Trừng phạt
VNTN
I. Khi hai anh em trai Dukhiram Rui và Chidam Rui cầm dao mác ra khỏi nhà để đi làm đồng, vợ của họ đang cãi nhau ỏm tỏi. Nhưng những người sống gần đó đã quá quen với sự om sòm đó như quen với những âm thanh tự nhiên của cuộc sống thường ngày. Hễ nghe thấy tiếng gào thét chói tai của hai người đàn bà đó là y như rằng họ lại nói: “Các mụ ấy lại bắt đầu rồi đấy” - chuyện đang xảy ra chẳng có gì bất ngờ cả, nó không nằm ngoài quy luật tự nhiên. Khi mặt trời mọc, có ai hỏi, tại sao mặt trời lại mọc đâu; và mỗi khi hai người vợ của cái gia đình thuộc hàng tiện dân đó cãi nhau, không một ai tò mò tìm hiểu nguyên nhân tại sao họ lại cãi vã như thế. Tất nhiên sự cãi cọ ầm ĩ này ảnh hưởng đến chồng của họ hơn là những người hàng xóm, nhưng hai người đàn bà đó chẳng bận tâm. Cứ như thể họ đang cùng nhau đi trên đường đời bằng một chiếc xe ngựa có những bánh xe lăn nhanh, lóc cóc, không có lò xo, không thể tách rời nhau trong suốt cuộc hành trình. Quả thực, những hôm không có sự om sòm này, khi tất cả trở nên im ắng một cách kỳ lạ, họ cảm thấy một mối đe dọa không thể đoán trước được của ngày tận thế. Chuyện bắt đầu vào một ngày như thế. Nhá nhem tối khi hai anh em trai đi làm về, mệt bã người vì phải làm việc vất vả cả ngày, họ thấy ngôi nhà im ắng một cách khó hiểu. Trời cực kỳ oi bức. Hồi chiều trời đổ mưa và trên bầu trời vẫn còn đầy mây. Không có lấy một cơn gió. Những bụi cây, ngọn cỏ quanh nhà đã tươi lại sau mưa: mùi hương đậm đà tỏa ra từ những đám rau ẩm ướt, từ những ruộng đay đẫm nước, từ những bức tường rắn. Những con ếch cất tiếng kêu ộp ộp từ cái ao ở phía sau chuồng bò và tiếng dế râm ran tràn ngập cả khung trời xám xịt. Cách đó không xa, phía dưới những đám mây tựa như những ngọn núi, sông Padma ăm ắp nước trông thật phẳng lặng và nham hiểm. Nó đã làm ngập hầu hết những ruộng ngũ cốc, và đã tiến đến sát những ngôi nhà. Đây đó rễ của những cây xoài và những cây mít trên bờ sông đang bị xói lở trồi lên khỏi mặt nước, giống như những bàn tay bất lực đang níu lấy không khí tìm chỗ bấu víu cuối cùng. Ngày hôm đó, Dukhiram và Chidam phải làm việc cho địa chủ của làng. Trên bãi sông lúa đã chín. Lúa cần được gặt trước khi bãi sông bị ngập; những người nông dân nghèo nhất ở trong làng đều đang bận cắt lúa tại đó, ở ruộng nhà họ hoặc ruộng của người khác; nhưng một địa chủ của làng đã triệu hai anh em họ tới làm việc. Vì mái căn nhà được dùng làm phòng thu thuế của ông ta bị dột vài chỗ nên ông ta muốn mướn người đan thêm vài tấm phên mới để sửa mái nhà. Công việc đó ngốn mất cả ngày của anh em họ. Họ không thể về nhà ăn cơm trưa; họ chỉ ăn qua loa ngay tại phòng thu thuế. Mấy lần họ bị ướt sũng người vì mưa; họ không được trả công như những người lao động bình thường; quả thực họ chỉ nhận được những lời thóa mạ và nhiếc móc. Khi hai anh em họ trở về vào lúc trời nhá nhem tối, bước loạng choạng trong bùn đất, họ thấy Chandara, vợ của người em, đang nằm dang tay trên sàn nhà với tấm sari xổ ra xộc xệch trên người. Giống như bầu trời, chiều hôm đó cô đã khóc sướt mướt, nhưng giờ đây cô đã đầu hàng trước cảm giác mệt lử. Radha, vợ của người anh, ngồi trên hiên nhà với bộ mặt sưng sỉa; đứa con trai mười tám tháng tuổi của chị ta lúc trước đã khóc ti tỉ, nhưng khi hai anh em trai nhà Rui về họ thấy thằng bé trần truồng nằm ở một góc sân ngủ say tít. Dukhiram đang đói cồn cào thấy cảnh đó liền nói bằng giọng gắt gỏng: - Mang cho tôi cái gì ăn, mau lên. Giống như một tia lửa bén vào một bao thuốc súng, vợ của anh ta nổi cơn tam bành, gào lên: - Thức ăn ở đâu ra hả? Anh đã đưa cho tôi thứ gì để nấu ăn ư? Tôi phải ra đường mà kiếm cái ăn sao? Sau cả một ngày lao động cực nhọc, phải chịu đựng sự nhục mạ, trở về ngôi nhà tối tăm không có lấy một mẩu thức ăn, không có lấy một niềm vui - trong tình trạng muốn nổi điên vì đói - để rồi lại gặp phải sự châm chọc của Radha, đặc biệt là lời nói bóng gió của chị ta, quả thực Dukhiram không thể chịu đựng nổi. “Cô nói gì?” - Anh ta gầm lên như một con hổ đang nổi giận, và không suy nghĩ, anh ta bổ dao xuống đầu vợ. Radha đổ sập vào lòng người em dâu của mình, và vài phút sau chị tắt thở. - Anh đã làm gì thế hả? - Chandara thét lên, áo và sari của cô đẫm máu. Chidam vội dùng tay bịt miệng vợ lại. Dukhiram buông rơi con dao, khuỵu xuống, ôm đầu trong cảm giác choáng váng. Đứa bé thức dậy bắt đầu khóc thét lên vì hoảng sợ. Bên ngoài hoàn toàn yên ắng. Những thằng bé chăn bò đã trở về nhà. Những người gặt lúa ở bên kia sông, từng tốp năm hoặc sáu người một, đã lên thuyền và hầu như đã về nhà với vài bó lúa trên đầu mà họ được trả thay cho tiền công. Ramlochan Chakrabarti, ông trưởng làng, vừa mới đến bưu điện lấy thư về và đang lặng lẽ hút thuốc. Bỗng ông ta nhớ ra rằng Dukhiram, người mướn nhà của ông ta, rất chây ì chưa chịu trả tiền thuê nhà: anh ta hứa sẽ sớm trả tiền. Biết rằng hai anh em nhà đó đã đi làm về, ông ta liền hất đuôi khăn chadar ra sau vai, cầm ô, và bước ra khỏi nhà. Ông ta tìm tới nhà của anh em Ruis trong tâm trạng bực bội. Trong nhà không có ánh đèn. Ông ta nhìn thấy trên hiên nhà mờ tối có ba, bốn bóng người. Trong góc hiên có tiếng khóc bị bóp nghẹt: đứa bé trai đang khóc đòi mẹ, nhưng tiếng khóc đã bị Chidam hãm bớt âm lượng. - Dukhi, - Ramlochan hỏi bằng giọng lo lắng, - cậu ở đó à? Dukhiram từ nãy đến giờ vẫn ngồi đờ người ra như tượng; nghe thấy tiếng ai đó gọi tên mình, anh ta bỗng bật khóc nức nở như một đứa trẻ. Chidam vội vã bước từ trên hiên xuống sân để gặp Ramlochan. - Mấy mụ đàn bà lại cãi nhau hả? - Ramlochan hỏi. - Cả ngày nay tôi nghe thấy tiếng các mụ ấy gào thét. Chidam không biết phải làm gì. Những chuyện không thể tin được đã xảy ra với anh ta. Anh quyết định rằng đợi đến khuya anh sẽ đem cái xác đi đâu đó. Anh không thể ngờ được rằng Ramlochan lại mò đến nhà họ. Anh không nghĩ ra được lời nào để ứng phó. - Vâng, - anh lúng búng, - hôm nay các mụ ấy cãi nhau thậm tệ. - Nhưng sao Dukhi lại khóc lóc thế? Ramlochan vừa hỏi vừa bước về phía hiên nhà. Nhận thấy không có cách nào khác, Chidam buột miệng nói: - Trong lúc cãi nhau, cô em đã bổ dao vào đầu bà chị. Khi có mối nguy hiểm đang đe dọa trước mắt, người ta khó mà nghĩ đến những mối nguy hiểm khác được. Ý nghĩ duy nhất trong đầu Chidam là làm thế nào thoát khỏi sự thật khủng khiếp - anh ta quên rằng một lời nói dối có thể còn khủng khiếp hơn. Câu trả lời cho câu hỏi của Ramlochan bỗng nảy ra trong đầu anh và anh cứ thế nói ra. - Khiếp quá! - Ramlochan nói bằng giọng sợ hãi. - Cậu nói gì cơ? Cô ta chết rồi sao? - Chết rồi. - Chidam vừa nói vừa túm lấy chân của Ramlochan. Ramlochan lâm vào tình thế khó xử. “Ôi thánh thần ơi,” ông ta nghĩ, “tối nay mình gặp rắc rối to rồi. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu mình bị lôi ra làm chứng trước tòa chứ?”. Chidam vẫn bám lấy chân ông ta, nói bằng giọng cầu cứu: - Ông ơi, làm thế nào tôi cứu được vợ tôi đây? Ramlochan là nguồn cố vấn pháp luật quan trọng của làng. Ngẫm nghĩ một lát ông ta nói: - Tôi biết một cách. Hãy chạy ngay đến đồn cảnh sát và nói rằng anh trai Dukhi của cậu đi làm về muốn có thức ăn, và bởi vì thức ăn chưa có nên anh ta đã bổ dao vào đầu vợ mình. Tôi chắc chắn rằng nếu cậu nói với cảnh sát như thế thì vợ cậu sẽ thoát tội. Chidam cảm thấy cổ mình khô bỏng. Anh ta đứng phắt dậy và nói: - Ông ạ, nếu tôi mất vợ thì tôi còn có thể cưới vợ khác, nhưng nếu anh trai tôi bị treo cổ vì tội giết người thì tôi còn có ai thay thế anh ấy kia chứ? Lúc trước, khi Chidam đổ tội cho vợ mình, anh ta đã không nghĩ như vậy. Anh đã nói mà không suy nghĩ; bây giờ, những cuộc đấu tranh vì lợi ích cá nhân đang hình thành trong đầu anh. Ramlochan nói: - Vậy thì chuyện xảy ra như thế nào cậu cứ kể y như thế. Cậu không thể che chắn mọi bề được đâu. Chẳng bao lâu sau khi Ramlochan đi khỏi, tin đã lan ra khắp làng rằng Chandara Rui trong lúc cãi cọ với chị dâu đã dùng dao bổ vào đầu chị. Cảnh sát kéo đến như một dòng sông trong cơn lũ. Cả kẻ có tội lẫn người vô tội đều sợ hãi như nhau. II. Chidam quyết định bám theo con đường mà anh ta đã vạch ra cho mình. Câu chuyện mà anh kể với Ramlochan Chakrabarti đã lan ra khắp làng rồi; nếu một câu chuyện khác được truyền đi thì ai biết được điều gì sẽ xảy ra? Nhưng Chidam hiểu rằng nếu anh ta cứ bám lấy câu chuyện đó, nếu như vợ anh được cứu sống, anh sẽ phải bọc nó trong năm câu chuyện khác. Chidam thuyết phục Chandara nhận tội. Cô lặng người đi vì sửng sốt. Anh ta thuyết phục vợ: “Đừng lo - nếu em làm những gì anh bảo, thì em sẽ được an toàn tuyệt đối”. Nhưng dù Chidam có nói gì chăng nữa, cổ họng anh ta vẫn khô bỏng, còn mặt anh ta thì tái nhợt. Chandara mới chỉ khoảng mười bẩy, mười tám tuổi. Cô đầy đặn, rắn chắc và sung sức - đi, đứng, quay người, cúi xuống hay ngồi xổm đều rất nhanh nhẹn không chút vụng về. Cô giống như một chiếc thuyền mới tinh: trang nhã, nhẹ nhõm, không chỗ nào lỏng lẻo. Mọi điều đều gợi sự tò mò ở cô, khiến cô thích thú; cô thích buôn chuyện; khi cô cắp chiếc bình nước bên hông đi ra bến nước, khẽ đưa ngón tay vén tấm khăn che mặt lên, đôi mắt đen sâu thẳm, bồn chồn, sáng long lanh của cô chẳng bỏ sót bất cứ điều gì trên đường đi. Vợ của người anh thì hoàn toàn trái ngược với cô; lôi thôi, luộm thuộm, nhếch nhác. Chị ta rất cẩu thả trong cách ăn mặc, trong việc bếp núc cũng như cách chăm sóc con nhỏ. Chị chưa bao giờ làm được việc gì ra hồn, nhưng dường như lúc nào cũng bận bịu chẳng có thời gian cho bất cứ việc gì. Vợ của người em thường phải kìm nén không dám buông lời nhận xét, bởi vào lúc ôn hòa nhất Radha cũng có thể nổi cơn tam bành, dậm chân thình thịch, và gây sự với cô, làm mệt lỗ nhĩ của những người xung quanh. Chồng nào vợ nấy, họ xứng đôi một cách lạ lùng. Dukhiram là một người đàn ông cao lớn - xương to, mũi bè bè, ánh mắt và vẻ mặt của anh ta cho thấy anh ta dường như không được tinh nhanh cho lắm, tuy nhiên anh ta chẳng bao giờ nghi ngờ hay thắc mắc điều gì. Anh ngây ngô nhưng lại hay sợ sệt: một sự kết hợp hiếm hoi giữa sức mạnh và sự bất lực...
Truyện ngắn. Tagore (Ấn Độ)(Còn nữa) Nguyễn Bích Lan (dịch)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...