Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
07:47 (GMT +7)

Văn học nghệ thuật địa phương ngày một khởi sắc

Kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên (1987 - 2017)

VNTN - Những năm qua, nền văn học nghệ thuật (VHNT) Thái Nguyên ngày càng khẳng định vị thế, ảnh hưởng của mình trong khu vực cũng như toàn quốc. VHNT đã và đang được đưa đến gần gũi hơn với đông đảo quần chúng nhân dân trong tỉnh. Làm nên điều này, ngoài vai trò của Hội VHNT tỉnh, còn có sự đóng góp tích cực từ các Hội VHNT địa phương.


Mái nhà chung của những người yêu VHNT

Căn phòng nhỏ phía sau Trung tâm Văn hóa - Thể thao thị xã Phổ Yên, trụ sở của Hội VHNT thị xã ngày nào cũng khá đông đúc. 12 năm nay, nó đã trở thành điểm đến thường xuyên của không chỉ những hội viên mà còn là toàn thể những người đam mê VHNT trong thị xã. Ông Phan Thức (Chủ tịch Hội VHNT thị xã Phổ Yên) ngày nào cũng luôn túc trực tại đây để cùng với họ mạn đàm, trao đổi nhận xét đánh giá tác phẩm để nâng cao hơn về chuyên môn. Ông bồi hồi nhớ lại những ngày đầu thành lập Hội: Năm 2005, tôi cùng một số văn nghệ sỹ trong thị xã có chung niềm đam mê đối với VHNT nhưng cũng chỉ xoay quanh việc gặp mặt nhau. May mắn chúng tôi gặp được ông Đàm Thế Du (cựu Chủ tịch Hội VHNT tỉnh) và được ông hết sức quan tâm giúp đỡ, hướng dẫn tận tình cho việc thành lập nên tổ chức Hội. Ban vận động được thành lập gồm tôi và 4 người khác kiên trì đi khắp thị xã thuyết phục những người có cùng yêu thích VHNT tham gia. Cuối cùng đến ngày 6/4/2005, Chi hội VHNT huyện Phổ Yên (tiền thân của Hội VHNT thị xã ngày nay) đã được ra đời.

Ban đầu Hội chỉ có 17 hội viên, đến nay đã phát triển lên đến 40 người. Số lượng tuy còn khiêm tốn nhưng đều là những hội viên rất tâm huyết, một số tuổi đã trên 80 nhưng vẫn nhiệt tình tham gia sáng tác. Hội rất chú trọng vào chất lượng chuyên môn, hàng năm đều tổ chức lớp bồi dưỡng mời các văn nghệ sỹ có tên tuổi ở tỉnh và Trung ương giảng dạy cho hội viên và những người đam mê VHNT trong thị xã. Hội cũng thường xuyên tổ chức các chuyến đi thực tế sáng tác, các cuộc thi sáng tác văn học, triển lãm tranh ảnh để động viên, khơi dậy sự sáng tạo cho hội viên và liên tục kết nối hỗ trợ về chuyên môn cho 10 Câu lạc bộ VHNT trong thị xã để tìm kiếm ra những người đủ tiêu chuẩn kết nạp làm hội viên.

Chi hội VHNT huyện Phổ Yên, nay đã phát triển thành Hội VHNT thị xã Phổ Yên.

Dần dần, những sáng tác của hội viên được cải thiện, có nội dung tư tưởng sâu sắc gắn với các chủ đề thiết thực như: lịch sử địa phương, “xây dựng nông thôn mới”, “Đưa Nghị quyết Đảng bộ vào cuộc sống”... Trung bình mỗi năm có từ 140-150 tác phẩm của hội viên được đăng trên các báo, tạp chí từ Trung ương tới địa phương và xuất bản ít nhất 1 cuốn sách tập thể, 4 - 5 đầu sách cá nhân cho hội viên. Đáng chú ý là cuốn sách “Những điển hình tiên tiến làm theo lời Bác” tập 1 và tập 2 đạt giải A Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Tỉnh ủy tổ chức, cuốn “Tiên Phong - Vùng đất địa linh” nói về quê hương của vua Lý Nam Đế tại xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên... Từ khi thành lập đến nay, Hội đã 2 lần được nhận bằng khen của UBND tỉnh, năm nào Hội cũng nhận được giấy khen của Huyện ủy vì có nhiều thành tích trong hoạt động.

Nói đến chất lượng sáng tác, tầm hoạt động không thể không nhắc đến Hội VHNT thành phố Thái Nguyên. Hội được thành lập từ năm 2007 với  87 hội viên, trong đó có đến 2/3 là hội viên Hội VHNT tỉnh, hùng hậu nhất so với các Hội VHNT địa phương khác. Trong 10 năm qua, Hội VHNT thành phố luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết để vượt qua khó khăn, thử thách để đi vào hoạt động có hiệu quả. Nhiều tác phẩm VHNT có chất lượng đã được sáng tác và công bố đến đông đảo công chúng trong và ngoài tỉnh. Những tác phẩm của hội viên tham gia các cuộc thi, triển lãm khu vực và toàn quốc được đánh giá có chất lượng tốt, không ít tác phẩm đạt được giải cao.

Hàng năm, Hội thường xuyên tổ chức các cuộc triển lãm tranh, ảnh phục vụ nhiệm vụ chính trị, hoạt động văn hóa, những ngày lễ lớn của tỉnh, đất nước như: các triển lãm quy mô phục vụ các đợt Festival Trà Quốc tế - Thái Nguyên, triển lãm chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thành lập thành phố Thái Nguyên (2012). Tham gia, phối hợp với các CLB, đơn vị tổ chức những chương trình, sự kiện văn hóa, văn nghệ lớn như Tiếng hát “Người là niềm tin tất thắng”, “Hát về thành phố Thái Nguyên”, tham gia Lễ hội Thơ Nguyên tiêu diễn ra vào Rằm tháng Giêng hàng năm do Hội VHNT tỉnh chủ trì…

Tạo sức lan tỏa

Một trong những Hội hoạt động sôi nổi và có bề rộng là Hội VHNT huyện Định Hóa, đã có “tuổi đời” 30 năm, bằng với Hội VHNT tỉnh. Hội có tiền thân là Chi hội VHNT huyện Định Hóa, ra đời từ tháng 10/1987. Những năm đầu, chi hội chỉ vỏn vẹn 15 hội viên. Hội đã không ngừng phát triển, đến nay tổng số hội viên đã lên đến 70 người thuộc 3 Chi hội Văn học, Văn nghệ dân gian, Nhiếp ảnh và 489 hội viên cấp cơ sở sinh hoạt tại 18 Câu lạc bộ ở các xã, thị trấn.

Điểm độc đáo của Hội là mỗi năm đều tổ chức 5 đợt giao lưu, thi quảng bá các tác phẩm VHNT giữa các CLB cơ sở tại các xã trong địa bàn huyện. Mỗi đợt giao lưu đều gắn với kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm. 18 CLB được chia làm 5 cụm thi đua cạnh tranh với nhau, được chấm điểm, nhận xét khen chê khách quan, công bằng. Đây là dịp để các hội viên huyện và cơ sở thỏa sức với niềm đam mê, đồng thời là động lực để họ tiếp tục trau dồi, nâng cao chuyên môn sáng tác để không bị thụt lùi so với các cụm thi đua khác. Bà con nhân dân khắp nơi trong huyện, kể cả những xóm bản, ngõ ngách của các xã vùng sâu vùng xa thường xuyên có dịp được thưởng thức những món ăn tinh thần “cây nhà lá vườn” đầy ý nghĩa.

Từ năm 1998 đến nay, văn phòng Hội đã nhận được 3.644 tác phẩm do hội viên sưu tầm và sáng tác, hoàn thành 36 cuộc triển lãm ảnh, xuất bản được 12 cuốn sách tập thể, 63 cuốn sách cá nhân của 10 lượt tác giả và 02 ấn phẩm (về Văn hóa trà và Hội Lồng Tồng ATK Định Hóa), tổ chức thành công 15 đợt kỷ niệm Ngày Thơ Việt Nam, tổ sân khấu tham gia dàn dựng 37 lượt chương trình dự thi chuyên ngành cấp tỉnh, toàn quốc và đạt được nhiều giải thưởng cao... tất cả đó đều là những con số khá ấn tượng đối với một Hội VHNT địa phương.

“Chắp cánh” cho Hội VHNT huyện Định Hóa là đóng góp không nhỏ của các Chủ tịch Hội qua 5 thời kỳ, gần đây nhất là bà Nguyễn Thị Gái. Có người còn nói vui: bà Gái là “người nói nhiều nhất huyện Định Hóa” bởi bà thường xuyên kết nối liên hệ với các cơ sở, tổ chức để thực hiện công tác của Hội và cứ nhắc đến VHNT là bà lại tỏ ra rất thích thú, cuốn hút và “nói không ngừng”. Tiếp xúc vài lần sẽ thấy rằng bà rất chỉn chu, là con người của công việc nhưng cũng thật thân thiện. Bà Gái bộc bạch: “Nếu chỉ trông chờ mỗi kinh phí hàng năm thì mọi việc từ công bố, xuất bản tác phẩm, tổ chức giao lưu... sẽ chẳng được là bao. Phải liên tục liên hệ để tranh thủ sự giúp đỡ của các đơn vị, đoàn thể, doanh nghiệp để có nguồn xã hội hóa. Ở huyện, ở xã có hoạt động gì là Hội lại chủ động ngỏ ý được tham gia hoặc “góp vui” một chút văn thơ, văn nghệ”. Cứ như vậy, các hoạt động của Hội diễn ra liên tục, ngày càng phong phú, đa dạng và lan tỏa hơn. 

Vườn thơ Muôn nhà do Hội VHNT huyện Định Hóa đảm nhiệm

tại Lễ hội thơ Nguyên tiêu Thái Nguyên 2017

Năm 2008, nước ta bước vào giai đoạn đổi mới toàn diện, nhu cầu văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, các phương tiện truyền bá đa dạng, hiện đại hơn. Mặc dù nền VHNT cả nước nói chung đã có những bước phát triển, đạt được nhiều thành tựu, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém đan xen nhau. Trước tình hình trên, Bộ Chính trị (khóa X) đã đưa ra Nghị quyết số 23/NQ/TW ngày 16/6/2008 về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới”. Ngày 28/10/2008, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã ban hành Chương trình hành động số 24-CTr/TU về việc thực hiện Nghị quyết này.

Theo Chương trình hành động thì một trong những mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh Thái Nguyên là đến năm 2015, tất cả các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đều có các tổ chức Hội hoặc Chi hội Văn học nghệ thuật. Từ đó đến nay, lần lượt các Chi hội, Hội VHNT các huyện, thành phố, thị xã được kiện toàn hoặc thành lập mới. Hiện nay, 8/9 địa phương trong tỉnh đã có tổ chức Hội VHNT (chỉ còn duy nhất huyện Đồng Hỷ là chưa thành lập được) với trên 400 hội viên. Đó là điều hết sức đáng quý, là điều mà rất nhiều tỉnh khác chưa làm được.

Có thể nói, từ khi ra đời đến nay các Hội VHNT địa phương đều đã nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ khẳng định vai trò của mình, một số bước đầu thực hiện tốt. Nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng vẫn có Hội còn hạn chế, hoạt động chưa hiệu quả và còn lúng túng trong phương pháp hoạt động, chưa xác định được thế đứng của mình ở đâu trong huyện, trong tỉnh. Về chất lượng, còn ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, lý tưởng xã hội - thẩm mỹ không rõ nét. Nhiều hội viên còn hạn chế trong tiếp cận và nhận thức những vấn đề mới của cuộc sống, chưa cảm nhận đầy đủ chiều sâu và tính phức tạp quá trình chuyển biến của đất nước.

Một yếu tố khách quan nữa là do hiện nay cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các hoạt động VHNT vẫn chưa thật sự được quan tâm đúng mức so với các lĩnh vực khác hoặc do điều kiện của địa phương còn hạn chế. Kinh phí eo hẹp khiến các hoạt động của Hội cơ sở bị gò bó, thậm chí kìm hãm, chỉ dám “chắt chiu” từng tí một. Nhiều kế hoạch, ý tưởng rất muốn làm nhưng đành phải “để đó” hoặc bị bỏ dở. Không ít hội viên có tác phẩm hay được đánh giá cao, Hội muốn công bố, quảng bá nhưng cũng đành chịu. Tại một số địa phương, Hội VHNT vẫn chưa được công nhận là Hội đặc thù nên không có trợ cấp cho người quản lý, thậm chí đến văn phòng Hội cũng chẳng có (thành phố Sông Công, huyện Phú Bình). Ngoài ra, việc lựa chọn “thủ lĩnh” chưa phù hợp, chưa xứng tầm cũng là một lý do khiến hoạt động của một số Hội cấp huyện còn hạn chế.

Thái Nguyên là một tỉnh giàu truyền thống văn hóa, cách mạng, có đội ngũ văn nghệ sỹ, những người đam mê VHNT cấp cơ sở rất đông đảo. Mong mỏi của họ là có thể nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa của các cấp lãnh đạo. Bên cạnh đó những người có trách nhiệm, làm công việc quản lý, những văn nghệ sĩ nòng cốt ở địa phương cũng cần chủ động linh hoạt, nhanh nhạy hơn. Làm được những điều đó, nền VHNT của tỉnh nhà sẽ tiếp tục được “bay xa”, đời sống và nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân cũng sẽ càng được nâng cao hơn nữa.

Anh Thắng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy