Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
03:11 (GMT +7)

Trừng phạt (Tiếp theo kỳ trước)

(Tiếp theo kỳ trước)

VNTN - Tuy nhiên, Chidam dường như lại là một tạo tác hoàn hảo của tạo hóa. Không hề có cái gọi là béo quá ở anh, không có một nếp nhăn, không có một vết rỗ trên cơ thể anh. Tay chân của anh là sự hòa hợp giữa sức mạnh và sự khéo léo. Nhảy từ dưới thuyền lên bờ sông, đẩy sào hay bẻ măng, dù làm bất cứ việc gì anh đều cho thấy sự khéo léo và nhàn nhã. Mái tóc dài của anh được chải bằng dầu từ đuôi lông mày xuống tới vai - anh rất chăm chút cho diện mạo của mình và luôn biết làm đỏm.

Mặc dù chẳng phải anh không màng tới sắc đẹp của những người đàn bà khác trong làng, và thích làm cho mình trở nên quyến rũ trong mắt họ, anh thực sự dành tình yêu của mình cho người vợ trẻ. Thỉnh thoảng họ cãi nhau, nhưng cãi nhau xong họ lại làm hòa bởi vì không ai có thể thắng nổi ai. Có một lý do sâu sa hơn khiến cho quan hệ của vợ chồng họ vững chắc: Chidam cảm thấy rằng một người vợ nhanh nhẹn và sắc sảo như Chandara không đáng tin cậy tuyệt đối, còn Chandara thì cảm thấy rằng chồng của cô có đôi mắt láo liêng- rằng nếu cô không giữ chặt chồng thì thế nào anh ta cũng lạc lòng.

 

Tuy nhiên, không lâu trước khi sự việc nói trên xảy ra, vợ chồng họ đã cãi nhau một trận ra trò. Chandara phát hiện ra rằng chồng cô đã lấy cớ đi làm ở một nơi xa để rong chơi và nấn ná ở đó thêm nhiều ngày mà không mang một đồng tiền công nào về nhà. Phát hiện ra chuyện đáng lo ngại đó, cô cũng bắt đầu đi quá giới hạn. Cô hay ra bến nước, và mỗi lần đi chơi về cô lại hay nhắc đến anh con trai thứ của ông chủ Kashi.

Dường như có điều gì đó đang đầu độc cuộc sống của Chidam. Anh ta không thể tập trung vào công việc được. Một hôm anh ta trách cứ chị dâu bằng những lời cay độc, đổ lỗi cho chị ta; hôm đó bỗng nhiên người chị dâu giơ hai tay lên trời nhân danh người cha đã khuất của mình mà rằng: “Cô ta nguy hiểm đấy. Làm thế nào ngăn cô ta được chứ? Ai biết cô ta sẽ mang đến sự hủy hoại nào?”.

Chandara từ phòng bên xuất hiện và hỏi: “Có chuyện gì thế bà chị?”. Và một trận cãi vã nảy lửa xảy ra giữa họ.

Chidam nhìn vợ mình trừng trừng và nói: “Từ giờ trở đi nếu tôi còn nghe nói cô đi ra bến một mình thì tôi sẽ đánh gẫy mọi cái xương trên người cô”.

“Như thế thì càng nhẹ nhõm.”, Chandara nói và bỏ đi chỗ khác. Chidam nhảy bổ tới, túm tóc, lôi vợ vào phòng và nhốt cô ta lại.

Tối hôm đó khi Chidam đi làm về, anh ta thấy cửa nhà mở toang, chẳng có ai ở nhà. Chandara đã trốn đến nhà ông chú của cô cách đấy ba ngôi làng. Phải khó khăn lắm Chidam mới thuyết phục được cô quay về nhà, nhưng sau đó anh ta đã phải nhượng bộ vợ. Thật khó để ngăn vợ mình khỏi hành động cực đoan. Chidam không sử dụng vũ lực nữa, nhưng trong ngôi nhà của họ chẳng còn sự bình yên. Tình yêu đầy phấp phỏng lo sợ dành cho người vợ trẻ khó kiểm soát khiến Chidam đau đớn. Đã có lúc anh ta tự hỏi nếu vợ anh ta chết quách đi thì có tốt hơn không: ít nhất sau khi tự hỏi như thế anh ta cũng cảm thấy chút bình yên. Con người ta có thể ghét nhau hơn cả cái chết.

Đúng vào thời điểm đó biến cố kia xảy ra.

Khi người chồng yêu cầu cô nhận tội giết người, Chandara nhìn anh ta bằng ánh mắt bàng hoàng, sửng sốt; đôi mắt đen của cô bừng bừng như lửa. Cô lùi dần lùi dần khỏi chỗ anh ta, như thể để trốn khỏi nanh vuốt của quỷ dữ. Cô mất cả thần hồn thần tính. “Em không việc gì phải sợ cả”, Chidam nói. Rồi anh ta dạy cô những lời cô nên nói với cảnh sát và nhà chức trách của địa phương. Chandara không có tâm trí nào để nghe những lời đó - cô ngồi đờ người ra như tượng trong khi chồng cô vẫn nói thao thao.

Dukhiram nhờ cậy cả vào Chidam. Khi bảo em trai mình đổ tội cho Chandara, anh ta đã hỏi: “Rồi chuyện gì sẽ xảy ra với cô ta?”. “Em sẽ cứu cô ấy”, Chidam nói. Câu nói đó khiến người anh hài lòng.

III.

Chidam đã dạy vợ anh ta khai thế này: “Chị dâu định dùng dao thái rau tấn công tôi. Tôi vớ lấy con dao làm đồng để ngăn chị ta lại, và vô tình con dao đó đã bổ xuống người chị ta”. Đó là tác phẩm sáng tạo của tác giả Ramlochan. Ông ta đã cung cấp cho Chidam những bằng chứng và những chi tiết thêm thắt cần phải có cho câu chuyện.

Cảnh sát tới điều tra. Và giờ người làng tin chắc rằng Chandara đã giết chị dâu. Tất cả các nhân chứng đều xác nhận điều đó. Khi cảnh sát hỏi Chandara, cô nói:

- “Phải, tôi đã giết chị ta”.

- Tại sao cô lại giết chị ta?

- Tôi không thể chịu đựng nổi chị ta nữa.

- Giữa hai người đã xảy ra cãi vã chăng?

- Không.

- Chị ta tấn công cô trước à?

- Không.

- Chị ta đối xử tệ với cô?

- Không.

Mọi người đều ngạc nhiên trước những câu trả lời đó, còn Chidam thì mất hết bình tĩnh. “Cô ấy nói dối đấy”, anh ta lên tiếng, “chị dâu đã... ”.

Viên thanh tra ra lệnh cho anh ta câm miệng. Cho Chandara đối chất, ông ta vẫn nhận được những câu trả lời y như trước: Chandara không thừa nhận rằng cô đã bị chị dâu tấn công. Quả là một cô gái ngang bướng! Dường như cô cứ nhất quyết đến với giá treo cổ; không gì có thể ngăn cản cô được. Đúng là sự kiêu hãnh tai hại, bạo liệt! Trong đầu Chandara thầm nói với chồng: “Tôi thà hiến tuổi trẻ của mình cho giá treo cổ còn hơn là cho anh. Sự trói buộc cuối cùng của tôi trên đời này chính là những sợi dây của giá treo cổ”.

Chandara bị bắt, bị đưa đi khỏi nhà mình, đi qua những đoạn đường quen thuộc, đi qua cỗ xe phục vụ lễ hội, qua chợ, qua bến nước, qua ngôi nhà của Majumdar, qua bưu điện, trường học - một người vợ thích cuộc sống vui nhộn, thích được tán tỉnh, vô hại, một người vợ bình thường; một người vợ mang một vết nhơ không bao giờ có thể gột rửa được. Một đám trẻ con đi theo sau cô và những người đàn bà trong làng, những người bạn của cô - vài người nhìn săm soi qua mạng che mặt, một số người đứng ở bậc cửa nhà họ, một số người đứng sau những thân cây - nhìn cảnh sát giải cô đi, nhún vai tỏ vẻ khó hiểu, sợ hãi và khinh rẻ.

Trước mặt ngài phó chánh án, Chandara một lần nữa lại nhận tội, và lại khẳng định rằng, vào thời điểm xảy ra án mạng người chị dâu không hề đối xử tồi tệ với cô. Nhưng khi Chidam được triệu tới để làm chứng anh ta hoàn toàn mất tinh thần, khóc lóc, vật vã và nói: “Tôi xin thề với các ông, vợ tôi vô tội”. Phó chánh án nghiêm giọng bảo Chidam hãy biết kiểm soát bản thân, và bắt đầu thẩm vấn anh ta. Dần dần toàn bộ sự việc được kể rõ ngọn ngành.

Quan tòa không tin anh ta, bởi vì vị trưởng làng, người có học thức nhất, đáng kính nhất trong số các nhân chứng - Ramlochan Chakrabarti - đã nói: “Chỉ một lát sau khi án mạng xảy ra tôi đã có mặt ở đó. Chidam đã thú nhận tất cả mọi chuyện với tôi và bám lấy chân tôi mà nói: 'Xin hãy nói cho tôi biết làm cách nào để cứu vợ tôi'. Tôi đã không nói gì. Sau đó Chidam lại nói: 'Nếu tôi nói anh trai tôi đã giết vợ trong lúc nóng giận vì chưa có thức ăn, thì vợ tôi sẽ thoát tội, đúng không?'. Tôi nói: 'Đồ gian trá nhà anh, hãy cẩn thận đấy: chớ có nói một lời dối trá nào ở tòa án - tội gian trá là tội nặng nhất đấy.'”.

Ramlochan trước đó đã chuẩn bị nhiều câu chuyện khác nhau để cứu Chandara, nhưng khi ông ta nhận thấy rằng bản thân cô cứ nhất quyết muốn đến với giá treo cổ nên ông ta quyết định: “Tại sao mình lại đánh liều mà đưa ra bằng chứng giả nhỉ? Mình nên nói ra cái mẩu sự thật mà mình biết.”. Vậy là Ramlochan đã nói những gì ông ta biết - hoặc đúng hơn, ông ta đã nói ít hơn những gì ông ta biết.

Ngài phó chánh án quyết định đưa vụ án ra xét xử tại tòa án hình sự. Trong khi đó trên những cánh đồng, trong những ngôi nhà, tại các khu chợ, những nỗi buồn và niềm vui vẫn diễn ra theo dòng chảy của cuộc đời; và giống như những năm vừa qua, những trận mưa xối xả của mùa mưa đã trút xuống một mùa gặt mới.

Cảnh sát, luật sư biện hộ và những người làm chứng có mặt đông đủ tại tòa án. Tại khu xử những vụ án dân sự ở phía đối diện những đám người đang ngồi đợi phiên tòa của họ. Một luật sư người Calcutta có mặt ở đó để tham gia một vụ xử tranh chấp một cái ao ở phía sau một nhà bếp; nguyên đơn có tới ba mươi chín người làm chứng. Hàng trăm người đang chờ đợi những phán quyết nghiêm khắc của tòa án trong nỗi lo âu, và vào lúc đó chẳng có gì quan trọng hơn điều mà họ đang chờ đợi. Chidam dõi mắt ra ngoài cửa sổ, nhìn đăm đăm vào đám đông, và anh ta cảm thấy những gì anh ta nhìn thấy tựa như một giấc mơ. Một con chim tu hú đậu trên một cây đa to trong sân của tòa án bỗng cất tiếng hót vang: không có phiên tòa, không có vụ án nào trong thế giới của nó hết!

Chandara nói với thẩm phán:

- Thưa ngài, tôi còn phải nhắc lại bao nhiêu lần những lời tôi đã nói nữa đây?

Vị quan tòa giải thích:

- Cô có biết với tội danh mà cô đã thú nhận cô sẽ phải chịu hình phạt nào không?

- Không.

- Hình phạt treo cổ.

- Vậy thì làm ơn hãy để tôi nhận hình phạt đó, thưa ngài, - Chandara nói. - Các người muốn làm gì thì làm đi, tôi không thể chịu đựng hơn được nữa.

Khi chồng của cô được quan tòa gọi lên làm chứng, cô quay mặt đi chỗ khác không nhìn anh ta.

- Hãy nhìn người làm chứng này, - quan tòa nói - và cho biết anh ta là ai.

- Anh ta là chồng của tôi. - Chandara nói, đưa hai tay lên bưng mặt.

- Anh ta có yêu cô không?

- Yêu như điên dại.

- Cô không yêu anh ta ư?

- Yêu như điên dại.

Khi Chidam được quan tòa hỏi, anh ta nói:

- Chính tôi đã giết chị dâu.

- Tại sao?

- Tôi muốn có thức ăn và chị dâu của tôi không mang cho tôi thức ăn.

Khi Dukhiram được gọi lên làm chứng, anh ta ngất đi. Khi tỉnh lại, anh ta trả lời:

- Thưa ngài, chính tôi đã giết cô ta.

- Tại sao?

-Tôi muốn ăn tối nhưng cô ta không chuẩn bị bữa tối cho tôi.

Sau khi cho các nhân chứng đối chất, quan tòa kết luận rằng hai anh em trai đã nhận tội giết người để cứu người vợ trẻ khỏi nỗi nhục bị treo cổ. Nhưng kể từ khi cảnh sát đến điều tra cho tới khi ra trước tòa, Chandara chỉ nhắc đi nhắc lại một điều rằng chính cô đã giết chị dâu - cô không thay đổi một chi tiết nào trong câu chuyện của mình. Hai vị luật sư, hoàn toàn tự nguyện, đã làm tất cả những gì có thể để cứu cô khỏi án treo cổ, nhưng cuối cùng lại bị chính cô làm cho thất bại.

Ai, trong cái đêm đầy hứa hẹn đó, cái đêm mà một cô gái tuổi còn rất trẻ, có khuôn mặt tròn nhẹ nhõm và nước da ngăm đen, đã bỏ lại những con búp bê mà cô gắn bó trong suốt thời thơ ấu ở nhà cha đẻ để bước chân về nhà chồng, lại có thể hình dung ra cái cảnh này? Cha cô, người mà đêm đó đang hấp hối trên giường bệnh, đã hạnh phúc biết nhường nào khi nghĩ rằng chí ít ông cũng đã thu xếp được cho con gái một tương lai ổn định trước khi nhắm mắt xuôi tay.

Trong nhà tù, ngay trước khi hình phạt treo cổ diễn ra, một bác sĩ pháp y tốt bụng hỏi Chandara:

- Cô có muốn gặp ai trước khi chết không?

- Tôi muốn gặp mẹ tôi. - Cô đáp.

- Tôi gọi chồng cô đến nhé? - Vị bác sĩ hỏi. - Anh ta rất muốn gặp cô.

- Không! - Chandara đáp.

Truyện ngắn. Tagore (Ấn Độ)

Nguyễn Bích Lan (dịch)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bí mật về ông chủ Cornille

Văn học nước ngoài 1 ngày trước

Chiếc tù và

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Anh ở đâu, tình yêu của em?

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Con hổ nhà thơ

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Cái chết đến cùng với sự thừa kế

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kỳ nghỉ trăng mật

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Nạn châu chấu ở vùng Sahel

Văn học nước ngoài 1 tháng trước