Điểm tựa phát triển thành phố hai bên sông
KTS. Nguyễn Văn Cường
Bắt nguồn từ Chợ Đồn (Bắc Kạn), sông Cầu đi qua 6 tỉnh là tiền đề hình thành thị xã Thái Nguyên (nay là thành phố Thái Nguyên). Đồng hành và là chứng nhân lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, sông Cầu đã hình thành nên một vùng văn hóa, lịch sử đặc sắc, là điểm tựa phát triển thành phố với nhiều tiềm năng nhưng cũng không ít thách thức. |
Thị xã Thái Nguyên được hình thành bên bờ sông Cầu vào đầu thế kỷ XX. Mọi công trình về chính trị, văn hóa, cư dân tập trung chủ yếu ở khu vực trung tâm thành phố Thái Nguyên hiện nay. Năm 1962 cùng với việc hình thành khu Gang thép Thái Nguyên, thị xã Thái Nguyên được nâng lên thành thành phố, diện tích tự nhiên hơn 100km2, dân số 6 vạn người, thành phố là tỉnh lỵ của tỉnh Thái Nguyên đồng thời là Thủ phủ của Khu tự trị Việt Bắc. Quy hoạch và phát triển thành phố chủ yếu phía Tây sông Cầu, kéo dài từ phía Bắc (khu Quán Triều) đến khu Cam Giá ở phía Nam. Phía Đông sông Cầu chỉ có một phần diện tích nhỏ kéo dài theo đường 1B gồm xã Đồng Bẩm, phường Chiến Thắng và phường Núi Voi. Đến năm 1985 phần phía Đông này thuộc về Đồng Hỷ, thành phố lại nằm ở một phía của dòng sông Cầu.
Quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên đến năm 2035
Quy hoạch chung xây dựng thành phố Thái Nguyên được phê duyệt tại quyết định 802/QĐ-TTg (1996), hướng phát triển của thành phố được xác định hướng về phía Tây, gắn với việc phát triển khu vực Hồ Núi Cốc. Năm 2005, điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên được phê duyệt, hướng phát triển đô thị thành phố Thái Nguyên cũng chủ yếu về 3 hướng Tây, Bắc và Nam. Bước đầu tiếp cận phía Đông sông Cầu, khu vực một phần xã Cao Ngạn và Đồng Bẩm với diện tích 1000ha... Hiệu quả của các dự án khu vực này như: Trường Đại học Việt Bắc, Khu đô thị Picenza, Quy hoạch khu cảnh quan sông Cầu A, cảnh quan sông Cầu B, khu phố Châu Âu... đã từng bước trở thành hiện thực, góp phần tạo diện mạo khu vực. Tuy nhiên quy mô các dự án này còn hạn chế nên sông Cầu chưa thực sự là yếu tố chủ đạo trong tổ chức không gian phát triển đô thị.
Sông Cầu đoạn qua thành phố Thái Nguyên có chiều dài khoảng 22km với lưu vực trên 6000 km2, cư dân sinh sống khoảng trên 6 triệu người. Theo quy hoạch khu vực mở rộng bờ tả phía Đông sông Cầu có 41.900 người (tính đến tháng 12/2014), trong đó dân số đô thị khu vực này đã chiếm 25% = 11.000 người; dự báo đến 2035, dân cư khu vực này sẽ tăng lên đến 78.000 người.
Hiện tại đây là vùng chuyên canh nông sản phục vụ nhu cầu của thành phố Thái Nguyên với những sản phẩm nổi tiếng về rau, quả và tiếp tục sẽ là những vùng chuyên canh và sẽ là vùng đô thị với những công viên du lịch sinh thái, trung tâm nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe v.v... Đây cũng là khu vực tập trung nhiều cơ quan, trường học với cơ sở vật chất được đầu tư tương đối hoàn chỉnh: Hệ thống chợ, trụ sở quân khu I, khu hành chính - chính trị huyện Đồng Hỷ, trường Cao đẳng nghề Việt Bắc, trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên, Bệnh viện Đa khoa Đồng Hỷ... Dự báo tại đây sẽ quy hoạch và hình thành các trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt phía bờ Đông sẽ xuất hiện những công trình có giá trị soi bóng xuống dòng sông và sẽ là điểm nhấn của quy hoạch đô thị Thái Nguyên. Khu vực này còn chứa đựng các di tích lịch sử - văn hóa - thắng cảnh cấp quốc gia như Động Linh Sơn, Chùa Hang. Cùng với cảnh quan suối Linh Nham, động hang dơi, vườn cây, mặt nước..., là những yếu tố quan trọng cấu thành lập kịch bản thiết kế quy hoạch đô thị, tạo nên nét đặc sắc cho kiến trúc đô thị thành phố Thái Nguyên trong tương lai.
Một tiềm năng quan trọng khi phát triển thành phố Thái Nguyên về phía Đông sông Cầu là tiềm năng về quỹ đất phát triển đô thị. Khu vực quy hoạch phát triển đô thị có trên 5000 ha cùng với khu vực thành phố hiện hữu, khu vực thành phố phát triển về phía Tây; đô thị thành phố Thái Nguyên trong tương lai sẽ là đô thị hiện đại, sinh thái, bản sắc và phát triển bền vững bên bờ sông Cầu để chúng ta sở hữu và tự hào.
Tuy nhiên, để làm được điều đó, chặng đường phía trước chúng ta còn dài. Ngoài những thế mạnh, tiềm năng sông Cầu qua thành phố Thái Nguyên còn có những vấn đề cần xem xét, đánh giá và đưa ra những giải pháp phù hợp.
Trước tiên phải tính đến vấn đề chất lượng môi trường nước của khu vực đang bị ô nhiễm do hệ thống sản xuất công nghiệp, khai thác khoáng sản từ các nhà máy điện, nhà máy giấy, các xí nghiệp sản xuất công nghiệp, các điểm khai thác khoáng sản, than, vàng... Ô nhiễm từ các đô thị dọc tuyến sông như thành phố Thái Nguyên, Bắc Kạn, Chợ Mới..., cần có một giải pháp tổng thể, lâu dài, không chỉ cho thành phố Thái Nguyên mà cho cả khu vực.
Về tỷ lệ quy hoạch chi tiết ở khu vực này còn hạn chế. Chỉ mới tập trung chủ yếu bên bờ hữu sông Cầu và một phần dọc Quốc lộ 1B bên bờ Bắc nên khó khăn trong việc quản lý và triển khai đầu tư; chưa được đầu tư xây dựng hệ thống đê, kè sông đồng bộ (chỉ có khoảng 1,5km kè bờ hữu sông đoạn qua khu trung tâm thành phố), nhiều khúc sông sau mùa mưa lũ thường bị biến dạng do phù sa và chế độ dòng chảy. Hệ thống đê, kè chỉ mang tính phòng chống lũ, chưa khai thác được giá trị thẩm mỹ và mỹ quan của khu vực ven sông.
Tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống đê để bảo vệ thành phố tuyến phía hữu sông Cầu kéo dài từ nhà máy điện Cao Ngạn đến khu công nghiệp Gang thép Thái Nguyên vẫn đang được tiếp tục triển khai. Điều chúng ta cần làm là phải chú ý đến việc thiết kế đê đảm bảo công năng không chỉ chắn lũ bảo vệ thành phố, mà còn phải đảm bảo tính thẩm mỹ và công năng khai thác mặt đê vào các chức năng giao thông đô thị, góp phần tạo cảnh quan cho khu vực.
Tại khu vực phía Đông, theo “Quy hoạch phòng chống lũ chi tiết cho các tuyến sông có đê trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên” đã được phê duyệt, một diện tích đáng kể của khu vực quy hoạch phát triển đô thị (khoảng 600 ha) nằm trong hành lang, điều chỉnh thoát lũ của Sông Cầu. Như vậy, với mục tiêu phát triển đô thị thành phố Thái Nguyên về phía Đông sông Cầu cần lưu ý đến giải pháp hệ thống đê bảo vệ theo đường chỉ giới thoát lũ kết hợp với đường ven sông và thiết lập hệ thống điều hòa lũ tại khu vực thấp. Nhờ đó khu vực dòng sông Cầu có cơ hội tạo ra một thành phố sinh thái có diện tích mặt nước lớn trong đô thị với diện tích vài trăm héc ta, tạo môi trường thân thiện và điều chỉnh được lưu lượng nước của sông Cầu.
Thành phố bên sông Ảnh: Việt Hùng
Do thành phố hiện chỉ phát triển bên bờ hữu nên chúng ta thiếu nghiêm trọng hệ thống cầu qua sông. Một số cây cầu chỉ mang tính tạm bợ, chưa đủ quy mô, chất lượng, giá trị thẩm mỹ để đáp ứng nhu cầu thông thương, qua lại giữa hai bên bờ sông. Cầu trong phát triển “Thành phố hai bên sông”, ngoài chức năng giao thông đô thị nó còn là hình ảnh, là một biểu tượng của thành phố. Hy vọng thành phố Thái Nguyên chúng ta trong tương lai sẽ sở hữu những cây cầu đặc sắc, đóng góp vào diện mạo của thành phố phát triển hai bên bờ sông.
Chúng ta đang quay lưng ra sông, bờ hữu thì đã phủ hết quy hoạch và đã đầu tư nhưng không khai thác được tầm nhìn, hầu như rất ít điểm tiếp cận từ các tuyến đường ra sông. Các công trình kiến trúc ven sông chưa được đầu tư nhiều về mặt thẩm mỹ, chủ yếu chỉ quan tâm đến giá trị sử dụng; quy mô nhỏ, xây dựng tự phát nên nhìn tổng thể khu vực ven sông thể hiện một sự lộn xộn, nghèo nàn. Vì vậy, cần triển khai ngay các đồ án thiết kế đô thị ở khu vực này và có những hành động quyết liệt, dũng cảm để giải quyết không những cho sự phát triển của bờ Đông sông Cầu mà còn giải quyết vấn đề tiếp cận sông Cầu nơi thành phố hiện hữu đang phát triển, để thành phố quay mặt ra sông.
Giá trị của mặt nước là vô tận, Sông Cầu đã có một thời là giao thông đường thủy quan trọng từ Thái Nguyên đi các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, thậm chí với cảng biển. Ngày nay do giao thông đường bộ phát triển, vai trò này của sông Cầu hầu như không còn. Tuy nhiên những giá trị của mặt nước về khai thác du lịch với hệ thống nhà hàng, bến nước, những cây cầu, tuyến du lịch trên sông cùng với các khu sinh thái, nghỉ dưỡng, làng nghề, khu thắng cảnh... cần phải tiếp cận, khai thác tạo sức sống của dòng sông để phục vụ con người.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...