XƠ ELBA Ở BROOKLYN
Tôi gặp xơ Elba vào một trong những đêm tôi lừa dối Jane. Người nữ tu mặc đầy đủ lễ bộ đứng trên vỉa hè trước tòa nhà chỗ tôi run rẩy. Hồi đó là tháng một ở Brooklyn. “Tôi làm mất chìa khóa,” xơ nói, và tôi xấu hổ nhìn xuống vỉa hè. Tôi mời nữ tu lên tầng trên nơi tôi có thể gọi người quản lí tòa nhà. Tôi không tự nhiên tỏ ra hiếu khách vì thân thiện với hàng xóm hay là do cảm thông mà đúng hơn tôi vui vì nếu biết có nữ tu bên cạnh, Jane không nghi ngờ gì tôi được. Người nữ tu có khuôn mặt tròn mềm mại và gò má đỏ ửng. Tôi tin Jane có khi sẽ chào xơ như một chú gấu bông ngoan đạo không chừng. Sau khi Jane sẩy thai ba tháng trước, một phần trong tôi đã chết, và tôi không biết phần đó là Chúa hay một phần trái tim mình chứa đựng tình yêu dành cho Jane.
Lên tầng trên, nữ tu ngồi xuống trường kỉ với một cốc nước gừng, tôi gọi người quản lí tòa nhà và để lại một tin nhắn.
“Tôi không quen với cuộc sống trong thành phố như thế này anh Neil ạ, nhất là sự ồn ào và mùi của nó,” nữ tu nói.
Xơ giải thích rằng trong 25 năm, hơn nửa đời xơ đã sống trong một nhà tu kín ở Virginia, và tháng trước nhà thờ đã chuyển xơ đến Brooklyn để giúp khởi động một chương trình dạy chữ ở nhà thờ phía bên kia đường. “Tôi được đặt tên theo Elba,” xơ nói, “hòn đảo ngoài khơi nước Ý nơi Napoleon bị lưu đày lần đầu.”
“Tiếng ồn cũng làm tôi phát điên, nhất là mấy cái xe rác buổi sáng,” tôi hưởng ứng.
“Trong nhà tu kín, ai tôi cũng biết và ai cũng biết tôi,” bà nói. “Nhưng ở đây thì…”
Cuối cùng, người quản lí tòa nhà gọi tới từ chỗ nào đó ở Queens. Anh ta nói không giúp được vì đang bị kẹt xe. Anh ta đề nghị tôi hãy phá cửa căn hộ của xơ và chỉ tôi cách làm. Tôi định lấy một cái thẻ tín dụng và đút vào ổ khóa.
“Tôi không nghĩ mình làm được đâu,” tôi thanh minh với xơ Elba.
“Hãy tin là mình làm được,” bà ấy nói.
Căn hộ xơ ở dưới tầng hầm, dưới cả mặt đường, một căn hộ nằm cạnh mấy cái máy giặt và dãy phòng chứa đồ. Tôi làm trò vớ vẩn với cái ổ khóa, đút vào kéo ra cái thẻ, đẩy rồi lại kéo nhưng vô ích. Trong cả bốn lần thử bà ấy đều cứ quanh quẩn phía trên vai tôi.
“Vô ích thôi. Tôi không làm được.”
“Hãy tin là anh làm được,” bà ấy lại nói.
“Nói thật tôi là người Do Thái,” tôi nói.
Bà ấy quay mặt vào tường và bắt đầu cầu nguyện, đôi tay bà chắp lại, đầu cúi xuống.
“Xin Người hỡi Đức Chúa lòng lành, hãy giúp chàng trai này vào được nhà con.”
Tôi lại thử lần nữa, quẹt thẻ qua khe hở trên cánh cửa, cố gắng đến mù quáng cố làm cho ổ khóa bật mở. Và có tác dụng thật. Tôi quẹt tấm thẻ và cửa mở.
“Thấy chưa,” xơ Elba nói và mỉm cười, “anh không bao giờ nên nghi ngờ Ngài.”
Xơ mời tôi vào trong. Tôi cố từ chối nhưng bà cứ nài nỉ. Thật ngạc nhiên quá đỗi, ở đây bày một số bản in tranh của Mark Rothko (họa sĩ yêu thích của Jane) và hàng loạt ảnh trắng đen chụp trẻ em nghèo rất cảm động, một số là người châu Phi, một số là người Appalachia, tất cả đều tỏa ra một thứ ánh sáng hạnh phúc, thứ ánh sáng có lẽ được tạo ra bởi xơ Elba, người đứng cạnh với bàn tay mềm mại đặt trên vai hoặc trên mái đầu chúng. Trên giá sách, cạnh dăm quyển Kinh Thánh là vài quyển sách của Toni Morrison, hồi kí của William Styron, một tập truyện Kafka, vài cuốn sách thiếu nhi, và một tập thơ của Lucille Clifton. Phía trên chiếc giường đơn, ngay dưới cửa sổ có treo một bức tượng Chúa bị đóng đinh trên thánh giá bằng gỗ. Xơ Elba ra hiệu cho tôi ngồi xuống một chiếc bàn tròn nhỏ gần phòng bếp.
Bà đổ nước vào ấm, đặt lên bếp, sau đó ngồi đối diện tôi qua cái bàn. Sự tuyệt vọng câm lặng phủ bóng đen lên tôi từ hồi mất con lởn vởn đâu đó trong tôi, và tôi nhớ rằng Jane đang ở lớp yoga thì tôi sẽ rất cô đơn nếu trở lại trên nhà ngay lúc này. Thế nên tôi kể cho xơ Elba nghe về chuyện sẩy thai. Cái cũi trẻ con tôi và Jane mua ở cửa hàng bán sỉ đồ nội thất bị tháo rời ra nằm trong góc phòng ngủ. Không ai trong chúng tôi có động thái gì để tống khứ nó đi. Xơ Elba mỉm cười và nói rằng khi thành phố làm mình thất vọng, khi bà cảm thấy mình đang trên bờ vực cô đơn, thậm chí là tuyệt vọng về chuyện bà gọi là “chuyến đi đày tới Brooklyn” của mình, bà đến chỗ sống của chim cánh cụt ở Vườn thú Trung tâm. Khoảng 12 con chim cánh cụt sống trong một không gian bao bọc bởi kính, với một hồ nước lớn có đá để ngụp lặn và một khu vực nhỏ trồng cỏ. Điều bà thích nhất là xem chúng lặn bắt cá.
“Không phải do chim cánh cụt cũng mang màu trắng đen đâu,” bà thêm vào rồi cười và nháy mắt. Bà nói sau khi đã ngồi lại, “Mới hôm qua thôi tôi đến vườn thú thú vị đó. Tôi tự hỏi không biết chim cánh cụt có ý thức không. Chúng có biết oán giận không? Người ta có thể không nghĩ đến những thứ rắc rối đó nữa. Ôi những câu chuyện tôi phải đương đầu trong nhà thờ hàng ngày. Thế nên tôi tự hỏi liệu chim cánh cụt cũng đi loanh quanh với dáng lạch bạch hay không, tôi phải nói là - níu giữ đau khổ và chịu đựng người khác.” Bà nhấp một ngụm trà và khi tôi không nói gì, bà tiếp tục, “Thế rồi tôi để ý thấy chim cánh cụt làm cái điều đáng yêu nhất. Dường như chúng đang thay phiên nhau đứng trên tảng đá cao nhất. Tôi thừa nhận có khi chỉ do tôi tưởng tượng vậy, nhưng có vẻ cuối cùng thì một con khác lại đi lạch bạch về phía trước và đẩy nhẹ bất cứ con chim nào chiếm giữ tảng đá ra khỏi đó. Đó chỉ là một cú hích vui vẻ thôi. Đúng hơn là nó trông rất đáng yêu. Con bị chiếm chỗ lao xuống nước phía dưới. Và cái cách chúng đi lạch bạch lên bờ sau đó làm tôi nhớ đến những ông già nhỏ người đến nhà thờ. Lúc đó tôi bắt đầu cười. Có vẻ đó hoàn toàn là một trò chơi, mỗi con chim cánh cụt đều biết cuộc sống trên tảng đá đó là tạm thời, rằng cảm giác hài lòng thực sự nằm trong sự thỏa thuận kì cục mà chúng đã tham gia vào này. Nhận ra điều đó khiến tôi hiểu rõ được rằng phải buông tay. Nếu người ta chấp nhận được từng tác động và phản ứng như một phần cân bằng của tự nhiên, một phần cần thiết của tự nhiên thì họ sẽ dễ dàng tin rằng mỗi trải nghiệm dù xấu hay tốt thì đều là một phần trong công trình của Chúa.”
Tối hôm đó, Jane nói, “Hồi có thai em cứ mơ thấy điều này mãi. Không thể tin nổi là em đã kể cho anh về nó,” nàng nói. Và khi tôi không trả lời, nàng nói, “Anh có nghe không đấy Neil? Thỉnh thoảng em không biết anh có đang nghe không nữa.”
“Anh nghe mà,” tôi thì thầm.
Cuối cùng nàng nói, “Bé con của em cứ chìm dần trong một cái để đựng nước, thậm chí là trong nước mắt em. Dù làm cách nào em cũng không thể chăm sóc con được. Em là một người mẹ hoàn toàn thất bại.”
“Chỉ là một giấc mơ thôi,” tôi nói và để ý thấy vài món tóc sẫm màu của nàng đã trải ra trên giường hướng về phía tôi. Tôi vươn tới chạm vào nó và chờ nàng mắng mỏ, nhưng nàng không nói gì hết.
“Đứa bé đang chết chìm trong tình yêu của em,” Jane nói. Nàng quay về phía tôi, mắt nàng lại ướt nữa rồi. “Em đang dìm chết chính con mình.”
Tôi viết bài cho tạp chí khu vực và được trả bằng tiền mặt nên không ảnh hưởng gì đến trợ cấp thất nghiệp. Jane là một thủ thư nghiên cứu ở trường Cao đẳng Hunter. Nàng thanh toán hầu hết các hóa đơn và tiền thuê nhà của chúng tôi. Tôi tự hỏi không biết nàng có thấy tức giận với việc tôi thiếu tham vọng, nhưng nàng không bao giờ nói gì hết khi tôi ngủ muộn và tiêu phí cả nửa buổi chiều ở một trong những quán cà phê nhạc jazz mới mở trên đại lộ Bedford.
Một đêm nọ tôi về nhà và thấy cửa căn hộ khép hờ. Bên trong có mùi nước tẩy sơn móng tay và thuốc lá. Tôi thấy Jane đứng bên cửa sổ trong bộ đồ pigiama của tôi. Tóc nàng ướt và chải ngược ra sau với một cốc trà nằm trên gờ cửa sổ.
“Anh ra ngoài muộn thế,” nàng nói mà không nhìn đến tôi, giọng nàng gần như vỡ ra. Tôi đã đến khu hạ Manhattan ở chỗ Tara.
Tôi không nói gì hết.
“Nếu em không làm mẹ thì chuyện sẽ khác đi như thế nào?” cuối cùng Jane nói.
Nàng quay đi khỏi tôi và hướng về khung cửa sổ mở. Nàng không nhìn tôi và tôi sợ nàng sẽ khóc mất. Nhưng tôi không đến chỗ nàng dù tôi biết mình nên làm vậy. Tôi muốn hỏi liệu nàng có nhớ cảm giác của một đứa trẻ sau khi trời tối nó không thể thấy đường nhưng lại cứ chơi tiếp không. Việc tìm ra nàng có nhớ hay không dường như lại quan trọng. Bạn biết mình có thể bị cụng đầu với bạn bè hay đâm sầm vào tường hoặc cột đèn khi chơi đùa trong bóng chạng vạng. Nhưng bạn tin một lực lượng bóng đêm bí ẩn nào đó sẽ bảo vệ bạn. Và bạn biết mình có thể vào nhà trong ánh sáng bất cứ khi nào bạn muốn.
“Dù sao làm mẹ không phải lúc nào cũng tốt như người ta nói,” nàng nói. “Cơ thể em sẽ thay đổi.” Nàng đứng thẳng dậy đi tới giường và nằm phịch xuống bên mép phải như thể nàng muốn dành chỗ cho hai người khác nằm cùng. “Em có thể trở thành tổng thống Mĩ, nhưng nếu em là một bà mẹ tồi thì đó là tất cả những gì người ta nhớ,” nàng tiếp tục. “Ý em là, trong điều trị tâm lí người mẹ phải chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm. Em không định dành hết tình yêu đó cho ai đó để rồi 25 năm sau cô ta có thể gặp một nhà phân tâm học và chạy lăng xăng quanh em suốt.”
Tôi ngồi trên mép giường.
“Anh có thích ngực em không?” nàng hỏi.
“Đàn ông thì ngực nào cũng thích,” tôi đáp. “To nhỏ, già trẻ gì cũng vậy.”
“Vậy ra anh đang nói,” nàng hỏi và lăn ra xa khỏi tôi, “ngực em nhỏ và già à?”
“Không phải thế,” tôi bối rối nói.
“Ngực Tara có nhỏ và già như em không?” nàng hỏi.
“Chuyện này là thế đấy à?” tôi vươn tới chạm vào bàn chân nàng.
“Nếu anh chạm vào em thì em sẽ nôn mất.”
Tôi không thể nhìn nàng. Tôi đi vào bếp lấy hai bát kem sôcôla và đổ vào hai cốc nước cam - kiểu kết hợp ưa thích của Jane. Chúng tôi cùng ngồi cạnh cửa sổ ăn kem và xem đống lửa lạ trên phố bên dưới.
“Nếu anh lại làm thế thì em sẽ bỏ đi đấy,” Jane nói.
Trời vừa bắt đầu mưa. Lúc đi bộ về ga tàu điện ngầm trên đại lộ Bedford hai đêm sau, tôi nghe thấy có tiếng rơi lộp độp nhẹ nhàng trên mái hiên bằng kim loại nghiêng nghiêng của vài cửa hàng ở Bedford. Tôi tưởng tượng sông Đông cách đây vài khu nhà đang tràn bờ, nước dâng lên và tràn vào đường phố. Nó không phá hủy gì hết nhưng lại biến nhiều xí nghiệp lân cận, những nhà kho bỏ không và nhà máy điện thành một Venice hiện đại ở New York. Brooklyn đôi khi làm tôi thấy ngạt thở, và tôi khao khát được thoát khỏi nơi này đến với tự do của Manhattan, đến căn hộ của Tara. Tara không muốn gì cũng không đòi hỏi gì hết. Chúng tôi không nói chuyện. Giữa chúng tôi không có gì hết. Bất thình lình, xơ Elba chặn tôi lại trên sân ga điện ngầm.
“Tôi đang tìm người dạy lái xe,” bà ấy nói.
“Chính tôi còn không có bằng lái đây,” tôi bảo bà.
“Anh đến xem chim cánh cụt chưa?”
“Vẫn chưa.”
Tối hôm đó, tôi nằm trong căn hộ của Tara, đầu cô ấy trên ngực tôi, và tôi nhớ lại cuộc hẹn đầu tiên với Jane. Sau khi ăn đồ ăn Thái, chúng tôi ngồi trong công viên Trung tâm, trên bãi cỏ ở Đồng Dâu Tây. Đột nhiên bầu trời tối sầm như thể ai đó đã bấm tắt điện trong một căn phòng không cửa sổ. Không nhìn thấy ngôi sao nào trên trời hết. Jane và tôi vội đi ra đường với tay trong tay và khẽ nói chuyện trong lo lắng về sự ngu ngốc của mình. Nhưng việc bất ngờ dễ bị trộm cướp và kẻ điên tấn công hay bất kì người nào lẩn quất trong công viên Trung tâm lúc tối trời khiến chúng tôi nhanh chóng trở nên thân mật. Chúng tôi nắm tay nhau càng lúc càng chặt hơn khi vội vàng. Lúc ra tới đường và vẫy được taxi, Jane đưa địa chỉ của mình cho tài xế. Chúng tôi nắm tay nhau ngồi sát lại và hôn nhau khi dừng đèn đỏ. Giờ với Tara trong vòng tay, đêm đầu tiên với Jane đó hiện lên trong tôi như một bộ phim gia đình gây khó xử. Tôi muốn ấn phím tua lại, trở lại với nỗi sợ hãi gần như là điên cuồng đó, việc chúng tôi dính chặt vào nhau qua màn đêm đến khi chạm vào được ánh sáng như thế nào. Nhưng Tara đẩy nhẹ và bảo tôi lấy giùm cô một cốc nước. Ngay khi vào tới bếp và với cơ thể trần truồng trong ánh sáng phát ra từ tủ lạnh, tôi liền quên ngay những ý nghĩ về Jane.
Ngày hôm sau tôi chờ Jane đi làm về ở vỉa hè trước một quán cà phê trên phố Bedford trên đường nàng ra khỏi ga tàu điện ngầm về nhà để có thể đi bộ với nàng. Tôi uống cà phê và quan sát một người đàn ông vô gia cư ở góc trước mặt cửa hàng Đội quân Cứu tế. Ông ta có một bộ râu dài và mặc một chiếc áo phông có dòng chữ màu cam đậm, “Dân tộc Ngũ cốc.” Ông ta gọi với theo một người phụ nữ đi ngang qua, “Này cô, cô mất gì đó đấy.” Cô ta vụt đưa tay lên chạm vào hoa tai và khi thấy chúng vẫn còn ở đó, cô ta nói, “Cái gì, đâu?”.
“Cô mất chiếc tất trái,” người vô gia cư nói.
Người phụ nữ bật cười vẻ ái ngại và bước tiếp. Lát sau, một người phụ nữ nữa đi qua, người này mặc váy xanh. “Này cô, cô mất gì đó đấy,” người đàn ông nói.
Người phụ nữ dừng lại và trước tiên nhìn vào cửa sổ cửa hàng Đội quân Cứu tế như thể có thể tìm thấy câu trả lời ở đó, sau đó nhìn người đàn ông và rồi lại nhìn vào cửa hàng. “Cô mất chiếc tất trái của con chó của cô,” người đàn ông nói. Người phụ nữ đi mất.
Tôi xem ông ta lặp lại câu thần chú của mình với mấy phụ nữ nữa đi ngang qua. Một cô nói coi chừng cô ta sẽ gọi cảnh sát. Một người khác chỉ cười. Jane từ trong ga tàu đi ra, tóc nàng cột đuôi gà, chiếc túi xách màu đỏ của nàng đeo trên vai, và người đàn ông gọi nàng, “Này cô, tôi nghĩ cô mất cái gì đó đấy.”
“Là tôi đây đồ ngốc,” Jane nói. Gương mặt nàng bừng sáng. Đã lâu rồi tôi không thấy nàng cười như vậy. Tôi không biết Jane có biết người đàn ông này không. Nàng xõa tóc ra và để nó rơi xuống vai, tôi thấy nhớ nhà. “Jane,” nàng nói với người đàn ông. “Tôi là Jane đây nhớ không?”
“Cô mất chiếc tất trái rồi,” người đàn ông nói.
Jane cho tay vào túi xách và bẻ một quả chuối đưa cho người đàn ông. “Này cô, cô mất gì đó đấy,” ông ta lại nói với cô.
“Anh biết không,” nàng nói. “Anh đúng đấy, tôi đã mất gì đó.”
“Cô mất chiếc tất trái”, ông ta nói.
“Không, tôi mất trái chuối,” cô nói. “Tôi ghét bị mất chuối.”
Người đàn ông có vẻ ngạc nhiên. Ông ta đã bảo phụ nữ suốt bao lần là họ đã mất gì đó, và giờ thì lời ông lại bao hàm một phần sự thật. Và cứ thế ông ta lột vỏ chuối, cắn một miếng rồi lang thang xuống phố. Sự ra đi của ông ta không hề kiểu cách, nhưng khi đi qua được chừng nửa khu nhà, ông ta quay lại vẫy Jane và nói, “Cô mất trái chuối bên trái.”
Tôi đến chỗ nàng phía bên kia đường và hôn môi nàng. Tôi nắm tay nàng và nàng nhìn tôi như rất lâu rồi mới gặp vậy. Điều đó có vẻ giống như sự hứa hẹn cho một khởi đầu mới.
Nhưng hôm sau tôi về nhà thì thấy một bức thư của Jane trên bàn bếp. Xà bông và mĩ phẩm của nàng trong phòng tắm đều đã biến mất. Tủ quần áo của nàng rỗng không. Tôi ngồi trên giường, một mình trong căn phòng với chiếc cũi trẻ con bị tháo rời. Tôi nói to, “Tối hôm qua với Tara chẳng có gì hết ngoài việc nói lời chia tay, kết thúc rồi, và cô ấy dường như còn không thèm quan tâm.”
Sáng hôm sau, lúc đi bộ tới một chỗ có phần hoang vắng trong khu vực, tôi phát hiện ra một chiếc ô tô có một dấu hiệu hình vuông màu đỏ trên nóc: “Xe tập lái.” Trên ghế tài xế là xơ Elba mặc đầy đủ lễ bộ với vẻ tự tin đáng ghen tị. Có vẻ bà ấy đang cười khi lái ngang qua.
Tôi bắt tàu điện ngầm tới mạn Upper West và đi bộ qua công viên Trung tâm xuống sở thú. Một hướng dẫn viên sở thú đang giải thích một số chuyện cho một nhóm học sinh ở khu quây nhốt chim cánh cụt. Chim cánh cụt hoàng đế là độc nhất vô nhị trong tự nhiên. Sau khi chim mái đẻ trứng, nó đi vào lãnh nguyên để tìm thức ăn. Con trống ở lại ấp trứng, bảo vệ, canh gác trứng cho nó trong bốn tháng, mất nửa số cân nặng và gần như chết cóng trong quá trình đó.
Tôi mong được thấy điều xơ Elba tả. Tôi muốn có thêm hiểu biết. Nhưng tất cả những gì tôi thấy là một đám chim cánh cụt sống cuộc đời chim cánh cụt của mình.
Trương Thị Mai Hương (Dịch)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...