên; Dự án Khu đô thị số 1 phường Cải Đan TP Sông Công, khu đô thị Kosy, khu đô thị Hồng Vũ (TP Sông Công); Dự án Khu đô thị Nam Thái (Thị xã Phổ Yên); Dự án Khu dân cư số 1A (thị trấn Hùng Sơn huyện Đại Từ); Khu đô thị Yên Bình…; Các dự án nhà ở xã hội, các khu tái định cư trên địa bàn toàn tỉnh; Các dự án hạ tầng giao thông như: Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) v.v… Các đô thị trên địa bàn toàn tỉnh đã và đang nỗ lực phấn đấu, đẩy mạnh sự phát triển theo hướng nâng dần chất lượng.
Khu liên hợp Trung tâm hội chợ xúc tiến thương mại ngành xây dựng kết hợp khu ở cao cấp Picenza Plaza Thái Nguyên
Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm, tập trung mọi nguồn lực vào việc đẩy mạnh đô thị hóa, phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Nhiều đô thị được nâng loại. Thành công đáng kể nhất là việc nâng cấp quản lý hành chính thành phố Sông Công và thị xã Phổ Yên (Nghị quyết 932/NQ-UBTVQH13 ngày 15/5/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội). Là cửa ngõ giao lưu kinh tế - xã hội với vùng đồng bằng Bắc Bộ; nằm trong quy hoạch Vùng thủ đô Hà Nội, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, vùng chiến khu cách mạng ATK liên tỉnh Thái Nguyên - Tuyên Quang - Bắc Kạn…; sở hữu hệ thống giao thông thuận lợi, có đường bộ, đường sắt, đường sông; là tỉnh nằm trong dự án Đường vành đai 5 Hà Nội, dự án đường Hồ Chí Minh, dự án Đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) đang được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc… Đây là những thế mạnh để phát triển đô thị tại Thái Nguyên.
Lĩnh vực kinh tế, phát triển công nghiệp có Khu Gang thép Thái Nguyên và Khu Gò Đầm Sông Công những năm trước. Gần đây, Thái Nguyên tiếp tục thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp (KCN) Sông Công I, Sông Công II, KCN Điềm Thụy, KCN Yên Bình với sự tập trung vào Dự án Tổ hợp công nghệ cao Samsung. Các dự án đầu tư trong các KCN đã và đang được triển khai, thu hút nhiều ngành công nghiệp và nhân công, giúp đẩy nhanh mức độ đô thị hoá. Tại các cụm công nghiệp, phát triển công nghiệp địa phương, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề cũng đã tác động tích cực tới việc tập trung dân cư, đẩy mạnh phát triển đô thị tại các địa phương trong tương lai. Việc trao đổi thương mại thông qua hệ thống cảng thủy (cảng sông Đa Phúc, Mom Kiệu) trên địa bàn tỉnh cũng là yếu tố thúc đẩy phát triển dân cư đô thị các vùng ven do sự gia tăng nhân khẩu cơ học, nhân khẩu phục vụ và các dịch vụ thiết yếu.
Phát triển đô thị, trước hết phải đảm bảo tính bền vững trong tự thân đô thị. Tính bền vững được thể hiện bởi chất lượng đô thị thông qua các yếu tố về kinh tế - xã hội - môi trường - văn hoá - văn minh đô thị. Ở đó, người dân đô thị được đặt ở vị trí trung tâm. Họ là những giám khảo đánh giá chất lượng đô thị. Điều kiện sống, các dịch vụ, tiện ích đô thị là điểm cộng cho chất lượng đô thị để khẳng định sự bền vững. Nhưng đó là điều không dễ dàng, bởi riêng khái niệm về đô thị bền vững rất đa dạng và sự nhìn nhận của con người đối với xã hội là đa chiều.
Trong các đô thị Thái Nguyên hiện nay, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đồng bộ, năng lực quản lý và phát triển đô thị tại các địa phương chưa đồng đều. Bản sắc địa phương chưa được rõ nét trong bộ mặt của từng đô thị, cảnh quan không gian kiến trúc còn lộn xộn, chưa theo trật tự, chưa tạo được tiếng nói và đặc điểm riêng. Điều này một phần là do chất lượng của các đồ án quy hoạch đô thị chưa cao, nghiên cứu chưa thấu đáo điều kiện tự nhiên, tình hình thực tế, tiềm năng cũng như khả năng, nguồn lực địa phương để có những giải pháp đề xuất phù hợp.
Một diễn biến ảnh hưởng đến sinh thái đô thị là diện tích cây xanh, mặt nước ngày càng bị thu hẹp, trong khi đó dịch vụ xã hội với những nhu cầu giải trí và kinh doanh thu lợi trước mắt ngày càng tăng. Một số tổ chức, cá nhân làm lấn, làm trái như: bê tông hóa lấn át cây xanh, mặt nước ao hồ, khi xây dựng không chấp hành quy định, thực hiện không theo giấy phép xây dựng, tự cơi nới lấn chiếm vi phạm quy hoạch dẫn đến làm phá vỡ kiến trúc cảnh quan đô thị.
Bên cạnh đó, việc tập trung số lượng lớn dân nhập cư từ các nơi khác về (sinh viên các trường đại học, cao đẳng; lao động tại các khu công nghiệp Samsung, Điềm Thụy, Sông Công; việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư trong nước…) vô hình chung tạo nên hiện tượng văn hoá đa màu sắc. Người dân địa phương đón nhận các luồng văn hoá khác nhau và dân nhập cư tiếp cận với văn hoá địa phương. Mặt khác, sự khác biệt về tôn giáo, dân tộc, thói quen, tập quán, quan niệm sống… cũng là yếu tố ảnh hưởng đến việc đảm bảo an ninh, trật tự và ổn định xã hội.
Phát triển đô thị bền vững trong giai đoạn hiện nay phải tính đến ứng phó với biến đổi khí hậu. Khái niệm này đã được các chuyên gia đánh giá ở tầm vĩ mô. Cụm từ “ứng phó với biến đổi khí hậu” cũng đã được đưa vào trong khái niệm về quy hoạch xây dựng của Luật Xây dựng 2014 (trước đây, khái niệm về quy hoạch xây dựng theo Luật Xây dựng 2003 chưa đề cập đến nội dung này). Đây là một trong những nội dung quan trọng trong công tác quy hoạch xây dựng. Trong phát triển đô thị bền vững, cần phải thực hiện xây dựng đô thị tăng trưởng xanh. Tăng trưởng xanh là vấn đề mang tính toàn cầu, và khái niệm “xanh” đã được đề cập nhiều trong các nghiên cứu, đánh giá, các đồ án quy hoạch, các công trình thiết kế. Trong quy hoạch vùng tỉnh, Thái Nguyên chọn việc tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, lấy quản lý và xây dựng, chỉnh trang đô thị là một trong những khâu đột phá để xây dựng các đô thị theo hướng tăng trưởng xanh - văn minh - hiện đại. Mới đây, ngày 21/7/2015, thành phố Thái Nguyên đã có buổi làm việc với đại diện Viện tăng trưởng xanh toàn cầu tại Việt Nam. Theo báo cáo, trong 3 năm liên tục (từ 2011 đến 2013), thành phố Thái Nguyên được Hiệp hội các đô thị Việt Nam bình chọn và vinh danh là một trong 20 đô thị xanh - sạch - đẹp của cả nước. Điều này tạo động lực để Thái Nguyên đẩy mạnh hơn công tác thực hiện tăng trưởng xanh tại thành phố Thái Nguyên nói riêng và các đô thị trong toàn tỉnh nói chung.
Khu phố châu Âu bên bờ sông Cầu
Tỉnh ta hiện có 13 đô thị, đó là 13 hạt nhân tạo động lực cho sự phát triển toàn vùng. Những vấn đề về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, quy hoạch xây dựng đô thị, không gian kiến trúc đô thị, phân bố dân cư, phân bố sản xuất, các vấn đề về hạ tầng, môi trường…, thiết nghĩ phải được xem xét trên phạm vi tổng thể. Đô thị - dù phát triển đến tầm nào cũng phải giữ bản sắc riêng. Đây là cơ sở để duy trì tính bền vững cũng như sự liên tục trong tiến trình phát triển. Bản sắc, gắn với các yếu tố văn hóa - lịch sử kết nối vào quá trình phát triển là một nội dung không thể tách rời.
Mã Kiều Trâm
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...