Bảo tồn kiến trúc gắn với phát triển nông thôn bền vững
1. Dân tộc Tày, Nùng với tổng số có gần 3 triệu người là tộc người nằm trong 54 sắc tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Cư dân dân tộc Tày, Nùng sống tập trung ở các tỉnh trung du miền núi Bắc Bộ. Một số ít sống ở Tây Nguyên, chủ yếu là ở Đắc Lắc, số dân này đã di cư vào sinh sống chủ yếu vào những năm 1975 cho đến nay.
Nằm trong vùng trung du miền núi phía Bắc, thời kỳ những năm 60 thế kỷ XX tỉnh Thái Nguyên là Thủ phủ Khu Tự trị Việt Bắc, có một tên gọi khác là “Khu Tự trị Tày - Nùng”. Hiện người Tày, Nùng ở Thái Nguyên có khoảng 25 vạn người, với tập quán của mình họ sống tập trung ở các huyện phía Bắc của tỉnh, đó là các huyện Phú Lương, Đại Từ, Định Hóa, Võ Nhai và huyện Đồng Hỷ.
Người Tày, Nùng sống ở Thái Nguyên nói riêng như người Tày, Nùng sống ở khu vực phía Bắc nói chung có văn hóa ở đặc trưng chủ yếu là ở ngôi nhà sàn hai tầng, do ảnh hưởng của giao thoa văn hóa; một bộ phận người Tày, Nùng khác thì ở nhà 3 gian 2 mái, vách trình tường đất hoặc dùng bằng tre, phên hoặc gỗ.
Ngôi nhà sàn của dân tộc Tày, Nùng với số gian lẻ, lớn hơn 5 gian, 4 mái hoặc 2 mái có tầng trệt thấp và trống trước kia là chỗ để nông cụ, nhốt trâu, bò, lợn… ngày nay vẫn là chỗ để nông cụ, xe máy, thậm chí cả ô tô và các dụng cụ sản xuất khác. Do sự xâm nhập của nếp sống hiện đại, một số nhà hiện nay tầng trệt làm nơi thư giãn, tiếp khách, vui chơi trẻ em. Tầng trên là không gian ở được kết nối với sàn ngoài trời gọi là sàn nước (phơi quần áo, nông sản…) mái nhà sàn được lợp nghiêng bằng ngói âm dương, hoặc cỏ tranh, lá gồi. Ngày nay mái nhà sàn còn dùng các loại vật liệu xây dựng hiện đại như tôn sóng, ngói, fibro xi măng để lợp thay cho vật liệu truyền thống. Về quy hoạch không gian ở, bản của người Tày, Nùng có từ 15 - 20 nóc nhà, bố cục luôn gắn sườn núi đồi, mặt nhà hướng ra cánh đồng, sông suối, ao, hồ nước, thông thường mỗi nhà đều có hàng rào mềm ngăn cách với nhau và có ngõ thông với giao thông chung của bản.
Bản Văn hóa Quỳnh Sơn, Bắc Sơn (Lạng Sơn) - nơi người dân bảo tồn rất tốt những kiến trúc nhà sàn truyền thống, kết hợp với phát triển du lịch (Ảnh: Q.K)
Có một đặc trưng không gian ở của vùng bản tộc Tày, Nùng luôn gắn với nền sản xuất nông nghiệp, trồng lúa nước trên những thửa ruộng thông thường nằm giữa hai triền đồi núi hoặc bên cạnh những dòng suối. Quá trình sống, với thói quen phát rừng làm rẫy trồng lúa nương, nhưng ngày nay, rừng hết, loại lúa năng suất thấp này ít được trồng, những cánh rừng đã được chuyển sang trồng cây lâm, nông nghiệp khác.
Do nguồn gỗ nguyên liệu chủ yếu làm nhà sàn không còn nữa (rừng cạn kiệt, đóng cửa rừng…), quỹ đất xây dựng dần cũng hạn chế, đặc biệt phương thức sản xuất của người dân cũng dần chuyển đổi, do vậy ngôi nhà sàn truyền thống ở nhiều nơi đã dần biến mất, thay thế nó là nhà hiện đại, thậm chí thay thế bằng dạng nhà ống. Đây là một thực trạng. Một số nơi níu kéo sự tồn tại của nó bằng nhà sàn kết cấu hiện đại: bê tông cốt thép, mái lợp hoặc mái bê tông dán ngói, nhà sàn hiện đại với cấu trúc được điều chỉnh về kết cấu, nội thất hiện đại đã phát huy những ưu điểm của nhà sàn truyền thống, đây là mô hình rất cần được khuyến khích. Có thể nói, ngôi nhà sàn hiện đại, cũng như ngôi nhà sàn truyền thống có nét đặc trưng là hài hòa với thiên nhiên, có bản sắc rất riêng, cần được quan tâm, có kế hoạch phù hợp bảo tồn, lưu giữ và khai thác đáp ứng mục tiêu phát triển.
Một kiểu kiến trúc nhà ở vùng Việt Bắc. (Ảnh: Trần Hải Hưng)
2. Xuất phát từ ý tưởng bảo tồn nhà sàn Việt Bắc, cùng với sự giữ gìn tài nguyên văn hóa bản địa của vùng Việt Bắc, từ đó đi tìm sự lựa chọn hướng đi với mục tiêu bảo tồn phát triển, một dự án bảo tồn di sản nhà sàn gắn liền với phát triển nông nghiệp bền vững được hình thành. Sau khi khảo sát, tích lũy nguồn nhà sàn truyền thống, tìm hiểu nguyện vọng về bảo tồn kiến trúc, phong tục, văn hóa và tập quán sản xuất của cộng đồng dân tộc Tày, Nùng; lựa chọn địa điểm đủ điều kiện thuận lợi để tạo không gian bảo tồn (diện tích, không gian, cảnh quan, điều kiện thổ nhưỡng…) và đưa ra phương án thực hiện quy hoạch phù hợp, Khu bảo tồn Làng nhà sàn Dân tộc Sinh thái Thái Hải đã ra đời. Dự án tạo mô hình kết nối 3 “nhà”: Nhà nước, nhà nông và doanh nghiệp, trong đó: doanh nghiệp lo vốn, phương thức khai thác giá trị gia tăng hàng hóa; nông dân được chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp sạch, phương thức sản xuất công nghiệp - du lịch trên nền tảng sản xuất nông nghiệp; Nhà nước tạo cơ chế.
Dự án tọa lạc tại khu vực nằm giáp ranh giữa thành phố Thái Nguyên và thành phố Sông Công, khoảng cách đến trung tâm hai thành phố chỉ khoảng 10km. Được nghiên cứu và triển khai một cách bài bản, hiện Dự án đã triển khai bước 1, hoàn thiện trên diện tích 25ha trong tổng số 70ha quy hoạch toàn khu. Dự án đã quy tụ, phục dựng được trên 30 nhà sàn cổ có tuổi đời trên dưới 100 năm, các căn nhà này đều được chuyển từ khu ATK Định Hóa về. Đi liền với việc chuyển các căn nhà về thành phố Thái Nguyên là việc tổ chức tái định cư của các gia đình người Tày, Nùng về khu bảo tồn. Tại bản làng mới, họ được đào tạo lại và được tiếp cận nền sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên nghiệp, tiếp cận hình thức làm nông nghiệp kết hợp dịch vụ và du lịch trải nghiệm. Song song với đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bản sắc văn hóa dân tộc Tày - Nùng cũng được chú trọng giữ gìn và phát triển.
Một góc Khu làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải. (Ảnh: Trần Hải Hưng)
Ý tưởng bảo tồn nhà sàn dân tộc Tày, Nùng gắn với sản xuất nông nghiệp, mục tiêu phát triển bền vững được xây dựng ở Thái Nguyên đã đến đích. Dự án đã thành công ở các khía cạnh sau: Đạt được mục tiêu về việc bảo tồn và nâng cao được giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể văn hóa người dân tộc Tày, Nùng vùng Việt Bắc; Bắt kịp xu thế phát triển của kinh tế thị trường, giữ được nghề, chuyển đổi, nâng cao được giá trị hàng hóa sản phẩm nông nghiệp truyền thống.
Ở Làng nhà sàn Dân tộc Sinh thái Thái Hải, người dân vẫn làm nông nghiệp. Họ làm ra lúa, rau, củ quả, chè, thuốc nam… trên một cánh đồng được quy hoạch bài bản, được áp dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn và an toàn. Trên đất canh tác ấy, cũng là nơi cho khách du lịch tham quan, trải nghiệm thực tế những công việc của người nông dân.
Không gian ở của người Tày, Nùng tại khu Dự án đã có bước chuyển đổi, tiếp cận với nếp sống, tiện nghi hiện đại. Kiến trúc bản địa đã được bảo tồn và gia tăng giá trị. Giải pháp đó giúp việc lưu giữ ngôi nhà truyền thống không còn là vấn đề lớn. Ngôi nhà sàn - không gian ở của người dân - đồng thời cũng là nơi phục vụ du khách tham quan tìm hiểu về phong tục, tập quán, nếp sinh hoạt của họ. Nhiều ngôi nhà trong làng còn tổ chức phòng ngủ dạng homestay, là nơi trải nghiệm không gian ở cho du khách.
Du khách trải nghiệm một sinh hoạt văn hóa tại Làng nhà sàn dân tộc Thái Hải (Ảnh: Trần Thép)
Sản phẩm nông nghiệp sạch tại đây được chế biến tạo ra những món ăn truyền thống mang đậm sắc thái vùng miền phục vụ du khách. Bên bếp lửa nhà sàn được nghe những giai điệu núi rừng, điệu then của người dân bản địa, tạo ra “chất” thu hút, níu chân du khách. Đặc biệt nhất, những hoạt động văn hóa bản làng đã làm cho đồng bào dân tộc gắn bó với quê hương, yêu cánh đồng, yêu nếp nhà sàn, thửa ruộng của mình hơn, và nền văn hóa đậm chất vùng miền đã được nâng niu, nâng cao giá trị.
Khu bảo tồn Làng nhà sàn Dân tộc Sinh thái Thái Hải nói riêng và một vài khu bảo tồn nhà sàn ở vùng Việt Bắc nói chung là một ví dụ thành công cho ta thấy: người nông dân khi có điều kiện, họ đã trở thành người thực hiện tốt nhất việc bảo tồn cho kiến trúc nông thôn và lưu giữ văn hóa bản địa phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
Nguyễn Văn Cường
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...