Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
04:48 (GMT +7)

Văn học nghệ thuật Thái Nguyên: Một năm ấm sáng

VNTN - Đi qua năm 2018, bằng nhiệt huyết và sự đồng lòng, đội ngũ văn nghệ sĩ Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã tạo nên những khoảng màu rực rỡ trong bức tranh toàn cảnh của mình. Tiễn năm cũ qua, bồi hồi ngẫm lại, thấy thêm động lực để cùng nhau bước tiếp trên chặng đường phía trước…


Ngay từ những ngày đầu năm mới Mậu Tuất, khi hơi xuân vẫn còn nồng nàn trên từng góc phố, đúng ngày Rằm tháng Giêng, Lễ hội Thơ Nguyên Tiêu, 2018 đã được tổ chức thành công mĩ mãn. Đây là hoạt động thường niên, thực hiện theo hướng dẫn của Hội Nhà văn Việt Nam và sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thiết thực mừng Đảng, mừng Xuân, mừng các ngày lễ lớn của đất nước, của địa phương; góp phần bồi đắp tình cảm, trách nhiệm đối với quê hương đất nước, với cuộc sống hôm nay, đồng thời là sự trân trọng các giá trị văn hóa và truyền thống thi ca của dân tộc.

Điểm nhấn của Lễ hội Thơ 2018 là sự xã hội hóa với sự “chung tay” của Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cùng các cơ quan, đơn vị, trường học, các câu lạc bộ thơ, biểu diễn nghệ thuật... Với sự sáng tạo không ngừng của Ban Tổ chức, thay vì tổ chức một buổi như những năm trước đây, Lễ hội đã diễn ra cả ngày, dành thời gian cho các tín đồ của nàng Thơ được thỏa sức thể hiện tình yêu với thi ca dưới nhiều hình thức.

Với chủ đề “Tổ quốc - Tình yêu”, Lễ hội Thơ 2018 đã thu hút hàng nghìn công chúng yêu thơ đến tham dự và để lại những ấn tượng sâu sắc về một mỹ tục đầu Xuân của mảnh đất này.

Thực hiện sự phân công của tỉnh, với vai trò là cơ quan thường trực Giải, Hội Văn học nghệ thuật đã tổ chức thành công Giải thưởng Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2012 - 2016. Đây là kỳ giải thưởng thứ 6 (lần đầu được tổ chức năm 1992) của giải thưởng lớn nhất tỉnh, dành riêng cho lĩnh vực VHNT nhằm tôn vinh, lưu giữ, quảng bá các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật của tập thể, cá nhân có giá trị, đã được khẳng định qua thời gian. Với 90 lượt tác giả/nhóm tác giả, 200 tác phẩm thuộc 10 chuyên ngành tham dự Giải thưởng, đây cũng là kỳ xét giải có số lượng tác giả, tác phẩm đông nhất, giá trị giải cao nhất từ trước tới nay (mức thưởng cao nhất - cho Giải A - bằng 20 lần mức lương cơ sở).

Các tác giả đoạt giải B Giải thưởng VHNT tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2012 - 2016

Ban Tổ chức đã xem xét, công nhận và trao tặng 07 giải A, 17 giải B, 19 giải C, 20 giải Khuyến khích cho các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc. Với cảm hứng và đề tài chủ đạo là quê hương, con người Thái Nguyên, có sự mở rộng biên độ sang những vùng không gian và đề tài khác mà Giải thưởng cho phép, các tác phẩm đoạt giải đã phản ánh được hiện thực sinh động của cuộc sống từ quá khứ đến hiện tại; khai thác các mảng đề tài truyền thống, đề tài chiến tranh cách mạng cùng với những đề tài đương đại bằng ngôn ngữ nghệ thuật đặc trưng của từng chuyên ngành.

Giải thưởng VHNT tỉnh Thái Nguyên 2012-2016 thể hiện sự trân trọng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân Thái Nguyên đối với thành quả sáng tạo của văn nghệ sĩ; ghi nhận một chặng đường sáng tạo đồng thời đặt ra những yêu cầu mới đối với việc xây dựng một đội ngũ văn nghệ sĩ coi khát vọng sáng tạo là mục đích cao đẹp của người cầm bút, gắn bó sâu sát với đời sống thực tiễn, tự làm giàu trí tuệ, tài năng của mình để có được nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và thẩm mỹ cao hơn nữa, tác động sâu sắc và tích cực hơn nữa đối với xã hội.

Năm 2018, có một dự án quan trọng được toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đặc biệt quan tâm, đó là tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm lưu niệm các thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái.

Thực hiện nhiệm vụ do Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh giao, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã tổ chức Cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật và xuất bản cuốn sách tuyển chọn tác phẩm VHNT về Đại đội TNXP 915 Anh hùng.

Toàn bộ tác phẩm mỹ thuật tham gia Cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật về Đại đội TNXP 915 Anh hùng, được tặng lại tỉnh để trưng bày tại Khu di tích TNXP 915.

Ngay sau khi phát động, Ban Tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của giới văn nghệ sĩ, bởi hơn 40 năm đã qua nhưng dấu ấn đau thương về sự hy sinh anh dũng của 60 cán bộ, đoàn viên Đại đội 915 vẫn còn rất sâu đậm trong ký ức các thế hệ người dân và văn nghệ sĩ Thái Nguyên.

Hơn 105 lượt tác giả/nhóm tác giả với 300 tác phẩm gồm âm nhạc, múa, nhiếp ảnh, mỹ thuật, điện ảnh - truyền hình, văn học (văn xuôi và thơ) đã gửi về tham dự. Đặc điểm chung của các tác phẩm là dòng cảm hứng mãnh liệt và niềm tri ân sâu sắc đối với sự cống hiến hy sinh tuổi xanh cho đất nước của các cán bộ, đội viên TNXP Thái Nguyên nói chung, 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915 nói riêng.

Ban Tổ chức đã trao 03 giải A, 7 giải B, 10 giải C, 15 giải Khuyến khích cho tất cả các chuyên ngành có tác phẩm tham dự. Cùng với đó, là tặng thưởng 10 tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm về Đại đội 915 đã được sáng tác quảng bá thành công, có ảnh hưởng xã hội trong những năm qua.

Song song với Cuộc vận động, cuốn sách tuyển chọn tác phẩm VHNT mang tên “Đại đội 915 - Còn mãi với nước non” (tập 1) gồm 40 tác phẩm thuộc các loại hình văn học (thơ, truyện ngắn, truyện ký, bút ký), nhiếp ảnh, âm nhạc,… do Hội thực hiện cũng đã kịp thời ra mắt độc giả, được dư luận đánh giá cao.

Bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ tỉnh giao, với vai trò tập hợp, khích lệ đội ngũ văn nghệ sĩ tích cực sáng tác góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, trong năm qua, Hội VHNT tỉnh đã làm tốt vai trò của mình trong các hoạt động chuyên môn.

Trân trọng những tài năng có nhiều đóng góp cho địa phương cũng như đất nước, Hội đã phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức thành công Chương trình nghệ thuật vinh danh Nghệ sĩ Nhân dân Lê Khình (Giải thưởng Nhà nước về VHNT, năm 2001) và Nhạc sĩ Lê Tú Anh (vừa có bài hát được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chọn làm ca khúc chính thức của tổ chức Công đoàn). Chương trình mang tên “Những bông đỏ của rừng” gồm các tác phẩm đặc sắc của hai nghệ sĩ, được dàn dựng công phu, dưới sự thể hiện của gần 100 nghệ sĩ, diễn viên đã đem đến cho công chúng một dấu ấn đẹp về tình yêu quê hương, tình yêu nghệ thuật và lớn hơn là tình cảm trân quý của các thế hệ văn nghệ sĩ dành cho nhau.

Nhân ngày Truyền thống ngành Nhiếp ảnh Việt Nam (15/3), lần đầu tiên giới nhiếp ảnh nghệ thuật Thái Nguyên được hội tụ tại buổi Gặp mặt giới nhiếp ảnh nghệ thuật do Hội tổ chức. Đây là dịp để các nghệ sĩ, người chơi ảnh nghệ thuật trong tỉnh ôn lại truyền thống vẻ vang của Nhiếp ảnh Việt Nam nói chung, những thành tựu, đóng góp của nhiếp ảnh Thái Nguyên nói riêng đối với đời sống; đồng thời, tri ân những nghệ sĩ tiền bối đặt nền móng cho nhiếp ảnh tỉnh nhà.

Nhân dịp này, 80 tác phẩm ảnh nghệ thuật của các hội viên, thành viên CLB đã được triển lãm tại chỗ, sau đó tiếp tục đem trưng bày phục vụ công chúng tại các trường: Đại học Y Dược Thái Nguyên và Đại học Khoa học - ĐH Thái Nguyên, nhằm tạo sự lan tỏa và từng bước đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng.

Quan tâm đến việc từng bước phát triển các tổ chức cơ sở cho giới văn nghệ sĩ ở các địa phương trong tỉnh, tháng 11/2018, Hội VHNT tỉnh đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản lí VHNT nhằm bồi dưỡng kinh nghiệm và kĩ năng hoạt động Hội cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý các Hội VHNT địa phương trong tình hình mới. Lớp tập huấn lần đầu được tổ chức đã mang đến cho học viên những kinh nghiệm, cách thức tổ chức hoạt động Hội, và củng cố tình đoàn kết, thân ái giữa các Hội VHNT địa phương; qua đó mỗi Hội đã tự tìm ra cho mình những giải pháp cụ thể, phù hợp với mỗi địa phương, để vận dụng trong hoạt động Hội được hiệu quả hơn.

Báo Văn nghệ Thái Nguyên và phiên bản điện tử vannghethainguyen.vn duy trì đều đặn cả về chất lượng và số lượng. Là một trong ba cơ quan báo chí của tỉnh nằm trong hệ thống báo chí quốc gia. Báo phát hành mỗi tuần một số với nội dung phong phú, đậm chất văn nghệ nhưng cũng không xa rời cuộc sống, xa rời nhịp đập hối hả của quê hương trên đà phát triển. Tờ báo đã thực sự là món ăn tinh thần được bạn đọc trong và ngoài tỉnh hướng đến.

Cái đích của sự sáng tạo là tác phẩm và giá trị của mỗi tác phẩm được đo bằng sự đón nhận của đồng nghiệp và công chúng. Trong năm qua nhiều hội viên đã đạt được những thành tựu đáng mừng trong lao động nghệ thuật. Nhiều giải thưởng trung ương đã được trao cho các hội viên như: họa sĩ Dương Văn Chung - Giải Ba Giải thưởng toàn quốc của Hội Mỹ thuật Việt Nam; Nghệ sĩ múa, biên đạo Hoàng Thiện Thực - Huy chương Bạc Liên hoan các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc; nhạc sĩ Lê Tú Anh, nhạc sĩ Vũ Văn Lực đoạt Giải thưởng Liên hoan âm nhạc khu vực phía Bắc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Nhà nghiên cứu Trần Thị Việt Trung và nhà nghiên cứu Cao Thị Hồng đoạt Giải thưởng của Hội đồng Lý luận Phê bình VHNT trung ương… Hàng chục đầu sách được xuất bản, hai cuộc triển lãm được tổ chức phục vụ công chúng, trong số đó phải kể đến Triển lãm ảnh thời sự - nghệ thuật “Không xa đâu Trường Sa ơi” của nghệ sĩ Khánh Vân gồm 75 tác phẩm được sáng tác sau chuyến công tác ra quần đảo Trường Sa. Triển lãm đã để lại nhiều xúc cảm cho khán giả.

Xuân đang đến rất gần mang theo những điều tươi mới, nhìn lại những thành quả có được, thấy ấm áp niềm vui. Thành quả đó là sự chung tay góp sức của đội ngũ văn nghệ sĩ hội tụ trong ngôi nhà VHNT này; là sự tận tâm, mẫn cán của đội ngũ cán bộ cơ quan văn phòng Hội luôn toàn tâm toàn ý vì sự ổn định và phát triển của Hội. Trong tập thể lớn không phải không có một vài cá nhân nho nhỏ thiếu đồng tâm, thiếu trách nhiệm với sự nghiệp chung, nhưng vượt lên tất cả vẫn là sự đoàn kết, đồng lòng, chung tay xây dựng của gần ba trăm hội viên yêu quý Hội, trân trọng đồng chí đồng nghiệp và luôn hướng đến sự Chân Thiện - Mỹ.

Chào năm cũ, chúng ta cùng đón chờ một mùa Xuân mới với ấm áp những nụ cười.

Huệ Minh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy