Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
14:24 (GMT +7)

Phác họa về thành phố tương lai

VNTN - Thành phố Thái Nguyên được thành lập năm 1962 trên cơ sở “khung” của thị xã Thái Nguyên vốn được hình thành từ đầu thế kỷ XX và việc đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Gang thép Thái Nguyên, cánh chim đầu đàn của nền công nghiệp nặng trong công cuộc xây dựng miền Bắc tiến lên CNXH.

Đến năm 1996, Đồ án quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên được phê duyệt, thành phố Thái Nguyên được xác định là đô thị trực thuộc tỉnh, trung tâm vùng trung du miền núi phía Bắc.

Và đến năm 2002, thành phố được nâng lên thành đô thị loại II, để đáp ứng nhu cầu phát triển. Năm 2005, Đồ án Quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên điều chỉnh lần thứ nhất, với tiêu chí định hướng không gian đến 2020.

Năm 2010, thành phố nâng lên thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh, đạt mục tiêu hoàn thành trước dự kiến (năm 2015). Theo yêu cầu của thực tế phát triển, ngày 20/12/2016, Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên lần 2 đã được phê duyệt làm cơ sở cho quản lý và đầu tư định hướng phát triển thành phố Thái Nguyên đến 2035.

 

Một góc thành phố Thái Nguyên. Ảnh: Nguyễn Nam

Với mục tiêu: “Phát triển thành phố Thái Nguyên bền vững, hiện đại, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch, dịch vụ của tỉnh Thái Nguyên và khu vực trung du miền núi Bắc bộ, để Thái Nguyên thành Vùng kinh tế trọng điểm bắc Thủ đô Hà Nội và trong tứ giác tăng trưởng về kinh tế ở phía Bắc”, xin phác họa về về thành phố Thái Nguyên trong tương lai.

Sông Cầu trở nên thơ mộng, tạo dựng nên hình ảnh “đáng nhớ” với những đô thị hiện đại, những công trình tiêu biểu, những công viên, những cây cầu, những khu dân cư có bản sắc, liền với đó là những khu sinh thái, khu vui chơi, khu dịch vụ đô thị chất lượng cao. Khi đó dòng sông sẽ có những tuyến du lịch và những con đường ven sông. Mặt tiền thành phố hướng ra sông, thế mạnh của dòng sông được khai thác với tên gọi “Thành phố phát triển bên sông Cầu” và góp phần để thành phố Thái Nguyên sẽ là “đô thị sống tốt”.

Đường vòng tránh thành phố hiện tại nằm giữa thành phố phát triển được điều chỉnh về phía Đông của thành phố mở rộng. Nó có thể bắt đầu từ cầu vượt khu vực Lương Sơn, vượt qua Sông Cầu nối vào tỉnh lộ 265 qua địa bàn của xã Linh Sơn, kết nối với quốc lộ 1B tại Hóa Thượng, hòa chung vào hệ thống giao thông quốc gia lên phía Bắc. Thành phố Thái Nguyên sẽ không bị chia cắt giữa thành phố hiện hữu và khu vực phát triển phía Tây. Cũng có thể lựa chọn bài toán từ đường vành đai 5 Thủ đô (trên nút giao Lương Sơn) kéo dài theo triền đông Tam Đảo vòng qua khu vực Cù Vân nối vào đường cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới. Cả khu vực sườn đông Tam Đảo đang ngủ yên được thức dậy, đóng góp vào giá trị phát triển bền vững của tỉnh Thái Nguyên.

Cùng với đó là hệ thống giao thông ngang Đông - Tây thành phố. Trục Quốc lộ 3 mới tuyến tránh thành phố sẽ biến thành trục giao thông chính đô thị tạo bộ mặt mới của thành phố với những tổ hợp công trình tạo dấu ấn cho đô thị thành phố Thái Nguyên trên chiều dài 15km của tuyến tránh hiện có.

Những điểm di tích, những điểm vui chơi giải trí, những công trình văn hóa đặc trưng, như: Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Quảng trường Võ Nguyên Giáp, Chùa Phủ Liễn, Chùa Hang, Động Linh Sơn, Sông Cầu, vùng đặc sản chè Tân Cương, Hồ Núi Cốc,... được xâu chuỗi thành tuyến du lịch địa phương giúp nâng cao đời sống văn hóa cộng đồng dân cư khu vực, góp phần thúc đẩy du lịch địa phương, hòa vào hệ thống du lịch của tỉnh và của quốc gia. Doanh nghiệp du lịch địa phương có cơ hội tổ chức tour, tuyến ngắn về du lịch phục vụ cộng đồng và du khách giới thiệu về đất và người, văn hóa Thái Nguyên, góp phần đa dạng loại hình du lịch, tăng thu nhập và đóng góp ngân sách.

Các xí nghiệp, nhà máy công nghiệp nặng, công nghiệp ô nhiễm được đưa khỏi thành phố, tương tự như khu công nghiệp Gia Sàng đã biến thành một không gian đô thị xanh, khu vực xây dựng Khu Gang thép Thái Nguyên được chuyển đổi thành khu công nghiệp sạch, sinh thái, một nơi làm ra những sản phẩm công nghệ cao, không ô nhiễm môi trường hoặc là một cái gì đó rất xanh. Khu vực Nhà máy điện Cao Ngạn, khu bãi thải thuộc xã Phúc Hà, khu mỏ sắt Linh Nham,… cũng được quan tâm và có lộ trình xử lý phù hợp.

Khu đô thị hiện hữu được nâng cao chất lượng với các trục thương mại sầm uất; các tòa công sở nghiêm trang, các không gian văn hóa đậm sắc thái vùng miền, các khu dân cư đô thị hiện đại được tô điểm bằng các điểm nhấn, bằng các công trình đặc trưng, trong đó công trình trung tâm hành chính tập trung được xây dựng, trừ một số trụ sở, một số ban ngành, một số đơn vị sự nghiệp đã có trụ sở ổn định, không ảnh hưởng đến dây chuyền điều hành của hành chính công thì được xây dựng hợp khối, tạo thành một công trình biểu tượng, một công trình điểm nhấn của khu trung tâm thành phố Thái Nguyên. Trong tương lai không xa, khu vực Phổ Yên, Sông Công và thành phố Thái Nguyên phát triển trở thành chuỗi đô thị liền, quy hoạch của tỉnh đang được lập, liệu có nên xem xét lại cấu hình khung đô thị với trung tâm hành chính ở đâu đó khoảng phía Nam thành phố Thái Nguyên, ở phía Bắc của thành phố Sông Công, nơi ấy đất đai thổ nhưỡng tốt, địa bàn rộng rãi, dễ kết nối, không bị ô nhiễm… khu hiện hữu có thể dành cho phát triển thương mại, dịch vụ, đào tạo, đất ở và các nhu cầu phát triển đô thị khác.

Các khu dân cư trong thành phố hiện hữu được nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng, các trục giao thông theo quy hoạch được hoàn chỉnh, cùng với đó, các tuyến phố đặc trưng gắn với nghề, tuyến phố đi bộ,... tạo nên gương mặt mới cho khu vực đã được xây dựng. Các tuyến, điểm đỗ trong hệ thống giao thông nội thị hoàn chỉnh đảm bảo văn minh giao thông đô thị, để giao thông đô thị trở thành động lực của sự phát triển.

Vùng chè Tân Cương được bảo tồn và đầu tư tạo nên dấu ấn đặc biệt; “Chè Thái” không chỉ được biết đến với sản phẩm chè, mà còn là điểm đến để thưởng ngoạn về không gian với khái niệm “Du lịch Chè”... với các loại hình đặc trưng hấp dẫn và níu chân du khách.

Khu Đại học Thái Nguyên được đầu tư hoàn chỉnh, nó không chỉ là một địa chỉ đào tạo đa ngành chất lượng cao, một trung tâm nghiên cứu khoa học của vùng, mà còn là một không gian xanh, một địa chỉ góp phần tạo dựng nên thương hiệu đô thị Thái Nguyên hiện đại và bản sắc.

Vùng du lịch Hồ Núi Cốc sẽ là điểm đến với những khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, khu văn hóa, khu ẩm thực. Đặc biệt, những khu sinh thái hấp dẫn tái tạo sức khỏe sau những ngày lao động,... và còn nhiều điều nữa đối với mỗi chúng ta.

Không gian đô thị thành phố Thái Nguyên, một “Thành phố phát triển bên dòng sông” đang được tạo dựng, hãy thực sự thận trọng và quyết liệt, đây là cơ hội để điều chỉnh những khiếm khuyết, để tạo những tiền đề, khơi dậy thức tỉnh tiềm năng của vùng đất, biến những ước mơ thành hiện thực trong cuộc sống.

KTS. Nguyễn Văn Cường

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy