Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
04:38 (GMT +7)

Về nhà mình

KỶ NIỆM 30 NĂM VĂN NGHỆ THÁI NGUYÊN XUẤT BẢN SỐ ĐẦU TIÊN (6/1991 - 6/2021)

VNTN - Chẳng rõ bằng cách nào, số đầu tiên của tờ Văn nghệ Bắc Thái ấy lại đến được với tôi đúng thời điểm cần thiết nhất. Lúc ấy, tôi, anh lính tò te, một tay viết văn tỉnh lẻ, còn đang ngợp giữa bầu không khí loáng choáng tạo bởi tinh thần sôi sục, ngạo mạn chen lẫn với thái độ của sự chênh vênh, tự ti. Mà không chỉ riêng cá nhân tôi, chắc chắn đó là tâm lí chung của đa số học viên khoá 4 trường viết văn Nguyễn Du khi ấy, những kẻ từ tỉnh lẻ tụ về đón nhận kiến thức hàn lâm để bắt đầu vỡ vạc nhận ra mình là gì.

 

Báo in truyện ngắn “Lam Chướng” của tôi, một truyện nhỏ bé, xinh xắn có độ ngắn theo đúng nghĩa đen của từ. Khỏi phải nói, tờ báo đã mang tới cho tôi cảm giác ấm lòng thế nào. Thậm chí hơn cả ấm lòng, nó cho tôi cảm giác của một chỗ dựa. Một cây bút trẻ, xa quê mà vẫn được nhớ tới, vẫn được ưu ái dành cho sự góp mặt trang trọng trong số báo lịch sử đầu tiên của Hội. Đó là lúc tôi thực sự nhận ra điều quan trọng: Thái Nguyên vẫn là tất cả đối với tôi, là chốn để tôi liều lĩnh bay lên và cũng sẽ là chốn hứng đón lúc tôi rơi xuống. Ngay khi đang viết lại những dòng này, tôi vẫn như ngửi rõ mùi ngai ngái của tờ báo, tuồng như nó hiện diện chỉ cách đây có ba tiếng đồng hồ chứ không phải cách đây 30 năm. Nếu gọi thật đầy đủ, thật trang trọng thì nó được in từ tháng 6 năm 1991 của thế kỷ trước. Nghe vời xa vì khoảng cách giữa hai thế kỷ, mà lạ thay, chẳng một chút mờ nhoè.

Nói vui, thì nhà văn là kẻ mang khát vọng trèo non, vượt bể để đi đến tận cùng thế giới, nhưng rốt cuộc rồi anh nào cũng lại lạc về đúng ngôi nhà của mình. Tôi đã thử trèo non, vượt bể, tôi ngừng gửi bài in ở Văn nghệ Thái Nguyên cả một thời gian dài đó. Tôi, tay nhà văn tỉnh lẻ mong chinh phục các ngọn núi lạ, theo những con sông cuốn đi xa tắp, thích gửi bài tới những tờ báo, tạp chí lớn hơn, kiêu mạn hơn. Nhưng rồi, một ngày không rõ ràng, giữa quãng ngừng nghỉ, đột nhiên có tiếng nhắc khe khẽ từ thẳm sâu ký ức, rằng mi từng có một nơi để xuất phát, đó là tờ Văn nghệ Bắc Thái. Tiếng nhắc ấy khiến bao nhiêu cảm xúc ùa về, nó đảo lộn trật tự hiện tại, biến cái tưởng nắm được lại hoá ra lỏng lẻo, hờ hững, cái tưởng mù mịt ngàn trùng lại gần gũi, sống động vô chừng. Với hiệu ứng ấy, tôi biết vậy là mình đã bước tới tuổi già. Dấu hiệu của tuổi già là tìm cách lân la kết thân lại với quá khứ, còn với tương lai thì ruồng rẫy, lạnh nhạt.

Bây giờ, mỗi khi có bài viết tâm đắc, tôi đều muốn gửi cho Văn nghệ Thái Nguyên trước tiên, nhưng luôn rụt rè. Rụt rè bởi thâm tâm thì háo hức, muốn quay về cái chốn đã từng cưu mang những con chữ trong sáng buổi đầu tiên của mình, nhưng kèm theo chút lo lắng có thể mình không còn phù hợp với không khí của một tờ tạp chí tươi mới, văn minh và hết sức cởi mở khoáng đạt này. Thế cho nên mỗi khi gửi vẫn phải đính kèm một dòng cho bạn mình, hỏi xem có dùng được không, có phù hợp không. Chẳng phải vì khiêm tốn vờ vĩnh, đấy là tâm lí thực.

Tôi tự nhận mình đích thị là nhà văn tỉnh lẻ. Cái lõi tỉnh lẻ vẫn bướng bỉnh ngự trị trong tâm khảm và chi phối toàn bộ sáng tác của tôi. Nó không cho bất cứ cái hang nào huyền hoặc hơn hang Dơi, không cho bất cứ ngọn núi nào cao hơn ngọn núi Hột, và không cho bất cứ địa danh nào linh thiêng, ma quái hơn Linh Sơn. Cũng chính cái lõi tỉnh lẻ ấy nhắc tôi cách hành xử lễ phép: Nếu có tờ Văn nghệ Thái Nguyên thì phải cầm lấy, mở tờ đó đầu tiên trước khi chạm đến những tờ báo khác, dù những tờ khác kia là báo trung ương hay quốc tế.

Đại tá - nhà thơ Nguyễn Bình Phương

Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy