Trại sáng tác Văn học trẻ 2019: Ấn tượng và hứng khởi, thổi bùng những đam mê
Diễn ra từ ngày 27/7 đến 10/8/2019, Trại sáng tác văn học trẻ 2019 được Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức, dành cho các bạn viết trẻ người Thái Nguyên có năng khiếu và đam mê sáng tác văn chương.
Sự tận tình, nhiệt tâm nơi giảng viên, sự nhập cuộc, sáng tạo phía những người viết trẻ và sự nỗ lực, chu đáo từ những người tổ chức - tất cả đã đem đến cho người được tham dự hoạt động này những điều vô cùng ấn tượng, thú vị và hứng khởi.
Tận tình và nhiệt tâm
Dù rất khó khăn trong việc di chuyển, lại vừa có chuyến công tác tận Quy Nhơn về, nhưng khi đến Thái Nguyên, nhà văn - dịch giả Nguyễn Bích Lan đã ngay lập tức truyền cảm hứng đến các bạn trẻ. Chị bắt đầu cuộc trò chuyện bằng việc kể lại câu chuyện của chính mình. Người phụ nữ bé nhỏ mà vĩ đại này học đến lớp 8 thì phải nghỉ học vĩnh viễn (bị bệnh loạn dưỡng cơ), hoàn toàn tự học tiếng Anh, đến nay đã dịch 36 cuốn sách văn học, góp nhiều công sức đem văn học thế giới về với Việt Nam, trở thành một dịch giả uy tín và gặt hái nhiều thành công trong đời sống văn học Việt Nam đương đại. Câu chuyện của người phụ nữ đặc biệt này đã khiến cả khán phòng nín lặng. Những đôi mắt chăm chú đầy thán phục. Cả những nhân viên phục vụ tại khán phòng cũng bị câu chuyện của chị lôi cuốn, lặng lẳng ngồi nghe, còn nói sẽ đưa con đến cùng nghe! Vậy là không cần điều gì xa vời, lớn lao, chính câu chuyện quá đỗi chân thực của chị đã khơi dậy cho tất cả mọi người bài học sâu sắc về nghị lực sống phi thường, về khả năng tự học tuyệt vời, về tình yêu văn chương mê đắm, về niềm tin đẹp đẽ vào những giá trị tốt lành trong đời sống này.
Ở một không khí khác, tiến sĩ giáo dục - nhà thơ Nguyễn Thụy Anh cùng các cô giáo của Câu lạc bộ Đọc sách cùng con (Hà Nội) đã đem đến một ngày đầy sôi động mà vẫn lắng đọng.
Một cách tự nhiên nhất, tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh đã kéo các bạn vào một thế giới của những tưởng tượng, mộng mơ, sáng tạo…, qua những “cuộc chơi” xây dựng ý tưởng văn chương, những cuốn sách và các câu chuyện về việc đọc sách, những kĩ năng viết lách và diễn đạt…Chứng kiến cách chị đưa văn chương đến với các bạn trẻ, nhiều người ao ước được trở lại thời học sinh để thả hồn vào những giờ Văn thế này. Sinh động. Gợi mở. Cuốn hút.
Chương trình dự kiến kết thúc vào 16h30, nhưng khi mọi câu chuyện có thể tạm kết thì đồng hồ đã quá 18h. Không ai cảm thấy “muộn” hay mệt mỏi, dường như họ còn đang bận nghĩ tiếp về cách phát triển và hoàn thiện “dự án văn chương” mà mình vừa xây dựng…
Đi sâu hơn vào các vấn đề cụ thể của “bếp núc” văn chương, nhà văn Hồ Thủy Giang và nhà thơ Nguyễn Kiến Thọ đã tận tình gợi ý, chỉ dẫn cho các trại viên những kiến thức căn bản về lí thuyết sáng tạo, về các thể loại thơ và văn xuôi: thế nào là một bài thơ, một truyện ngắn hay, những điều cần làm và cần tránh khi viết tác phẩm… Các bạn trẻ không chỉ được hòa mình vào một không khí hết sức lôi cuốn và thú vị, mà còn được đón nhận những cách nhìn, cách hiểu, tri thức mang tính nền tảng cho công việc sáng tác văn chương.
Sau ba ngày lĩnh hội thông tin trên lớp, Trại viết đã có hai ngày đi thực tế tại Hà Nội. Dù rất bận rộn, nhưng nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và nhà văn Tạ Duy Anh đã sắp xếp đón các bạn trẻ tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Trong không gian nhỏ của khán phòng, nhưng vô cùng rộng lớn của tâm hồn, các nhà văn nhà thơ đã chia sẻ những câu chuyện sâu sắc về đời sống, con người, văn chương, trao cho các bạn trẻ không chỉ những bài học mang tính cốt lõi và khai mở cho con đường văn chương, mà còn là những nguồn cảm hứng cao đẹp và mạnh mẽ. Không chỉ có những cuốn sách, những ấn phẩm, mà nhiều hơn còn là lòng tin yêu và sự khích lệ của các nhà văn đi trước - đó là những món quà vô cùng quý giá mà các bạn trẻ đã nhận được.
Tất cả đã truyền cho các bạn trẻ nguồn năng lượng và cảm hứng lớn để chuẩn bị bước vào hành trình văn chương phía trước của mình.
Nhập cuộc và sáng tạo
Từ chỗ ban đầu còn rụt rè, khó chia sẻ, càng về sau các bạn trẻ càng được dẫn dắt đến chỗ hào hứng tự tin, chủ động đưa ra ý kiến, bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc một cách rất thành thật, thể hiện những khả năng sáng tạo rất độc đáo. Đặc biệt, trong ngày làm việc cùng nhà thơ Nguyễn Thụy Anh, với gợi ý đề tài “xây dựng nội dung ý tưởng tác phẩm văn chương về thành phố của bạn”, các bạn trẻ đã được thỏa sức thể hiện cảm xúc, ý tưởng, trí tưởng tượng, khả năng xây dựng cốt truyện v.v...
Hãy đến với một trong số những “thành phố tương lai” mà các bạn trẻ đã “thiết kế” ra chỉ trong khoảng 20 phút ngắn ngủi, để cảm nhận về trí tượng tượng, óc sáng tạo của họ: “Thành phố của chúng tôi tên là Mộng Mơ. Ở đây có quảng trường Ước Mơ, từ quảng trường, thông qua con đường Tình Yêu sẽ dẫn đến sông Ký Ức. Tình yêu được nói ở đây không phải chỉ có tình yêu trai gái mà là tình yêu muôn loài muôn vật. Những gì mình yêu quý, muốn cất giữ sẽ được thả trôi trên những con thuyền gấp bằng giấy, xuôi theo dòng sông Ký Ức. Cạnh dòng sông Ký Ức có núi Thanh Xuân, những người muốn nhớ lại tuổi thanh xuân tươi đẹp của mình sẽ trèo lên ngọn núi này chơi. Con đường Bổ Mắt sẽ dẫn đến phố Nghệ Thuật, với cư dân là những nghệ sĩ tài hoa.
Họ làm xiếc, vẽ tranh, ca múa, và đem lại niềm vui cho mọi người. Bên cạnh phố Nghệ Thuật là phố Cười, phố có đường Vui. Đây là con phố quyền lực nhất của thành phố, vì nó đem lại tiếng cười cho tất cả mọi người. Đường No sẽ dẫn tới rừng Ẩm Thực, các cây ở đây sẽ mọc ra lương thực cho cư dân thành phố ăn, vì họ không sát sinh hay chế biến thức ăn gây ảnh hưởng đến môi trường. Người lớn đi làm ở phố Thành Công, ai muốn đi làm phải đi qua đường Kiên Trì…”.
Quả thực, nhiều bạn trẻ đã thực sự khiến các nhà văn và giảng viên phải ngạc nhiên về tính sáng tạo cũng như kĩ năng viết. Nhà thơ Nguyễn Thụy Anh đặc biệt thích thú với các ý tưởng ở đây. Nhà văn Hồ Thủy Giang - người giàu kinh nghiệm trong việc giảng dạy tại các trại sáng tác vui mừng nhận định rằng từ trước đến giờ chưa có trại sáng tác văn học trẻ Thái Nguyên nào mà nền tảng và xuất phát điểm của các bạn thiếu nhi tốt như vậy.
Còn những người trẻ, họ nghĩ gì về những ngày dự trại vừa qua?
“Tham gia trải nghiệm và học tập tại Trại sáng tác văn học trẻ 2019, em đã nhận được những món quà vô giá. Không chỉ được đi nhiều nơi, gặp nhiều người mình chỉ từng được biết qua sách vở mà em còn có thêm những người anh, người chị, người bạn tuyệt vời mà có lẽ sẽ đem lại những kỷ niệm không thể nào quên. Bài học lớn nhất về sáng tác em nhận được trong thời gian qua là: Hãy tự tin và là chính mình khi viết. Chỉ bản thân ta mới biết ta nghĩ gì, thấy gì, nghe gì và muốn viết gì”. Đó là những ấn tượng của bạn Lưu Thị Mai Anh (học sinh Trường THPT Chu Văn An) chia sẻ sau những trải nghiệm vô cùng đáng nhớ.
“Tôi cảm thấy may mắn vì đã có cơ hội được tham gia một chương trình bổ ích và ý nghĩa như vậy. Và tôi nghĩ rằng mình cần thay đổi. Quan sát nhiều hơn, lắng nghe nhiều hơn, đọc nhiều hơn và tự vấn nhiều hơn. Để tạo dựng một thế giới của chính mình, để tìm ra mình trong sáng tác nghệ thuật và đặc biệt để sống nhân văn hơn với cuộc đời”. Đó là những cảm nhận mà bạn Dương Văn Đạt (giáo viên Trường THPT Lương Phú, Phú Bình) chia sẻ.
Nỗ lực và chu đáo
Mong muốn phát hiện, bồi dưỡng, khích lệ những người trẻ có tình yêu văn chương và khả năng sáng tác, lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên đã có chủ trương tổ chức một trại sáng tác văn học trẻ thực sự thiết thực, bổ ích, hiệu quả, bước đầu tìm ra để xây dựng một đội ngũ sáng tác trẻ kế tiếp cho địa phương. Mọi việc được chuẩn bị từ rất sớm, từ việc lên kế hoạch cho đến triển khai phối hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo cũng như các nhà trường, đơn vị, từ việc phân công nhiệm vụ cho đến việc tìm kiếm tuyển lựa trại viên. Tất cả đều hướng đến mong muốn có được một hoạt động thực sự hữu ích.
Câu lạc bộ Văn học trẻ tỉnh Thái Nguyên là những người trực tiếp xây dựng ý tưởng nội dung chương trình hoạt động của trại. Họ vừa lặng lẽ lùi lại phía sau làm tổ chức, vừa cùng tham gia nhiều hoạt động khi trại diễn ra, như một sự đồng hành với những người viết trẻ mới. Đó như là một cuộc gặp gỡ, một sự đón chào của những người đã đi vào chặng đầu của con đường văn chương đối với những bạn cũng chuẩn bị bắt đầu bước vào con đường này. Trại sáng tác diễn ra với những hoạt động liên tục, dày đặc, kể cả những ngày cuối tuần, gồm: Khai mạc, giao lưu giữa các trại viên; Nghe chia sẻ về văn chương - học ngoại ngữ - dịch thuật tác phẩm; Nghe chia sẻ và thực hành rèn luyện về kĩ năng đọc - viết - sáng tạo; Học tập về kĩ năng sáng tác theo các thể loại thơ, văn xuôi; Thăm Nhà xuất bản Hội Nhà văn và gặp gỡ giao lưu với một số nhà văn Việt Nam, nghe chia sẻ về văn chương - đời sống; Trải nghiệm sáng tạo tại một số điểm như Câu lạc bộ Đọc sách cùng con, Bảo tàng Văn học, làng gốm Bát Tràng, Việt phủ Thành Chương; Trại viên hoàn thành bản thảo tác phẩm để các nhà văn, nhà thơ, giảng viên nhận xét đánh giá.
Để có được một chương trình phong phú, sinh động như vậy, Ban Tổ chức và những cán bộ cơ quan thường trực Hội đã không quản bận rộn, kể cả làm việc buổi tối hay xuyên ngày nghỉ cuối tuần, lo lắng đến từng chi tiết. Tất cả đều từ mong muốn có được một trại sáng tác vừa đảm bảo khâu tổ chức, vừa hấp dẫn và hiệu quả về nội dung cho các bạn trẻ.
* * *
Ngày tổng kết, các nhà văn các nhà thơ là giảng viên của trại đã có những trao đổi về gần 30 sáng tác văn xuôi và thơ mới của học viên. Những đánh giá thẳng thắn mà vẫn mang tính khích lệ đã giúp các tác giả trẻ nhận ra nhiều điều về sáng tác văn chương, về điểm mạnh và hạn chế của mình, để có được hành trang quý giá cho hành trình phía trước.
Phát biểu tổng kết, nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh gửi gắm: “Đã là một hạt mầm thì bằng cách nào đó nó vẫn sẽ lớn lên. Nhưng nếu được chăm chút, nó sẽ lớn nhanh hơn, sẽ kết trái và tỏa bóng mát nhiều hơn. Đó là lí do và cũng là hi vọng của những người tổ chức một trại sáng tác văn học trẻ như thế này. Mong rằng, những hạt mầm đã được chăm chút sẽ vươn nhanh hơn, để một ngày nào đó có thể tự tin khẳng định sự tham góp của mình trong việc làm cho cuộc sống này tốt đẹp hơn”.
Với những gì đã diễn ra, đã đọng lại, có thể cảm nhận rõ đây là một trại sáng tác văn học đầy ấn tượng và hứng khởi. Nó đã thổi bùng lên niềm đam mê sáng tác văn chương mà trước đó có thể mới chỉ đang nhen nhóm. Hi vọng nó sẽ mở ra những con đường phía trước để các bạn trẻ tự mình bước đến, khám phá và chinh phục.
Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ/ Như đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu (Bằng Việt). Hi vọng rằng vớinhững ngày qua, mỗi bạn trẻ tham gia trại sáng tác văn học sẽ có được những đám mây ngũ sắc cho riêng mình!.
Thanh Tâm
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...