Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
06:57 (GMT +7)

Văn xuôi Thái Nguyên và những nỗ lực không ngừng

VNTN - Có thể nói nhiệm kỳ 2013-2018 là một trong những nhiệm kỳ gặt hái nhiều thành công nhất của văn xuôi Thái Nguyên. Các tác giả đã cống hiến cho văn học tỉnh nhà và văn đàn cả nước một lượng sách đáng kể. Nhiều cuốn sách được các nhà lý luận phê bình văn học và độc giả đánh giá cao. Các tác giả văn xuôi Thái Nguyên đã nỗ lực không ngừng, sáng tác bằng sự đam mê và niềm yêu thích văn học, thể hiện khá toàn diện, nhiều mặt về đời sống xã hội, đưa đến người đọc những góc nhìn lạc quan, nhân văn và niềm tin yêu cuộc sống.

Chi hội đã tập hợp anh chị em văn nghệ sĩ đoàn kết và gắn bó cùng nhau tham gia các hoạt động của Hội và Chi hội. Tổ chức được các chuyến đi thực tế sáng tác tại: Thanh Hóa, Ninh Bình, thành phố Huế. Tổ chức trại sáng tác chung văn, thơ của Hội tại Thái Nguyên. Phối hợp tổ chức 4 cuộc hội thảo, giới thiệu ra mắt sách của các tác giả Hồ Thủy Giang, Phan Thái, Minh Hằng, Lê Thế Thành. Công bố tác phẩm và tặng tiểu thuyết “Tể tướng Lưu Nhân Chú” của nhà văn Hồ Thủy Giang cho các phòng giáo dục và trường học trong tỉnh. Với niềm say mê sáng tạo, nhiều hội viên còn chủ động tập hợp các nhóm và cá nhân đi thực tế tại nhiều huyện, thành thị trong và ngoài tỉnh.

 

Hưởng ứng Cuộc vận động sáng tác về Đại đội TNXP 915 Anh hùng, nhiều hội viên Chi hội đã đi thực tế đến các vùng quê hương của các TNXP để tìm hiểu tư liệu sáng tác.

Trong điều kiện văn hóa đọc của người dân có nhiều thay đổi, các tác giả vẫn miệt mài sáng tác nhiều thể loại văn học có chất lượng phục vụ bạn đọc. Trong 5 năm, các hội viên đã xuất bản tổng số 62 cuốn sách, (trung bình mỗi năm hơn 10 cuốn sách ra đời, một kỷ lục hiếm có của văn xuôi Thái Nguyên). Trong đó: 26 tiểu thuyết, 28 truyện ngắn và ký, 3 tác phẩm kịch, 2 tác phẩm dịch, 3 tác phẩm sách ảnh.

Hưởng ứng Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội 915 Anh hùng và xuất bản cuốn sách về Đại đội, nhiều tác giả đã đi thực tế đến các vùng quê hương của các thanh niên xung phong để tìm hiểu tư liệu sáng tác. Qua cuộc vận động, nhiều tác phẩm có chất lượng ra đời góp phần tái hiện hình ảnh, phẩm chất tốt đẹp, hành động quả cảm và sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ thanh niên xung phong.

Trong suốt 5 năm qua, năm nào Chi hội cũng được nhận Giấy khen của Hội về thành tích hoạt động văn học nghệ thuật. Đặc biệt có 4 tác giả được 10 giải thưởng của Trung ương. Cụ thể nhà văn Bùi Như Lan với 4 tập truyện ngắn và chùm truyện ngắn, nhà văn Hồ Thủy Giang với 2 tiểu thuyết, 01 kịch bản phim. Nhà văn Đào Nguyên Hải với tập truyện ngắn và nhà văn Nguyễn Văn với 01 truyện ngắn.

Tại Giải thưởng VHNT tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2012 - 2016, Chi hội có 9 tác giả với 11 tác phẩm đoạt giải, trong đó có 1 giải A, 2 gải B, 3 giải C và 5 giải Khuyến khích.

Đặc biệt, với tâm huyết đào tạo bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng cho những người sáng tác văn học, Chi hội và nhà văn Hồ Thủy Giang đã mở hai lớp viết văn cho hơn 20 học viên. Nhiều cây bút trẻ qua lớp viết văn đã khẳng định được khả năng sáng tác qua nhiều tác phẩm như Trần Thị Nhung, Hoàng Thị Hiền, Dương Văn Mưu...

Bước vào nhiệm kỳ mới, ngay từ đầu năm 2019, Chi hội đã có những tín hiệu vui: một số tác giả đã hoàn chỉnh bản thảo tiểu thuyết mới chuyển cho nhà xuất bản, hoặc đang tiếp tục hoàn thiện tác phẩm. 03 tác giả văn xuôi được kết nạp vào Hội…

Chi hội xác định trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, các tác giả văn xuôi Thái Nguyên phải nêu cao bản lĩnh chính trị, tinh thần cảnh giác cách mạng, có quan điểm chính kiến rõ ràng trước các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch và cơ hội chính trị, không bàng quan hoặc dao động để bị kẻ xấu chi phối, lợi dụng. Tập trung nâng cao chất lượng các tác phẩm văn học, nhất là các tác phẩm viết về mảnh đất và con người Thái Nguyên qua các thời kỳ lịch sử. Đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu sáng tác về mảng đề tài chiến tranh cách mạng và bảo vệ Tổ quốc trên chính quê hương mình. Tiếp tục phản ảnh với góc nhìn đa chiều về mọi mặt đời sống xã hội, chuyển tới người đọc thông điệp tư tưởng nhân văn.

Vấn đề đặt ra là Hội VHNT tỉnh và Chi hội cần tiếp tục thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ, xứng đáng là ngôi nhà chung của các văn nghệ sĩ, là nơi hội viên gửi gắm tâm tư tình cảm trong mối quan hệ đoàn kết gắn bó. Có các giải pháp cụ thể tổ chức các chuyến thực tế sáng tác. Xây dựng được mối quan hệ liên kết với các nhà xuất bản giúp hội viên phát hành tác phẩm. Duy trì và nâng mức kinh phí hỗ trợ hoàn thiện, công bố tác phẩm. Tổ chức các hội thảo chuyên đề giới thiệu ra mắt sách của hội viên. Có các chương trình bồi dưỡng trau dồi kỹ năng sáng tác và tạo điều kiện cần thiết cho hội viên duy trì cảm hứng sáng tạo để có những tác phẩm văn học đích thực đóng góp với nền văn học nước nhà. Bởi trên tất cả mọi lý luận và ngôn từ, người sáng tác phải thể hiện được mình bằng tác phẩm trước công chúng.

Trong bối cảnh đất nước phát triển nhanh chóng về kinh tế, văn hóa xã hội và mở cửa hội nhập quốc tế sâu rộng, cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 mà nền tảng là kỹ thuật công nghệ số bùng nổ, văn hóa đọc và sử dụng thiết bị công nghệ cho nhu cầu đọc có sự thay đổi, mong Hội là cầu nối giúp các hội viên có tác phẩm chất lượng có thể xuất bản và phát hành ấn phẩm qua không gian mạng để độc giả tiếp cận sách bằng ứng dụng thiết bị điện tử.

Mặt khác, Thái Nguyên là một tỉnh trung tâm vùng Việt Bắc, là một trong những căn cứ địa cách mạng trong các cuộc kháng chiến. Sáng tác về mảng đề tài chiến tranh cách mạng, nhất là các sự kiện diễn ra tại vùng Việt Bắc cần nhiều thời gian, công sức. Để có những tác phẩm xứng tầm, ngoài năng lực sáng tạo của tác giả, rất cần sự hỗ trợ của tỉnh Thái Nguyên và của Hội để các văn nghệ sĩ có điều kiện thâm nhập thực tế tìm hiểu tư liệu, nắm bắt cập nhật thông tin, phản ảnh khách quan về nét đặc trưng riêng của văn hóa vật thể, phi vật thể trong cộng đồng các dân tộc. Đồng thời tổ chức các cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật chuyên đề, tạo cảm hứng cho các tác giả có những tìm tòi bứt phá sáng tác những tác phẩm chất lượng. Ví dụ: Gắn cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật với tổ chức Festival Trà, tạo thêm một kênh góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của Trà Thái Nguyên, giới thiệu, quảng bá về cây trà và văn hóa trà một cách hữu hiệu hơn…

Với những kết quả tích cực của chặng đường đã qua, chắc chắn trong nhiệm kỳ mới, các hội viên trong Chi hội Văn xuôi sẽ tiếp tục phát huy tốt mọi tiềm năng, sáng tạo nhiều sản phẩm văn học có chất lượng và đóng góp xây dựng Hội VHNT tỉnh vững mạnh toàn diện về mọi mặt.

Phan Thái

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy