Nhà bọc kính xu thế của kiến trúc hiện đại
VNTN - Gần đây trên trục đường Hoàng Văn Thụ trung tâm thành phố Thái Nguyên xuất hiện một tòa nhà bọc kính màu vàng, với chiều cao tương đối lớn - trên 20 tầng. Tòa nhà sau khi hoàn thiện chắc chắn là một điểm nhấn, đặc biệt về ban đêm, khi lên đèn, đó là tòa nhà Trung tâm tài chính FCC Thái Nguyên. Khoan nói về hiệu quả công năng sử dụng của tòa nhà, về hạ tầng khu vực, việc kết nối giao thông, chỗ để xe..., khi tòa nhà dần đến hoàn thiện có nhiều ý kiến người dân khen có, chê có. Trong bài này nói về vấn đề kính ốp cho các tòa nhà trong đô thị, mà tòa nhà FCC là một ví dụ.
Ốp kính cho các tòa nhà, nhất là nhà cao tầng là một xu thế của kiến trúc hiện đại. Nó bắt đầu ở Đức vào năm 1926 và tạo thành một cơn sóng quét qua toàn thế giới phương tây hiện đại vào những năm 70 thế kỷ 20. Đến nay, nhà ốp kính hay gọi một cách khác là nhà bọc kính vẫn tiếp tục phát triển và là xu thế mang biểu tượng của “kiến trúc hiện đại”. Không khó để thấy rằng các đô thị phát triển như Thượng Hải, Dubai... những tòa nhà kính vẫn là những công trình biểu tượng. Sự phát triển của đô thị hiện đại ở Việt Nam với những ngôi nhà bọc kính có thể nói là khởi động chậm. Những năm 80, tòa nhà của Công ty xuất nhập khẩu Hà Nội đường Bà Triệu TP Hà Nội, công trình đầu tiên ở phía bắc ốp kính đã tạo ra ấn tượng mạnh về hiệu quả của việc bọc kính cho tòa nhà. Gần đây xu hướng này phát triển mạnh ở các đô thị của Việt Nam.
Mặc dù thành phố Thái Nguyên là một đô thị trung tâm vùng, nhưng sự đi chậm của nhà bọc kính ở Thái Nguyên cũng không phải là ngoại lệ. Vào những năm 90 ta cũng thấy trụ sở Công ty điện tử Bắc Thái đầu đường Nha Trang (nay là Trụ sở Ngân hàng nông nghiệp phát triển nông thôn thành phố Thái Nguyên) hiện đã cải tạo bỏ ốp kính, sửa lại theo kiểu kiến trúc cổ điển Pháp, nhà ông Hiệp (Công ty khách sạn du lịch Dạ Hương) đường Quang Trung; nhà ông Tự "giò chả" ở đầu cầu Gia Bẩy cũng có một phần ốp kính... Gần đây, có trụ sở Bảo Việt, tòa nhà Viettel, trụ sở Viễn thông Thái Nguyên, trụ sở Cục thuế Thái Nguyên, điển hình là Trung tâm tài chính FCC ở đường Hoàng Văn Thụ như đã nêu ở trên đã bọc kính một phần, chưa có công trình nào ốp toàn phần cho toàn bộ tòa nhà, lý do cơ bản có lẽ là vấn đề về kinh phí xây dựng.
Trở lại công trình trung tâm tài chính FCC, tham vọng của chủ đầu tư là tạo dựng một điểm nhấn, một công trình biểu tượng cho kiến trúc ở Thái Nguyên. Liệu việc ốp kính cho tòa nhà có thành công đáp ứng được mục tiêu đề ra hay không, ở đây xin không nhận xét mà chỉ phân tích về việc ốp kính cho công trình kiến trúc trong đô thị. Để đánh giá phân tích việc ốp kính cho các tòa có phù hợp hay không chúng ta thử cùng phân tích vấn đề này.
Tòa nhà Trung tâm tài chính FCC Thái Nguyên Ảnh: ĐT
Có thể nói, việc kính ốp cho các tòa nhà là một xu hướng không thể cản nổi của sự lựa chọn giải pháp khi thiết kế nhà cao tầng vì tính tiện ích, chất hiện đại do vật liệu kính tạo ra.Tuy nhiên, khi được bọc kính, hiệu quả về ánh sáng, về thị giác, về tầm nhìn đã thấy rõ nhưng đi liền với nó là sự tăng nhiệt độ của hiệu ứng nhà kính, sự hạn chế của việc thông gió, mà gần đây tòa hành chính thành phố Đà Nẵng (ốp kính toàn bộ) là một ví vụ tương đối điển hình.
Các công trình ở các đô thị của các nước phát triển, việc bọc kính chủ yếu dùng cho các trung tâm thương mại, trung tâm tài chính, các trụ sở của các tập đoàn lớn. Tại các đô thị đang phát triển, kính được bọc tràn lan, kể các công trình nhà ở. Không hiếm thấy ở Bắc Kinh, Thượng Hải (Trung Quốc), ở nước ta có Phú Mỹ Hưng (TP Hồ Chí Minh), Ciputra (Hà Nội) và ở khắp các đô thị trên toàn quốc.
Như vậy, bọc kính cho tòa nhà trong đô thị là một trong những giải pháp tất yếu. Nhưng để bọc kính cho công trình cần lưu ý, yêu cầu khắt khe về kỹ thuật. Nếu ở các công ty lớn như Vinaconex, Eurowindow... quy trình lựa chọn và thiết kế, thi công kính bọc cho công trình bọc kính là một quy trình ngặt nghèo thì nhìn chung ở Việt Nam ngành xây dựng chưa thực sự quan tâm vấn đề này. Hệ thống pháp luật về kính và an toàn về kính xây dựng cơ bản đã có, có thể kể đến: Văn bản QC 05/2008/ BXD và TCVN 8647:2011. Tuy nhiên, những văn bản luật và chế tài về việc quản lý về an toàn kính xây dựng chưa thực sự đủ đồng bộ, chưa thực sự được quan tâm. Ngày 9/8/2012, nhiều tấm kính lớn đã bất ngờ rơi vỡ từ tầng 22 của tòa nhà 72 tầng tòa tháp Keangnam, khu vực rơi là sảnh tòa nhà, may mà sự cố không gây ra nhiều tổn thất đáng tiếc. Ở Việt Nam chưa có thống kê đầy đủ về các sự cố, các vụ tai nạn do ốp kính dưới tác động của khí hậu (bão, gió) do lắp dựng không đủ điều kiện an toàn, lựa chọn kính không đúng chủng loại... nhưng trên thế giới những trận mưa kính từ các tòa nhà cao tầng ốp kính do tác động của bão như bão Katina (2005) tại bang Texas, thành phố New Orleans như truyền hình đã đưa tin; câu chuyện kính vỡ nhà cao tầng gây tổn thất, tai nạn ở Trung Quốc xảy ra thường xuyên và nhiều vụ điển hình có thể ví dụ: Vụ mảng tường ốp kính rơi xuống từ nhà cao tầng phá hỏng 50 xe ô tô dưới chân tòa tháp Thượng Hải 5/2001; vụ trần kính 20m2 trung tâm may mặc thành phố Yiwu rơi xuống làm nhiều trẻ em bị thương, máu và kính văng khắp nơi... An toàn về kính xây dựng chưa có đủ để đi vào nhận thức của cơ quan quản lý, của người thiết kế và người sử dụng. Để hiểu rõ hơn ta có thể tham khảo văn bản của một nước láng giềng, người ta quy định:
- Công trình ốp kính kiểm tra an toàn 5 năm/lần và thường xuyên hàng năm đối với công trình đã sử dụng trên 5 năm.
- Xử phạt có thể đến trên 15.000USD cho công trình không được kiểm tra.
- Cấm xây dựng những bức tường kính lớn ở công trình căn hộ, bệnh viện, trường học,...
- Bắt buộc dùng kính an toàn cho công trình ốp kính.
Theo thống kê ở các nước phát triển trong các tai nạn về kính và thủy tinh trên 40% tai nạn do kính xây dựng gây nên mà trong đó phần lớn là kính của tòa nhà cao tầng.
Về thẩm mỹ kiến trúc, kính đóng vai trò cực kỳ lớn trong kiến trúc hiện đại, nó có đặc tính trang trí rất lớn, ngoài công năng, giống như mặt nước, kính tạo nên sự phản chiếu, soi bóng, qua nó ta thấy ta, thấy mây bay, cây cỏ, phản chiếu cả những tòa nhà, thậm chí thấy cả sự chuyển động của hình ảnh môi trường quanh nó. Nói một cách khác, nó là sự phản chiếu hình ảnh môi trường khách quan, nhưng khác với gương, sự nhìn xuyên thấu kính trong các tòa nhà cao tầng đã tạo nên sự huyền ảo, đặc biệt về ban đêm. Để tăng hiệu ứng, việc người thiết kế vẽ lên kính càng tạo nên sự lung linh và vật liệu khác không thay thế được. Tuy nhiên, khi thiết kế tòa nhà ống kính cần lưu ý sự phản chiếu, có tác hại xấu đối với công trình lân cận, giao thông đường phố, người ta gọi là ô nhiễm ánh sáng.
Qua những nội dung đã phân tích, với tính năng và hiệu quả về thẩm mỹ của việc ốp kính cho công trình, đặc biệt nhà cao tầng là một sự lựa chọn, là một xu thế tất yếu. Có thể kết luận những điều cần thiết khi ốp kính cho công trình kiến trúc:
- Sử dụng kính để ốp cho công trình sẽ tạo ra hiệu ứng tốt về kiến trúc và thẩm mỹ, giải pháp cụ thể phụ thuộc vị trí xây dựng, góc nhìn của không gian đường phố đô thị; sự phù hợp về tính chất, công năng tòa nhà. Đồng thời, phụ thuộc quan điểm khả năng tài chính của chủ đầu tư và năng lực nhà thiết kế. Đặc biệt lưu ý, loại kính lựa chọn để ốp phải đảm bảo tính an toàn có độ bền cao, chú trọng sử dụng loại kính tiết kiệm năng lượng, việc gia công lắp đặt phải đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật trên cơ sở tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam, có tham khảo tiêu chuẩn, quy chuẩn của các nước phát triển, cùng với đó là sự lựa chọn nhà thầu đủ năng lực.
- Chú trọng công tác bảo trì, bảo hành, kiểm tra độ an toàn thường xuyên định kỳ. Trong khi chưa có quy định chung, các tòa nhà lớn ốp kính nhiều, nên lập quy chế riêng để tiến hành công tác bảo trì, bảo hành.
Mong rằng Thái Nguyên sẽ có thêm những công trình kiến trúc hiện đại, thêm những điểm nhấn đẹp, tạo ra hiệu ứng tốt về ánh sáng, góp phần phát triển đô thị ngày càng hiện đại, văn minh, thân thiện với con người và môi trường.
KTS. Nguyễn Văn Cường
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...