Trở về “ngôi nhà” của Hội Văn nghệ kháng chiến
VNTN - Ngày 11/5, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật huyện Đại Từ tổ chức chuyến về nguồn thăm Di tích Nơi ở và làm việc của Hội Văn nghệ Việt Nam từ năm 1949 - 1951 tại Mỹ Yên (Đại Từ).
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm trước bia Di tích Nơi ở và làm việc của Hội Văn nghệ Việt Nam (1949 - 1951).
Tham dự chuyến đi, ngoài Ban Chấp hành và cán bộ, nhân viên cơ quan Hội VHNT tỉnh, Ban Chấp hành Hội Văn học nghệ thuật huyện Đại Từ, còn có: đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; nhà báo Phan Hữu Minh, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên; Họa sĩ Vi Quốc Hiệp người con của Thái Nguyên vừa mới trở về từ Lâm Đồng.
Nói về chuyến đi này, nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh chia sẻ: Tìm hiểu về Mỹ Yên thì chúng tôi nhận ra, có những trang sử hào hùng, vẻ vang, có những góc rất thiêng liêng, ấm áp của lịch sử cần phải tìm đến và trân trọng. Mỹ Yên chính là nơi đặt trụ sở của Hội Văn nghệ Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp. Và chính nơi đây những văn nghệ sĩ hàng đầu của đất nước đã ở và làm việc, đã kiến thiết một nền văn nghệ cách mạng rực rỡ, kiến tạo ra những giá trị tinh thần quan trọng của một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Chính những giá trị quan trọng ấy góp phần đưa đất nước, đưa dân tộc đến thắng lợi trong công cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Chúng tôi cũng cảm thấy có lỗi vì mãi hôm nay mới tổ chức đông đủ đại diện của giới sáng tác và quảng bá VHNT trong tỉnh để về nguồn...
Thay mặt các văn nghệ sĩ của tỉnh, đồng chí cũng gửi lời cám ơn sâu sắc tới người dân trong xã và các cấp chính quyền đã gìn giữ, chăm sóc di tích suốt bao nhiêu năm.
Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh (bên trái) và đại diện các văn nghệ sĩ tặng ảnh lưu niệm cho UBND xã Mỹ Yên.
Xóm Chòi (nay là xóm Kỳ Linh) thuộc xã Mỹ Trạng (nay là xã Mỹ Yên), một xã miền núi nằm sát chân dãy núi Tam Đảo, cách trung tâm huyện Đại Từ 10km về phía tây. Mỹ Yên đã trải qua nhiều lần thay đổi tên gọi, trước năm 1945, Mỹ Yên là địa bàn của 2 xã Yên Dã và Mỹ Trạng. Hai xã này được hợp nhất thành xã An Mỹ năm 1947, năm 1976 xã đổi tên thành Mỹ Yên, tên đó được giữ đến nay.
Những năm kháng chiến chống Pháp, Mỹ Yên (Đại Từ) là một trong những cửa ngõ để vào ATK Thái Nguyên. Theo mô tả của các nhà văn thì nơi đây có một đời sống đông vui và vô cùng ấm áp của các văn nghệ sĩ, trí thức đi kháng chiến. Hội Văn nghệ Việt Nam đã từng ở Xóm Chòi (Mỹ Yên, Đại Từ) từ năm 1949 - 1951. Tại đây có những tên tuổi lớn của nền văn nghệ kháng chiến đã ở và làm việc, như: Tố Hữu, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Thế Lữ, Song Kim, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Tuân, Nam Cao… Họ chính là những văn nghệ sĩ hàng đầu đất nước, sáng tác những tác phẩm đỉnh cao kịp thời động viên và cổ vũ kháng chiến.
Để bày tỏ sự tri ân đối với vùng đất đã từng là trụ sở của cơ quan thường trực Hội Văn nghệ Việt Nam, Đoàn đã đến thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách có công với cách mạng của thôn Kỳ Linh, xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ; tặng quà lưu niệm UBND xã Mỹ Yên, và thăm Di tích nơi ở và làm việc của Hội Văn nghệ Việt Nam (1949 - 1951) đồng thời tặng biển chỉ dẫn vào khu Di tích.
Không chỉ có phần quà tặng xã Mỹ Yên, trong buổi gặp mặt nhà báo Phan Hữu Minh, vốn là người con gắn bó và trưởng thành từ Mỹ Yên đã chia sẻ những câu chuyện đầy xúc động về mảnh đất có truyền thống cách mạng này.
Tặng biển chỉ dẫn vào Di tích cho UBND xã Mỹ Yên.
Đại diện cho người dân và cấp ủy, chính quyền, đồng chí Nguyễn Quang Khê, Chủ tịch UBND xã Mỹ Yên cảm ơn đoàn công tác và các văn nghệ sĩ. Đồng chí khẳng định: Đây là chuyến về nguồn đầy ý nghĩa, từ những chuyến đi như thế này nhất định tương lai sẽ nhiều người biết đến nơi đây. Trong những năm qua các thế hệ lãnh đạo và người dân trong xã luôn gìn giữ và bảo tồn, đồng thời giáo dục thế hệ trẻ về địa chỉ đỏ nhiều ý nghĩa này.
Ngoài di tích Hội Văn nghệ Việt Nam tại Mỹ Yên còn có nhiều di tích lịch sử trong thời kỳ kháng chiến như: Bệnh Viện 354 thuộc Tổng cục Hậu cần; An Dưỡng Đường Thương binh số 2… mong rằng sau chuyến về nguồn này các cấp, các ngành có liên quan sẽ tiếp tục quan tâm để đầu tư để những khu di tích ngày một khang trang. Với trách nhiệm của địa phương chúng tôi xin hứa sẽ tiếp tục phát huy giá trị và bảo tồn tốt nhất các khu di tích.
Trao quà cho các gia đình chính sách, có công.
Và không chỉ bày tỏ sự tri ân đối với vùng đất đã từng là trụ sở của cơ quan thường trực Hội Văn nghệ Việt Nam, chuyến về nguồn còn là việc làm thiết thực hưởng ứng Kỷ niệm sự kiện 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về ATK Thái Nguyên cùng Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (20/5/1947 - 20/5/2022).
Hy vọng từ những chuyến đi như thế này sẽ còn có nhiều những chuyến đi khác, những việc làm ý nghĩa khác để không phụ công sức tấm lòng của người dân Mỹ Yên đã gìn giữ bảo tồn những di tích gắn với lịch sử cách mạng của đất nước.
Dâng hương tại Khu Di tích lịch sử quốc gia 27/7, thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ
Quang Khải
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...