Xin lỗi, nhanh lên!
VNTN - Gần 7 giờ tối, Milton Benia buông rèm cửa phòng khách và châm điếu thuốc thứ mười bốn trong ngày. Anh nhấc điện thoại lên, ngập ngừng rồi đặt nó vào chỗ cũ. Anh lo lắng đứng dậy và đi đi, lại lại trong phòng.
“Bố ơi, sao tối om om thế?”, cô con gái bảy tuổi hỏi anh.
Milton phả ra một làn khói thuốc dài.
“Về phòng đi!”, anh nói giọng cục cằn.
“Con sợ lắm. Trời tối quá.”, cô con gái lại nói.
Milton lấy cây nến trên tủ, thắp nó lên rồi đưa cho con gái.
“Con đừng sợ.”, anh xoa đầu con và dắt cô bé ra hành lang. “Đi đi! Hãy về phòng của con và chờ bố nhé.”
Cô con gái cầm cây nến và vẫn chần chừ, do dự.
“Bố ơi, bố có đến phòng con không?”
“Tất nhiên rồi, chờ bố nhé”, anh trả lời.
Cô con gái chậm rãi bước qua hành lang và trở về phòng mình. Milton đóng cửa phòng khách rồi nhấc điện thoại lên, bấm số.
“Alô, ai đấy ạ?”, anh thì thầm.
“Anh đang tìm ai vậy?”
“Mẹ ơi, là con đây. Con vừa mới đóng cửa phòng xong.”
“Con trai, con vừa nói gì vậy? Mẹ nghe không rõ. Điện thoại có vấn đề trục trặc rồi. Mẹ nghe không rõ lắm.”
“Mẹ và con đều bình tĩnh một chút.”
“Con nói to hơn một chút nào! Mẹ không hiểu tại sao con phải di chuyển đến sống ở khu đầm lầy? Đường dây điện thoại đã bị chập mạch rồi.”
“Mẹ có nhớ những gì con nói hôm qua không?”
“Con ơi, mẹ rất lo lắng. Mẹ không muốn con sống ở đó, quá xa xôi! Quá cô đơn!”
“Ở đây không có ai làm phiền chúng con cả.”
“Con ơi, con hãy trở về đi! Enrigueta đang ở đâu rồi?”
“Cháu nó đang trong phòng ngủ.”
“Thế còn cô giúp việc?”
“Mẹ ơi, cô ấy bỏ đi rồi.”
“Thế sao con lại không thông báo cho mẹ biết? Chỉ có con và Enrigueta ở với nhau thôi à?”
“Vâng, con đã nói với mẹ rồi.”
“Con hãy nghe mẹ trở về ngay đi!”
“Không, mẹ ơi, đây là nơi con nên ở lại, không ai có thể đưa con đi.”
“Con ơi, mẹ không có ý này, mẹ nói là con nên sống với mẹ.”
“Không được đâu mẹ ạ.”
“Nhưng ở đó đã bị cắt nước và cắt điện rồi, sống ở đó thật nguy hiểm. Con ơi, mẹ xin con, hãy nghe lời mẹ đi con. Con nên về nhà.”
“Mẹ ơi, chào mẹ, con phải cúp máy đây.”
“Con ơi, alô… alô!”
Người mẹ già nghe thấy tiếng kêu “lách cách” trong điện thoại. Con trai bà đã cúp máy. Vì vậy, bà quay số khác.
“Alô, có phải là Marina không?”
“Vâng, bà là ai vậy?”
“Tôi là Edmila.”, bà lão nói cao giọng. “Tôi lo lắng quá, tôi không biết phải làm gì bây giờ. Milton bỏ cô giúp việc rồi. Nó ở nhà với Enrigueta.”
“Lại còn như thế nữa à?”
“Sau chuyện bức tranh ấy, tôi nghĩ con trai tôi không hoàn toàn bình thường. Làm sao nó có thể sống trong tối tăm với một cô con gái mới bảy tuổi chứ? Ngoài ra, nó tỏ ra hay cáu kỉnh trong mấy ngày nay.”
“Ai?”
“Milton.”
“Ồ, bà có cho cậu ấy biết bác sĩ gọi điện thoại nói cậu ta bị bệnh không?”
“Có. Tôi lo lắng quá bà Marina ạ, liệu có phải nó phát điên không?”
“Bà có biết rằng cậu ấy mang theo vũ khí hay không?”
“Tất nhiên, nó luôn mang súng bên mình.”
“Hãy nhanh nhanh gọi điện cho bác sĩ và nói với ông ấy về khẩu súng đi. Ông ấy có thể cho bà biết phải làm gì. Sau đó, bà gọi lại cho tôi nhé.”
“Bà không thể lái xe đi thăm nó hay sao?”
“Đi ngay bây giờ? Đến đầm lầy ấy à?”
“Vâng, bà Marina ạ, nếu không thì sẽ có chuyện gì đó xảy ra đấy.”
“Nhưng mà cậu ấy sẽ đuổi tôi đi. Tôi lấy cớ gì mà đến?”
“Bà nói rằng tôi đã nhờ bà đến.”
“Tốt hơn là gọi điện cho bác sĩ trước. Bà có thể là đã quá lo lắng đấy.”
Bà lão bắt đầu tìm số điện thoại của ông bác sĩ trong cuốn sổ tay của mình. Bà nhớ hình như là đã chép trên một trang giấy.
“Tôi không tìm thấy số điện thoại.”, bà nói.
“Bà hãy bình tĩnh lại”, người ở đầu dây điện thoại bên kia nói. “Bây giờ tôi sẽ cúp điện thoại trước. Khi bà tìm thấy số điện thoại rồi thì hãy gọi cho bác sĩ ngay và gọi lại cho tôi.”
Cả hai cùng cúp điện thoại. Bà lão vẫn không thể tìm thấy mảnh giấy ấy. Vì bị bệnh viêm khớp từ hơn mười lăm năm trước, bà phải ngồi trên xe lăn. Đôi chân bà yếu ớt, khẳng khiu. Bà xoay chiếc xe lăn ra giữa phòng khách một cách thuần thục và tìm cuốn sổ thường để ghi danh bạ điện thoại. Cuối cùng, bà tìm thấy số điện thoại của bác sĩ và quay lại cầm ống nghe lên.
“Alô, alô, ông là bác sĩ Louis phải không?”
“Xin bà vui lòng chờ một lát.”
Bà lão đợi chừng một, hai phút rồi yêu cầu bác sĩ rời phòng khám để gặp mặt. Bà biết rằng, bác sĩ thường làm việc rất khuya, vì có một lần con trai bà có hẹn gặp bác sĩ vào lúc 9 giờ tối.
“Alô, ai gọi đấy?”, giọng một người đàn ông hỏi.
“Bác sĩ Louis, tôi là mẹ của Milton Benia. Nó là bệnh nhân của ông. Thưa bác sĩ, xin lỗi, tôi làm phiền ông vì tôi nghĩ con trai tôi bị bệnh rồi. Mấy ngày hôm nay nó luôn cáu giận. Bây giờ nó đang sống trong ngôi nhà ở khu đầm lầy với cháu gái tôi, nơi ấy rất tối tăm. Tuần trước, nó xảy ra một chuyện, tôi sợ nó sẽ phát điên.”
“Tuần trước cậu ấy đã xảy ra chuyện gì vậy?”
“Thưa bác sĩ, đó là chuyện một bức tranh.”
“Ồ, là chuyện ấy à. Vâng, tôi hiểu rồi, để anh ta ở một mình thì không được đâu.”
“Thưa bác sĩ, tôi phải làm sao bây giờ?”
“Bà đã gọi điện thoại cho cậu ấy rồi phải không?”
“Gọi rồi, con trai tôi nói mọi thứ đều ổn. Nhưng tôi nghĩ hơi lạ khi nó nói trong điện thoại câu này.”
“Anh ấy đã nói gì?”
“Nó nói là phải rời xa tôi.”
“Được rồi, bà để tôi suy nghĩ đã. Gần đây cậu ấy có khi nào về thăm bà không?”
“Trước đây một tuần, thưa bác sĩ, tôi cảm thấy thật tuyệt vọng, liệu có phải gọi cảnh sát không?”
“Đợi một chút. Tôi sẽ gọi cho bà.”
“Thưa bác sĩ, liệu con trai tôi có phát điên không? Nó có vũ khí trong tay đấy bác sĩ ạ.”
“Tôi sẽ nói chuyện với cậu ấy trước, sau đó tôi sẽ gọi cho bà ngay.”
Bà lão cúp điện thoại và bà bắt đầu di chuyển chiếc xe lăn vòng quanh trong phòng khách. Bà nhìn đồng hồ đeo tay. Đã 7 giờ 20 tối. Một lúc lâu đã trôi qua. Tiếng chuông điện thoại reo lên. Bà nhanh chóng đến gần chiếc điện thoại và nhấc ống nghe.
“Tôi là bác sĩ Louis, thưa bà. Tôi vừa nói chuyện với con trai bà. Xin hãy nói cho tôi biết, bà có người thân nào đến đó không?”
“Làm sao vậy? Chuyện gì đã xảy ra thế?”
“Không có gì, không có gì. Nhưng tốt nhất là không nên để anh ta ở đó một mình. Không phải là hôm nay tôi mới nói, thực sự là tôi nghĩ rằng, trong thời gian này cậu ta không nên sống một mình, càng không nên mang theo vũ khí.”
“Con trai tôi có điên không? Trước Chúa, xin ông vui lòng cho tôi biết đi!”
“Thưa bà, bà có người thân thích nào có thể giúp đỡ bà không?”
“Có một bà bạn sẽ đến gặp con trai tôi. Có phải gọi cảnh sát cho tốt hơn không?”
“Bạn của bà có thể để người khác đi cùng không?”
“Tôi đã gọi điện cho cảnh sát rồi.”
“Tôi đi với bà bạn ấy của bà. Xin vui lòng cho tôi biết số điện thoại của bà ấy.”
Bà lão đọc số điện thoại cho ông ta.
“Bà đợi một chút nhé. Tôi sẽ đi với bà ấy sau nửa giờ nữa.”
“Nhưng thế thì sẽ quá muộn.”
“Tôi sẽ cố gắng đi sớm hơn.”
Bà lão cúp điện thoại. Chuông điện thoại lại reo lên.
“Bà là Edmila phải không?”
“Bà Marina, xin lỗi bà, trước tiên bà hãy cúp điện thoại đi. Tôi vừa nói chuyện với bác sĩ rồi. Tôi nghĩ Milton bị điên rồi. Làm ơn cúp điện thoại đi, vì bác sĩ sẽ nói chuyện với bà ngay bây giờ.”
“Được rồi. Nhưng có thể Milton có mang theo vũ khí. Cậu ta sẽ bắn vào chúng tôi.”
“Bà Marina, hãy cúp điện thoại đi. Nhờ bà đi với bác sĩ một chuyến được không?”
“Tôi nghĩ rằng nên gọi cho cảnh sát.”
“Bà Marina này? Tôi xin bà, bây giờ đã là 8 giờ rồi.”
“Bà Edmila, trước hết bà hãy gọi cho tuần cảnh đã. Sau đó bà gọi cho Milton để đánh lạc hướng nó. Bà nói chuyện với nó một lúc. Bà chỉ cần nói với nó một chuyện gì đó và cố gắng kéo dài thời gian.”
“Được rồi.”
Bà Edmila cúp điện thoại và bấm số của Milton một lần nữa. Trong điện thoại không nghe thấy có âm thanh. Bà lão nghĩ, liệu mình có nhầm số điện thoại không? Bà lại quay số.
“Alô?”
“Enrigueta đấy hả cháu? Cháu ơi, cháu có khỏe không? Bố của cháu đâu rồi?”
“Bố cháu đang ở trong phòng của cháu.”
“Bố cháu đang làm gì vậy?”
“Bố cháu không làm gì cả.”
“Làm sao mà lại không làm gì cả? Bố cháu thế nào?”
“Bố cháu đang ngồi. Đang cho cháu đọc một câu chuyện nhỏ.”
“Enrigueta, cháu nhanh đi gọi bố cháu đi.”
Bà lão chờ đợi. Một lúc lâu đã trôi qua, bà lão nghe tiếng “lách cách” trong điện thoại. Bà nghĩ bụng: Điện thoại đã bị treo máy rồi... Cái điện thoại chết tiệt, luôn bị trục trặc thôi, mà chuyện muốn nói thì chưa xong. Bà lại nhấc điện thoại lần nữa, nhưng nó lại báo bận. Ngay khi bà vừa buông tay, chuông điện thoại lại reo.
“Ai đấy?”
“Bà Edmila, bác sĩ chưa gọi điện cho tôi. Bà cho tôi biết số điện thoại của ông ấy đi, tôi sẽ gọi cho ông ấy.”
“Bà hãy chờ nhé, được, tìm được rồi. Xin lỗi, bà hãy nhanh lên một chút.”
“Bà đã gọi điện thoại cho cảnh sát chưa?”
“Tôi sẽ gọi lại ngay bây giờ. Nhưng tôi hơi lo lắng, liệu nó có tức giận khi nhìn thấy cảnh sát không?”
“Có thể cậu ta sẽ bắn vào chúng tôi chăng?”
“Tôi không nghĩ vậy. Tôi vừa nói với Enrigueta. Con bé nói rằng bố nó đang cho nó đọc truyện. Tôi sẽ gọi lại cho bố nó ngay bây giờ.”
“Bà Edmila, hãy gọi cảnh sát trước đã.”
“Nhưng tôi nghĩ bà và ông bác sĩ nên đến trước thì tốt hơn.”
“Đầm lầy ở quá xa đây. Tôi không biết ông bác sĩ sẽ mất bao lâu mới tới. Tại sao bà không để bác sĩ tự đi?”
“Vì ông ấy không biết đường đến đầm lầy. Nhưng bà thì đã biết chỗ ấy.”
“Được rồi, tôi sẽ gọi cho ông bác sĩ.”
Marina cúp điện thoại. Edmila lại quay số lần nữa. Điện thoại lại báo bận. Ông ấy không cúp máy à? Bà nghĩ. Bà vẫn cố gọi và lại nghe thấy âm thanh báo bận khắc nghiệt kia. Bà mở danh bạ điện thoại để tìm số của trung tâm cấp cứu.
“Alô, xin lỗi, có chuyện rất gấp, rất cấp bách.”
“Xin vui lòng nói cho tôi biết, đó là chuyện gì vậy?”
“Thưa cô, con trai tôi bị điên. Nó ở với con gái trong ngôi nhà tối tăm và có một khẩu súng trong tay. Xin lỗi, xin các cô hãy đến đó thật nhanh. Có thể xảy ra một thảm họa.”
“Thưa bà, đợi một chút. Tên bà là gì ạ?”
“Edmila Quintana.”
“Anh ấy đang sống ở đâu?”
“Thưa cô, con trai tôi đang sống trong đầm lầy, xin lỗi, đừng chậm trễ nữa. Đây là vấn đề giữa sống chết.”
“Thưa bà, bà nên gọi điện cho đồn cảnh sát Marsh. Họ có thể đến đó nhanh hơn.”
“Số điện thoại như thế nào?”
“Xin vui lòng chờ trong giây lát.”
Bà Edmila nhìn đồng hồ đeo trên tay. 8 giờ 1 phút. Những người này có thể là ngu ngốc! Luôn luôn có đức tính này, bà nghĩ một cách giận dữ.
“Thưa bà, xin vui lòng ghi lại ạ.”
Cô gái đọc cho bà hai số điện thoại. Edmila nhấc điện thoại và ngay lập tức bấm số. Điện thoại báo bận. Tôi có thể làm gì bây giờ đây? Marina chắc đã gọi điện cho bác sĩ rồi. Lúc này họ phải ở trên đường rồi. Sẽ mất thêm nửa giờ mới tới đầm lầy. Bà nghĩ vậy rồi lại cố gọi một cuộc gọi khác.
“Alô?”
“Bà muốn tìm ai?”
“Thưa ông, tôi đang rất vội. Con trai tôi bị điên, nó có súng, nó sẽ giết cháu gái tôi.”
“Bà là ai?”
“Tôi là mẹ nó, đồ ngu.”
“Ồ, thưa bà, bà đừng trách mắng thế.”
“Ông hãy lắng nghe tôi, nếu ông không bắt đầu ngay lập tức, sẽ có một thảm kịch xảy ra.”
“Nhưng, thưa bà, tôi không hiểu bà nói gì. Bà có thể giải thích cho tôi những gì đang xảy ra không?”
Bà lão thở dài thườn thượt.
“Thưa bà? Thưa bà? Bà nói đi.”
“Con trai tôi sống ở số nhà 315, khu dân cư thứ hai của thị trấn Floresta. Xin lỗi, nhanh lên đi.”
“Nhưng, để làm gì?”
“Nó đang ở trong nhà và có một khẩu súng trên tay.”
“Được rồi, thưa bà. Bà có thể giải thích cho tôi, tại sao bà nói rằng anh ta bị điên?”.
“Bởi vì bác sĩ đã nói với tôi như thế. Thêm nữa là nó đang có một khẩu súng trên tay. Tôi vừa mới nói chuyện với nó qua điện thoại xong. Nó bảo với tôi là nó phải giết con gái của mình rồi tự sát.”
“Bà hãy nhắc lại địa chỉ của anh ấy cho tôi.”
Bà Edmila nói lại.
“Các anh sẽ đi ngay lập tức phải không?”
“Hiện giờ chúng tôi không có xe tuần tra, nhưng chúng tôi sẽ sử dụng máy để liên lạc tới đó và sẽ không mất đến vài phút để tới đó.”
“Được rồi, cảm ơn.”
Bà lão cúp điện thoại. Đồng hồ chỉ lúc 8 giờ 30 tối. Bà lại nhấc điện thoại lên. Sau khi quay số, bà nghe thấy tiếng nhạc chuông bình thường.
“Alô?”
“Có phải Enrigueta đấy không? Cháu ơi, bố của cháu đang ở đâu?”
“Bà ơi, bố cháu ngủ say rồi.”
“Cháu có chắc chắn không?”
“Bố cháu đang ngáy.”
“Thật kỳ lạ!”. Bà lão lặng im suy nghĩ.
“Này cháu, hãy nghe bà nói, bà muốn nói với cháu một việc quan trọng vô cùng.”
“Bà ơi, cháu đang nghe đây.”
“Đừng sợ. Cháu phải làm theo lời bà một cách tỉ mỉ. Cháu có hiểu không?”
“Cháu hiểu rồi ạ.”
“Bố cháu có một khẩu súng lục?”
“Vâng.”
“Súng đang để ở đâu?”
“Bà ơi, khẩu súng đã không còn ở đây nữa.”
“Chuyện gì đã xảy ra vậy?”
“Tuần trước bố cháu bảo phải bán khẩu súng vì không có tiền để tiêu. Bố cháu lấy khẩu súng ra khỏi ngăn kéo và bán cho ông Martinez, hàng xóm của nhà cháu.”
“Cháu có thấy bố cháu đưa súng cho người ta không?”
“Có thấy ạ, lúc ấy cháu đang đứng ở đó.”
“À, hiểu rồi.”
“Bà ơi, sao bà lại hỏi thế?”
“Không có gì, không có gì đâu, cháu ạ. Cháu nghe này, có người sẽ đến gặp bố cháu. Khi họ đến đó, cháu ra mở cửa nhé. Cháu có hiểu không?”
“Cháu hiểu ạ.”
“Chào cháu nhé.”
Cô bé cúp máy và bước về phòng ngủ của mình. Bố cô đang ngồi trên ghế sofa và không còn ngáy nữa. Bố cô há hốc miệng. Anh ta đã đặt một cốc nước ngọt trên bàn cạnh giường ngủ để cho con gái. Trước đó, cô bé đã trông thấy bố nó bỏ mấy viên thuốc vào trong cốc, nó từ từ uống cạn những gì trong cốc. Cô bé lên giường đi ngủ. Đây là những lời bố cô nói trước đây: Trước tiên hãy uống nước ngọt và sau đó đi ngủ nhé. Cô bé sẽ có một giấc mơ đẹp và dài mãi mãi.
Phạm Thanh Cải
(Dịch theo bản tiếng Trung)
Truyện ngắn. Bilaer Tukeyi (Peru)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...