Thứ bảy, ngày 04 tháng 05 năm 2024
08:40 (GMT +7)

Điêu khắc đương đại Việt Nam – Những chuyển biến trong thời đại mới

VNTN - Trong bối cảnh xã hội hiện nay, việc đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng có thể được coi là một trong những tiêu chí hàng đầu. Sự thay đổi trong tư duy của nghệ sĩ và những biến chuyển trong phong cách tạo hình là điều tất yếu. Hòa trong xu thế đó, các nghệ sĩ điêu khắc Việt Nam đã dần chứng minh được sức sáng tạo vô tận của nghệ thuật, mở ra những tiềm năng mới của loại hình này.


Ảnh minh họa

Đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc là sự biểu đạt của hình khối trong không gian. Các tác phẩm điêu khắc có thể được chiêm ngưỡng từ nhiều góc độ, đem lại những cảm nhận đa chiều đối với người xem. Đây là một loại hình quan trọng của nghệ thuật tạo hình bởi khả năng biểu cảm đa dạng, gây ấn tượng mạnh mẽ về thị giác. Nghệ thuật điêu khắc có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam hiện nay. Ngoài các cuộc triển lãm thường kỳ với quy mô quốc gia như Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam, Triển lãm Điêu khắc Toàn quốc, nhiều hoạt động điêu khắc đã diễn ra sôi nổi và tạo được sức ảnh hưởng lớn đối với đời sống nghệ thuật hiện nay. Có thể kể đến Triển lãm Điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn được tổ chức định kỳ trong suốt 10 năm qua, gần đây nhất là triển lãm lần thứ 6 vào năm 2020 tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom - VCCA (Hà Nội); Triển lãm Art in the Forest (Nghệ thuật trong rừng) tại Flamingo Đại Lải (Vĩnh Phúc), một dự án nhằm tạo dựng không gian nghệ thuật gắn liền với thiên nhiên, trong đó, các tác phẩm điêu khắc chiếm số lượng lớn. Ngoài ra còn rất nhiều những triển lãm nhóm trên khắp cả nước, quy tụ những tác phẩm chất lượng của các nhà điêu khắc hiện nay. Trại sáng tác - triển lãm “The May” (Tháng Năm) là một ví dụ. Đây là mô hình sáng tác được thành lập bởi các giảng viên Khoa Điêu khắc - Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, giao lưu với các nghệ sĩ điêu khắc tự do, cùng trao đổi ý tưởng, làm việc và trưng bày tác phẩm. Một triển lãm khác gây được sự chú ý với công chúng là “Tranh lụa và điêu khắc nhỏ” (2018, VCCA). 93 tác phẩm điêu khắc được giới thiệu đều có kích thước nhỏ, phù hợp với không gian trưng bày trong nhà, đa dạng chất liệu với tạo hình chỉn chu. Qua các sự kiện này, có thể thấy được phần nào diện mạo của điêu khắc nước nhà hiện nay.

Trong khoảng vài năm trở lại đây, nghệ thuật điêu khắc Việt Nam đã nhiều biến chuyển, đặc biệt là trong tư duy sáng tác của các nghệ sĩ. Cũng như các loại hình nghệ thuật khác, điêu khắc đòi hỏi sự bắt kịp xu hướng sáng tác trên thế giới. Nghệ sĩ Việt Nam đã phần nào làm được điều này. Ngoài những hình thức quen thuộc, các nghệ sĩ đã thể nghiệm với chất liệu mới như chất liệu sinh học, chất liệu tái chế,… hay các thể loại mới như điêu khắc ánh sáng, điêu khắc kết hợp với nghệ thuật sắp đặt.

Ảnh minh họa

Đặc biệt với thể loại tượng tròn, vốn là lựa chọn hàng đầu của nhiều nhà điêu khắc, cũng có nhiều biến đổi. Thay vì những tác phẩm với quy mô lớn, khắc họa những hình tượng hoành tráng, truyền tải câu chuyện cụ thể qua nội dung, nhiều điêu khắc gia đã tìm đến với những tác phẩm có kích thước nhỏ hơn. Bởi vậy, lối tạo hình cũng cần thay đổi để phù hợp. Hình tượng được chắt lọc, thậm chí tối giản thành những khối hình học cơ bản. Nội dung của tác phẩm cũng gợi mở hơn, đòi hỏi những chiêm nghiệm mang tính ý niệm của khán giả. Các tác giả chú trọng đến việc tạo hiệu ứng từ các chất liệu. Đề tài sáng tác trở nên không có giới hạn, các tác phẩm đề cập tới nhiều khía cạnh của đời sống. Ngoài việc ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, con người, nhiều mặt tối của đời sống xã hội đã được phơi bày một cách tinh tế, tác động mạnh tới cảm xúc của khán giả. Những vấn đề mang tính thời sự hiện nay như ô nhiễm môi trường, giá trị con người trong xã hội đương đại, sự chiếm lĩnh của văn hóa đại chúng v.v. đã xuất hiện trong nhiều tác phẩm. Chẳng hạn như nhiều tác phẩm của nhà điêu khắc Lương Đức Hùng được lấy cảm hứng từ những nhân vật gần gũi trong cuộc sống nhưng được tái cấu trúc thành những hình tượng vừa lạ vừa quen. “Chúng ta là một” (2014) với hình tượng người chiến sĩ công an; “Phẫu thuật” với chất liệu composite mạ crom gợi lên hình ảnh người bác sĩ; thậm chí hình tượng siêu anh hùng cũng được anh khắc họa trong “Phía sau người hùng” (2016). Một dẫn chứng tiêu biểu khác là tác phẩm “Đơn hàng” của Đào Đình Tân tại Festival Mỹ thuật trẻ năm 2017. Những thân người như được đúc cùng một khuôn với cánh tay bó chặt ở phía sau, xếp ngay ngắn và trói buộc trong những thùng chứa hàng. Vẻ rắn chắc của những cơ thể cùng màu “sơn son thếp vàng” đối lập với thực tế xót xa. Tác giả đề cập tới thực trạng xuất khẩu lao động hiện nay, khi con người được định giá bằng sức lao động của họ và bị đối xử theo cách vô nhân tính như những món hàng. Những minh chứng này cho thấy điêu khắc Việt Nam ngày càng gần gũi với cuộc sống, tiếp cận được đa dạng đối tượng khán giả và hoàn toàn có thể hòa nhập với dòng chảy nghệ thuật thế giới.

Về hình thức tác phẩm, không thể không nhắc đến một vài xu hướng tiêu biểu trong sáng tác điêu khắc tại Việt Nam những năm gần đây. Một trong số đó là xu hướng tối giản trong tạo hình. Nghệ thuật Tối giản là một trào lưu ra đời từ thập niên 1950 trên thế giới và phát triển mạnh mẽ ở nửa sau của thế kỷ 20. Khuynh hướng nghệ thuật này được nhận biết bởi sự giản lược trong hình thức, các nghệ sĩ sử dụng những dạng thức đơn giản nhất của hình học. Chất liệu được lựa chọn là vật liệu công nghiệp, được để thô và không có quá nhiều sự tác động của nghệ sĩ. Điêu khắc Tối giản nhấn mạnh sự nhận thức của khán giả về mối quan hệ giữa tác phẩm và không gian, loại bỏ những rào cản trong hình thức xếp đặt tác phẩm như đặt trực tiếp lên sàn nhà hoặc gắn lên tường, khác hẳn với điêu khắc truyền thống vốn được đặt trên bệ đỡ. Các yếu tố đặc trưng của nghệ thuật Tối giản đã ảnh hưởng tới tư duy sáng tác của nhiều nghệ sĩ Việt Nam. Các tác phẩm của Khổng Đỗ Tuyền tại triển lãm cá nhân “Chuyển động ngầm” (2015) tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là một ví dụ. Nhóm 3 tác phẩm “Sóng”, “Chảy”, “Xoáy” là những khối hộp bằng sắt hàn có kích thước giống hệt nhau (80 x 98 x 98cm), chỉ phân biệt bởi những tác động rất nhỏ trên bề mặt. Những điểm nhấn thi vị này biến các khối kim loại nặng nề, bất động trở nên tinh tế hơn, gợi ra một mạch ngầm ẩn giấu bên trong chực trào ra. Thẩm mỹ từ sự giản đơn và cảm giác về sự tương phản tiếp tục được khai thác trong nhiều tác phẩm của Khổng Đỗ Tuyền. Tác phẩm “Phía trong No.1” (2017) kết hợp chất liệu gang, gỗ và đồng, gợi lên một hạt mầm nảy ra từ sự vô tri.

Ảnh minh họa

Xu hướng tiếp theo là sử dụng màu sắc trong tác phẩm. Yếu tố màu sắc vốn không được xếp ở vị trí hàng đầu đối với loại hình điêu khắc. Trước đây, phần lớn các tác phẩm sử dụng chính màu sắc tự nhiên của chất liệu như màu trắng bạc của nhôm, màu vàng nâu của đồng… Tuy nhiên, để làm tăng vẻ sinh động và sức biểu cảm cho tác phẩm, nhiều kỹ thuật tạo màu đã được các nghệ sĩ sử dụng như sơn, vẽ hoặc kết hợp với giấy màu, chỉ màu.... Nhà điêu khắc Lê Thị Hiền được biết đến với những tác phẩm điêu khắc bằng thép được phủ lên sắc hồng rực rỡ. Cấu trúc kim loại vững chắc trở nên mỏng manh như những tấm giấy màu được gấp hình khéo léo. Một chút thay đổi trong nhịp điệu hay độ nghiêng của khối hình đã gợi ra hình ảnh của đóa hoa, cánh chim đầy nữ tính. Trong triển lãm “The May” (2018), màu sắc được chọn làm chủ đề chính để các tác giả khám phá ra tiềm năng mới trong sáng tác của mình. Tác phẩm “Cổ nhân” của Lương Đức Hùng kết hợp sơn dầu trên gỗ, gợi lên những bóng hình ở cõi trời xa xăm; “Sự sống” của Vũ Quang là hai mảng màu tương phản đỏ và đen; hay Vũ Hữu Nhung với tạo hình “Cá sấu” sinh động, khai thác tiềm năng của gốm màu.

Một xu hướng trong nghệ thuật hiện nay là sự xóa bỏ ranh giới giữa các loại hình. Điêu khắc không nằm ngoài quy luật này. Có những sự kết hợp táo bạo giữa các chất liệu tưởng như không thể liên kết với nhau. Các yếu tố như âm thanh, ánh sáng, thậm chí là công nghệ hiện đại được đưa vào tác phẩm điêu khắc nhằm tạo ra hiệu ứng ấn tượng. Trong “Triển lãm tác phẩm mỹ thuật của các nghệ sĩ tiêu biểu châu Á” (2019) tại trung tâm nghệ thuật VCCA, nhà điêu khắc Lê Lạng Lương đã mang tới loạt tác phẩm dưới góc nhìn độc đáo. Với sê-ri “Vô đề” (2019), những cành cây đã được xử lý kết hợp với chất liệu gốm tạo nên hình tượng đầy ngẫu hứng. Vật liệu tự nhiên thô mộc và chất liệu gốm thủ công tinh tế phối hợp với nhau một cách ăn ý. Tác phẩm “Nghiêng bóng” (2019) làm bằng giấy bồi được Lê Lạng Lương tạo hình như một sinh vật trừu tượng. Hiệu ứng ánh sáng được bố trí để in bóng của tác phẩm xuống dưới sàn, gợi lên cho khán giả không ít suy tư. Một ví dụ khác là nhà điêu khắc Nguyễn Duy Mạnh với những tác phẩm điêu khắc - sắp đặt. Tại Festival Mỹ thuật trẻ năm 2017, tác phẩm “Đêm” với kích thước lớn, chiếm trọn một phần không gian trưng bày, được tác giả gọi là “điêu khắc sợi”. Những sợi dây không có hình thù nhất định, có thể tương tác với khán giả, đây chính là một trong những đặc tính của nghệ thuật sắp đặt.

Với những điều đã phân tích ở trên và cùng với sự quan tâm và đón nhận nồng nhiệt của khán giả với những triển lãm mỹ thuật và điêu khắc trong thời gian gần đây đã càng củng cố thêm chỗ đứng cho loại hình điêu khắc này trong nền nghệ thuật nước nhà.

Trần Hoàng Ngân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy