Truyện cực ngắn của Tsutsui Yasutaka (Nhật Bản)
Tsutsui Yasutaka sinh năm 1934 là nhà văn, kịch tác gia và diễn viên nổi tiếng của Nhật Bản. Ông cùng với Hoshi Shinichi, Komatsu Sakyo được xưng tụng là ba tác gia tiêu biểu nhất của dòng văn học viễn tưởng Nhật Bản. Không những thế ông đã nhiều lần giành được những giải danh giá của dòng văn học thuần túy Nhật như giải thưởng Izumi Kyoka vào năm 1981, giải thưởng Tanizaki vào năm 1987 và giải thưởng Kawabata Yasunari vào năm 1989. Năm 1992, Tsutsui Yasutaka nhận giải thưởng danh giá cho dòng văn học viễn tưởng toàn Nhật Bản. Ông có cái nhìn vô cùng sắc sảo vạch ra được nhiều bi hài kịch của đời người với nhiều suy ngẫm thâm thúy. Những truyện cực ngắn của ông dưới đây được chúng tôi dịch từ tuyển tập “Cấm cười” do nhà xuất bản Shinchobunko tái bản lần thứ 69 năm 2016.
Cuộc gặp gỡ đầy nước mắt
“Nhờ vào sự giúp đỡ của quý vị khán thính giả mà người cha đi lạc đã được tìm thấy”, người dẫn chương trình truyền hình gào lên.
Người vợ và con gái đang ngồi phấp phỏm không yên vừa thấy người đàn ông được dẫn vào trường quay liền đứng dậy, chạy đến gần bên mà la khóc.
“Mình à”
“Cha ơi”
Cả hai níu lấy người đàn ông mà khóc nức nở. Người đàn ông cũng khóc.
“Xin cám ơn tất cả quý vị trên toàn quốc đã liên lạc giúp đỡ. Xin ông đừng đi lang thang thêm lần nào nữa nhé”
Nghe lời người dẫn chương trình, ông ta vừa gật đầu vừa khóc.
Chương trình “Những cuộc gặp gỡ” kết thúc. Gia đình cả ba người rời khỏi đài truyền hình.
Đột nhiên, người vợ từ nãy đến giờ đang khóc rưng rức bỗng lao vào đánh đấm người đàn ông túi bụi với vẻ mặt như một con quỷ dữ.
“Này nhé, lần tới mà còn giở trò chạy trốn thì biết tay tôi nghe chưa?”
Đứa con gái cũng nhảy xổ vào đấm đá và hét lên. “Cho dù ông trốn đi đâu nữa thì chúng tôi cũng tìm thấy ngay thôi. Có đài truyền hình giúp đỡ mà. Hiểu chưa hả? Cái lão già này”
Người đàn ông vội vàng vừa khóc vừa trả lời “Vâng, tôi biết rồi ạ. Lần sau nhất định tôi không trốn đi nữa đâu. Làm ơn tha cho tôi đi mà”.
Cuối cùng chỉ có những giọt nước mắt đang lăn dài của người cha là thật. Không cần phải nói thì ai cũng biết là những giọt nước mắt của buồn bã cô đơn.
Chính nghĩa
Anh ta là người có cảm giác chính nghĩa đến mức cực đoan. Chỉ cần nhìn thấy chuyện bất bình là tuyệt đối không thể im lặng. Vì thế mà với tính cách như vậy, anh ta tự tạo cho mình rất nhiều kẻ thù.
Tuy nhiên cho dù bị nhiều người căm ghét nhưng anh ta không hề nản lòng. Anh nghĩ rằng tất cả những kẻ căm hận hay ghét bỏ mình đều là người xấu cả. “Lý do họ căm ghét mình là vì mình làm chuyện đúng đắn mà thôi”.
Cái ý nghĩa đó khiến anh ta cảm thấy tự tin vô cùng. Vì thế mà ngược lại anh ta càng tỏ ra căm ghét những kẻ căm ghét mình một cách công khai hơn. Và anh ta càng bị căm hận nhiều hơn nữa.
Mỗi lần tranh cãi đến mức đỉnh điểm hay khi đối phương từ bỏ quan điểm, không muốn dính dáng gì đến anh nữa là anh nhất định phải kiện cáo ra Tòa. Không dưới ba bốn lần anh ta dính dáng vào các vụ tố tụng. Vì luôn tin rằng mình đúng nên anh không bao giờ chấp nhận hòa giải và vì luôn cho rằng người đúng sẽ không bao giờ bị thua kiện nên các vụ xử án cứ kéo dài mãi ra.
Cứ suốt ngày tranh cãi như thế cho đến cuối cùng xung quanh không còn một ai bênh vực anh ta nữa. Điều đó khiến anh ta càng ngày càng thêm giận dữ, càng hăng hái đi kiện cáo tất cả mọi người. “Chỉ riêng việc ghét bỏ mình vốn là người chính nghĩa đã là một chuyện xấu xa rồi”.
Và khi Tòa đang phân xử, anh ta lên cơn cao huyết áp mà chết ngay tại pháp đình. Sau khi chết, linh hồn anh được lên thiên đường.
Nơi thiên đường tất nhiên chỉ toàn là người tốt. Không một ai căm ghét hay tranh cãi điều gì với anh cả.
Nhưng đối với anh ta mà nói, đó là nỗi thống khổ nơi địa ngục.
Dịch giả: Hoàng Long
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...