Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
15:49 (GMT +7)

Xem phong thủy

VNTN - Có một vị đạo sĩ đi khuyến giáo, giữa đường khát nước vô cùng nhưng tìm xung quanh không chỗ nào có nước. Phải vất vả lắm ông ta mới đến được một thôn nhỏ và nhìn thấy một thanh niên đứng dưới gốc cây hòe đầu thôn hóng mát.

Vị đạo sĩ mồ hôi ròng ròng đến trước mặt người thanh niên hỏi: “Người anh em, trong nhà có nước không?”.

Người thanh niên ngẩng đầu nhìn thấy dáng vẻ tiều tụy của vị đạo sĩ, vội mời ông ta vào nhà: “Trong nhà tôi có một ang nước mưa, mời ông vào uống”. Nói xong dẫn người đạo sĩ vào trong nhà.

Vị đạo sĩ vừa nhìn thấy nước liền múc một gáo đầy đưa lên môi định tu một hơi cho đã nhưng ngay lúc đó, có ông lão từ nhà trong đi nhanh ra bỏ vội một nhúm cám vào cái gáo nước.

Vị đạo sĩ rất bực nhưng không dám nói gì, đành phải vừa thổi cám vừa uống từng ngụm nước nhỏ. Uống xong gáo nước, giải được cơn khát chết người, vị đạo sĩ ngồi xuống cảm ơn chủ nhà: “Gáo nước đã cứu được mạng sống của tôi, xin nhớ ơn này suốt đời. Bần đạo biết xem phong thủy, nếu ông lão không ghét bỏ, tôi có thể chọn cho ông một chỗ đất tốt để nhà này đời đời kiếp kiếp được hưởng phúc”.

Ông lão nói: “Từ lâu tôi đã có ý này nhưng chưa tìm được thầy giỏi. Nếu ông biết xem phong thủy thì nhà tôi hôm nay gặp may rồi”.

Vị đạo sĩ cười ha ha: “Cũng xem như là chúng ta có duyên với nhau!”.

Lúc đó cũng đã trưa, ông lão ngỏ ý mời vị đạo sĩ ăn cơm trưa cùng với gia đình, vị đạo sĩ nói: “Nên đi xem chỗ đất tốt đã sau đó ăn cơm cũng không muộn”.

Ông lão nói: “Vậy thì tôi nghe theo lời của ông”.

Hai người đến một sườn núi, vị đạo sĩ quan sát xung quanh, sau đó chỉ tay ra phía trước, hỏi: “Chỗ thung lũng kia là chỗ đất tốt, có thể sử dụng được không?”.

Ông lão nói: “Chỗ ấy cũng là đất của nhà tôi nên đương nhiên là có thể tùy ý sử dụng”.

Vị đạo sĩ nói: “Vậy thì chúng ta đến đó xem cụ thể đi!”.

Ông lão men theo con đường nhỏ đi trước dẫn đường. Đến nơi, vị đạo sĩ tỉ mỉ xem xét thấy có năm ngọn núi vây xung quanh thung lũng thì đắc ý nghĩ thầm: “Cái ông lão đáng ghét này, uống của ông có gáo nước mà ông còn gây khó dễ, đúng là trời đất báo ứng, chọn chỗ đất này để táng tận lương tâm của ông! Thiện có thiện ứng, ác có ác báo, thời cơ có rồi!”.

Vị đạo sĩ hoa chân múa tay giọng huyênh hoang: “Chỗ thung lũng này vô cùng tốt, nếu đặt mồ mả ở đây nhà ông sẽ sớm được hưởng phúc. Đất đẹp thế này mà không biết thật đáng tiếc, đáng tiếc!”.

Ông lão nói: “Nhà tôi mấy đời nay đều nghèo khó không có tiền để mời thầy giỏi”.

Vị đạo sĩ nói: “Tuổi ông cũng đã cao rồi, nên đặt ở chỗ này một phần mộ và nhanh chóng đem mồ mả của ông cha và bà lão nhà ông về đặt ở đây, không đến ba năm nữa nhà ông sẽ được thịnh vượng”.

Ông lão mỉm cười nói: “Vậy đạo sĩ điểm huyệt cho chỗ đặt đi, gia đình tôi sẽ không bao giờ quên ông”.

Vị đạo sĩ nói: “Đến lúc đó tự ông sẽ nhớ đến tôi”.

Ngay từ hôm sau, ông lão đem hết mồ mả của gia đình đặt vào thung lũng. Đúng là không đến ba năm gia đình ông dần dần phát tài. Năm đầu tiên mua được một mẫu đất, năm sau con dâu có thai sinh được cháu trai đích tôn và sau đó làm được nhà cửa khang trang to đẹp, cuộc sống của gia đình êm ấm, sung túc. Ông lão cười ha hả suốt ngày, lúc nào cũng nhớ đến ân đức của vị đạo sĩ, ông luôn nhắc nhở con cháu nếu có dịp gặp lại vị đạo sĩ phải báo đáp ân đức của ông ta.

Dăm năm sau, vị đạo sĩ lại có dịp đi qua thôn của ông lão, ông lão nhìn thấy vị đạo sĩ vội mời vào nhà. Hôm đó gia đình ông lão tiếp đãi vị đạo sĩ rất nhiệt tình.

Vị đạo sĩ nhìn thấy gia đình ông lão giàu có, con cháu đầy nhà trong lòng không khỏi ngạc nhiên nên lại yêu cầu ông lão đưa mình ra chỗ đặt mồ mả xem lại một lần nữa. Khi ra đến nơi vị đạo sĩ giật thót mình: nguyên trước kia chỗ đất đó nhìn thấy ngũ hổ bắt dê, nếu đặt mồ mả vào thì người mất nhà tan, nhưng bây giờ không biết vì sao lại trở thành ngũ rồng vờn ngọc thành nơi phong thủy bảo địa? Vị đạo sĩ không nhịn được hỏi: “Ông lão, vậy ông có nhớ hồi đó tôi đến nhà ông tình cảnh như thế nào không?

“Ông lão cười nói: “Làm sao mà tôi quên được? Lúc đó ông khát nước đến mức tiều tụy, ông mới từ ngoài trời nóng vào, sợ ông khát quá mà uống ngay cả gáo nước thì thủy hỏa xung khắc công tâm rất dễ sinh ra bệnh cho nên tôi mới vội nhón nhúm cám bỏ vào cái gáo để cho ông phải uống từ từ”.

Nghe ông lão nói vị đạo sĩ mới tỉnh ngộ, ông ta quá hối hận vội quỳ xuống trước mặt ông lão vừa rập đầu vừa nói: “Ông thật là một người tốt, tôi có mắt mà như mù!”.

Ông lão không làm sao hiểu được.

Chỉ thấy vị đạo sĩ ngẩng đầu giơ tay lên trời lẩm bẩm: “Trời cao có mắt! Đúng là trời cao có mắt!”.

Truyện ngắn. Vương Vĩnh Hà  (Trung Quốc)

Nguyễn  Thiêm (dịch)

Dịch từ Internet  故 事 中 国  Storychina.cn 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bí mật về ông chủ Cornille

Văn học nước ngoài 2 ngày trước

Chiếc tù và

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Anh ở đâu, tình yêu của em?

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Con hổ nhà thơ

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Cái chết đến cùng với sự thừa kế

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kỳ nghỉ trăng mật

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Nạn châu chấu ở vùng Sahel

Văn học nước ngoài 1 tháng trước