Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
15:52 (GMT +7)

Nhân Ngày Kiến trúc Việt Nam nói về sứ mệnh của kiến trúc Thái Nguyên

Năm 2023 là năm đặc biệt, với đối với giới kiến trúc, kỷ niệm lần thứ 75 ngày Bác Hồ gửi thư động viên và căn dặn đội ngũ kiến trúc sư và là ngày tổ chức Đại hội đầu tiên của Đội ngũ kiến trúc sư Việt Nam. Đây chính là dịp chúng ta nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của đội ngũ kiến trúc sư cả nước và đội ngũ kiến trúc sư (KTS) Thái Nguyên trong cả chiều dài hành trình bảo vệ, xây dựng Tổ quốc.

 

Khu trung tâm thành phố Thái Nguyên. Ảnh: Trần Hải Hưng

Công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc những năm 60 thế kỷ XX đi liền với việc xây dựng Khu công nghiệp Gang Thép Thái Nguyên và hình thành Khu tự trị Việt Bắc, đội ngũ kiến trúc sư ở Thái Nguyên đã dần hình thành theo chủ trương chung. Hội Kiến trúc sư (KTS) Thái Nguyên được thành lập 19/8/1976 với tên ban đầu là “Tổ đoàn viên thuộc Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam tại Bắc Thái” gồm 5 kiến trúc sư. Đến nay, sau 47 năm, với 7 nhiệm kỳ, Hội KTS Thái Nguyên luôn có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, hoạt động bài bản, đoàn kết, quy tụ được đội ngũ đông đảo kiến trúc sư. Hội KTS Thái Nguyên hiện có gần 100 Hội viên, các hoạt động của Hội luôn phong phú, sôi nổi. Với chức năng của mình, Hội đã làm tốt công tác phản biện, thẩm định xã hội về quy hoạch, kiến trúc. Mặt khác, Hội cũng đã luôn động viên các kiến trúc sư trên cương vị công tác của mình phát huy năng lực bản thân, cùng chung tay đóng góp thiết thực vào các hoạt động xây dựng, quy hoạch, kiến trúc trên địa bàn.

Đội ngũ kiến trúc sư Thái Nguyên qua thời gian đã từng bước trưởng thành và ngày càng vững vàng, khẳng định vị thế của mình. Các hoạt động về kiến trúc, quy hoạch của Hội và hội viên đã góp phần tạo dựng nên diện mạo kiến trúc Thái Nguyên ngày càng tươi mới. Quy hoạch và kiến trúc dần đi vào bài bản trên cơ sở phát huy bản sắc cái riêng có hòa nhập vào xu thế hiện đại của thế giới.

Theo dòng lịch sử, cùng lợi thế hình thái không gian thiên nhiên ưu đãi với núi, đồi, sông, suối, đồng ruộng… Kiến trúc Thái Nguyên đã tạo nên những giá trị đặc trưng, cùng những công trình có giá trị: Công trình có dấu ấn xưa Mái Đá Ngườm (Thần Sa, Võ Nhai) nơi sinh sống của người Việt cổ; những ngôi nhà sàn của đồng bào các huyện miền núi phía bắc. Đó là mái nhà, cây đa, sân đình, giếng nước cùng với những không gian sinh hoạt cộng đồng của khu vực phía nam tỉnh…

Thêm vào đó còn là những công trình thời kỳ xây dựng mới với: Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Đài tưởng niệm Anh hùng liệt sỹ, Tháp truyền hình, Trụ sở Tỉnh uỷ, Không gian văn hóa Trà Tân Cương, Cầu Bến Tượng… cùng những khu đô thị, khu dân cư, các khu chức năng, khu công nghiệp, khu sinh thái… trải dài trên toàn tỉnh đã phần nào tạo nên những dấu ấn, những điểm nhấn về kiến trúc vùng đất Thái Nguyên.

Đài tưởng niệm Anh hùng liệt sỹ. Ảnh: Nguyễn Quốc Cương

Khu vực nông thôn Thái Nguyên cũng có những bước phát triển tích cực về kiến trúc quy hoạch. Kiến trúc khu vực đã bớt đi sự tự phát, quy hoạch dần đi vào bài bản. Các khu di tích cũng đã được quan tâm quy hoạch, bảo tồn, xây dựng. Nhiều khu vực nông thôn đã lưu giữ được những giá trị, kiến trúc xây dựng đã gắn với môi trường sản xuất. Kiến trúc đã góp phần phát huy giá trị, kiến tạo sự bền vững trong quá trình phát triển (Khu bảo tồn nhà sàn Thái Hải; cảnh quan hang Phượng Hoàng - Võ Nhai, An toàn khu ATK Định Hóa Thái Nguyên…).

Định hướng việc phát triển kinh tế xã hội trên nền tảng thúc đẩy việc tỷ lệ đô thị hóa, tạo động lực phát triển kinh tế với mục tiêu nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng sống đã được Đảng và Nhà nước định hướng cho từng giai đoạn và cho tầm nhìn dài hạn. Vai trò kiến trúc, quy hoạch đã được xác định và quy hoạch phải đi trước một bước. Hiện nay quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt. Việc cụ thể hóa quy hoạch vùng, quy hoạch chung các đô thị, đô thị mới, các khu vực nông thôn và các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết là hành trình đang được sự quan tâm của cả hệ thống.

Đội ngũ kiến trúc sư nhận thức rõ vai trò của mình, thực sự vào cuộc với trách nhiệm cao trong quá trình thực hiện lập đồ án kiến trúc, quy hoạch. Quá trình thực hiện cần quan tâm đến sự đổi mới, nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch, chú trọng đến kiến trúc xanh, đến cộng đồng. Khai thác thế mạnh của hình thái thiên nhiên, chú trọng các yếu tố bản địa để tạo nên các giá trị các khu vực quy hoạch, của các công trình kiến trúc. 

Cầu Bến Tượng. Ảnh: Thành Đạt

Sự nghiệp văn hóa trong đó có kiến trúc là sự nghiệp của toàn dân. Rất cần sự vào cuộc của chính quyền, của cộng đồng hỗ trợ tạo môi trường, tạo cơ hội cho các văn nghệ sĩ trong đó có kiến trúc sư, kiến tạo nên các tác phẩm kiến trúc. Bởi vậy, rất cần sự quan tâm đối với các kiến trúc sư để họ có những đóng góp tích cực, hiệu quả, động viên khích lệ và lan tỏa, thúc đẩy hoạt động sáng tạo cho xã hội.

Nhìn lại bức tranh quy hoạch, kiến trúc của Thái Nguyên hôm nay, cũng phải thấy rằng bên cạnh những mặt được cũng cho thấy quy hoạch kiến trúc của tỉnh nhà cũng còn nhiều bất cập. Chúng ta xây dựng nhiều nhưng ít thành công về kiến trúc. Điều này là nỗi trăn trở không chỉ của giới KTS mà còn là nỗi trăn trở của hệ thống chính quyền và của cả cộng đồng. Mặc dù có được những điểm sáng về phát triển đô thị như: khu Quảng trường thành phố Phổ Yên, khu đô thị ĐanKo, khu Việt Hàn, khu đô thị Crown, khu Hồ Xương Rồng… Nhưng chúng ta cũng chưa có được khu đô thị kiểu mẫu hoàn chỉnh, thiếu vắng những đường phố đẹp. Chúng ta cũng chưa có các khu công viên; thiếu vắng mảng xanh, thiếu vắng hệ thống dịch vụ, không gian nghệ thuật phục vụ cộng đồng… Nhiều đồ án quy hoạch chất lượng chưa cao. Thái Nguyên còn thiếu những công trình có giá trị, những điểm nhấn hấp dẫn, những kiến trúc ấn tượng và cao hơn là sự định hình cho thương hiệu kiến trúc Thái Nguyên.

Sự chậm đổi mới trong tư duy, sự thiếu vắng lý luận, phê bình kiến trúc mặc dù đã có nhiều cố gắng cùng với đó là sự thiếu vắng những thủ lĩnh, những kiến trúc sư tài năng, những văn phòng kiến trúc có uy tín cũng là những mặt hạn chế. Ngoài ra sự định hướng xu thế phát triển kiến trúc trong quy hoạch và kiến trúc còn chưa được rõ nét. Chúng ta cần nhận diện những hạn chế về kiến trúc, quy hoạch. Đó cũng có phần trách nhiệm của những tác giả kiến tạo không gian - những Kiến trúc sư của tỉnh.

Kiến trúc với sứ mệnh được trao rất cần nhận thức trong quá trình sống và hành nghề, rất cần sự cống hiến có trách nhiệm với tác phẩm và nhận thức về vai trò tiên phong dẫn dắt, tạo định hướng xã hội trong hoạt động. Hội và hội viên cần quan tâm và đẩy mạnh công tác phản biện, tư vấn xã hội về lĩnh vực kiến trúc quy hoạch. Nhận thức về việc học tập nâng cao bản lĩnh, có trách nhiệm với bản thân, đổi mới tư duy sáng tác, tiếp nhận tinh hoa của sự phát triển kiến trúc thế giới, nâng cao chất lượng từng đồ án tạo nên các sản phẩm, tác phẩm có giá trị trên nền tảng thấu hiểu giá trị hình thái tự nhiên, đặc thù của từng không gian, khai thác tốt yếu tố bản địa vùng Thái Nguyên sáng tạo ra các tác phẩm chất lượng.

Nhân Ngày Kiến trúc Việt Nam 27/4 - nhớ lời dạy của Bác Hồ kính yêu cùng với giới Kiến trúc sư và Hội KTS Việt Nam, chúng tôi nhận thức sâu sắc vai trò và trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang của mình trước xã hội, từ đó không ngừng phấn đấu trong hoạt động nghề nghiệp đóng góp nhiều hơn, hiệu quả hơn cho sự nghiệp CNH - HĐH đất nước, góp phần “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và nền kiến trúc Việt Nam: xanh - hiện đại và bản sắc.

KTS. Nguyễn Văn Cường (Chủ tịch Hội KTS tỉnh Thái Nguyên)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy