Góp chuyện về nhà ở tự xây
VNTN - Trong kiến trúc công trình, kiến trúc nhà ở được xã hội quan tâm nhiều, bởi nhà ở không thể thiếu trong cuộc sống riêng tư của mọi đối tượng sướng khổ sang hèn. Mỗi người suốt một cuộc đời phấn đấu để tiến tới mục tiêu tốt đẹp cho một gia đình, có một ngôi nhà để ở. Và khi điều kiện có thể, ai cũng tính đến chuyện làm nhà ở.
Làm nhà ở việc đầu tiên là lựa chọn đất thuận về địa lý, tốt về khí hậu, hợp hướng cát lợi. Theo kinh nghiệm lưu truyền của người phương Đông thì chọn đất làm nhà ở cần kiêng kỵ làm nhà dưới chân núi có sườn dốc cao, làm trên gò đồi hoặc bám theo đường có ta luy dương và ta luy âm để tránh sạt lở. Không làm sát bờ sông, bờ suối hay bãi bồi để tránh lũ ống, lũ quét và mọi hiểm họa từ thiên nhiên gây ra. Tránh xa các cột điện và các tuyến hành lang điện cao thế theo đúng quy phạm. Không làm dưới tán các loại cây cổ thụ do có thể gẫy cành hoặc ngã đổ gây nguy hại cho công trình và mất an toàn cho cư dân.
Về thế đất: Đất có hình chữ nhật, hình vuông, hình thang có cạnh phía trước hẹp, phía sau rộng là sự lựa chọn. Đất có đường đi hay suối nước chảy bao quanh phía sau và hai bên là tốt. Đất hình tam giác, hình tròn, đất gò đồi chạy dài hai bên thấp trũng là không nên chọn. Đất có con đường hoặc con suối chạy thẳng vào trước nhà rồi chảy ra hai bên là đất xấu.
Ở miền núi, vùng sâu vùng xa mật độ dân cư thưa, đất rộng, nhưng hiếm đất làm nhà ở, bởi từ xa xưa cha ông đã khoét núi, đắp bờ canh tác. Nhà ở tập trung thành các chòm xóm, làng bản tại những nơi đất thoải. Ngày nay có đường liên xã liên thôn, nối các thị trấn thị tứ và các điểm tập trung dân cư, nhưng đường đi chỉ men núi, men sông suối hoặc băng qua đồng ruộng. Bởi vậy đất để làm nhà ở là rất hạn chế, không có cơ hội để lựa chọn theo ý định.
Tại trung tâm đô thị, có thiết kế quy hoạch phân khu chức năng, theo đó nhà ở được chia lô có tổ chức san gạt, lấp đắp, tạo thành các ô bàn cờ hoặc theo các trục giao thông, có hệ thống kỹ thuật hạ tầng như cấp điện, thông tin, cấp và thoát nước…Việc lựa chọn đất theo ý muốn có thuận lợi hơn.
Việc tiếp theo là chọn hướng nhà, ngày xưa làm nhà thường nhờ thầy địa lý “chẩn đoán” về long mạch, thổ nhưỡng để tránh hậu họa. Về sau các chủ hộ làm nhà cũng nhờ thầy “tâm linh” dựa theo kinh nghiệm lưu truyền từ các thế hệ trước. Ngày nay làm nhà trong các khu đô thị thường kết hợp tâm linh và phong thủy “lấy vợ xem tuổi đàn bà, làm nhà xem tuổi đàn ông”. Chọn năm làm nhà theo tuổi âm lịch, tránh các năm “một - ba - sáu - tám”, “làm nhà, cưới vợ, tậu trâu thì đừng”. (Lấy hai số của tuổi âm lịch cộng lại, ví dụ: người sinh năm 1963 năm nay 2015 là 53 tuổi, lấy 5 + 3 = 8, hoặc 53 - 9 rồi trừ 9 tiếp… đến hàng đơn vị là 8, người này năm nay không nên làm nhà).
Dân gian truyền miệng “lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng nam”, làm nhà chọn hướng nam, đông nam, hợp về địa lý, hướng gió mát lành, nhưng vẫn nên theo hướng của tuổi cầm tinh 12 con giáp “Tý - Sửu…”. Theo thuật số phương Đông thì có 8 loại trạch nhà (bát trạch) được chia thành hai nhóm, mỗi nhóm ứng với các quẻ mệnh của tuổi, mỗi tuổi hợp với một hướng thuận. Làm nhà là việc lớn, người làm nhà bao giờ cũng rất cẩn thận đến nhờ thầy có kinh nghiệm, kế truyền, kế tục theo sách Hán Nôm hoặc các loại sách vở chép tay. Các thầy có thể cho các kết quả không giống nhau. Ngày nay xem tuổi, xem ngày làm nhà thường phải phối hợp giữa tâm linh và khoa học. Khoa học giải nghĩa được những điều bí ẩn về “âm - dương”. Thầy phong thủy nhất là phong thủy trong kiến trúc nhà ở được nhiều người quan tâm tìm hiểu và ứng dụng từ khâu thiết kế. Các công trình xây dựng như nhà làm việc, các loại nhà văn hóa như rạp hát, rạp xiếc, bệnh viện, trường học… đều có nguyên lý riêng, phục vụ theo yêu cầu cụ thể. Nhà ở cũng phải theo “cái riêng” của nhà ở. Nhà ở đô thị, nhà ở nông thôn, nhà ở miền núi, đồng bằng hay trung du… đều được tổ chức, sắp xếp các mối liên hệ trong không gian sống hợp lý.
Nhà ở tự xây trong đô thị như nhà biệt thự, nhà mặt phố, nhà trong ngõ, trong xóm hay trong khu dân cư đều được quản lý theo quy hoạch đô thị, theo từng giai đoạn lịch sử phát triển về kinh tế, xã hội. Nhà có bề mặt từ 4m đến 8m thường gọi là nhà chia lô, nhà ống. Dạng nhà này đại trà dành cho các tầng lớp nhân dân lao động, công chức, viên chức không có thu nhập cao. Người có năng lực tài chính tốt thì xây được khuôn viên, biệt thự… Trong khu dân cư được quy hoạch và quản lý đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật. Thông thường chủ đầu tư (chủ hộ) làm nhà theo ý thích sau khi đã tham khảo hình thức các loại nhà sẵn có để ứng dụng cho ngôi nhà của mình. Ngày nay làm nhà ở, chủ đầu tư thường được tư vấn về kiến trúc để đạt được những yêu cầu cơ bản đó là hướng nhà, ngôi nhà thông thoáng, ánh sáng tự nhiên, các phòng chức năng hợp lý. Giao thông ngang, giao thông đứng thuận tiện. Phòng khách, phòng sinh hoạt chung, phòng ngủ, phòng đọc, ban thờ, khu bếp, phòng ăn, khu kho, vệ sinh… được tổ chức hợp lý theo kích thước lô đất. Xây dựng một ngôi nhà ở cũng cần phải quan tâm từ khái niệm đến thực tế về nhà xanh, cây xanh. Nói một cách dễ hiểu: cây xanh là hệ thống cây bóng mát, cải tạo khí hậu làm sạch đẹp môi trường xung quanh, được trồng theo ý định từ gia chủ. Nhà xanh là có các loại cây xanh “mọc ra” từ chính ngôi nhà, tại các vị trí thích hợp, trên mái, hành lang, xung quang tường và các tầng nhà.
KTS. Mã Sôi
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...