Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
11:10 (GMT +7)

“Hồ nước” – giải pháp cho đô thị bị ngập úng

VNTN - Không gian mặt nước sông hồ từ lâu đóng một vai trò quan trọng trong sự tiến bộ của loài người. Các nền văn minh rực rỡ đầu tiên của nhân loại đều được hình thành và phát triển tại các lưu vực sông lớn như văn minh Ai Cập - sông Nil, Ấn Độ - sông Hằng, Trung Hoa - sông Hoàng Hà… Còn ở nước ta, năm xưa vua Lý Công Uẩn quyết định rời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Thăng Long vì nơi đây có vị thế đẹp lại có nhiều sông hồ thuận lợi cho việc giao thương buôn bán.

Ngày nay, yếu tố mặt nước có vai trò và tác dụng rất to lớn trong đô thị. Giá trị nổi bật không thể bỏ qua của hồ nước đó là chức năng làm sạch, điều hòa khí hậu, giảm tải đáng kể hiện tượng ô nhiễm môi trường cho thành phố. Kết quả nghiên cứu về môi trường cây xanh mặt nước của Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn năm 1994 cho thấy, các hồ nước giúp giảm nhiệt độ môi trường không khí khu vực xung quanh từ 2-4 độ C trong mùa hè, làm tăng độ ẩm từ 5-12% và giảm 2-4,5% bức xạ mặt trời, đồng thời tăng cường lưu thông các luồng khí mát và khí nóng giữa các khu vực lân cận của thành phố. Nhưng còn một yếu tố nữa cũng vô cùng quan trọng trong đô thị mà ít người biết đến và chú trọng đó là điều hòa nước mưa, đảm bảo thoát hết nước trong mùa mưa (bên cạnh hệ thống thoát nước còn hạn hẹp), tránh cho đô thị khỏi úng ngập cục bộ. Các hồ, ao có tác dụng chứa nước mưa, rồi sau đó mới thoát dần theo hệ thống cống. Các hồ điều hòa có khả năng hỗ trợ hệ thống thoát nước trong đô thị, bởi làm giảm được lưu lượng nước chảy sau đó, giảm công suất trạm bơm…

Nói đến đô thị Thái Nguyên, người ta thường nhớ đến một đô thị trung du miền núi phía Bắc và không ai nghĩ đô thị miền núi đấy lại rất thường xuyên xảy ra các hiện tượng ngập úng trong nhiều năm gần đây. Nhiều nhất phải kể đến các tuyến đường Minh Cầu, đường Lương Ngọc Quyến (đoạn Đại học Sư phạm, cổng Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, ngã tư Phan Đình Phùng Lương Ngọc Quyến); đường Hoàng Văn Thụ (đoạn cổng Trường Mầm non 19-5); đường Cách Mạng Tháng Tám (đoạn cổng Công ty CP Gang thép,...) và còn nhiều tuyến phố chính huyết mạch thành phố khác nữa.

Vì sao đô thị Thái Nguyên lại hay bị ngập úng khi mưa to? Theo tôi có hai nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng ngập úng đó là:

- Thứ nhất, chúng ta đang mất dần các yếu tố điều hòa nước mưa: Đô thị phát triển nhanh, hàng loạt các dự án khu dân cư mọc lên, đất hồ, ao, ruộng trong thành phố được lấp đi, dành chỗ cho các dự án thương mại, khu dân cư. Mặt đất dần biến thành nhà, thành đường, bê tông hóa vỉa hè, sân chơi... Nếu thống kê thì có lẽ thành phố Thái Nguyên là thành phố có ít diện tích mặt nước và cây xanh đô thị nhất so với các tỉnh. Ngoài sông Cầu chạy qua thì thành phố Thái Nguyên chỉ còn có hồ Xương Rồng 1, 2, hồ Gia Sàng, hồ Thiên Nga Gang Thép và 1-2 hồ nhỏ khác… Với diện tích mặt nước ít ỏi và phân bố không đồng đều này, không đủ để bù đắp cho diện tích điều hòa nước mưa (mất đi hệ thống hồ chứa tạm khi mưa to) do đô thị hóa; chưa kể các diện tích hồ này còn bị thu hẹp lại đáng kể trong những năm gần đây. Diện tích cây xanh mất đi, mặt đất bị bịt kín không còn nhiều cho việc ngấm, thở của đất cũng càng làm cho yếu tố điều hòa nước mưa bị hạn hẹp đi rất nhiều.

- Thứ hai, hệ thống kỹ thuật hạ tầng không đồng bộ và chưa hợp lý: Với một đô thị có quá trình phát triển dài như Thái Nguyên, với nền kinh tế còn khó khăn thì việc chưa đồng bộ là không thể tránh được. Tuy nhiên việc dự đoán, tìm nguyên nhân ngập úng đáp ứng sự phát triển đô thị hóa nhanh trong vài năm gần đây còn chưa được kỹ và thấu đáo. Các bài toán về thoát nước chưa đủ thông tin dữ liệu dẫn đến hệ thống thoát nước còn bé, quá tải, không đáp ứng đủ lượng thoát nước khi mưa to. Việc làm hạ tầng không đồng bộ cũng làm cho việc đào lên lấp xuống liên tục, vừa tốn kém tiền của nhà nước vừa làm mất mỹ quan thành phố, ô nhiễm bụi bẩn, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Để tìm ra giải pháp căn cơ cho các vấn đề trên, thiết nghĩ phải từ chủ trương của tỉnh về vấn đề quy hoạch. Việc nâng cao ý thức và biện pháp hữu hiệu để bảo vệ mặt nước trong đô thị; khai thác sử dụng các bề mặt nước có trong đô thị, nhất là trong việc cải thiện vi khí hậu đô thị, tạo môi trường cảnh quan sinh thái theo đúng nghĩa của nó; khắc phục và bù đắp tình trạng giảm diện tích mặt nước ngày càng thấy rõ trong đô thị do quá trình đô thị hóa mạnh mẽ… là những việc làm vô cùng quan thiết. Tình trạng ngập lụt ở một số tuyến phố khi có mưa to, là kết quả của việc không xác định diện tích mặt nước cần thiết cho nhu cầu điều hòa nước mưa cho cả khu vực đô thị, thế nên cấp thiết phải có biện pháp phù hợp bù đắp. Đây cũng là yếu tố quan trọng tạo cảnh quan môi trường đô thị, nâng cao giá trị cuộc sống. Trong tương lai, phải thiết kế xây dựng các hệ thống thoát nước bẩn riêng và tách khỏi hệ thống nước mưa. Để chống ô nhiễm nước hồ, thiết kế hệ thống cây xanh, bờ kè và đường dạo xung quanh hồ là điều nên phát huy để tạo bộ mặt mới cho đô thị Thái Nguyên.

Để kết thúc bài viết này, xin nhắc lại rằng, nhu cầu không gian mặt nước cũng cao như đối với cây xanh trong việc tạo cảnh quan đô thị và cải thiện vi khí hậu nơi đây. Chúng ta không thể chỉ quan tâm đến cây xanh mà không chú ý đến không gian mặt nước. Cả hai yếu tố này đều có những tác dụng đáng kể trong việc làm giảm nhiệt độ, tăng độ ẩm, cấp oxy và chống ồn đô thị. Chính vì vậy quỹ đất và quỹ mặt nước đô thị là vấn đề cần ưu tiên để tạo môi trường bền vững cho một thành phố xanh, sạch, đáng sống.

KTS. Trần Hải Hưng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy