Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
22:29 (GMT +7)

Đường phố, vỉa hè và cây xanh đô thị Thái Nguyên

VNTN - Vỉa hè lộn xộn, số lượng cây xanh ít, cây trồng lôm côm, chủng loại chưa phong phú, chưa tạo được dấu ấn rõ nét trên từng tuyến đường là tồn tại chung tại các đô thị Thái Nguyên hiện nay. Ổn định trật tự vỉa hè, quản lý việc trồng và chăm sóc cây xanh là vấn đề của đời sống đô thị, rất cần phải có những chủ trương xác đáng.


Góp phần tạo dựng bộ mặt tuyến phố, đô thị 

Nếu trong kiến trúc quy hoạch, đường phố đóng vai trò quan trọng trong tạo dựng hình thức và không gian đô thị, thì đối với mỗi một tuyến phố, vỉa hè và cây xanh có tác dụng hỗ trợ cùng với các công trình kiến trúc hai bên đường, tạo ra những điểm nhấn đặc thù.

Đường phố bao gồm lòng đường và vỉa hè. Lòng đường là phần xe chạy, có tác dụng trực tiếp cho các phương tiện tham gia giao thông. Tùy theo quy mô, cấp loại đường, lòng đường có thể bao gồm một hoặc nhiều làn đường, có thể có hoặc không có dải phân cách. Vỉa hè là thành phần gắn liền với đường phố, là bộ phận ngăn cách, đồng thời cũng là nơi kết nối giữa phần đường xe chạy với phần đất được phép xây dựng công trình trên mỗi tuyến phố. Một vỉa hè phải được lát gạch hoặc phủ bằng vật liệu quy định, đảm bảo thoát nước tốt, bộ hành thuận lợi, vệ sinh môi trường. Thành phần không thể thiếu khi nhắc đến đường phố và vỉa hè là cây xanh, người ta quen gọi là cây xanh đường phố. Khoa học đã chứng minh và thực tế không phủ nhận vai trò của cây xanh đối với đời sống. Cây xanh đường phố, cây xanh vỉa hè cho bóng mát, góp phần chống bụi, chống ồn, chống nóng, cải tạo vi khí hậu, vệ sinh môi trường… Bên cạnh đó, cây xanh kết hợp với các công trình, các vật thể kiến trúc lại có tác dụng trang trí, tạo cảnh quan đường phố, hỗ trợ trong tạo dựng kiến trúc cảnh quan đô thị. Khi hình ảnh cây xanh trở nên quen thuộc đối với mỗi tuyến đường, mỗi góc phố, nó trở thành đặc trưng giá trị tinh thần cho tuyến phố, cho đô thị ấy.

Một đoạn đường Bắc Kạn, thành phố Thái Nguyên - Vỉa hè chưa phát huy được giá trị 

Ảnh: Đỗ Anh Tuấn

Có thể thấy, vỉa hè và cây xanh đóng vai trò quan trọng đối với “bộ mặt đô thị”. Để đô thị luôn khang trang, sạch đẹp, vỉa hè và cây xanh cần được quan tâm đúng mức để nó thực sự mang lại giá trị tích cực.

Cây xanh và vỉa hè tại các đô thị Thái Nguyên

Kể từ khi được nâng loại đô thị và nâng cấp quản lý hành chính đô thị, các cấp chính quyền thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công và thị xã Phổ Yên đã không ngừng triển khai đẩy mạnh công tác quản lý trật tự đô thị. Bộ mặt đô thị tại các địa phương này đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên trật tự vỉa hè vẫn chưa được triển khai hiệu quả. Đây cũng là tình trạng chung đối với các đô thị khác của Thái Nguyên.

Thực tế hiện nay, nhìn chung tại các đô thị, các tuyến phố của Thái Nguyên, có không ít những đoạn vỉa hè nhếch nhác, lộn xộn… và hầu như chưa được quan tâm theo đúng với giá trị của vỉa hè, thậm chí có nhiều đoạn phố không có vỉa hè. Đường trục chính tại các thị trấn hầu hết vẫn trong tình trạng tồn tại từ lịch sử, giữ sự ổn định theo các giai đoạn phát triển, cây xanh trồng tự phát để lấy bóng mát, chưa có quy định cụ thể về khoảng cách, chủng loại cây, bồn cây cũng chưa thống nhất, vỉa hè chưa được phủ mặt. Các hộ dân bám hai bên mặt phố có điều kiện để kết hợp kinh doanh buôn bán nhỏ. Họ thường tận dụng phần vỉa hè phía trước công trình để liên kết trực tiếp, giao thương với cộng đồng. Để giới thiệu mặt hàng kinh doanh, họ trưng các biển hiệu quảng cáo không theo trật tự. Đôi khi vỉa hè bị chiếm dụng làm nơi trông giữ xe, làm chỗ bán hàng vặt…, mà thường đó là những gánh hàng rong, những quầy hàng di dộng của một bộ phận người dân khó khăn về kinh tế. Họ tranh thủ mặt bằng ở những khu vực này với hi vọng kiếm thêm thu nhập. Nhiều đoạn hè phố trở thành chợ tạm… Những điều này tạo nên sự lộn xộn, nhếch nhác, làm ảnh hưởng đến bộ mặt của đô thị.

Chưa kể đến việc nhiều công trình, siêu thị, nhà hàng, quán giải khát…, mặc dù mật độ xây dựng đảm bảo theo quy định nhưng chủ hộ kinh doanh (chủ đầu tư) không tính toán kỹ lượng khách ra vào và chỗ đỗ xe, khi công trình đưa vào sử dụng, khách hàng và chủ hộ (hoặc đơn vị) kinh doanh đã lấn chiếm một phần lòng đường hoặc toàn bộ vỉa hè làm chỗ đỗ xe, gây cản trở giao thông và khiến vỉa hè phố không giữ được vai trò của nó. Nét văn hoá, văn minh của tuyến phố nếu không được phát huy sẽ bị nhường chỗ cho việc khai thác nhu cầu lợi ích trong triển khai thực tế. Đây là tình trạng chung tại hầu hết các đô thị của Thái Nguyên hiện nay. Thiết nghĩ, “văn hóa vỉa hè” chính là một vấn đề của đời sống đô thị, việc quản lý trật tự vỉa hè chính là một phần quan trọng trong quản lý trật tự đô thị.

Trên hè phố thường bố trí nhiều hệ thống hạ tầng kỹ thuật của đường phố, của đô thị. Khi hệ thống hạ tầng kỹ thuật không được triển khai đồng bộ, cùng với việc trồng cây xanh nếu không tuân thủ đúng quy hoạch, quy chuẩn quy định chắc chắn sẽ tạo nên những ảnh hưởng chéo trong thực hiện, nhất là với những tuyến phố đã ổn định. Phần gốc cây có thể bị vướng bởi hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm, hay việc thi công mạng lưới cấp, thoát nước, cấp điện, thông tin liên lạc… sau khi hoàn thiện lòng đường, vỉa hè sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến lưu thông đường phố, hè phố, và khiến phố lộn xộn; việc hạ ngầm hệ thống điện, viễn thông… tại những tuyến phố đã ổn định có thể bị ảnh hưởng bởi phần gốc của các cây đường phố đã tồn tại nhiều năm. Thêm nữa, nếu việc trồng cây đường phố không được quản lý và thiếu những quy định trong triển khai cũng sẽ khiến vỉa hè luộm thuộm, bừa bãi. Ở nhiều đoạn vỉa hè, chủ đầu tư các dự án, các công trình hai bên đường và người dân vì muốn làm đẹp cho phần công trình của mình, họ tự trồng cây trên phần đất phía trước nhà và công trình không theo trật tự, chủng loại… nên dù có cây nhưng phố vẫn chưa hẳn đẹp và không quy củ.

Giải pháp nào khả thi?

Chỉnh trang đường phố, vỉa hè và cây xanh không có nghĩa chỉ là dọn dẹp mặt phố, mặt vỉa hè sạch sẽ, quang đãng. Cũng không phải cứ trồng cây xanh là được, hoặc cứ thấy cây là nói rằng đường phố đã có màu xanh. Cây xanh trồng trên đường phố phải được xin phép, phải có sự quản lý để đảm bảo sự thống nhất, đảm bảo mỹ quan chung. Có được điều đó, không chỉ riêng bộ mặt đô thị được chỉnh trang, cải thiện mà các công trình, các nhà dân hai bên đường đều cùng được hưởng lợi.

Không cần nói thêm về tác dụng của cây xanh đối với nét đẹp của vỉa hè, của tuyến phố. Vấn đề là việc lựa chọn, sắp xếp, bố cục để tạo nên sự gắn kết với các công trình kiến trúc, tạo nên thẩm mỹ kiến trúc cho đô thị.

Một góc phường Ba Hàng thị xã Phổ Yên - Vỉa hè chưa được quan tâm để tạo dựng

bộ mặt tuyến phố 

Xét từ góc độ chuyên môn, việc bố trí cây xanh và sắp đặt các vật thể kiến trúc trên vỉa hè cũng cần phải tính đến các yếu tố văn hóa, lịch sử để trên mỗi tuyến phố, mỗi đô thị đều thấy được nét bản sắc riêng mang dấu ấn của đô thị. Đây là việc không hề đơn giản, bởi riêng về sắp xếp cây phải tính đến việc nghiên cứu chủng loại cây phù hợp với từng tuyến đường, tính toán khoảng cách giữa các cây, vị trí trồng cây tính từ mép bó vỉa vào trong vỉa hè (nghệ thuật sắp xếp cây) để không làm ảnh hưởng đến hệ thống công trình ngầm. Cần quy định cụ thể cây trồng tại các khu vực công cộng, khu vực nhà dân. Kể cả bồn cây cũng cần quy định thống nhất về độ rộng, chiều cao bồn, màu sắc gạch ốp…, để tạo sự thống nhất, tạo nên sự quy củ của tuyến đường, của đô thị. Phải có một nghiên cứu có tính khoa học trong quản lý trồng và chăm sóc cây xanh.Vỉa hè cũng vậy, cần quy định cụ thể về vật liệu phủ mặt, độ cao bó vỉa, quy định vị trí bố trí điểm đón xe buýt. Chính quyền có thể cho phép các hộ dân hai bên mặt phố được sử dụng một phần vỉa hè trong khoảng thời gian quy định để hài hòa lợi ích cho các hộ dân có nhu cầu kết hợp kinh doanh buôn bán nhỏ. Tuy nhiên cần đảm bảo phần vỉa hè còn lại đủ chiều rộng để đáp ứng nhu cầu bộ hành và sự thông thoáng cho hè phố. Các nhà quản lý cũng cần phải có quy định về hệ thống biển quảng cáo để tạo sự thống nhất trên tuyến phố. Với các quầy hàng di động, quầy bán hàng ăn sáng, các gánh hàng rong, có thể quy định tập trung tại một vài vị trí phù hợp trên tuyến phố, để giữ sự ổn định của vỉa hè và sự thông thoáng của tuyến phố.

Không cần nhìn đâu xa, hãy học Singapore trong cách quản lý trật tự, vệ sinh đường phố, hè phố. Khách du lịch đến Singapore được cảm nhận môi trường đô thị trong lành, xanh và sạch. Điều này ắt hẳn có sự đóng góp công sức rất lớn của cả chính quyền và người dân sống trong đô thị. Tại Việt Nam, Đà Nẵng được biết đến là địa phương đi đầu trong triển khai các tuyến phố văn minh, sạch đẹp, đã từng được người dân trong cả nước mệnh danh là “thành phố đáng sống”. Mới đây, phố Lê Trọng Tấn (Hà Nội) được coi là tuyến phố kiểu mẫu của Hà Nội khi lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo thống nhất toàn bộ vật liệu lát hè đường, bó vỉa, chủng loại cây trồng, bồn cây, đường kính thân cây; biển hiệu quảng cáo cũng được thống nhất về kiểu dáng, màu sắc, chiều cao; hệ thống dây nổi được hạ ngầm. Mặc dù việc đồng bộ biển hiệu quảng cáo trên phố Lê Trọng Tấn gây nhiều tranh cãi, tuy nhiên không phủ nhận rằng phố đã đạt được mặt tích cực là ngăn nắp, quy củ hơn.

Mỗi đô thị đều trải qua các giai đoạn phát triển để đạt đến mục tiêu chính là chất lượng đô thị đạt mức tốt nhất và phù hợp nhất. Không phải đô thị nào cũng có đầy đủ khả năng, nguồn lực, tiềm lực để đầu tư phát triển được toàn bộ bộ mặt trong cùng một giai đoạn. Các đô thị tại Thái Nguyên cũng chưa thực sự được phát triển đồng bộ. Trong phát triển cần phải có lộ trình cụ thể, khả thi để từng bước cải tạo, chỉnh trang dần các tuyến phố. Thái Nguyên nên tham khảo cách làm của các địa phương trong nước và trong khu vực để triển khai phù hợp với đặc thù riêng của Thái Nguyên, từng bước nâng cao dần chất lượng từng đoạn phố, tuyến phố trong đô thị. Chính quyền địa phương là cấp trực tiếp quản lý, cần phối hợp với các cơ quan chuyên môn quản lý về hạ tầng - kiến trúc - môi trường đô thị tạo điều kiện và vận động các chủ dự án, công trình, các hộ dân hai bên đường cùng tham gia giữ ổn định trật tự vỉa hè, trồng cây xanh hè phố và giám sát việc thực hiện vệ sinh hè phố, đường phố để xây dựng tuyến phố văn minh hiện đại, vì lợi ích chung đóng góp vào bộ mặt của đô thị Thái Nguyên khang trang, hiện đại, văn minh hơn.

Vỉa hè sạch sẽ, lòng đường thông thoáng, cây xanh được quản lý trồng và chăm sóc sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho chính bản thân mỗi tuyến đường, cho bộ mặt đô thị, cho cộng đồng và người dân trong khu vực. Xin dẫn lời của GS Lâm Công Định trong bài viết “Đô thị xanh: Nét văn minh trên con đường công nghiệp hoá” (1998): “Lấy vẻ đẹp của thiên nhiên xanh làm nền tôn tạo cho công trình kiến trúc, lấy nét tân kỳ của kiến trúc để làm nổi bật lên vẻ đẹp bất diệt của tự nhiên, ấy chính là giá trị đích thực văn minh của một thành phố hiện đại”.

Thiết nghĩ, để đô thị Thái Nguyên xứng tầm với những thành quả đã được ghi nhận, các cấp chính quyền, các nhà quản lý và người dân cần quan tâm đẩy mạnh hơn nữa việc trồng và quản lý cây xanh, quản lý vỉa hè trên các tuyến phố vì một môi trường đô thị trong lành, xanh, đẹp, văn minh.

 

KTS. Mã Kiều Trâm

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy