Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
00:40 (GMT +7)

Trả vé – Vọng Thiên Sứ (Trung Quốc)

VNTN - A Đào định ngày 15 tháng giêng sẽ về quê dự hội làng. Vé tàu đã mua rồi nhưng cô vợ không đồng ý. Cô ta nói giọng bướng bỉnh: "Quê nhà anh chán lắm, anh muốn về thì cứ về, tôi không về."

"Vì sao? Tết đã về nhà cô rồi, thì 15 này về nhà tôi không được à?" A Đào xị mặt xuống chìa hai cái vé tàu ra: "Vé tàu đã mua rồi đây này."

"À, được rồi, anh tiền trảm hậu tấu, tôi nói cho anh biết mua vé rồi tôi cũng không đi. Bố mẹ tôi nuôi tôi lớn lên không dễ gì, tôi phải về với bố mẹ tôi chứ?", cô vợ vẻ mặt lạnh lùng buông một câu.

"Cái gì? Cô có bố mẹ thế tôi không có bố mẹ à?" A Đào đập tay xuống bàn quát.

"Ờ!" Cô vợ vẻ bực bội rồi nhấc điện thoại.

Sự hung hăng của A Đào tự nhiên mất đi, anh ta nắm lấy tay vợ hỏi: "Cô định làm gì?"

"Tôi gọi điện cho bố nói anh bắt nạt tôi." Nét mặt cô vợ đầy vẻ giễu cợt, cô biết A Đào đã xuống nước, cô như đang vác hòn đá đè lên trên.

"Được rồi, tôi không về nhà nữa." A Đào thở dài cầm lấy hai chiếc vé ở trên bàn đi ra ngoài.

"Đi đâu đấy?" Tiếng cô vợ ở phía sau lưng.

"Đi trả vé chứ đi đâu." A Đào giọng bực tức trả lời.

Ở phòng đợi tàu A Đào đi đi lại lại rất lâu, thực lòng A Đào không muốn đến cửa bán vé, cuối cùng A Đào chọn một hàng dài nhất đứng vào. Trước mặt A Đào là một cô gái, phía đằng sau là một ông già vừa mới đến. Do tâm trí lơ đãng và không để ý nên A Đào giẫm vào gót chân của cô gái, A Đào phải vội nói lời xin lỗi. Cô gái ngoảnh đầu lại cười nói: "Không sao đâu, người xếp hàng đông thế này sao mà tránh khỏi va chạm được."

Sự thông cảm của cô gái làm cho lòng A Đào ấm hẳn lên. A Đào nói với cô gái: "Tôi không phải xếp hàng để mua vé mà là để trả vé. Tôi định về quê nhưng lại có việc nên không về nữa."

Cô gái ngây người nhìn A Đào sau đó mới nói: "Ờ, thật đáng tiếc, trả lại vé không nhận lại được toàn bộ tiền đâu. Hôm Tết vì cơ quan tôi có việc gấp nên tôi mua vé về quê rồi mà không đi được nên cũng phải trả lại vé và đã bị khấu trừ 10%."

A Đào gượng cười nói: "Không sao, mười lăm về cũng còn tốt lắm rồi." Lời nói này kỳ thực A Đào nói cho cả mình nghe, mình định mười lăm về thế mà bây giờ... Ôi! Chỉ hèm một nỗi bố vợ lại là sếp ở công ty trên

"Này anh, nếu không có việc gì không thể đừng được thì nên về quê thăm bố mẹ. Lễ cả năm không bằng rằm tháng giêng, mười lăm mà không về được thì e rằng phải đợi đến sang năm đấy". Lời cô gái rất chân thành nhưng cô gái không thể hiểu được nối khổ tâm của A Đào.

Không thấy A Đào nói gì, cô gái quay đầu lại nhìn A Đào.

"Cậu thanh niên..." Ông lão ở phía sau vỗ vỗ vào vai A Đào. A Đào quay đầu lại hỏi: "Có việc gì không bác?"

Ông lão nói: "Đúng đấy, cô ấy nói rất đúng, nếu không có việc gì quan trọng lắm thì nên tranh thủ về quê thăm bố mẹ cậu đi!"

A Đào nhìn ông lão cười, sao hôm nay mình toàn gặp những người tốt bụng.

"Thế bác về đâu đấy?" A Đào muốn lảng sang chuyện khác, anh không muốn làm tiêu điểm của mọi người.

"Tôi đi thăm con tôi." Ông lão cười, nụ cười chẳng mang ý nghĩa gì, nhưng có chút chua xót, thờ ơ.

"Ờ, chẳng giấu gì anh, tôi cũng phải lén lút đi thăm con, con dâu tôi rất đáo để, nó không muốn cho tôi lên nhà nó."

Ông lão cười vẻ kín đáo nhưng lời của ông lão lại như một hòn đá ném vào ao nước trong lòng A Đào, bọt nước bắn tứ tung, trong phút chốc tâm trạng anh như bị hẫng hụt. Có đúng thế không? Bố mẹ mình có nghĩ như thế không, bố mẹ mình có buồn như ông lão này không, vì muốn gặp con cái mà phải lặn lội đường xa?

A Đào không chịu được nữa nói rất to: "Con trai của bác chẳng ra gì, không làm chủ được trong gia đình."

"Không phải thế, con trai tôi rất hiếu thuận, nó vẫn đều đều gửi tiền về cho tôi nhưng tôi không muốn chúng nó vì tôi mà bất hòa ... ". Lời giải thích của ông lão làm cho A Đào càng thấy chua xót trong lòng. Nhìn hàng người chầm chậm di chuyển, nắm chặt hai chiếc vé trong tay, khoảng cách với cô gái mỗi lúc một xa dần, cuối cùng A Đào bị đẩy ra khỏi hàng.

Nguyễn Thiêm (dịch)

Dịch từ Internet - Ctorychina.cn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bí mật về ông chủ Cornille

Văn học nước ngoài 2 ngày trước

Chiếc tù và

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Anh ở đâu, tình yêu của em?

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Con hổ nhà thơ

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Cái chết đến cùng với sự thừa kế

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kỳ nghỉ trăng mật

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Nạn châu chấu ở vùng Sahel

Văn học nước ngoài 1 tháng trước