Cây đàn nguyệt Công đoàn
Suốt 42 năm công tác, và cho đến tận bây giờ, tôi vẫn gắn bó với một đơn vị duy nhất: Công ty Gang Thép Thái Nguyên. Có vô vàn kỷ niệm về công ty, về những cán bộ, công nhân ở đây, song tôi xin kể về một người khá đặc biệt, trưởng thành từ các phong trào văn hóa, văn nghệ của đơn vị.
Ông Trần Trọng Thể (áo trắng bên trái) và ông Nguyễn Duyên Hà, cùng tổ thông tin viên xưởng Hàn Tán với tờ báo Gang thép, tháng 1-1966 (Ảnh tư liệu).
Cách đây khoảng nửa thế kỷ, ở khu Gang thép Thái Nguyên nhiều người biết ông. Đam mê văn nghệ và có “biệt tài” biểu diễn các tiết mục tấu, diễn các hoạt cảnh chèo. Mỗi khi ông khoác chiếc tạp dề của người cấp dưỡng, vai vắt chiếc khăn tay bông bước ra sân khấu, miệng cười giao lưu, giơ tay chào… đã làm cả khán phòng vỗ tay háo hức. Rồi ông dập chân nghiêm theo điều lệnh quân đội, tay làm động tác chỉ huy “đội quân” của mình trong bài tấu “Anh Nuôi ra trận”, tự nhiên và dõng dạc: “…đám muôi thìa lộn xộn quá… Mấy cậu muôi to đứng xuống phía sau, nhường chỗ cho mấy cậu thìa nhỏ hơn lên trước…, đám xoong chảo lúi húi gì đấy…? Nghiêm!... Hàng một đi đều, bước…”.
Ông diễn cứ như đang chỉ huy đội quân thật, làm người xem cười nghiêng ngả. Rồi ông giữ tư thế nghiêm, mặt hơi ngước lên, mắt nhìn thẳng, tay vung, chân bước đều trên nền sân khấu, miệng hô “mốt-hai-mốt…” như đang dẫn đầu hàng quân. Cả hội trường lại vỗ tay rầm rầm và cười không ngớt...
Ông là Trần Trọng Thể, nguyên là công nhân của xưởng Hàn Tán. Sau này, ông chuyển sang xưởng Xây lò Công nghiệp, rồi xưởng Sửa chữa xe máy (Công ty Gang thép Thái Nguyên) và về hưu.
Ông kể: Lần ấy vào đầu năm 1962, tôi và Tuyết Mai, cô thợ gánh đất ở Tổng đội Đường ống, về Hà Nội dự Hội diễn văn nghệ toàn quốc. Ông Đỗ Hùng ở Công đoàn Khu Gang thép “phát” cho cây đàn nguyệt của Công đoàn. Chả là trước đây tôi từng tham gia Đoàn Văn công Khu Gang thép, sở trường là kéo nhị, đàn nguyệt cũng chơi khá tốt nhưng không có đàn riêng.
Tôi ôm ghì cây đàn vào người, bước thấp bước cao, vừa đi vừa gảy... Tuyết Mai là cô gái Thái Bình, có giọng hát rất trong và khỏe, thể hiện các làn điệu chèo mượt mà, có duyên. Sau này, cô làm nhân viên Ngành Đời sống Phúc lợi Gang thép cho đến lúc tuổi cao, về nghỉ chế độ. Mỗi khi hội diễn, lần nào Tuyết Mai cũng có mặt…
Hôm ấy chúng tôi ra ga Lưu Xá, nhập với đội xiếc của Nhà máy điện Cao Ngạn (cùng Khu Gang thép). Về Hà Nội chúng tôi ở Nhà hát lớn Hà Nội. Để có trang phục cho Tuyết Mai diễn chèo, tôi đánh bạo vào Tổng Công đoàn xin giấy giới thiệu, đi bộ sang Đoàn chèo Hà Nội, may quá gặp hai nghệ sĩ là con của nghệ sĩ Tư Liên, năm 1947 về quê tôi diễn chèo, nghỉ ở nhà tôi. Nể người quen, Đoàn chèo Hà Nội cho mượn chiếc áo tứ thân, chiếc thắt lưng hoa lý. Tôi khấp khởi đi bộ ra phố Trần Hưng Đạo. Bỗng một chiếc xe con mầu sữa dừng lại, anh lái xe vẫy tay, tôi đến gần, hóa ra là xe của Thủ trưởng Công trường Khu Gang thép Đinh Đức Thiện về Bộ họp. Thủ trưởng Thiện vồn vã:
- Này, cậu văn nghệ sĩ Gang thép, đi đâu đấy?
- Dạ thưa bác, em đi Hội diễn ở Hà Nội ạ.
- Mấy người?
- Dạ đông lắm, cả xiếc nữa ạ. Ca nhạc thì có ba thôi ạ. Tuyết Mai hát chèo; Trịnh Tích ca mới còn em thì thổi sáo và đệm nhạc chèo.
- Thôi được. Cố gắng nhé. Hôm nọ mình xem cậu biểu diễn ở Khu (Khu Gang thép), cái tiết mục “Thổ công chầu trời” tự biên tự diễn như vậy là được đấy.
Được Thủ trưởng khích lệ, tôi phấn khởi về kể luôn với Tuyết Mai và anh em trong đoàn. Khi vào hội diễn, tôi và Tuyết Mai đến Nhà hát lớn. Hai chúng tôi ngơ ngác, ngắm nghía, tôi rủ Tuyết Mai đi các phòng, các tầng, mỗi ghế ngồi ướm một tí...
Đêm hội diễn, tôi bước lên sân khấu, thấy mình nhỏ bé, lọt thỏm giữa những phông màn, loa máy, ánh sáng, người chụp ảnh, quay phim, trước những ông giám khảo trán hói, đầu bạc và rất đông khán giả. Phải cố gắng lắm mới giữ được bình tĩnh. Tôi không ngờ, cây sáo nhỏ của tôi lại được lên sân khấu lớn nhất Thủ đô, nhờ nó mà tôi được gặp nhạc sĩ Lưu Hữu Phước…
Đến tiết mục hát chèo của Tuyết Mai. Các cụ ngày xưa vẫn nói “vụng chèo thì phải khéo trống”, mà mình lại không có người đánh trống, tôi phải nói khó với đoàn Nam Định, họ nhận lời nhưng chỉ ngồi sau cánh gà. Tuyết Mai và tôi bước ra sân khấu, tôi gảy đàn nguyệt; Tuyết Mai hát bài chèo “Gang thép quê em”. Giọng Tuyết Mai ngân vang, trong trẻo. Khán giả vỗ tay như sấm dậy... Hôm sau Ban tổ chức công bố, tiết mục hát chèo “Gang thép quê em” đoạt Huy chương Vàng. Vui không sao kể hết!
Ông Trần Trọng Thể (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh với các bạn thơ CLB Thơ Sông Cầu, năm 2005 (Ảnh: V.T)
Từ đó cây đàn nguyệt Công đoàn luôn cùng tôi len lỏi vào các đêm văn nghệ Công trường cát bụi; vào hang đá làm vui lòng “anh bộ đội Cụ Hồ” thời chống Mỹ; vào các địa đạo động viên người đào hầm; góp cho phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” của công nhân Gang thép; theo chân đội văn nghệ “29-11” hát bên chiến hào thời chiến tranh biên giới phía Bắc… Và sau này, mỗi khi ôm cây “Đàn nguyệt Công đoàn” đi dọc “đường 36” (nay là đường Cách mạng Tháng Tám), tôi sung sướng nhớ lại những kỷ niệm đã qua. Rồi tôi nhận được giải thưởng kịch của Tạp chí Sân khấu, tôi dành tiền thưởng mua cho con trai một cây đàn ghi-ta khi cháu được vào học lớp năng khiếu nhạc ở Nhà Văn hóa Gang thép. Cháu chưa giỏi giang gì, nhưng chí ít thì cũng được học hành và triển vọng hơn tôi...
Thời gian thấm thoắt như thoi đưa. Người con trai được ông Thể thưởng cây đàn ghi ta gỗ năm xưa, nay đã trưởng thành. Anh là nhà báo Trần Thép, Tổng Biên tập Tạp chí Văn Nghệ Thái Nguyên. Ông Trần Trọng Thể đã mất (năm 2006), nhưng nhắc đến ông, tôi vẫn hình dung được đến từng cử chỉ, giọng nói của con người đa tài, hết lòng vì phong trào văn nghệ quần chúng ấy.
Đào Lạng
1 đã tặng
0
0
0
1
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...