Thứ tư, ngày 18 tháng 09 năm 2024
11:20 (GMT +7)

Một miền quê yêu dấu

Năm 1964, gia đình tôi lên khai hoang tại xã Hà Thượng, huyện Đại Từ. Vào những năm tháng này, Hà Thượng còn rất hoang sơ. Lau nứa trùm lợp lên các con đường thôn xóm. Hươu nai thỉnh thoảng còn lạc xuống cánh đồng thụt, dân hò nhau ra bắt.

                                    nhung-doi-che-nam-sau-ben-chan-nui-o-xa-ha-thuong-dai-tu-1689783014.jpg
Hà Thượng với những đồi chè nằm sâu bên chân núi

Hồi ấy Nhà nước có nhiều chính sách ưu tiên cho người dân lên miền núi làm kinh tế mới. Ngày đầu nhận đất, ông chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp sở tại dẫn bố mẹ tôi đến một vùng đồi thoai thoài, rộng rãi, lau lách um tùm, bảo rằng phát cây đến đâu thì đấy sẽ là đất của gia đình. Sau vài ngày vất vả, gia đình tôi đã có khoảng hơn hai nghìn mét vuông đất để làm nhà và sản xuất.

Tôi bắt đầu trở thành một xã viên trẻ của hợp tác xã. Công việc chính là trồng chè. Khoảng hơn mười hec - ta đất rừng được phát trụi trở thành một vùng chè rộn mênh mông. Những năm tháng ấy, phá rừng chưa bị quy là phá hoại môi trường. Miếng ăn mới là điều quyết định mọi đường đi lối bước. Cả một vùng đất rừng bùng cháy trong một niềm hi vọng của mấy trăm con người.

Sau ít ngày, khi những giọt mưa rơi xuống thấm mềm đất, mỗi người được phát một cây gậy dài, đầu vót nhọn. Trong buổi làm việc, mọi người thi nhau đâm mạnh cái dụng cụ bằng thân cây vót nhọn ấy xuống đất tạo thành một cái lỗ nhỏ bằng miệng chén, bỏ một hạt chè xuống rồi lấp một lớp đất mỏng lên. Sau này lớn lên tôi mới hiểu đó là phương thức canh tác đao canh hoả chủng, một phương thức canh tác đã có từ thời Hùng Vương. Chỉ đơn sơ thế thôi, nhưng các xã viên hợp tác xã của chúng tôi đã làm việc vô cùng say mê cùng niềm hi vọng xa xăm...

Vài năm sau, hợp tác xã vào vụ thu hoạch chè đầu tiên. Tuổi tròn đôi mươi, pha chút tâm hồn thi sĩ, đứng trước những vạt chè rộng mênh mông do chính bàn tay mình làm nên đang nhú ra triệu triệu búp chè tím mơ màng (ngày ấy, tất cả rừng chè đều là giống chè trung du búp tím) tôi như lạc vào chốn bồng lai. Còn nhớ, chính vào mùa thu hái đầu tiên ấy, tôi đã đặt tên cho màu tím búp chè quê tôi một cái tên khá mỹ miều là màu tím tình yêu. Từ đấy, những búp chè trung du, với tôi, không chỉ là miếng cơm manh áo trong cuộc sống thường nhật mà còn là vẻ đẹp của tâm hồn.

Cũng từ đấy tôi biết miền đất mà gia đình tôi lên sinh sống chính là một vùng chè rất nổi tiếng mang thương hiệu chè Suối Cát. Tôi biết điều này là do một cuộc hội ngộ tình cờ với một ông già người Cao Lan trong xã. Ông già không nề hà tôi chỉ là đứa trẻ ranh, đã sẵn sàng mời uống trà (hồi ấy gọi là chè). Sau khi chỉ chỗ cho tôi ngồi cạnh bếp lửa ở giữa nhà sàn, ông già với tay lấy cái ống nứa ngộ, lắc lắc. Tận lúc ông mở chiếc nút lá chuối trên miệng cái ống nứa ngộ, xòe bàn tay sần sùi chai sạn hứng những cánh chè xoăn tít như những chiếc móc câu, tôi mới biết đó là đồ đựng trà của người dân miền núi. Ông già lặng lẽ bỏ trà vào cái ấm đồng đã ngả màu đen xám (có lẽ là đồ gia truyền), đổ nước sôi rồi quay sang tôi:

- Dân miền núi các bác nghèo lắm, chỉ có ấm chè đãi khách quý thôi cháu ạ.

Vài phút sau, ông già rót đầy trà ra hai cái chén lớn có lớp men xù xì, thô kệch (gọi là chén đít bằng) đặt trước mặt khách.

Vốn là người mê trà và từng được đọc Nguyễn Tuân viết về thuật pha trà, thưởng trà nên trong tôi bấy nay cũng ít nhiều thấm thía cái triết lí của ông vua tùy bút này từng tuyên xưng, rằng: “trong ấm trà pha ngon, người ta nhận thấy có một mùi thơ và một vị triết lý”. Tất nhiên, ông già dân tộc Cao Lan không thể biết đến cách pha trà sành điệu, cầu kì đến “mệt mỏi” như nhân vật túc nho trong tác phẩm “Chén trà trong sương sớm” hoặc chuyện chỉ chọn nguồn nước duy nhất để pha trà là cái giếng chùa của sư cụ Đồi Mai trong tác phẩm “Những chiếc ấm đất” của nhà văn Nguyễn Tuân. Nhưng đấy là các hình ảnh trong văn chương. Còn hôm ấy tôi đã được thưởng trà một cách vô cùng dân dã với một tấm lòng hiếu khách của ông già Cao Lan. Vì thế, cầm chén trà bình dân, tuy không có được cái ý tưởng “trong ấm trà pha ngon, người ta nhận thấy có một mùi thơ và một vị triết lý” của Nguyễn Tuân, nhưng tôi lại nhận ra ngay một vị chát đậm và sau đó là vị ngọt âm thầm từ chén trà của ông già tốt bụng. Vị ngọt, chát cứ se sắt mãi trên môi.

Nhìn tôi khẽ gật gù sau khi uống ngụm trà đầu tiên, ông già tỏ ra rất vui:

- Chè Suối Cát của xã Hà Thượng ta đấy cậu ạ. Ở quanh vùng này có nhiều chè nhưng không đâu đấu nổi với vùng chè Suối Cát. Cái vị chát của nó khó nơi nào có được.

                                    thu-hoach-che-o-suoi-cat-ha-thuong-dai-tu-1689783015.jpg
Thu hoạch chè ở Suối Cát (Hà Thượng, Đại Từ)    

“Chè Suối Cát”! Đúng vậy! Gần sáu mươi năm về trước, từ cách nói chân phương, hồn nhiên và đầy tự hào của một cao niên ở xã Hà Thượng (hoàn toàn không giống một lời quảng cáo như bây giờ) nhưng vẫn còn nguyên ấn tượng trong tôi đến tận bây giờ.

Ông già người Cao Lan cho tôi biết thêm, ngày ấy ở sườn Núi Pháo (ngọn núi trên đất Hà Thượng) có rất nhiều cây chè hoa vàng mọc. Người làm chè Suối Cát thường lên đấy hái về để trộn với chè nhà. Có phải chính vì thế mà chè Suối Cát ngay từ thuở ấy đã trở thành “đệ nhất danh trà” của xã, của cả huyện không? Chả thế mà hồi trước, những thương lái từ miền xuôi lên Thái Nguyên mua chè thường nhắc nhở nhau “Phải đúng là chè Suối Cát, Hà Thượng mới cất về xuôi bán đấy nhé”.  Họ kháo nhau, chè trung du Suối Cát không những có vị đậm chát, ngọt hậu mà khi đưa chén chè lên môi bỗng như phảng phất hương sắc núi rừng. Những thương lái hồi đó rất tinh tường và tâm hồn thật lãng mạn.

Vậy mà sau đó mấy chục năm không hiểu vì sao cái thương hiệu chè Suối Cát ấy bỗng chìm đi, gần như mất tăm trên thương trường. Hình như chỉ có tôi, mặc dù đã qua gần sáu mươi năm mà vẫn nhớ như in cái lần uống trà với ông già người dân tộc Cao Lan tại Hà Thượng trong hương vị chè Suối Cát đậm đà...

Hồ Thuỷ Giang

1 đã tặng

1

0

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy
  • Lê Đức Đồng ledu****@gmail.com

    Bài viết rất hấp dẫn về một vùng che nổi tiếng... Sau bao năm chìm lấp, nay thương hiệu, tên tuổi chè Suối Cát lại trở về; đúng là "Châu về Hợp Phố" !

Cùng chuyên mục

Xóm Đồi yêu dấu

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Vó Ngựa, mảnh đất tôi yêu

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Cầu Huy Ngạc trong tôi

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Đồi Dung

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Chã - nơi ấy có mẹ chồng tôi

Xem tin nổi bật 8 tháng trước

“Người Gang Thép!”

Xem tin nổi bật 9 tháng trước