Kiến trúc với văn học nghệ thuật
VNTN - Trong 3 yếu tố cơ bản tạo thành kiến trúc là: công năng - sự hoàn thiện kỹ thuật - hình tượng kiến trúc, thì hình tượng kiến trúc có liên quan nhiều đến các lĩnh vực nghệ thuật khác.
Nhà hát Opera Sydney (Còn gọi là Nhà hát con sò): Ý tưởng thiết kế ban đầu lấy cảm hứng
từ những cánh buồm vươn ra biển
Kiến trúc - nếu đi sâu vào chuyên môn và khai thác các khía cạnh của ngành nghề, thì sẽ có rất nhiều nội dung cần được đề cập đến để hiểu rõ các phần việc phải làm nhằm tổ hợp thành công việc, tạo nên kết quả là những tác phẩm kiến trúc. Trong các chuyên ngành thuộc lĩnh vực văn học nghệ thuật khác nhau, kiến trúc được coi là một loại hình nghệ thuật với công việc mang tính đặc thù cao.
Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam (Tập 2): “Kiến trúc là nghệ thuật thiết kế và xây dựng các công trình, tổ chức các môi trường không gian, phục vụ cho cuộc sống và hoạt động của con người”. Vậy, Kiến trúc - hiểu một cách đơn giản là ngành đặc thù có xen lẫn giữa lĩnh vực nghệ thuật và khoa học kỹ thuật liên quan đến việc tổ chức sắp xếp không gian sống. Đây là ngành nghề đòi hỏi tính sáng tạo cao và yêu cầu sáng tạo không ngừng.
Kiến trúc gắn với công nghệ, khoa học kỹ thuật, nhưng trong kiến trúc luôn tồn tại tính nghệ thuật và người làm kiến trúc không được để mất tính nghệ thuật trong đó. Giới Kiến trúc sư (KTS) nói riêng và ngành xây dựng nói chung thấy tự hào vì trong kiến trúc luôn tồn tại tính nghệ thuật, và vì Kiến trúc là một loại hình nghệ thuật.
Vậy mối quan hệ giữa Kiến trúc với (VHNT) Văn học nghệ thuật là gì?
Thực ra đây là mối quan hệ qua lại. Tác phẩm kiến trúc khi đạt đến một trình độ nhất định, một tầm cao nhất định sẽ trở thành một tác phẩm nghệ thuật, đó là nghệ thuật kiến trúc. Và với tính đặc thù của công việc, các bộ môn chuyên ngành VHNT nếu được hội tụ trong những sáng tác kiến trúc sẽ góp phần làm nên những tác phẩm kiến trúc có giá trị. Nhiều KTS, nhiều công trình nổi tiếng trên thế giới được lấy ý tưởng từ thơ, ca, nhạc, họa, từ đời sống…
Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy hình tượng hoa sen trong kiến trúc Việt Nam truyền thống và đương đại, biểu hiện ở các công trình như: Chùa Một Cột (Hà Nội); Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội); tòa tháp tài chính Bitexco (TP Hồ Chí Minh). Hay công trình Trường tiểu học Lũng Luông (Võ Nhai - Thái Nguyên) được thiết kế như đóa hoa giữa núi rừng… Trên thế giới có các công trình như Nhà hát Opera Sydney như những cánh buồm vươn ra biển khơi; thánh đường Brasilia (thủ đô Brazil) với phần mái như đôi tay vươn tới thiên đường; tòa nhà văn phòng Swiss Re ở London có hình dáng tựa một quả tên lửa…
Trường Tiểu học Lũng Luông giống như đóa hoa rực rỡ giữa núi rừng
Trong quá trình học kiến trúc để làm nghề kiến trúc, các KTS tương lai đã được làm quen với các bài học vẽ tượng, vẽ ghi, vẽ phong cảnh… Nếu đó là những bài vẽ tốt có thể đẩy lên thành những tác phẩm hội họa, mỹ thuật. Trong mỗi bài vẽ đều phải học cách bố cục bản vẽ, bố cục hình ảnh, quy luật sắp đặt. Nguyên tắc sắp xếp cũng giống như bố cục hình ảnh trong một bức tranh hay một tác phẩm nhiếp ảnh. Trong lý thuyết sáng tác của kiến trúc cũng như các loại hình nghệ thuật khác có những thủ pháp nghệ thuật tương đồng như: cân bằng, tương phản, nhịp điệu, bố cục, điểm nhấn, cấu trúc, tạo hình… Chính những sự tương đồng ấy mà người làm kiến trúc dễ dàng tiếp cận và cảm nhận âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, thơ văn… hơn và ngược lại.
Học nghề và làm nghề kiến trúc không phải chỉ là học thật thuộc bài những lý thuyết có sẵn để đưa các số liệu vào công trình một cách khiên cưỡng. Làm kiến trúc phải luôn luôn sáng tạo với các ý tưởng về thiết kế. Và để có thể sáng tạo được, cần phải có một tâm hồn phong phú, hội tụ các yếu tố cần có của VHNT (thơ, ca, nhạc, họa…) và đặc biệt phải có cảm xúc, cuối cùng là thể hiện làm rõ ý đồ sáng tác qua những phác thảo, những nét vẽ. Như vậy, đến với kiến trúc không chỉ đơn thuần là vẽ.
Một giảng viên chuyên ngành kiến trúc sau nhiều năm trực tiếp tham gia giảng dạy đã từng nói: “Vẽ là điều kiện cần, nhưng không đủ: Nếu toán lý kém, các môn khoa học kém, bạn đừng hy vọng sẽ bù đắp bằng vẽ mỹ thuật. Vì vẽ mỹ thuật chỉ là thi đầu vào, và một KTS thì không chỉ cần vẽ giỏi mà còn phải giỏi nhiều thứ khác. Toán học giúp bạn thông minh, nhanh nhạy và khoa học. Văn học giúp bạn mơ mộng và luôn tràn đầy cảm xúc. Thế thì vẽ là chưa đủ…
Muốn học Kiến trúc, trước hết văn hóa của bạn phải tốt,…, bạn cần có năng khiếu thẩm mỹ, không chỉ riêng mỹ thuật, mà nhìn chung biết càng nhiều về nghệ thuật càng tốt, đó là chiếc chìa khóa cho bạn thụ cảm cái đẹp, dần dần thúc đẩy tư duy tạo hình trong chính bạn tốt hơn!”.
Như vậy, làm nghề kiến trúc rất cần những tư duy logic và chính xác đối với từng nét vẽ, cần phải có sự lãng mạn trong tâm hồn nghệ sỹ, sự mềm mại uyển chuyển bay bổng trong từng nét vẽ, trong những phác thảo, sự chi li cẩn thận trong từng chi tiết cấu tạo kiến trúc, sự phê bình biện luận để tác phẩm kiến trúc được gọt giũa trước khi triển khai… và đặc biệt phải có cảm xúc trong quá trình thiết kế. Rõ ràng, các bộ môn VHNT sẽ bổ trợ cho KTS trong sáng tác kiến trúc. Và khi kiến trúc hội tụ đủ các yếu tố của các bộ môn nghệ thuật chuyên ngành sẽ trở thành tác phẩm nghệ thuật kiến trúc có giá trị.
Một số bạn trẻ hiện nay cho rằng làm kiến trúc là chỉ cần vẽ giỏi. Đó là sự nhầm lẫn đáng tiếc. Hiện nay, có nhiều phầm mềm hỗ trợ diễn họa kiến trúc, với các khung hình 3D rất đẹp, sử dụng công nghệ diễn tả bóng đổ, màu sắc, ánh sáng… nhưng nếu không đặt cảm xúc vào trong thiết kế, không biết cách bảo vệ ý tưởng muốn thể hiện, không lồng ghép các yếu tố kỹ thuật và mỹ thuật dựa theo những nguyên tắc tạo hình cần có, thì phương án kiến trúc đó sẽ bị đánh bại bởi những ý kiến đánh giá của những người có chuyên môn.
***
Quay trở lại với Kiến trúc và VHNT, rõ ràng kiến trúc là một nghệ thuật. Làm nghề kiến trúc không chỉ đơn thuần là vẽ. Mỗi KTS phải luôn nuôi dưỡng ý tưởng để đảm bảo phục vụ cho chính công tác chuyên môn của bản thân. Và nghệ thuật, với sự tổng hòa các bộ môn chuyên ngành, sẽ góp phần tạo nên kiến trúc có giá trị
KTS. Mã Kiều Trâm
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...