Truyện ngắn của Jean Dutourd
Một câu chuyện phúng dụ
VNTN - Ngày xưa, ở một thành phố nọ có một gã khờ. Gã khờ đó có một con chó tên là Perdreau. Con chó đó giống hệt như mọi con chó khác, có nghĩa là nó không bao giờ phán xét chủ và gắn bó với ông ấy một cách phải chăng.
Nó phục vụ chủ những công việc hoặc những thứ mà một con chó biết làm.
Nó gầm gừ khi nhìn thấy một người nào đó mang dáng vẻ đáng lo ngại.
Nó sủa toáng khi có người bấm chuông cửa.
Một hôm có hai kẻ đi xe máy bỗng đỗ xịch lại. Chúng xuống khỏi xe và tiến về phía gã khờ với một thái độ đầy hăm dọa, gã khờ nhìn chúng đến gần mình với một nụ cười ngờ nghệch. Gã ngỡ rằng chúng đến xin lửa hút thuốc, nhưng trên thực tế, chúng muốn “xin” cái ví tiền của gã.
Về khoản này, con chó không nhầm, nó nhảy chồm lên hai tên kia trong lúc miệng sủa inh ỏi nên buộc chúng phải bỏ chạy.
Gã khờ kêu lên “Perdreau, lại đây ngay! Các ông hãy tha lỗi cho nó, nó không thuộc loài chó dữ đâu. A, con vật xấu tính này ! Rồi mi sẽ biết trận đòn nào đang chờ mi đó!”
Hai tên khốn kia nhảy bổ lên xe và cấp tập phóng đi mất dạng.
Gã khờ cho con chó một bài học. Con chó chẳng hiểu gì cả, nhưng tình yêu thương dành cho chủ của nó vẫn không hề giảm đi, bởi chó là nòi giống sống theo thuyết định mệnh. Chúng biết rằng con người thường hay có những phản ứng phi lô-gich.
Có lẽ có rất nhiều va chạm dạng này xảy ra. Mỗi lần con chó ngỡ đã làm tốt công việc của mình, thì gã khờ lại mắng mỏ đánh đập nó và lắp bắp những lời xin lỗi trước lũ vô lại, bọn trộm cắp và đám bất lương đủ loại mà con vật bất hạnh đã nhảy xổ vào cắn chúng để cứu nguy cho chủ. Nhưng ông chủ ấy cứ luôn miệng luôn nói rằng con chó này thật ngu xuẩn, tàn bạo và khát máu, và rằng nó không ngừng vướng hết lỗi lầm này đến sai phạm khác.
Thật uổng công biết bao khi là một con chó và đầy thiện ý, rốt cục thì nó cũng chán ngấy nhận những trận đòn của chủ. Con chó Perdreau ngán ngẩm và chẳng mấy chốc cả khu phố đều biết chuyện này.
Gã khờ sinh sống trong một biệt thự xinh xắn đẹp đẽ. Một tối nọ, một tên trộm leo qua tường và lẻn vào nhà. Con chó nằm trong ổ biết hết nhưng nó chỉ hé một mắt để nhìn vì nó là chó và đó là phản ứng bẩm sinh của loài chó, nhưng rồi nó nhanh chóng nhắm lại ngay mà không hề có ham muốn chiến đấu. Tên trộm bình thản khoắng sạch đồ trong ngôi biệt thự và ngang nhiên ra về.
Gã khờ thất vọng ê chề rồi mắng mỏ đánh đập con chó. Nó đón nhận bài học một cách hết sức quân tử, bởi đó chẳng phải là hành động phi lý đầu tiên của ông chủ dành cho nó.
Một tối khác, lại có một tên trộm khác lẻn vào nhà. Tên trộm này đem theo một xi lanh gắn kim tiêm và nhằm khối bụng ộ ệ của gã khờ mà cắm phập vào, và gã khờ đã chết vì mũi tiêm đó.
Trước lúc ra đi, kẻ sát sinh nán lại âu yếm con chó và nói với nó “chó cún ngoan!”
Con chó ngẫm ngợi, bởi lũ chó rất hay ngẫm ngợi: “Đây là những lời dễ chịu đầu tiên mà từ lâu lắm rồi mình mới được nghe“.
Câu chuyện này là chuyện của những người dân nước Pháp, của giới cảnh sát Pháp và những Dân biểu do chính họ bầu ra. Giới này ngạc nhiên khi không hiểu tại sao dân tộc Pháp lại bỗng nhiên không còn tin yêu và tôn trọng họ ư?
Ví dụ
Trên một đường giao thông vận tốc cho phép giới hạn ở 50 km/h, một ai đó đãng trí mà chạy tới 51 km/h, thì đó là một kẻ sát sinh, và họ không có bất kỳ kế sách nào để có thể vãn hồi được.
Những kẻ phát hỏa làm cháy những 400 chiếc xe hơi, những kẻ châm lửa đốt xe cảnh sát, những kẻ ném đá vào những nhà thi hành công vụ giữ gìn trật tự công cộng và lính cứu hỏa, thì được quan tâm chú ý mời đến điện Élysée để trình bày những yêu sách của chúng…
“… Người ta đánh con chó của mình từ ba chục năm nay, và hôm nay lại ngạc nhiên khi con chó cũng có rất nhiều tâm trạng…”.
Phải sống bằng gốc rễ
Jean Dutourd
Jean Dutourd tên đầy đủ là Jean Gwenaël Dutourd (1920 2011), sinh và mất tại Paris. Ông là một người đa tài năng trong nghề viết. Nhà báo, nhà thời luận, tiểu thuyết gia và cũng thường xuyên viết truyện ký. Ông mất mẹ khi mới lên bảy, và tòng quân khi vừa chớm đôi mươi. Ông bị bắt làm tù binh sau vài tuần tham chiến, sau đó đã vượt ngục và trở về Paris. Ông đậu bằng Triết học tại Sorbonne. Ông được bầu vào Viện Hàn lâm Pháp ngày 30/11/1978, tại vị ghế số 31. Trong suốt cuộc đời, ông luôn trăn trở với kiếp người bộn bề. Ông hình như bỏ qua thứ hào quang văn minh sáng loáng mà thế giới vẫn gán cho Paris và nước Pháp để đi tìm những bất bình, thói xa hoa rởm đời của người Pháp và ông mai mỉa cái xã hội ấy với giọng châm biếm... Ông viết: “Trong suốt đời mình, tôi luôn sống trong sự hiểu lầm. Tôi không đau khổ vì chuyện ấy. Tôi thậm chí đã nhìn nhận nó một cách rất quân tử. Người ta cứ luôn gán cho tôi những suy nghĩ mà chúng vốn chẳng phải của tôi. Trong các tác phẩm của tôi người ta nhìn thấy những điều mà tôi đã không viết...” Trong nhiều năm liền, ông là cố vấn văn chương cho Gallimard, một trong những Nhà xuất bản lớn nhất của Pháp. Ông tham gia làm báo khá lâu, ngay từ hồi Đại chiến thế giới II vừa kết thúc cho đến tận năm 1999. Ông nổi tiếng là một nhà báo kỹ tính, luôn nhìn thấu mọi chuyện, một người viết thời luận chua cay sắc sảo và lôi cuốn. Ông tâm sự: “Đương nhiên trong tôi tồn tại hai con người. Thứ nhất: là tiểu thuyết gia thì anh buộc phải nhìn thấy tất cả, hiểu tất cả, yêu tất cả. Để là một tiểu thuyết gia thì cần yêu hết mọi thứ, ngay cả lũ khờ dại và bọn đểu. Và Thứ hai: là một gã châm biếm”. Khi được đón nhận vào Viện Bất Tử năm 1980, ông nói “Vậy, trên thực tế điều người ta đã trách móc nhà báo Jean Dutourd, là không phải là một nhà bút chiến mà là một nhà văn miêu tả và chỉ trích những phong tục của một giai đoạn rồi từ đó, phát triển những nghĩ suy của mình về bản chất con người; nói gọn lại vẫn chỉ là Tác giả viết về luân lí đạo đức.” Nói về luân lí đạo đức gia thì J. Dutourd chính là như thế và rất sâu sắc. Bởi những tác phẩm của ông, cho dù đó là bài báo, truyện ngắn phóng dụ, hay truyện ký châm biếm thì cũng đều dựng lên bức tranh toàn cảnh của một xã hội, một thế giới mà tác giả chế giễu, châm biếm với sự chua cay nhưng cũng tràn đầy sự trìu mến. Nhất là ông đã tận dụng vị thế của mình để cho phép làm những gì mình muốn. Bộ trang phục Hàn Lâm Viện màu xanh truyền thống trở thành dạng “sừng da cá sấu”, và Dutourd tung hứng ở mọi lãnh địa: “Tôi cảm thấy mình như một người Da Đỏ, một dạng Geronimo, Crazy Horse. Tôi có cảm tưởng chủng tộc mình, tôi muốn nói là dân tộc mình, đang bị kết án. Và tôi sẽ chiến đấu đến cùng để không bị lệ thuộc, để cho nền văn hóa của tôi tiếp tục tồn tại”. Nhưng Dutourd không chỉ có những ý tưởng mà ông còn có phong cách, một bạn văn của ông đã viết: “Không ai biết rõ như Jean Dutourd cách điều khiển sự nghịch lí được pha trộn với bất bình, giữa phối hợp tự nhiên và sự tao nhã, giữa chửi thề và tiếng lóng dân dã được điểm xuyết bằng những giả định, bằng sự sống sượng, bằng sự bình dị thông thái và đôi khi là một đoản ngữ hiếm, phục hồi tốt nhất kho từ vựng của tiếng Pháp, từ La Fontaine đến Saint-Simon.” Những trò khiêu khích của ông là thân cây che cả một cánh rừng. Là một người yêu văn chương tha thiết nhưng ông tuyên bố với sự hài hước nhưng chân tình rằng: “Tôi viết không chỉ cho những người quanh tôi, mà còn cho những ai vẫn chưa chào đời, cũng như những người đã chết: tôi đánh giá cao Flaubert”. Ông để lại cho làng văn học Pháp một khối gia tài đồ sộ, trong đó nhiều tác phẩm đã được trao tặng các giải thưởng danh giá như: Prix Stendhal (1946) dành cho Le Complexe de César. Prix Courteline (1950) cho Une tête de chien. Prix Interallié (1952), cho Au Bon Beurre. Prix Prince Pierre de Monaco (1961) cho Toàn bộ sự nghiệp viết văn của ông. Prix Saint-Simon (2001), cho Jeannot, mémoires d'un enfant. Grand Prix Catholique de Littérature (2005) cho tác phẩm Journal intime d'un mort Ngoài ra, ông cũng được Nhà nước Pháp trao tặng nhiều huân huy chương cao quý vì sự nghiệp cầm bút. Paris 15/01/2016 |
Hiệu Constant (sưu tầm & dịch)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...