Về trận bom ở cầu Gia Bẩy
9 giờ 55 phút ngày 17 tháng 10 năm 1965 là ngày đầu tiên Hoa Kỳ không kích cầu Gia Bẩy, cũng là những quả bom đầu tiên ném xuống thành phố Thái Nguyên.
Bia tưởng niệm 15 chiến sĩ Đại đội tự vệ Khu Hoàng Văn Thụ hy sinh trong trận đánh ngày 17/10/1965 đặt bên đầu cầu Gia Bẩy. Ảnh: Đào Tuấn
Tính đến nay, sự kiện lịch sử ấy đã trôi qua năm mươi bảy năm rồi. Lớp bụi dày đặc của thời gian có lẽ đã ít nhiều nhạt nhòa trong ký ức người dân Thái Nguyên. Ký ức có thể mờ phai, nhưng một điều chắc chắn là không ai có quyền quên máu xương và nước mắt của quân và dân Thái Nguyên đã từng đổ xuống nơi đây để góp phần làm nên thắng lợi trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của toàn dân tộc.
Trong cuốn “Thái Nguyên lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 - 1975” do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên xuất bản ghi rất rõ: cầu Gia Bẩy là một chiếc cầu lớn nằm trên một tuyến vận chuyển có ý nghĩa chiến lược quan trọng cả về quốc phòng và kinh tế, nhưng do ta chưa nhận thức đầy đủ và đánh giá hết âm mưu đánh phá cầu Gia Bẩy của địch, nên tâm lý có phần chủ quan, tại khu vực đầu cầu còn tập trung nhiều cửa hàng dịch vụ (sửa chữa xe đạp, ăn uống…). Đồng thời, cũng do một nhận định sai, giặc sẽ đánh phá Khu Gang thép Thái Nguyên và Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn (Thái Nguyên) trước, nên các loại hỏa lực từ súng máy cao xạ 12,7 ly, 14,5 ly đều tập trung bố trí bảo vệ Khu Gang thép và Nhà máy Điện. Vì vậy, ta có phần bị động trước âm mưu này của địch.
Trận oanh kích ấy, tiếng còi báo động chưa kịp gióng lên thì tiếng bom đã nổ rền, khói đen mù mịt, không ít người đã ngã xuống trong trận bom bất ngờ. 20 phút sau đợt đánh thứ nhất, máy bay địch lại tiếp tục ném bom cầu Gia Bẩy lần thứ hai. Trong trận chiến ở cầu Gia Bẩy, quân và dân ta đã anh dũng đánh trả rất quyết liệt, đặc biệt trên đồi Két Nước (quả đồi ở đầu cầu), Trung đội 2, tự vệ Tiểu khu Gia Bẩy đã không hề nao núng trước sức mạnh của kẻ thù, nhằm thẳng vào máy bay địch mà bắn. Không may, một quả bom rơi trúng vào khẩu đội thượng liên làm cả khẩu đội hy sinh. Những chiến sĩ tự vệ còn lại vẫn anh dũng bám trận địa, tiếp tục chiến đấu.
Với tinh thần quả cảm, tuy ta khắc phục được một số thiệt hại nhưng nhìn chung vì còn thiếu kinh nghiệm phòng không nên chúng ta bị tổn thất rất nhiều. Cầu Gia Bẩy cơ bản bị phá hủy, không thể thông xe. Số thương vong lên tới 147 người, trong đó 71 người chết tại chỗ. Nhà cửa, cơ sở sản xuất, máy móc, ô tô… bị phá hủy nhiều.
Tất cả mọi thiệt hại về người và của trong trận bom đã được sử sách ghi lại rất khách quan, trung thực. Cho đến tận ngày hôm nay, trong tâm khảm của rất nhiều người dân Thái Nguyên, trận chiến cầu Gia Bẩy năm ấy vẫn còn vọng lại những ký ức khó phai mờ. Tuy nhiên, không hiểu sao, đây đó trong dân gian quanh thành phố Thái Nguyên bỗng lưu lại một câu chuyện hoàn toàn sai với sự thật. Có một số người kể lại, cũng có một số người tin rằng, sau trận bom lần thứ nhất, cá sông Cầu chết nổi đầy sông nên nhân dân quanh vùng thi nhau ra vớt cá, vì thế nên khi Mỹ quay lại ném trận bom thứ hai bị chết rất nhiều. Rất lạ là còn có một bài báo nhắc lại sự việc đầy phi lý này. Có thể nói đây là một tình tiết làm lệch lạc lịch sử. Tuy nhiên, để nói có sách mách có chứng, tôi đã phải lật tìm nhiều cuốn sách lịch sử đã xuất bản để tìm hiểu thêm. Đúng là sách sử không hề có một dòng nào về sự việc trên. Nhưng để có thêm nguồn tư liệu thực tế, tôi đã phải về gặp một người bạn học cùng lớp ở trường cấp III Lương Ngọc Quyến là anh Chử Văn Giao, hiện đang sinh sống tại số nhà 16 - 15, Khu đô thị Vinhomep Inperia, Thượng Lý, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng. Ngày ấy, Chử Văn Giao cùng gia đình làm nghề đánh cá trên sông Cầu.
Buổi sáng hôm giặc Mỹ oanh tạc Cầu Gia Bẩy, Chử Văn Giao đang đánh cá ở gần cầu Gia Bẩy. May mà thoát chết. Sau khi tôi ngỏ lời, Chử Văn Giao cười vang và nói rõ, anh là người chứng kiến từ đầu chí cuối cả hai trận bom không sót một chi tiết và chắc chắn là không có cái câu chuyện hoàn toàn hoang đường nói trên. Nhưng để thật chắc chắn, tôi tiếp tục tìm gặp ông Quản Văn Tại, một cán bộ Tiền khởi nghĩa, thường trú phường Quang Vinh, thành phố Thái Nguyên, là người từng có mặt trong trận bom ấy, và cũng được ông Tại khẳng định là không có việc đó. Vậy là đã hai năm rõ mười.
Thực ra trong đời sống, khó có thể tránh được những chuyện đồn thổi. Với những chuyện không quá quan trọng thì chỉ như một cơn gió thoảng qua, không gây hại nhiều. Nhưng đây lại là câu chuyện liên quan đến lịch sử, hơn nữa nó còn ít nhiều làm tổn hại đến danh dự của con người. Vì những lý do trên, tôi viết bài này, nhằm ôn lại một sự kiện chiến tranh đã qua và minh giải lại những điều chưa chính xác trong lịch sử và đời sống.
Hồ Thủy Giang
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...