Trại sáng tác Văn học thanh thiếu nhi 2022: “Truyền lửa” đam mê, khơi gợi nhiều ý tưởng sáng tác
Quang cảnh buổi khai mạc
VNTN - Sáng nay (4/8), Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã khai mạc Trại sáng tác Văn học thanh thiếu nhi năm 2022.
Năm nay, Trại được tổ chức dưới hai hình thức: trực tiếp và trực tuyến. Với sự kết hợp này, trại đã thu hút 73 trại viên là các thanh thiếu nhi (từ 10 - 19 tuổi) có năng khiếu và đam mê sáng tác văn chương, cùng những nhà văn, nhà thơ, tác giả viết về tài thanh thiếu nhi đến từ mọi miền đất nước. Hơn 20 trại viên tham dự trực tiếp tại điểm cầu Hội, số còn lại tham dự trực tuyến qua ứng dụng Google Meet.
Phát biểu khai mạc Trại, nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội VHNT Thái Nguyên cảm ơn các trại viên đã dành tình yêu và sự quan tâm đặc biệt cho văn chương nói chung và văn học về đề tài thanh thiếu nhi nói riêng. Nhà thơ cũng hy vọng, sau Trại viết này mỗi trại viên sẽ thu nhận được nhiều tri thức, kĩ năng, cảm hứng và sẽ vững bước trên con đường sáng tạo văn chương.
Văn chương không phải là sự vội vàng
Buổi sáng ngày làm việc thứ nhất, các trại viên được nghe nhà văn Đỗ Bích Thúy, trao đổi một cách chi tiết về 3 thể loại văn xuôi là tản văn, truyện ngắn, tiểu thuyết cùng những kĩ năng, phương pháp sáng tác 3 thể loại ấy.
Theo nhà văn: Tản văn chính là sự thật (phi hư cấu) và phải thật, phải lột tả được những câu chuyện ẩn giấu phía sau, phải có sự suy tư, chiêm nghiệm và có những thông điệp rõ ràng, nhân văn, thì mới là một tản văn hay. Trái ngược với tản văn, truyện ngắn lại là sự giả tưởng (hư cấu) nhưng một truyện ngắn chỉ thành công khi bạn đọc bắt gặp sự thật trong chính sản phẩm hư cấu ấy. Còn tiểu thuyết, về cơ bản, chỉ lớn hơn truyện ngắn ở bề dày.
Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Văn chương không phải sự vội vàng
Bằng giọng nói nhẹ nhàng sâu lắng, bằng phương pháp cùng trao đổi, thảo luận, bằng những trải nghiệm thực tế sống động, nhà văn Đỗ Bích Thúy đã truyền đạt những kiến thức bổ ích, giải đáp những thắc mắc của trại viên và gợi mở nhiều câu chuyện “bếp núc văn chương” lôi cuốn và cảm động.
Nhà văn còn đặc biệt nhấn mạnh: Muốn đi dài với văn chương, chọn đề tài là điều cốt yếu. Hãy viết về đề tài mà mình hiểu rõ nhất hoặc đề tài mà mình thật sự đam mê. Bên cạnh đó, hãy thường xuyên “gọi cảm hứng đến” chứ đừng đợi cảm hứng tới tìm mình.
“Văn chương không phải là sự vội vàng”. Văn chương là cả một quá trình tích lũy tư liệu và làm việc nghiêm túc. Cùng với đó, văn chương rất cần sự lắng lại và rèn luyện hàng ngày.
Thượng tá, nhà văn, nhà biên kịch Đỗ Bích Thúy, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, từng đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội (1999), giải Nhất tiểu thuyết Hội Văn học nghệ Thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam (2013). Một số truyện ngắn của chị đã được chuyển thể thành phim rất nổi tiếng như: “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” chuyển thể thành phim điện ảnh “Chuyện của Pao” (đạo diễn Ngô Quang Hải, đoạt giải Cánh diều vàng năm 2005), “Truyện ngắn Lặng yên dưới vực sâu” chuyển thể thành phim truyền hình cùng tên (2017)…
Hãy kể câu chuyện của chính mình
Buổi chiều, các trại viên được nhà văn Lê Phương Liên, nguyên Trưởng Ban Văn học Thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam trao đổi những góc nhìn bao quát về văn học cho trẻ em. Qua trình chiếu slide kết hợp với giảng giải bà đã hệ thống hóa lại nguồn gốc, quá trình phát triển văn học cho trẻ em ở Việt Nam.
Nhà văn Lê Phương Liên: Hãy kể câu chuyện của chính mình
Nhà văn khẳng định, bắt đầu từ: chuyện cổ tích, đồng dao, ca dao, ngụ ngôn... những sáng tác dân gian truyền miệng ấy là nền tảng, nguồn gốc rất có giá trị cho sáng tác văn học của trẻ em ngày này. Khi chúng ta có văn học viết với những tác phẩm bằng chữ Nôm và chữ Hán, chữ quốc ngữ thì văn học cho thiếu nhi cũng không tách rời văn học dân tộc. Khi nhà văn Tô Hoài nổi tiếng với tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu ký” và cho đến lúc NXB Kim Đồng thành lập thì văn học cho thiếu nhi ở Việt Nam thực sự phát triển mạnh mẽ với sự góp mặt của nhiều nhà văn lớn.
Và không chỉ có Tô Hoài giai đoạn sau này còn có khá nhiều các tên tuổi khác được trẻ em yêu mến như: Phùng Quán, Nguyễn Quang Sáng, Xuân Quỳnh, Nguyễn Nhật Ánh… Viết cho thiếu nhi rất khó, văn học cho thiếu nhi hiện nay đã có sự thay đổi lớn bởi sự du nhập những tác phẩm văn học nước ngoài vì vậy đòi hỏi người cầm bút phải có sự thay đổi, đấy là thách thức lớn mà người viết phải vượt qua. Có lẽ đây là một trong những nguyên nhân chính khiến những người viết cho trẻ em hiện nay ngày càng vắng bóng…
Bằng sự tâm huyết và trách nhiệm của người đi trước nhà văn Lê Phương Liên đã chia sẻ những điều cơ bản về sáng tác cho thiếu nhi. Qua hình thức hỏi - đáp kết hợp với những ví dụ thực tế từ những tác phẩm của Việt Nam và thế giới, những đặc trưng văn học thiếu nhi như: xây dựng hình tượng, nghệ thuật đồng thoại, ngôn ngữ đồng thoại, đã được khơi mở, “mổ xẻ”…
Các trại viên tập trung nghe giảng
Ngoài ra bằng chính kinh nghiệm sáng tác của mình một số kỹ năng viết cũng được nhà văn “bật mí”. Tuy vậy, bà cũng nhấn mạnh: Dù thế nào thì điều cốt lõi văn học thiếu nhi phải được nghĩ bằng cách nghĩ ngộ nghĩnh, hồn nhiên của trẻ em, chứ không nghĩ bằng cách nghĩ của người lớn.
Tại buổi trao đổi nhà văn Lê Phương Liên còn trả lời thỏa đáng những băn khoăn, thắc mắc hay gặp phải khi sáng tác của trại viên, nhất là các trại viên “nhí”. Và để thành công với văn chương bà khuyên các em: Hãy bắt đầu viết từ những điều mình quan tâm và hiểu sâu sắc nhất. Hãy kể câu chuyện của chính mình, qua đó vun đắp tình cảm sự sẻ chia, lan tỏa những yêu thương với niềm tin yêu cuộc sống.
Các trại viên ở điểm cầu Định Hóa
Các trại viên ở điểm cầu Trại Cau (Đồng Hỷ)
Với những gì hai nhà văn đã mang lại trong ngày làm việc đầu tiên của Trại sáng tác văn học Thanh thiếu nhi năm nay, chắc chắn sẽ “truyền lửa” văn chương và khơi gợi nhiều ý tưởng sáng tác cho những người viết nhất là những cây viết “nhí”.
Nhóm phóng viên VNTN
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...