Như cái cách ta thương một người
VNTN- Dừng chân đồi trà, chụp vài bức hình, nắng lên nhanh chân rút đi tìm chỗ mát. Mấy ai kịp ở lại để nhẩn nha thưởng thức gió, thứ gió buổi sớm còn mùi sương và mùi búp trà non, trưa hơi nồng và dịu dần về tối...
Mầm xanh (ảnh minh họa, nguồn: vannghethainguyen.vn)
Một mảnh giấy cũ. Ố vàng, quăn queo. Cùng lắm chỉ viết được nửa bài thơ, một đoạn nhạc, vài ba câu có nghĩa. Dùng ánh nhìn hữu hạn chẳng thể nào cắt nghĩa sự nâng niu của đôi bàn tay người cầm nó, cẩn trọng hít hà mùi cũ kỹ, mân mê vuốt ve dấu tích thời gian. Bởi, vô hình bao chứa kỷ niệm dài, rộng và sâu, chảy miên man như sóng biển không ngừng vỗ. Mảnh giấy, như những cái tên, là cánh cổng dẫn vào kho tàng kí ức.
Thằng nhỏ không hiểu sao ông cụ hàng xóm cứ bày vẻ hệ trọng với mớ giấy cũ, giữa những buổi sớm nắng đẹp nhểu lung linh xuống sân như những giọt ngọc. Lúc đó, thay vì ấm trà quạu ám mùi khói bếp, ông cụ bày biện bộ ấm chén cất kĩ trong tủ để dành đãi khách ra, thưởng trà một mình. Thằng nhỏ chỉ là người ké chỗ ăn sáng với ổ bánh mì, không tính. Ông rót cho nó chén trà, có vẻ đặc biệt hơn mọi khi, nhưng nó ực chỉ thấy đắng chát. Ông bật cười, nói “trà Thái Nguyên đó con”. Thằng nhỏ chẳng hiểu, với nó trà nào không phải là trà, không đắng và chát. Còn với ông, thưởng trà như nói chuyện với người thương, đọc bưu thiếp cũ như tâm tình những kỷ niệm đẹp. Những bưu thiếp ông mua ở Thái Nguyên, trong chuyến du lịch hồi trai trẻ.
Thay vì ngày xửa ngày xưa như chuyện cổ bà kể, ông cụ thường bắt đầu câu chuyện bằng thần chú: như cái cách ta thương một người. Kể cho ai đó tri âm, vô hình vô ảnh, là gió lá reo là nắng tơi bời. Không phải kể cho thằng nhỏ ù ù cạc cạc đời trải một gang tóc còn khét cháy, chỉ biết say mê với ổ bánh mì thịt và vuốt ve con chó lông xù. Ông vẫn kể, nó nghe với sự tôn trọng, thương trước hết bắt đầu từ biết.
Biết đến tên nhau, do ai đó nhắc tới. Những lời ngọt lịm mê hoặc về chuyến đi xa. Vài ba tin quảng cáo trên báo chí, ảnh màu lộng lẫy, bản tin thời sự. Hay cảm nghĩ của một người từng đi kể lại. Thái Nguyên có gì? Có đồi trà Tân Cương, hồ Núi Cốc, Suối Cửa Tử, Suối Tiên,… Có bánh chưng Bờ Đậu, cơm lam Định Hóa, trám đen Hà Châu, trà Tân Cương… Những cái tên, mà mắt chưa thấy, tận tai chưa nghe rõ gieo vào lòng những tò mò. Có khác không một buổi bâng quơ tan trường, nghe ai kể về cô gái lớp bên cười duyên đến cong cả nắng?
Để rồi suy tư thầm nghĩ, thèm một cuộc gặp. Để rồi nôn nao chờ ngày đi, để biết đất Thái ra làm sao. Y hệt cảm giác say nắng một ánh mắt khẽ qua, mong mỏi ngày chạm mặt. Ông cụ không ngại ngần gì, bởi tuổi trẻ quá nhiều dũng khí, đi cho trải đất biết trời. Chuyến đi xa nhất cuộc đời ông, chuyến đi ông chưa bao giờ hối tiếc. Người ta thường hối tiếc những điều mình chưa dám làm hơn những điều đã làm.
Ừ, đồi trà thì xanh mát. Ừ, cảnh thì đẹp. Ừ, thức ăn thì ngon. Nhưng nhiêu đó chỉ lớp vỏ ngoài bọc lấy nụ hoa, chờ đủ nắng mới bung sắc thấm. Người ta, cũng như sự yêu thích hời hợt, nếu chỉ dạo quanh quẩn vài ngày, ghé mắt đặt môi mỗi nơi một chút một miếng thì như cốc rượu dạo đầu, lâng lâng xíu chóng quên. Muốn biết tường tận hiểu rõ nông sâu, phải để thời gian chảy tràn lấp hết những khoảng cách. Ông cụ chọn ở lại, để mà đắm chìm.
Vội vội vàng vàng chẳng gọi là thương, có cũng chỉ nhanh tàn nhanh nhạt. Như thằng nhỏ uống ực chén trà, vị trôi tuột vào bụng, sao kịp ngấm cuống lưỡi mà tận hưởng thanh tao. Thích là thích những điều đẹp đẽ, thích thứ bề mặt trước. Rõ ràng, thương cần phải có thời gian.
Dừng chân đồi trà, chụp vài bức hình, nắng lên nhanh chân rút đi tìm chỗ mát. Mấy ai kịp ở lại để nhẩn nha thưởng thức gió, thứ gió buổi sớm còn mùi sương và mùi búp trà non, trưa hơi nồng và dịu dần về tối. Cũng chẳng mấy ai kịp luồn lách trong những màu xanh, thử tận tay hái trà, để biết giọt mồ hôi đã ngấm xuống làm nên vị ngon ra sao. Mấy ai biết giữa nắng trời dội vàng rỡ trên đầu, những cây trà kiêu hãnh tắm đổi lấy sắc xanh ra sao.
Những con suối, con đường, những quán, những chùa, ai đã kịp nán lại nghe truyền tích cũ? Đã kịp bóc tách, đợi thấy lớp cánh trong của loài hoa chưa, chứ đừng nói nghe được mùi hương. Chậm chậm lại, lắng nghe nhau, nuôi dưỡng những cảm xúc của mình. Thứ gì khác biệt nơi này, thứ gì cho ta cảm xúc. Nếp ở đâu cũng có, sao bánh trái lại đặc biệt hơn? Nước vẫn chảy khắp nơi, sao tiếng suối níu lòng ta vậy? Chậm chậm lại, để những cảm xúc lớn lên.
Khi ta biết thương mùi đất bám gót giày, biết cúi xuống lượm rác chứ không phải xả để phá đi cảnh đẹp, đó là một tình cảm khác. Trân trọng và rộng lớn. Những bàn chân thèm đi cho gót giày mòn, đi vào sâu ngõ ngách, không phải dạo phố phường san sát. Và ta, dần khác mọi người, nhận ra không phải thứ nào thuộc số đông cũng làm mình mến, và không phải thứ nào kén người cũng khiến mình chẳng ưa. Thương, là thương những cảm nhận riêng, cả những điều nhỏ bé, những gai góc và những bụi bặm.
Ông cụ đã tìm được mùi hương thầm, như quỳnh trong đêm vắng. Chạm được vị béo ngậy và hương thoảng thơm của đậu phụ Bình Long giữa mặn cay mắm ớt. Trò chuyện cùng lá dong rừng làm nên màu bánh chưng Bờ Đậu. Nắm lấy sợi hương thanh khiết dệt bằng bàn tay khéo léo trong bánh cooc mò, không nhân mà ẩn chứa vị ruộng đồng. Đi với vị hăng hăng loài lá lạ dẫn đường tới chỗ dung hòa giữa đồi nương và hoang dã núi rừng trong bánh ngải… Có gần càng thấm thía, càng thương.
Có gần mới tỏ lòng son. Hay như chính trà Thái Nguyên đã lên tiếng tỏ bày điều đó. Thật sát mà từ tốn, để nghe gửi gấm trong hương trong màu trong vị. Mùi cốm non nhẹ nhẹ, mảnh như một cánh gió giữa cơn mưa, có hiểu thấu mới nhận ra. Như nhận biết mùi tóc người thương, sợi nào vương vai giữa dòng người xuôi ngược. Màu hơi xanh có ngả chút đen do nhiệt, màu vàng ong nước trà, chùng chình thôi để thưởng màu thưởng sắc. Như nhớ ra người thương hôm nay gò má phớt hồng, vì cơn lạnh nào mấp mé hiên sau. Và vị, thứ vị chát nhẹ thanh tao, để lại hậu ngọt tỏa lan ngấm từng chút vào lòng. Như chẳng cần nói câu nào, chỉ nhìn thôi mà lời mật tuôn từ mắt đẫm vào hồn. Như bài học cuộc đời, càng trải sương gió càng thương quý nhau, càng trân trọng những thứ quý báu ẩn bên trong mà đôi khi bị che lấp bởi bao khốn khó.
Thương, để về rồi còn nhớ mãi, thèm ngày gặp lại. Thương, để mắt ánh lên, môi không biết mỏi, khi kể bạn bè nghe vị dẻo bùi cơm Lam muối vừng, nhân nhẫn rau rừng Bò Khai… Thương, nên trân trọng gửi gắm tình cảm, trong những mật ong, chuối rừng, trà búp,… làm quà tặng bạn. Như cái cách ta thương một người. Lần nào, ông cụ cũng vẫn kết bằng câu nói ấy.
Thằng nhỏ, ăn xong ổ bánh mì, chầm chậm thử chờ vị ngọt chén trà Thái Nguyên, không giấu nụ cười lém lỉnh. Có mà ông mê cô nào ở đó nên nhắc hoài. Ông cụ bật cười, phải phải. Lớn lên, thằng nhỏ sẽ hiểu. Ông chỉ gợi, sao có thể kể hết lòng tường tận. Thương một vùng đất, phải chính mình trải nghiệm. Mỗi lời kể lại, đều chỉ là kho báu đã có chủ rồi. Kho báu Thái Nguyên của thằng nhỏ, nó cần đi và tìm mở.
Phát Dương
(Sóc Trăng)
1 đã tặng
1
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...