Cầu qua sông Cầu
VNTN - Trong dòng chảy của lịch sử, cư dân đô thị của dân tộc Việt luôn được định vị nơi ở gắn liền với các dòng sông. Tuy nhiên, do đặc tính về trình độ kỹ thuật và điều kiện sử dụng vật liệu, các quần cư đô thị chủ yếu ở về một phía của những dòng sông. Đô thị thành phố Thái Nguyên, từ buổi sơ khai đến ngày nay cũng không nằm ngoại lệ trong quy luật chung ấy.
Sông Cầu là dòng sông lớn. Đoạn chảy qua địa phận thành phố Thái Nguyên có chiều dài trên 20km. Những cây cầu có giá trị kết nối hai bờ của dòng sông, đến trước năm 2019 tại khu vực thành phố, ngoại trừ cầu Gia Bẩy là cầu kiên cố nối trung tâm thành phố với quốc lộ 1B, còn lại chỉ là những chiếc cầu tạm, cầu thấp cấp. Do thiếu cầu, thành phố Thái Nguyên đã bị hạn chế việc phát triển về hai bên bờ sông, cho dù phía Đông sông Cầu có điều kiện thuận lợi về quỹ đất, thuận lợi về các điều kiện phát triển đô thị. Theo dòng lịch sử, việc phát triển thành phố Thái Nguyên về phía bên kia dòng sông Cầu cũng chỉ loanh quanh bám trục đường quốc lộ 1B, khu vực này vẻn vẹn có diện tích trên 10km2 nằm trên tổng 200km2 diện tích tự nhiên của toàn thành phố.
Phương án nghiên cứu xây dựng cầu Bến Oánh
Trong xu thế phát triển của các đô thị trong cả nước, việc thành phố phát triển về hai bên bờ sông là tất yếu. Thành phố Thái Nguyên sở hữu dòng sông Cầu, đây chính là mạch sống, là tài nguyên, là tiền đề để hướng tới thành phố Thái Nguyên phát triển bền vững, hiện đại và bản sắc.
Được hình thành từ đầu thế kỷ XIX, khi nhà Nguyễn cắt chuyển, sắp xếp lại cơ cấu hành chính các tỉnh, đô thị Thái Nguyên buổi sơ khai là thành Thái Nguyên, được đặt vị trí tại khu Đồng Mỗ thuộc phường Trưng Vương ngày nay. Khu vực được đánh giá là “tỉnh thành đất bằng phẳng, rộng rãi, giao thông đường thủy, đường bộ đều thuận tiện…”. Thực tế đã chứng minh sự lựa chọn của tiền nhân là đúng đắn và có tầm nhìn.
Dưới thời Pháp thuộc, thị xã Thái Nguyên được hình thành với việc mở rộng thành Thái Nguyên. Tất cả sự hình thành và phát triển ấy đều bám theo bờ Tây sông Cầu với việc mở rộng về khu địa phận phường Hoàng Văn Thụ ngày nay. Vào năm 1956, thị xã Thái Nguyên (nay là thành phố Thái Nguyên) là tỉnh lỵ của tỉnh Thái Nguyên, đồng thời là Thủ phủ của Khu tự trị Việt Bắc. Cho đến ngày nay, Thái Nguyên còn được xác định là đô thị trung tâm vùng trung du, miền núi phía Bắc và là cực tăng trưởng phía Bắc trong vùng thủ đô Hà Nội.
Vào năm 1962, đô thị thị xã Thái Nguyên được nâng lên trở thành thành phố và cho đến năm 2010 đã trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Quá trình lịch sử thành phố chủ yếu phát triển về khu vực phía Tây của sông Cầu. Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên đã được Thủ tướng phê duyệt vào ngày 20/12/2015 làm cơ sở cho việc phát triển thành phố đúng tầm mà nó phải có. Theo nội dung đồ án điều chỉnh, thành phố có diện tích tăng từ 18.707 ha lên 22.313 ha; một nội dung quan trọng của đồ án là thành phố điều chỉnh mở rộng địa giới về phía Đông sông Cầu, tăng thêm 3600 ha so với đồ án được lập năm 2005. Yếu tố điều chỉnh, mở rộng đã tác động cơ bản đến tính chất không gian của đô thị thành phố. Như vậy, tính từ năm 2015 lịch sử phát triển một bên sông đã trở thành một thành phố phát triển hai bên bờ sông. Sông Cầu sẽ là chủ thể nằm giữa thành phố, và những khu chức năng đô thị hai bên bờ sông sẽ được nối với nhau bằng những cây cầu.
Theo quy hoạch điều chỉnh, sông Cầu với chiều dài trên 20km, đoạn chảy qua địa phận thành phố Thái Nguyên sẽ có khoảng 13 cầu, bao gồm những cây cầu đã có là: cầu Gia Bẩy, cầu Cao Ngạn trên quốc lộ 1B và cầu Bến Tượng. Những cây cầu mới theo quy hoạch sẽ đặt ở những vị trí đầu mối giao thông quan trọng, nó có chức năng kết nối các trục chính của giao thông đô thị hai bên bờ sông. Khoảng cách giữa hai cầu theo quy hoạch sẽ dao động từ 1200m - 4000m.
Để dễ hình dung, theo đồ án dòng sông Cầu qua địa phận thành phố Thái Nguyên về phía Bắc, phía trên cầu Cao Ngạn hiện ta có một cầu thuộc địa giới xã Sơn Cẩm nối với xã Huống Thượng của huyện Đồng Hỷ. Từ cầu Cao Ngạn xuôi đến cầu Gia Bẩy ta sẽ có 3 cây cầu, đó là cầu Quang Vinh và cầu Quang Vinh 2. Cầu Quang Vinh 2 sẽ nằm trên trục đường kéo dài từ cầu Bến Tượng đã xây dựng sang trục đường xuyên qua phường Quang Vinh kéo lên phía Bắc. Từ cầu Bến Tượng xuôi dòng sông về phía Nam theo quy hoạch ta cũng sẽ có những cây cầu, đầu tiên là cầu Oánh, dự kiến sẽ được xây dựng tại vị trí cầu treo Oánh hiện tại. Kết nối xã Linh Sơn và xã Đồng Bẩm sẽ có cầu Mo Linh. Tại khu vực phường Túc Duyên đến phường Gia Sàng nối sang xã Huống Thượng ta có hai cây cầu với tên gọi là cầu Xuân Hòa và cầu Huống Thượng. Đập thác Huống cũng là một trục kết nối hai bên bờ. Tại khu vực phường Cam Giá cũng quy hoạch hai cầu vượt sông, xuôi về phía Nam thuộc địa phận phường Hương Sơn có hai vị cầu được quy hoạch; ở dưới nữa thuộc khu vực phường Lương Sơn thành phố Sông Công, có một vị trí dự kiến một cây cầu kết nối trục chính thành phố Sông Công với huyện Phú Bình. Như vậy, nếu tính cả cầu qua suối Mo Linh, cầu có vị trí thuộc phường Lương Sơn thành phố Sông Công, ta sẽ có 15 cây cầu kết nối hai bên bờ sông Cầu. Trong đó có 13 cây cầu qua sông Cầu thuộc địa giới hành chính của thành phố Thái Nguyên.
Về tổng mức đầu tư, nếu không tính cầu Gia Bẩy, cầu Cao Ngạn và cầu Bến Tượng đã hoàn thành, 10 cây cầu xây mới tính giá thời điểm, chúng ta sẽ phải bỏ ra lượng vốn không phải là nhỏ, ước khoảng 4.000 tỷ đồng. Đây là bài toán cần tính toán và có lộ trình phù hợp để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.
Cầu là công trình giao thông, tuy nhiên cầu trong đô thị thì ngoài chức năng giao thông còn có chức năng tạo dựng hình ảnh kiến trúc cho đô thị, đặc biệt là những cây cầu nằm trong khu vực trung tâm. Vì vậy, kiến trúc cầu thực sự quan trọng và cần được sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng trong khi thiết kế. Khi cầu có kiến trúc tốt tự nó còn tạo ra động lực thúc đẩy kinh tế - văn hóa cả một vùng. Không thiếu những ví dụ rất tốt về cầu và đô thị như những cây cầu trên sông Thames ở Anh Quốc, cầu trên sông Seine ở Pháp, cầu qua vịnh San Francisco ở Mỹ… Trong nước cũng có những ví dụ tốt về cầu và đô thị, cầu đã trở thành biểu tượng của sự phát triển đô thị, ví như cầu Long Biên (Hà Nội), cầu Tràng Tiền (Huế), cầu Vàng, cầu Rồng (Đà Nẵng)…
Theo Luật Xây dựng hiện hành và Luật Kiến trúc đã được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2020, cầu trong đô thị là đối tượng công trình xây dựng bắt buộc phải thi tuyển kiến trúc trước khi đầu tư. Thành phố Thái Nguyên sẽ phát triển với chủ thể là dòng sông, theo lộ trình thì những cây cầu sẽ được đầu tư xây dựng. Hi vọng hệ thống cầu qua sông Cầu của thành phố Thái Nguyên sẽ là động lực phát triển đô thị và phát triển kinh tế. Những cây cầu sẽ là những tác phẩm, những biểu tượng góp phần làm cho thành phố Thái Nguyên trong tương lai gần sẽ trở thành thành phố hiện đại bản sắc, lung linh bên hai bờ sông Cầu.
KTS. Nguyễn Văn Cường
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...