Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
21:00 (GMT +7)

Đê và đô thị

VNTN - Với mục tiêu phát huy giá trị tiềm năng vùng đất phía đông dòng sông Cầu đoạn chảy qua thành phố Thái Nguyên để phát triển đô thị, xây dựng thành phố Thái Nguyên phát triển 2 bên bờ sông; ngày 26/12/2016, tại quyết định 2486/QĐTTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2035. Với quy hoạch này dòng sông Cầu sẽ nằm giữa đô thị thành phố Thái Nguyên phát triển. Cụm từ “bờ hữu” sông Cầu (phía thành phố phát triển hiện hữu) “bờ tả” sông Cầu (phía thành phố mở rộng về sông) đã bắt đầu xuất hiện và được dùng thường xuyên. Cộng đồng xã hội, dân cư trong vùng cũng đã thực sự quan tâm đến chủ trương lớn này của tỉnh với những cung bậc, mức độ khác nhau.

Thành phố Thái Nguyên, trước đây là thị xã, phát triển chủ yếu về một phía sông Cầu, thành phố cũng có những giai đoạn tiến, lùi về phía đông. Chúng ta đã từng có phường Chiến Thắng, thị trấn Núi Voi... ở khu vực này giai đoạn trước, có khu đô thị Picenza, khu phố châu Âu, Đại học Việt Bắc... ở giai đoạn này. Tuy nhiên, theo thực tế thì có thể nói sự phát triển ấy vẫn chưa bài bản, chưa khai thác được tiềm năng, thế mạnh của dòng sông và sự phát triển của đô thị thành phố Thái Nguyên. Phải chăng vì chúng ta chưa có được những cây cầu, chưa có hệ thống đê mà vùng phía đông theo thống kê đến 1/3 diện tích bị ngập lụt với những trận lụt năm 1959, 1972, 1986, 2001...

Dòng sông Cầu đoạn chảy qua thành phố Thái Nguyên có chiều dài trên 22km, đoạn qua nội thị khoảng trên 14km, với độ dốc khoảng 0,5%, cuối tuyến có đập thác Huống. Với chức năng là ngăn tích nước tưới tiêu cho vùng đồng bằng phía nam tỉnh Thái Nguyên và vùng đồng bằng tỉnh Bắc Giang. Vùng thành phố Thái Nguyên hiện hữu sông Cầu địa hình tương đối cao ráo, chỉ một số ít diện tích bị lũ lụt nhưng đã và đang hình thành tuyến đê được xây dựng đến cao trình cần thiết. Vì vậy, việc phát triển xây dựng đô thị khu vực thành phố hiện hữu đều cần quan tâm hơn chính vấn đề tiêu thoát ngập úng cho đô thị đang phát triển.

Do lưu lượng, dòng sông Cầu về cơ bản là cạn kiệt nước về mùa khô, lũ lụt về mùa mưa, mực nước chênh nhau về cao độ lên tới 5-7m, điều đó có ảnh hưởng lớn đến đặc điểm, hình ảnh của đô thị gắn với dòng sông. Muốn có hình ảnh đẹp, có cảnh quan để thành phố đẹp bên sông, việc nghiên cứu đảm bảo giữ mực nước ở độ cao thích hợp là rất cần thiết, đặc biệt mới đảm bảo hiệu quả việc xác định khai thác yếu tố du lịch trên dòng sông, biện pháp phù hợp có thể là hệ thống đập trên toàn tuyến sông.

Định hướng phát triển cho đầu tư xây dựng đô thị khu vực bờ tả phía Đông, giải phóng quỹ đất khoảng gần 500ha, trong đó có khoảng 1500ha vùng điều tiết lũ trở thành đất xây dựng phát triển đô thị, việc tiên quyết cần làm là có nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến đê bờ tả dọc theo toàn tuyến sông Cầu đoạn chảy qua thành phố.

Thành phố được bảo vệ khỏi lũ lụt bởi những tuyến đê, những tuyến đê cũng làm hạn chế sự tiếp cận của đô thị với giá trị của dòng sông. Vì vậy, việc nghiên cứu để công trình đê phải là một công trình kiến trúc, đóng góp cho việc tạo dựng hình ảnh đô thị bên sông là thực sự cần. Xưa kia, các cụ đắp đê chủ yếu là bằng đất, tác dụng chủ yếu là ngăn nước, kiến trúc của đê có lẽ chỉ là những cái điểm canh, kiến trúc đơn điệu nghèo nàn, hình ảnh của đê chả góp gì cho bộ mặt những khu quần cư dân sinh sống và đô thị. Ngày nay, với giải pháp bê tông, nhiều khi chúng ta tạo nên những bức tường màu xám, ngăn cách đô thị với dòng sông. Như vậy, chỉ giải quyết được vấn đề quỹ đất phát triển đô thị. Giá trị của dòng sông về cảnh quan, về phản chiếu, và sự lung linh của sông không được khai thác, sẽ ít tạo được động lực cho sự phát triển đô thị.

Có thể thẳng thắn nhìn nhận là chúng ta chưa nhiều kinh nghiệm trong việc này. Ở nước ta sông suối nhiều, đô thị phát triển gắn với các dòng sông cũng không phải là ít, nhưng việc xử lý, ứng xử đối với những dòng sông có đê để tạo ra cái riêng, cái đẹp, cái độc đáo không có nhiều. Có lẽ, nên làm một tổng kết về việc xử lý “kiến trúc” để tìm ra bài toán hiệu quả, phù hợp nhất. Nhưng cũng có thể tham khảo những ví dụ ở nước ngoài, nhất là các nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Quốc.

Ảnh: Việt Hùng

Giải pháp đầu tiên, thường thấy người ta làm đê vách đứng đối với những vị trí cần chắn lũ hoặc ở vị trí có mực nước ổn định với chiều cao đê không lớn. Kết hợp với kiến trúc đường dạo, bao lớn dạn ban công ra sông, thảm xanh ... để cũng tạo ra những không gian đẹp.

Một giải pháp nữa thường hay được sử dụng là làm đê giật cấp hoặc cũng có thể gọi là đê phân khúc, giải pháp này có lợi thế cơ bản là bám theo địa hình sẵn có của dòng sông, tôn trọng dòng chảy tự nhiên, diện tích mặt phẳng ngang của đê vẫn dành cho thảm xanh, các kiến trúc phù hợp như đường dạo, vườn cảnh quan. Do vách đê được điều chỉnh có chiều cao không lớn có thể dùng vật liệu đa dạng, ngoài tường bê tông có thể dùng những tấm ghép, đá xây... kết hợp với những đường bậc dốc từ đê xuống mặt sông. Nếu giải pháp này xử lý tốt, đê không những không xấu mà còn tạo ra ấn tượng tốt, thị giác tốt, tạo ra sự chuyển tiếp phù hợp giữa đô thị và dòng sông.

Về mặt lý thuyết, đê là ở gần sông. Mặc dù được uốn lượn theo dòng sông, nhưng nếu cứ chạy cùng nhau thì vô tình ta đã bó cứng, đã làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên của dòng sông. Một giải pháp phù hợp là đê có những khu vực nên lùi sâu vào trong đô thị, khoảng ngoài nếu có thể dành cho các kiến trúc phù hợp ngoài đê. Tất nhiên là phải lựa chọn kiến trúc phù hợp, ví dụ như, kiến trúc bến thuyền, kiến trúc ngắm cảnh quan dòng sông, kiến trúc nhà hàng..., những kiến trúc này dứt khoát không được làm ảnh hưởng dưới tác động của dòng chảy và tác động điều tiết nước về mùa lũ của dòng sông. Nếu giải pháp này được giải quyết tốt cùng với những cây cầu, những phố bên sông, những công trình điểm nhấn... với những công trình soi bóng, được phản chiếu, được tận hưởng về tầm nhìn, giá trị của dòng sông sẽ được nhân lên, góp phần tạo nên giá trị của đô thị.

Một giải pháp có thể tham khảo để áp dụng, đó là giải pháp làm bể tràn (suối nhân tạo) theo triền đê, để tạo hiệu ứng tốt có thể làm nhiều bậc, thể loại công trình này tạo ra hiệu ứng rất tốt cho cảnh quan đô thị ven sông, nó tạo sự khác biệt, sự hấp dẫn của dòng sông đối với đô thị. Tuy vốn đầu tư chắc không nhỏ, nhưng khi đầu tư ta được giá trị nâng cao chất lượng đô thị, dòng sông vốn đang bị ô nhiễm, nếu cho đây là những bình lọc nước, làm sạch dòng sông thì là điều cũng đáng để suy nghĩ và rất thú vị.

Đôi điều suy nghĩ về đê trong mối quan hệ với kiến trúc đô thị, xin được góp bàn để các nhà quản lý và giới chuyên môn cùng quan tâm, khi công cuộc xây dựng thành phố hai bên bờ sông Cầu đang được nỗ lực triển khai.

Nguyễn Văn Cường 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy