Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
15:51 (GMT +7)

Bản sắc trong xu thế phát triển của kiến trúc Việt Nam

VNTN - Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ đô thị hóa cao, năm 2022, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam đạt 41,7% với 888 đô thị các loại, phân bổ khá đồng đều trên phạm vi cả nước. Sự hình thành các khu độ thị sinh thái, đô thị thông minh, đô thị xanh, đô thị đáng sống, cùng với các khu đô thị, bất động sản kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, với sự tham gia của các Kiến trúc sư đã góp phần gia tăng giá trị kinh tế ở khu vực đô thị ngày càng cao, cho thấy vai trò của kiến trúc trong đời sống là vô cùng quan trọng, đặc biệt trong thể hiện bản sắc văn hóa, trình độ phát triển của đất nước.

Kiến trúc trước xu thế hội nhập

Sự phát triển của công nghệ thông tin, của trí tuệ nhân tạo đã trở thành một phần không thể thiếu trong thiết kế, quy hoạch, thi công trong xây dựng, đồng thời cũng đặt ra cho các kiến trúc sư phải có những ý tưởng đột phá, giải pháp kiến trúc hiện đại, thông minh để có được những công trình hoàn hảo về chất lượng, hoàn mỹ về thiết kế, thích ứng với khí hậu và thân thiện với môi trường. Khái niệm kiến trúc xanh để hạn chế sự cạn kiệt về tài nguyên, môi trường không chỉ trở thành mệnh đề trong đời sống kiến trúc mà còn là giá trị tiên phong trong cân bằng sáng tạo giữa hiện tại và tương lai.

Bản sắc trong xu thế phát triển của kiến trúc Việt Nam
Phối cảnh Bảo tàng Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội 

Có khá nhiều quan niệm về hoạt động sáng tạo kiến trúc, nhưng tựu chung vẫn là sự tuân thủ giữa truyền thống và hiện đại, hấp thụ và tiếp thu tinh hoa kiến trúc thế giới để đảm bảo sự thống nhất trong đa dạng của sáng tác kiến trúc, đáp ứng các yêu cầu về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ và hòa nhập với môi trường sinh thái. Sự rõ ràng trong quan niệm sáng tạo của hoạt động của kiến trúc nói trên đã và đang tạo dựng nên một bản sắc mới cho kiến trúc đô thị. Đã qua cái thời quan niệm văn minh với những tòa nhà chọc trời, vì lợi ích kinh tế mà thay vào đó là những không gian sống bền vững, có bản sắc riêng mang tính biểu tượng, điểm nhấn phù hợp với quản lý không gian đô thị.

Theo KTS Hoàng Thúc Hào, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, muốn hiểu được bản sắc riêng của kiến trúc Việt, cần hiểu và “giải mã gen văn hóa kiến trúc Việt Nam”. Ông cho rằng: Có bốn yếu tố cơ bản tác động đến văn hóa ở: Điều kiện địa hình: địa điểm xây dựng bằng phẳng (thuận lợi) hoặc không bằng phẳng (bất lợi); Điều kiện khí hậu: thời tiết nóng, lạnh, lượng mưa nhiều, ít theo mùa; ảnh hưởng của thiên tai: bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đất,… Đời sống văn hóa - tín ngưỡng: quan niệm - nhận thức của con người về sự thịnh vượng, tốt đẹp, thuận tiện, thẩm mỹ, niềm tin gửi gắm vào các đấng tối cao; Liên hệ xã hội: tiếp xúc và đón nhận những kinh nghiệm của các dân tộc khác trong việc tổ chức không gian ở (xưa kia) và của các quốc gia khác trong bối cảnh toàn cầu hóa (hiện tại và tương lai).

Ngoài ra, ông cũng cho biết thêm, văn hóa trong Kiến trúc cộng đồng ở nông thôn - sự đứt gãy hiện tại và nhu cầu hàn gắn trong bối cảnh một xã hội tương lai chú trọng nhiều hơn tới bản sắc. Ngoài giải mà gen kiến trúc Việt, các kiến trúc sư như GS.KTS Nicolaus Goetze (CHLB Đức) và KTS Trần Công Đức cho biết, hiện đã và đang xuất hiện triết lý mới, khi các đơn vị thiết kế quốc tế thực hiện các dự án tại Việt Nam, đó là “Hội nhập gắn liền với bản sắc”. Đó cũng là tư duy hành nghề của GMP - Đa dạng trong đồng nhất. Trong suốt chặng đường 75 năm phát triển của kiến trúc Việt Nam, GMP đã tham gia và đồng hành cùng Kiến trúc Việt Nam trong 1/3 chặng đường và nhiều công trình cấp quốc gia. Ông cũng nhận thấy: “Bộ mặt các đô thị tại Việt Nam mà gắn liền với nó là các công trình kiến trúc ngày càng có quy mô lớn hơn, chất lượng hoàn thiện hơn, phức tạp hơn, phát triển nhanh chóng theo thời gian ở mọi vùng miền, biểu trưng cho những tiềm năng và thành tựu kinh tế mới”.

Điều này hoàn toàn phù hợp với những nội dung đã được Đề cương văn hóa năm 1943 đặt ra: “Quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị: Nền tảng kinh tế của một xã hội và chế độ kinh tế dựng trên nền tảng ấy quyết định toàn bộ văn hóa của xã hội kia (hạ tầng cơ sở, quyết định thượng tầng kiến trúc)”. Tất cả các khái niệm nói trên đều có giá trị lịch sử và và có bản sắc, kiến trúc cũng không nằm ngoài những quy luật chung đó.

Để làm được điều này cần phải chú ý đến công tác nghiên cứu lý luận phê bình kiến trúc gắn lý luận với thực tiễn. Ứng dụng với công nghệ mới, đẩy mạnh hội nhập quốc tế và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kiến trúc; tổ chức các hoạt động giao lưu, mở rộng, phát huy các mối quan hệ hợp tác, liên kết nhằm tăng cường xúc tiến, quảng bá, giới thiệu về kiến trúc Việt Nam, thu hút đầu tư, xây dựng và nâng cao vị thế công nghiệp văn hóa Việt Nam trong lĩnh vực kiến trúc trên trường quốc tế. Điều này cũng chính là động lực thúc đẩy các KTS trẻ dấn thân hơn, tạo ra bước đột phá cho kiến trúc nhà ở.

Sự dung hòa giữa văn minh và văn hóa kiến trúc

Khi cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao, kiến trúc trong mối quan hệ tương hỗ với các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội được nhìn nhận ở góc độ đa chiều. Với tiếng nói đa chiều, những góc nhìn khách quan, đa diện về sự phát triển của kiến trúc Việt Nam trong tương lai, hướng tới sự phát triển bền vững, đặc biệt là góc nhìn độc đáo từ lĩnh vực quản lý kiến trúc - đô thị nói chung, từng quận, huyện nói riêng.

Bản sắc trong xu thế phát triển của kiến trúc Việt Nam
Bitexco Financial Tower tự hào là biểu tượng kiến trúc của Thành phố Hồ Chí Minh 

Ảnh hưởng của tiện nghi và công nghệ, không gian kiến trúc đứng trước sự đe dọa của sự phát triển. Việt Nam hiện nay đang tiếp tục chú trọng hướng tới đẩy mạnh phát triển về văn hóa, kiến trúc; lấy văn hóa làm động lực và nền tảng phát triển xã hội; đẩy mạnh công nghiệp văn hóa… Tất cả cho thấy vai trò và vị thế kiến trúc có tầm quan trọng đặc biệt.

Nhằm tiếp tục xây dựng phát triển kiến trúc Việt Nam hiện đại, bền vững, giàu bản sắc, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển văn hóa trở thành nền tảng tinh thần trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, gắn với bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, định hướng nhấn mạnh, phát triển nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống, tiếp thu chọn lọc tinh hoa kiến trúc thế giới, tạo nên phong cách riêng của kiến trúc Việt Nam; đồng thời quảng bá kiến trúc Việt Nam ra thế giới. Kiến trúc góp phần tạo lập môi trường sống bền vững; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng; phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động kiến trúc nhằm huy động các nguồn lực đầu tư để phát triển kiến trúc. Đồng thời đặt ra 4 nội dung cụ thể cho từng khu vực, lĩnh vực phát triển kiến trúc bao gồm: khu vực đô thị; khu vực nông thôn; vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc; bản sắc văn hóa trong kiến trúc phải được bảo tồn, phát huy phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước, đặc điểm vùng miền; phản ánh mối quan hệ với nền kiến trúc hiện đại, ứng dụng những tiến bộ về công nghệ kỹ thuật; gắn kết khả năng công nghệ, vật liệu, kinh tế của từng địa phương.

Những định hướng phát triển cho chặng đường kiến trúc sau 75 năm đã có, nhiệm vụ còn lại là xây dựng các chương trình kế hoạch, đề án để bảo tồn, phát huy và quảng bá các giá trị kiến trúc truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng hệ thống dữ liệu kiến trúc về giá trị lịch sử, văn hóa của các dân tộc Việt Nam. Hoạt động của ngành kiến trúc đã và đang được đẩy mạnh không chỉ để kỷ niệm 75 năm thành lập mà còn từng bước khẳng định vai trò của kiến trúc trong đời sống hiện nay. Hay nói như Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, kiến trúc là một loại hình nghệ thuật khoa học, kỹ thuật có tính đặc thù cao và gắn bó hữu cơ với sự phát triển của lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kinh tế - xã hội. Kiến trúc thể hiện giá trị tư tưởng của bản sắc văn hóa và trình độ phát triển của mỗi quốc gia. Đảng, Nhà nước ta luôn chú trọng và có nhiều chủ trương, định hướng chính sách và phát triển kiến trúc Việt Nam có bản sắc, tiến bộ, hội nhập quốc tế.

Hiện kiến trúc Việt Nam đã có tên trên bản đồ thế giới với hàng loạt giải thưởng quốc tế được trao nhằm vinh danh những kiến trúc sư có sáng tạo cộng đồng trong thiết kế. Những công trình nghệ thuật và kiến trúc của người Việt cũng đã bắt đầu được quốc tế ghi nhận bằng các cuộc bình chọn, những giải thưởng danh giá khẳng định sự đẳng cấp, độc đáo và sáng tạo trong mỗi tác phẩm kiến trúc Việt Nam và tài năng đội ngũ kiến trúc sư Việt Nam hiện nay.

Thảo Vy

 

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy