Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
19:41 (GMT +7)

Khi thơ ca hòa nhịp với đời!

NGÀY THƠ VIỆT NAM LẦN THỨ 21 - LỄ HỘI THƠ NGUYÊN TIÊU THÁI NGUYÊN NĂM 2023

Ngày 4/2 vừa qua, Cuộc thi thơ “Nhịp điệu mới” nằm trong khuôn khổ Lễ hội thơ Nguyên tiêu - Thái Nguyên năm 2023 do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Ban Văn học - Nghệ thuật (VOV6) - Đài tiếng nói Việt Nam và Diễn đàn văn chương Quán Chiêu Văn tổ chức đã chính thức khép lại với những ấn tượng tốt đẹp, sức lan tỏa mạnh mẽ, cùng minh chứng cho thấy sức sống mãnh liệt và bền bỉ của thơ ca trong đời sống này.


Những ấn tượng đẹp!

Chỉ sau một tháng rưỡi phát động (từ ngày 10/12/2022 - 27/01/2023), qua cả ba kênh: đường bưu điện, email và nhóm (group) Facebook “Diễn đàn VHNT Thái Nguyên”, Cuộc thi đã đón nhận hơn 600 tác phẩm của gần 350 tác giả đến từ khắp mọi miền trên cả nước, và vươn ra cả cộng đồng người Việt ở nước ngoài, như: Vương quốc Bỉ, Nhật Bản, Ukraina, Mỹ…

Đây là năm thứ ba Cuộc thi thơ nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Thơ Việt Nam tại Thái Nguyên được tổ chức. Điều đặc biệt của Cuộc thi mỗi năm là luôn nhận được những bài dự thi viết tay được gửi đến từ cả những người trẻ và người cao tuổi. Cuộc thi năm nay cũng vậy, gần 50 lá thư tay với hơn 100 tác phẩm dự thi được viết nắn nót, cẩn thận cùng những lời nhắn nhủ, giãi bày gửi về Ban Tổ chức. Tác giả Đỗ Tiến Thự, 75 tuổi, một sĩ quan quân đội nghỉ hưu (Nam Định) đã gửi tới Cuộc thi lá thư tay đầy chân thành và hứng khởi: “Tôi rất ngưỡng mộ đất và người Thái Nguyên - Thủ đô kháng chiến, nơi tôi có vinh dự được sống và đến thăm nhiều lần. Nay may mắn biết tới Cuộc thi Thơ, tôi mạnh dạn gửi bài dự thi, và xin chúc các anh chị trong Ban Tổ chức mạnh khỏe, hạnh phúc; chúc Cuộc thi Thơ thành công tốt đẹp: Thi thơ toàn quốc vui như Tết/ Dù thắng hay không vẫn mỉm cười!”.

 

Gần 50 lá thư tay với hơn 100 tác phẩm dự thi được viết nắn nót, cẩn thận cùng những lời

nhắn nhủ, giãi bày gửi về Cuộc thi

Niềm vui với Ban Tổ chức Cuộc thi không chỉ đến từ những tác phẩm gửi qua đường bưu điện mà còn đến từ hai kênh email và Diễn đàn VHNT Thái Nguyên. Vui làm sao khi ngay từ những ngày đầu tiên phát động và thông báo Thể lệ Cuộc thi, email Cuocthivntn@gmail.com và Diễn đàn VHNT Thái Nguyên liên tục tiếp nhận các bài dự thi.

Và điều vô cùng đặc biệt là càng về sau, số lượng bài dự thi càng nhiều, cứ dồn dập gửi về như hòa cả với không khí tưng bừng của những ngày lễ Tết Nguyên đán.

Trên Diễn đàn VHNT Thái Nguyên, không khí sôi nổi ấy được thể hiện rõ ràng nhất. Mục “Cần xét duyệt” liên tục sáng đèn, thông báo các bài viết đang chờ và yêu cầu tham gia Diễn đàn. Những quản trị viên được phân công thẩm định, duyệt đăng bài dự thi phải thay phiên nhau online gần như 24/24 để đọc, duyệt và trả lời các thắc mắc liên quan đến Cuộc thi. Những tác phẩm được duyệt đăng trên Diễn đàn tựa mâm cỗ Tết để mọi người cùng thưởng thức, trao đổi và đưa ra những bình luận, đánh giá, những góp ý chân thành, tích cực với từng “món ăn”. Đó vừa là sự khích lệ, động viên, khơi thêm nguồn cảm hứng sáng tạo thơ ca với mỗi tác giả, đồng thời cũng là cơ hội để các tác giả có thể học hỏi, trau dồi thêm vốn liếng và kỹ năng sáng tác.

Điều đặc biệt cũng là niềm vui của Cuộc thi năm nay là được đón nhận sự tham gia của nhiều tác giả là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và cả các tác giả đã đoạt giải ở hai cuộc thi trước tiếp tục tham gia với tinh thần hưởng ứng và ủng hộ Cuộc thi. Có thể kể đến những cái tên như: Trần Vạn Giã (Khánh Hòa), Nguyễn Chí Diễn (Bắc Giang), Nguyễn Văn Song (Hưng Yên), Ngô Bá Hòa (Lạng Sơn), Nông Ngọc Mạnh (Bắc Kạn), Đinh Hạ (Nghệ An), Trần Thanh Dũng (Sóc Trăng), Bùi Việt Phương (Hòa Bình), Hoàng Thị Hiền (Thái Nguyên)…

Tác giả Lương Mỹ Hạnh (Sơn La) - người đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) của Cuộc thi thơ “Sống và hy vọng” năm 2022 đã dành những dòng tâm sự cùng Cuộc thi năm nay: “Khi đọc được thể lệ Cuộc thi thơ “Nhịp điệu mới”, trong tôi lại hiện về bao kỷ niệm và thật nhiều ấn tượng đẹp.” Chị nhớ lại lần đầu chuẩn bị gửi thơ dự thi trên Văn nghệ Thái Nguyên đầu xuân 2018, có nhận được một lời khuyên của bạn: Không nên tham gia vì giải chẳng bao giờ tới lượt những người vô danh. Họ nghi ngờ sự trong sáng, công tâm của những cuộc thi được tổ chức ở địa phương. Song chị đã bỏ qua lời khuyên tiêu cực ấy.

Và bất ngờ đã đến khi chị đoạt giải Nhì của cuộc thi với thi phẩm “Đá”. Bốn năm sau, đầu xuân 2022, duyên thơ lại gọi tên hai thi phẩm “Nhà sàn” và “Đời sông” của chị trong Lễ Tổng kết Cuộc thi thơ “Sống và hy vọng”. Chị chia sẻ: “Hai lần được giải thơ Thái Nguyên, nhưng chưa một lần đặt chân đến Thái Nguyên nhưng tôi đã cảm nhận được lòng hiếu khách, tình cảm nồng ấm, cởi mở, khoáng đạt của đất và người Thái Nguyên. Cảm ơn thơ đã cho tôi được sống cuộc đời thứ hai tươi đẹp, để tạm quên đi những vất vả mưu sinh. Dù ai đó có nói với tôi về bóng đêm, về cái ác, tôi vẫn tin ánh sáng kỳ diệu của thơ ca chân chính!”.

Ngân vang khúc vĩ thanh

Với hơn 400 tác phẩm của hơn 200 tác giả lọt vòng Sơ khảo, 5 thành viên Ban Sơ khảo là những đại diện của 3 đơn vị tổ chức: Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên (nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh - Trưởng ban Sơ khảo; nhà thơ, TS. Nguyễn Kiến Thọ; nhà thơ, PGS. Cao Thị Hồng); Ban Văn học - Nghệ thuật (VOV6), Đài Tiếng nói Việt Nam (nhà thơ, TS. Đỗ Anh Vũ); Diễn đàn Văn chương Quán Chiêu Văn (nhà thơ Trần Đức Cường) đã phải rất nỗ lực, nhẫn nại và công tâm để lựa chọn ra những tác giả tác phẩm xứng đáng vào vòng trong.

Nhà thơ, TS ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ - Biên tập viên Ban Văn học - Nghệ thuật (VOV6), Đài Tiếng nói Việt Nam, thành viên Ban Sơ khảo chia sẻ: “Tôi phải dành cả một quyển sổ để nhận xét, đánh giá từng tác giả một! Vui là bên cạnh nhiều tác phẩm bàng bạc, nhàn nhạt, cứ na ná từa tựa theo một cái khuôn nào đó là những tác phẩm có tứ hay trội hẳn ra, ngôn ngữ điêu luyện, hình ảnh ấn tượng, có giọng điệu riêng, có không gian nghệ thuật, mang đậm dấu ấn văn hóa, dấu ấn vùng miền... Và nhiều bài thơ dù nói về nỗi buồn nhưng cho con người ta lớn lên. Buồn nhưng vẫn đẹp, vẫn lấp lánh những giá trị nhân văn, giá trị của chân - thiện - mỹ”.

“Các tác phẩm khá chất lượng; có những tìm tòi mới lạ, có những cảm xúc còn non tơ, không trùng lặp từ đó đem đến xúc cảm mới mẻ cho người đọc; nhiều bài triển khai đề tài, nội dung một cách giản dị, gần với đời sống song giàu nghĩ ngợi, suy tư, bộc lộ những trăn trở sâu sắc, đem lại những xúc cảm đời sống phong phú…”, đó là những nhận định, đánh giá chung của Ban Chung khảo (nhà thơ Trần Anh Thái - Chủ tịch Hội đồng Thơ, Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng ban Chung khảo; nhà thơ, nhà báo Trần Nhật Minh - Trưởng ban Văn học - Nghệ thuật (VOV6), Đài Tiếng nói Việt Nam; nhà thơ Đinh Thị Như Thúy - Ủy viên Hội đồng Thơ, Hội Nhà văn Việt Nam) đối với các tác phẩm lọt vào vòng chung cuộc.

Còn nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên, đại diện Ban Tổ chức lại bày tỏ: “Thực sự áp lực vì có rất nhiều người theo dõi, rất nhiều người trong giới quan tâm tới chất lượng của Cuộc thi. Bởi vậy mà Ban Giám khảo phải làm việc hết sức cẩn trọng. Song nhìn vào các bài được chọn, thấy được sự công tâm và trách nhiệm của tất cả thành viên Ban Giám khảo”.

Với 51 tác phẩm của 26 tác giả vào vòng Chung khảo, Ban Giám khảo đã chọn lựa ra những tác giả tác phẩm xuất sắc nhất, bao gồm: 01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 03 giải Ba, 05 giải Tư. Kết quả Cuộc thi được công bố chính thức tại Lễ hội thơ Nguyên tiêu và Hội Báo xuân Thái Nguyên Quý Mão 2023, và được phát sóng trực tuyến trên Fanpage: Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên điện tử.

Lấy chủ đề “Nhịp điệu mới”, Cuộc thi thơ nhằm lan tỏa, cổ vũ tinh thần sống mới của đất nước sau đại dịch Covid với hành trình vượt lên mọi khó khăn, thách thức, hướng tới một tương lai tốt đẹp. Và “Nhịp điệu mới” dù đã chính thức khép lại song vĩ thanh của nó dường như sẽ còn ngân vang, bởi Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên sẽ bắt đầu giới thiệu tới độc giả và công chúng yêu thơ các tác phẩm xuất sắc đoạt giải cùng các tác phẩm hay, có chất lượng đã tham gia Cuộc thi. Để thêm một lần nữa khẳng định giá trị, ý nghĩa thiết thực của Cuộc thi khi đã cho thấy: thơ ca thực sự hòa nhịp với đời, với hơi thở cuộc sống, đi lên từ chính những gì bình dị, gần gũi và gắn bó nhất với con người và cũng vì con người mà cất tiếng!.

Kết quả cuộc thi Thơ “Nhịp điệu mới”

Giải Nhất: Trị giá 5 triệu đồng

Tác giả: Trần Đức Tín (Khét) – Cà Mau, tác phẩm: Chúng tôi 8-9x; Đeo lại xà tích; Bức thư miền Tây

Giải Nhì: Mỗi giải trị giá 4 triệu đồng

1.Vũ Tuấn (Võ Văn Tuấn) – TP. Hồ Chí Minh, tác phẩm: Đất; Nước; Gió

2.Vàng A Giang – Lào Cai, tác phẩm: Giấc mơ hình hạt thóc; Rời; Ngược làng

Giải Ba: Mỗi giải trị giá 3 triệu đồng

1.Hoàng Thị Hiền – Thái Nguyên, tác phẩm: Tiếp nối; Mắt mía

2.Trang Thanh (Trần Thị Thanh) – Hà Nội, tác phẩm: Đỉnh trăng

3.Trần Nhã Thụy – TP. Hồ Chí Minh, tác phẩm: Mấy đoản mộng; Đàn ông múa

Giải Tư: Mỗi giải trị giá 2 triệu đồng

1.Hoàng Anh Tuấn – Lào Cai, tác phẩm: Chim xanh; Trà sen

2.Nguyễn Văn Biên – Hải Phòng, tác phẩm: Cỏ xanh

3.Chu Minh Khôi – Hà Nội, tác phẩm: Rét; Gặp thơ Bùi Giáng trong quán cà phê

4.Trần Kế Hoàn – Nam Định, tác phẩm: Ríu rít thủy triều

5.Trịnh Oanh Lan (Trịnh Thị Lan Oanh) – Thanh Hóa, tác phẩm: Nỗi niềm hoa lau; Anh làm sao mua nổi gió dậy thì.

Bích Hồng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Thơ dành cho các em nhân dịp Tết Trung thu

Xem tin nổi bật 3 ngày trước

Xin lỗi mùa thu

Thơ 5 ngày trước

Sau vũ hội

Thơ 6 ngày trước

Thơ Nguyễn Thúy Quỳnh

Thơ 1 tuần trước

Thơ Nguyễn Đức Tùng

Thơ 1 tuần trước

Xin lỗi mùa thu

Thơ 1 tuần trước