Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
06:55 (GMT +7)

Nguồn cơn nỗi nhớ

VNTN- Con người thật lạ lùng! Biết bao lời cần nói, bao việc cần làm, vừa nghĩ ra đã quên ngay được. Thế mà những gì thuộc về thời xa xưa thơ bé, hễ có cớ là lại ùa về, rõ mồn một, như vừa mới xảy ra hôm qua.

Một đám cưới rước dâu qua Đường tròn Trung tâm TP. Thái Nguyên (khoảng những năm 1980 của thế kỷ trước). Ảnh minh họa, nguồn: internet

Chuyện chẳng có gì đâu, chỉ là tôi mới thấy một nụ hoa quỳnh bé xíu nhú lên từ mép lá… Chỉ là thế thôi, mà tôi bồi hồi nhớ về ông bà nội và ngôi nhà ngói cổ ở đầu xóm Thái Ninh, gần dốc Tỉnh ủy cũ. Khi đó, tôi đang học ở Trường Tiểu học Nha Trang. Suốt ngày tôi quấn chân ông xem ông pha sơn vẽ tranh, nghe ông đọc thơ hay giảng giải các tích cổ. Khi thì lại lăng xăng theo ông chăm chút cây chi mai trước sân, cây lan tiêu cạnh bể cá, hàng cau khóm trầu và biết bao nhiêu loại cây quý mà bà trồng ven đường dẫn ra cổng.

Ở ngôi nhà ấy, dưới mái hiên rộng, vào những độ cuối hè đầu thu, ông bà và tôi thức rất khuya chờ xem hoa quỳnh nở. Bên ấm chè tôm - thứ chè ngon nhất mà con cháu sao được, ông tôi chậm rãi kể những câu chuyện từ hồi xa xưa. Bà tôi tay ấp chiếc ấm tích ủ lá vối như một thói quen, yên lặng và hiền lành lắng nghe, thỉnh thoảng đáp lời khe khẽ. Dưới ánh sáng mờ ảo của ánh nến, những đóa quỳnh xòe dần từng cánh trắng muốt, lộng lẫy như cô tiên đang múa. Chúng khiến tôi hồi hộp run rẩy từng giây từng phút theo độ bung nhè nhẹ, chầm chậm của những cánh hoa mong manh, và ngất ngây trong mùi hương tinh khiết thoang thoảng. Cũng dưới mái hiên ấy, bên khóm quỳnh ấy, ban ngày ông mê mải vẽ tranh. Ở khu vực Túc Duyên lúc bấy giờ, ông tôi không chỉ nổi tiếng dạy chữ cho nhiều thế hệ học trò, mà còn nổi tiếng vẽ tranh đẹp. Gia đình nào có tranh của cụ Giáo Thu treo trong nhà, gia đình ấy tự hào vì sở hữu một kỷ vật quý hiếm.

Trong trí nhớ của một đứa trẻ, chòm xóm lúc bấy giờ chỉ có vài chục nóc nhà, chủ yếu là bà con họ hàng xa gần. Dọc con đường tôi đi học qua cầu Bóng Tối um tùm tre và những bụi gai, thi thoảng lắm mới bắt gặp một ngôi nhà hay hàng quán nhỏ. Trường Nha Trang khi đó là mấy dãy nhà cấp 4 bao quanh một tòa nhà hai tầng rêu phong dưới tán cây xà cừ và phượng vĩ trong một khuôn viên rộng, nền đất đỏ au nổi bật giữa cánh đồng lúa xanh rì. Tôi nhớ lắm những giờ học Tập viết của cô Thủy rất trẻ và xinh. Giờ Tập viết của cô Thu hay cặp tóc sau lưng bằng chiếc cặp ba lá. Giờ Tập đọc của cô Hạnh búi tóc hai bên nhà ở khu Giao Tế. Giờ Toán của thầy Phú hài hước. Giờ Làm văn của cô Bích dịu dàng… Tôi nhớ lắm những buổi Thể dục giữa giờ bị thầy Tuấn Phụ trách Đội véo tai vì đầu têu nghịch ngợm. Nhớ cả những buổi bồi dưỡng học sinh giỏi ở ngay phòng làm việc của thầy Hiệu trưởng nhìn ra vườn táo và chiếc ao trường… Ở ngôi trường ấy có nhiều gia đình mà bố, mẹ, con cùng được học một thầy cô giáo, cũng như ông tôi. Mỗi dịp lễ tết lại đón những đại gia đình đến chơi, mà từ già đến trẻ hàng chục người đều gọi ông tôi là thầy và kính cẩn xưng con.

Chúng tôi lớn lên qua giai đoạn cuối của thời kì bao cấp. Bố tôi là công nhân ở Hà Nội, tối thứ sáu nào cũng theo tàu về thăm nhà, rồi sáng chủ nhật lại vội vã ra ga. Bố về, mang theo khi thì lọ ruốc bông, khi thì túm gạo, khi thì vài gói mì tôm Miliket. Thứ quý nhất mà tôi còn nhớ là chiếc áo nhung túi chéo và chiếc cặp da trâu rất dày cho chị em tôi đi học. Những thứ xa xỉ ấy bố phải đổi bằng rất nhiều tem phiếu và nhờ cậy các cô chú đi xuất khẩu lao động về mới sắm được.

Mẹ tôi là công nhân Xí nghiệp in. Ngày nào mẹ cũng dậy rất sớm, kịp nấu nồi cơm cho lũ con ăn cả sáng cả trưa, rồi chăn lợn chăn gà… xong xuôi mới tất tả đạp xe vào Đồng Quang cho kịp giờ làm. Thế mà mẹ vẫn rào được mấy vườn rau, vẫn cấy được ruộng rau muống, vẫn chăm được vạt chè xanh mướt… Bữa ăn của mẹ con tôi thường có bát rau xanh, đĩa tôm tép kho khế, thỉnh thoảng có thêm đĩa trứng rán độn bột mì hay bát thịt đônglàm từ bì lợn và mộc nhĩ. Chị em tôi từ nhỏ đã biết bảo nhau học hành, sáng đến trường, chiều thì rủ nhau quét lá bàng dọc các con phố lớn gần Kho Lương thực đem về đun. Hôm thì thả vó kéo tôm dọc bờ ao ở Rạp chiếu bóng Nhân dân hay Cung thiếu nhi, khi thì lại tranh thủ thái chuối băm rau phụ mẹ nuôi lợn. Bạn bè cùng trang lứa với tôi hình như ai cũng thế, vất vả nên tóc đứa nào cũng cháy nắng vàng hoe.

Những năm xa xôi ấy, những đứa trẻ thành phố lúc bấy giờ mong lắm những ngày 30/4, 1/5, Quốc khánh 2/9, Tết Dương lịch… để được nô nức đổ về khu vực trung tâm là con đường rộng trải dài từ đường tròn tới Chợ Thái bây giờ. Nơi ấy tập trung mọi thanh âm náo nhiệt và cuốn hút cả biển người vào những gánh xiếc rong, những rạp mô tô bay và hàng trăm quầy vui chơi có thưởng… Đứa nào cũng náo nức rồng rắn kéo nhau đi bộ thành đoàn dài, đội nắng đội gió, vượt cả quãng đường dài đến chỗ hội vui. Đứa nào đứa nấy đều mê mải xem các cô chú văn công biểu diễn ở sân khấu ngoài trời. Không thì lại xúm xít mua vé để phi tiêu, ném bóng những mong trúng được chiếc phích nước Rạng Đông hay những con thú nhồi bông. Ở đó cũng có những chiếc kẹo bông, bánh quế, ô mai… mà ngày thường không có nên chúng tôi ai cũng muốn mua cho bằng được.

Những dịp này, khu vực trung tâm thành phố còn đông hơn gấp bội trong những ngày Tết Nguyên đán. Trong hơi xuân nồng mùi hương trầm và xác pháo, trẻ nhỏ xúm quanh các sân chơi có thưởng, nam thanh nữ tú thì xúng xính lên thuyền tham quan dọc bờ sông từ cầu Gia Bảy xuôi xuống Bến Tượng, các cụ già thì hào hứng tham gia hội cờ người ken kín người xem ở công viên Sông Cầu. Để rồi khi hội tan, thành phố lại trở về với vẻ trầm ngâm vốn có của nó, như đồng điệu với những tòa nhà trầm mặc trong khuôn viên của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam rợp bóng cây cổ thụ, mặc kệ những chiếc xe đạp hối hả lại qua, những chiếc xe Minsk, xe Cá Vàng đỏm dáng hay chiếc ô tô khách Hải Âu bóng loáng thi thoảng khuấy lên một chút ồn ào.

Cứ như thế, chúng tôi dần lớn, đi học xa nhà, nếm trải các biến cố gia đình, dần xa bà, xa ông… Rồi chúng tôi lần lượt lấy vợ lấy chồng, dần cuốn và vòng xoay của công việc bận rộn, của gia đình, con cái. Mọi sự đổi thay của khu phố, của những ngôi nhà, ngôi trường xưa theo hướng hiện đại hóa, chúng tôi đều chứng kiến với tâm trạng buồn vui xen lẫn… rồi lại nhanh chóng bằng lòng với cuộc sống tiện nghi hiện tại. Chỉ đến khi bất chợt nhớ về thời xưa cũ, mới thấy hoảng hốt vì những dấu ấn xưa ngày càng trở nên mong manh, chỉ còn đọng lại trong trí nhớ của những người cùng thời. Bỗng thấy thời ấu thơ và thời hiện tại của mình như hai bờ của một con sông, mà khoảng cách giữa đôi bờ ngày một lớn. Thi thoảng lắm mới có một cái cớ nhỏ nhoi, giống như một con thuyền mỏng, đi chầm chậm từ bờ này sang bờ kia rồi lại vội vã trở về bến cũ.

Thì đấy, nguồn cơn chỉ là khi tôi bắt gặp một nụ hoa quỳnh bé xíu, khép nép nhú lên bên mép lá quỳnh già…

Tú Anh

(Đà Nẵng)

 

 

 

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Cầu Huy Ngạc trong tôi

Xem tin nổi bật 4 ngày trước

Đồi Dung

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Chã - nơi ấy có mẹ chồng tôi

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

“Người Gang Thép!”

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Một miền quê yêu dấu

Tôi và Thái Nguyên 10 tháng trước

Tiếng gọi điều công

Tôi và Thái Nguyên 10 tháng trước

Lũng Luông kỉ niệm

Tôi và Thái Nguyên 10 tháng trước