Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
08:08 (GMT +7)

Vết thương lòng

Mười lăm năm biến đổi một đứa trẻ bảy tuổi nhiều hơn là người bốn mươi tuổi; tôi nhận ra ông ấy nhưng ông ấy thì không. Ông ấy đi cùng hai người khác cùng tuổi, cùng khỏe mạnh như nhau. Họ không phải người leo núi nhưng trông có vẻ đủ sức leo thác. Có thể họ đã đi bộ một quãng đường dài trước khi tới được vách núi, và giờ khi nghỉ giải lao, họ thấy ngạc nhiên.

Thật là một khung cảnh ngoạn mục. Hầu hết mọi người khi đã đi bộ qua vùng đầm lầy men theo con suối, rẽ qua khúc cong, nghe thấy tiếng rít lên của nó và vách núi hiện ra trước mắt, lúc đó họ hít một hơi thật sâu. Đó là một hẻm núi khổng lồ bằng đá vôi chìa ra với một thác nước trút xuống con suối.

Chúng tôi nói với nhau vài lời. Họ nhìn tôi một lúc. Tôi đang đặt mấy cái móc mới vào chỗ tầm tay với dưới thấp của những vỉa đất mới trồi ra cho người mới tập tành leo núi đến để tham gia các khóa và chương trình phiêu lưu ngoài trời. Toàn là mấy thứ dễ làm nhưng bạn phải cẩn thận. Tôi giải thích với mấy đứa trẻ rằng chú ý luôn là điều quan trọng nhất. Nó có sự thông minh, như loài chim vậy. Thường thì tôi có thể trỏ sang một con gần đó, nó thận trọng, ý thức được xung quanh, đầu ngẩng cao, để mắt tới chúng tôi và mọi thứ trong khi làm công việc của mình. Đó có thể là một con chim sẻ bay như tên bắn vào rồi ra khỏi thác nước hay có thể là một con vịt mẹ bơi trên dòng suối, sau lưng nó là đàn con ngụp lặn. Lũ trẻ lúc nào cũng thích ngắm chúng. “Các cháu nhìn thấy mấy con?” tôi hỏi. Chúng đếm vịt. “Các cháu quên con mẹ rồi,” tôi nói. Việc tôi đang làm không thực sự thú vị cho lắm, nhưng những người ra ngoài đi dạo ngày chủ nhật thấy người ta mang theo đủ thứ đồ đạc và dây thừng lại thích xem. Ông ấy nhìn tôi tới lui với vẻ thân thiện, không một kí ức nào thoáng qua. Nhưng tôi biết ông ấy. Tôi có giữ lại bức ảnh trên báo.

“Nó cao bao nhiêu?” ông ấy hỏi.

 

“100 mét,” tôi nói, rồi nói thêm, “gấp bốn lần chiều dài bể bơi.”

Họ cười thầm nhưng ông ấy không biểu hiện gì hết. Họ bắt đầu leo lên thác nước.

Tôi bảo họ, “Cứ từ từ. Một khi đã lên được rồi thì mọi người có thể đi dọc theo đỉnh thác tới một cái vũng và vào làng. Trên đó khá gió đấy. Đừng đi quá gần rìa thác.

Tôi quan sát họ. Hai người kia khá vững vàng, di chuyển nhanh nhẹn và chẳng mấy chốc đã lên được tảng đá lớn đầu tiên. Ông ấy mới chỉ leo được mấy mét và sau khi lóng ngóng chụp một bức ảnh mà không thấy là những người kia đã lên tới đó, thế nên ông ấy ở bên dưới chỗ chìa ra trên vách đá và có vẻ không thể vượt qua nó nếu không dùng đến thiết bị.

“Nhìn đằng kia kìa!”

Hai người kia gọi và chỉ tay nhưng tôi có thể thấy ông ấy đang sợ xanh mặt, tay đặt vào chỗ này chỗ kia rồi lại vung ra. Ông ấy ngước lên nhìn tảng đá và nhìn xuống bàn chân mình rồi tụt xuống, lắc đầu. Ông ấy mất hết tinh thần rồi.

Mẹ tôi vốn sợ các anh trai sẽ làm tôi chết đuối. Cứ tới cuối tuần là họ lại nhảy ùm xuống và ngâm mình trong dòng sông, nhảy lộn mèo từ tấm ván nhún ở bể bơi hay vật nhau trong khi cõng nhau trong làn nước ngập tới ngực. Họ làm thế ở nơi có thể bắt chéo tay và chân để tạo thành một vòng xoáy xoay tròn trên mặt nước. Có lần tôi chìm xuống giữa hai người họ và không nổi lên. Họ nói tôi ngồi dưới đáy như một phi hành gia trôi nổi trong không gian. Mẹ lao xuống nước dù không biết bơi, kéo tôi ra khỏi nước mang lên bờ như con cá chết và hô hấp nhân tạo cho tôi sống lại. Sau đó mẹ gửi tôi đến chỗ ông ấy. Ông ấy huấn luyện các đội tuyển bơi lội và nhận dạy một nhóm trẻ muốn học. Chúng tôi được gọi là Vịt Con. Ông ấy cười và lắc đầu với bạn mình, “Các cậu đi tiếp đi. Gặp lại ở làng nhé. Tôi sẽ mang đồ uống vào.”

Họ phản đối và cố làm ông ấy đổi ý nhưng không được. Họ leo lên tiếp còn ông ấy chụp thêm hình. Thác nước có hai tầng. Khoảng đầu tiên từ đỉnh thác đổ nước vào một cái vũng khá sâu. Thi thoảng lại có vài người leo núi trẻ tuổi thích phiêu lưu cởi phăng đồ trên đỉnh hẻm núi và nhảy xuống như chim. Hai người này dừng lại để bày tỏ lòng ngưỡng mộ cái vũng và một người cúi xuống ném một viên cuội vào giữa.

Ông ấy là một huấn luyên viên kiên nhẫn và thẳng thắn. Lớp học của tôi diễn ra vào sáng thứ bảy. Đám Vịt Con tập ở đầu cạn của bể bơi. Ông ấy sẽ đứng qua một bên hét to và vung tay, ném phao vào, cầm một cái cọc giơ ra cho chúng tôi bơi theo nắm lấy nếu cần. Tôi thường phải nắm lấy nó. Mấy đứa trẻ kia nhanh chóng giống như các anh tôi; những con rắn mềm dẻo ngụp lặn trong làn nước rồi lại ngoi lên lấy không khí với vẻ tỉnh bơ. Tay chân tôi quay như chân vịt tàu thủy, cổ nghển lên để giữ cho đầu ở ngoài nước như một trái táo cắm vào một cái que. Ông ấy không để cho mấy đứa trẻ kia lấy tôi ra làm trò hề; chúng không được vứt tôi xuống hoặc bám vào tôi. Tôi cảm thấy khá an toàn.

Ông ấy có những quy định như không chạy trên bờ, không được phun nước vào nhau. Một khi chúng tôi đã xuống nước rồi thì có một quy định là không được ra khỏi nước mà không cho ông ấy biết. Ông ấy nói ông chỉ trông nom chúng tôi nếu chúng tôi ở dưới nước, vậy nên nếu biết được chúng tôi lên bờ thì ông ấy sẽ ném chúng tôi lại xuống nước. Đôi khi một đứa nào đó ra khỏi bể thế là ông ấy sẽ huých nhẹ nó bằng khuỷu tay cho nó rớt xuống lại, vờ như nhầm lẫn, sau khi nghe thấy tiếng nước văng tung tóe rồi thì quay lại và nói, “Ồ xin lỗi, thầy không thấy em ở đó!”. Mọi người sẽ hò reo và vỗ tay. Chúng thích thế. Chúng muốn ông ấy làm thế. Đôi khi có đứa lẻn ra vỗ lên vai ông rồi lẳng mình rơi đánh ùm xuống làm như bị ông đẩy vậy. Đó là một màn diễn: ông ấy, nước, cuộc bơi của chúng. Tôi thèm được vậy lắm.

Tới cuối khóa học Vịt Con, mấy đứa trẻ lớn hơn mang kính và đội mũ bơi sẽ bắt đầu xếp thành hàng dọc theo cạnh bể như mấy con thằn lằn đang đứng, sẵn sàng cho bài học khi dây phân làn được căng ra. Trong khi chờ mẹ đến đón, tôi nhìn chúng rẽ nước.

Họ leo lên tới đỉnh và hò reo vang dậy. Ông ấy vẫy tay và chẳng mấy chốc họ đã khuất tầm mắt đi dọc theo vách đá. Ông ấy quờ quạng trong đám đá nghiên cứu mớ cuội, lấy mấy cục bỏ vào túi. Rồi ông nhìn xuống tôi và nhún vai.

“Không phải hôm nay,” ông ấy nói. Ông nhìn lên hẻm núi, nhăn mặt và rồi nhìn tôi. Ông ấy đang xấu hổ.

Tôi bước ra ngay bên dưới ông ấy. Tôi quyết định xem xem có thúc ép ông ấy được không.

“Ông nên làm vậy,” tôi nói. “Ông làm được mà.”

Ông ấy ngạc nhiên.

“Tôi sẽ chỉ chỗ cho.”

“Ý cậu là sao?”

“Ông cứ lên đi rồi nghe tôi, tôi sẽ chỉ ra chỗ nào phải nắm vào và ông chỉ cần làm theo hướng dẫn thôi.”

Tôi nhấc tay lên ở tư thế sẵn sàng. Ông ấy cân nhắc. Tôi cứ tiếp tục.

“Tôi sẽ theo ngay đằng sau thôi. Mười phút sau là ông sẽ lên tới đỉnh ngay.”

Ông ấy gật đầu và quay mặt hướng vào vách đá.

Một hôm tôi đạp nước bơi về phía sợi dây thừng chăng ra chia cách chỗ cạn và chỗ sâu. Ông ấy đi bên cạnh. Với cái cọc, ông ấy nhấc sợi dây lên và bảo tôi cứ bơi tiếp, rồi ông nhún cái cọc xuống lại trước mặt tôi và cứ bước đi. Tôi tới được tới đầu bên kia bể bơi, chỗ sâu bên dưới tôi giống như một cái miệng và ông ấy bảo rằng tôi bơi được rồi.

Tôi hô to từng vị trí đặt tay chân và ông ấy làm theo hướng dẫn. Đá núi bị tảo bao phủ nên trơn trượt. Nó bao giờ cũng ướt nước. Vài chỗ đá yếu dễ bị lở ra. Tôi để ông ấy đi trước rồi theo sau. Chẳng mấy chốc ông ấy đã lên được tảng đá mòn đầu tiên. Ông ấy tin tôi.

Ngày thứ bảy tiếp theo đó chúng tôi có một lễ trao giải. Có một cái bàn nhỏ để tất cả các loại cúp và huy chương cho mấy đứa lớn trong đội bơi. Chúng tôi ngồi trên băng ghế để trên bờ, có ghế cho phụ huynh nữa. Mẹ tôi cũng ở đó cười toe toét khi ông gọi tên tôi lên nhận giấy chứng nhận bơi 25 mét. Tôi trèo qua đầu gối mọi người và phải mất một lúc lâu mới xong. Huấn luyện viên làm ra vẻ nghiêm trọng khi đưa tay lên trán chơi trò tìm tôi. Tôi tới sau lưng ông. Có tiếng cười khúc khích trong đám phụ huynh lúc tôi nhìn ông từ phía sau chờ đợi. Huấn luyện viên lại gọi tên tôi vờ như không để ý thấy. Ông đi tới trước, tôi theo sau và rồi tôi kéo đuôi áo vét của ông. Có người kêu lên, “Ối…” và rồi ông bước lùi lại. Tôi đứng cách ông vài bước chân, nghiêng người, và trong lúc bay xuống tôi nghe tiếng há hốc từ đám khán giả. Tôi cứ như một con sói đồng hoang trong phim hoạt hình lượn vòng trong không trung khi nó vừa mới nhảy ra khỏi vách đá. Cánh tay tôi đập điên cuồng để bay đi, lưng tôi cong lại. Đó là một màn biểu diễn tuyệt đẹp. Tôi rơi xuống bể bơi.

Tôi cho ông ấy nghỉ một chút. Ông vẫn lo lắng nhưng cố giữ tinh thần. Xung quanh không có ai hết. Mặt trời đang lặn dần, ngày sắp tàn. Sẽ không còn ai đi bộ qua nữa. Chúng tôi ngắm thác nước gầm lên.

“Cách tốt nhất là đi thẳng lên khoảng giữa.”

“Xuyên qua thác nước sao?”

“Lúc này dòng chảy không quá mạnh. Ông không sợ nước đấy chứ?”

Ông ấy lắc đầu. Tôi chờ ông bảo tôi rằng ông là huấn luyện viên bơi. Ông không làm vậy. Ông muốn rời khỏi tảng đá này.

Chúng tôi đi.

Ông bò sang một bên, đặt chân thật vững chãi, làm theo mọi điều tôi nói. Tôi nhìn thấy nỗi sợ của ông và khâm phục là ông vẫn tiếp tục, bởi vì tôi không đưa ông đi theo đường dễ. Nó không hẳn là nguy hiểm, nhưng không cần phải đi xuyên qua thác nước. Tôi cho ông ấy đi đường đó vì nó giống một cơn chấn động tinh thần hơn. Chúng tôi không dừng lại ở cái vũng vì ông ấy có động lực đi tiếp rồi. Ông ấy đang cảm thấy hăng hái và khỏe khoắn. Tôi quay lại nhìn xuống con suối và có thể nhìn thấy con vịt mẹ và đàn con đang nhấp nhô loanh quanh. Tôi nhắc vị trí, ông ngoan ngoãn làm theo và chúng tôi lên được tới đỉnh.

Ông ấy mệt lử nhưng tôi có thể thấy là ông hoan hỉ. Tôi quay đi để ông một mình. Đó là khoảnh khắc tuyệt diệu, là sự kết nối với cái vách đá cổ xưa và sức mạnh của thác nước. Tôi đi ra hơi xa một chút tới rìa thác nhìn xuống cái vũng. Từ đây xuống dưới đó là 25 mét. Tôi phóng mắt nhìn ra dải đất cao trong khi chờ ông ấy. Một con chim cắt chao liệng trên đầu chúng tôi.

Ông ấy theo tôi và cuối cùng tới sau lưng.

“Ông leo núi được rồi,” tôi nói.

“Cậu cho tôi dũng khí. Cậu quả là một huấn luyện viên giỏi. Cậu tên gì?”

Tôi nói và ông ấy nhận ra tôi, thấy kinh hãi và lùi lại một bước.

Bị lôi mạnh xuống dưới, phản xạ hốt hoảng, cảm giác dâng trào lên như thế này thật quen thuộc. Nó cứ như, “Lại là tôi đây.” Rộn ràng, âm vang một hồi trống chậm, có thứ gì đó nở ra trong lồng ngực tôi rồi chìm xuống, ngồi dưới đáy bể bơi trong chốc lát trong yên bình rồi lao vút lên mặt nước, một thước phim quay ngược, một người bơi cừ khôi. Đó là khoảnh khắc tuyệt diệu của tôi.

Tôi cắn trúng môi và những đám mây mỏng màu máu tỏa ra quanh mình. Sau đó có nhiều tiếng ầm ĩ. Người ta lao xuống bể bơi khiến cho nó náo động cả lên. Tôi cứ nảy lên mãi, tay đánh sầm vào mặt nước, nước xộc vào miệng tôi, tràn vào cái đầu và lồng ngực đã căng phồng của tôi.

Người ta lôi tôi lên bờ và vài phút sau, tôi phun ra toàn bộ số nước mình nuốt vào, cuối cùng tôi ngồi dậy và nói “Phù!”. Ai nấy đều cười nói nhẹ nhõm. Rồi huấn luyện viên nhìn qua phía tôi. Những khối cơ trên mặt ông nâng lên, ông đứng dậy, bay thẳng qua đầu tôi đánh ùm xuống bể bơi. Mẹ tôi đang ngồi dưới đáy như một phi hành gia. Tôi luôn nhìn thấy bà trong không trung như thế, trên một chiếc ghế bập bênh vô hình, tay bà vươn ra.

Báo chí viết, “Bi kịch ở bể bơi.” Huấn luyện viên rời khỏi thị trấn.

Ông ấy loạng choạng gần muốn ngã ngửa và tôi túm lấy ông. Ông đang choáng váng. Mắt ông đã tối sầm lại. Tôi ấn ông ngồi xuống và lấy một tấm chăn trong ba lô ra quấn người ông. Chúng tôi cứ thế nắm chặt tay nhau. Chúng tôi nhìn xuống cái vũng. Nước chảy ngoằn ngoèo và sủi tăm từ thác nước tuôn ào ạt. Xa xa, đám vịt con đã bơi xuôi dòng được thêm một đoạn ngắn theo mẹ mình.

Truyện ngắn. Jane Dotchin (Anh)

Trương Thị Mai Hương (Dịch)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Xổ số

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Chùm truyện cực ngắn Murakami Haruki

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kẻ không có khả năng bảo vệ

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Ngày mà Alfred tự tìm kiếm mình trên Google

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Ông bà nội tôi

Văn học nước ngoài 2 tháng trước

Bertha

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Truyện kể trong ngày của mẹ

Xem tin nổi bật 3 tháng trước